Home / Chia Sẻ / ÁN TỬ HÌNH

ÁN TỬ HÌNH

AntuhinhÝ Cầu Nguyện Tháng 9-2022: CẦU CHO VIỆC BÃI BỎ ÁN TỬ HÌNH – Chúng ta cầu nguyện để án tử hình, điều tấn công vào phẩm giá con người, có thể được luật pháp bãi bỏ trong mọi quốc gia.

✽ ✽ ✽

Lịch sử của án tử hình ở Hoa Kỳ có thể bắt nguồn từ thời thuộc địa vào những năm 1600. Người ta cho rằng bản án tử hình đầu tiên được ghi nhận và hành quyết bằng việc xử bắn tại Jamestown, Virginia, thuộc địa của Anh, năm 1608.

LỊCH SỬ BAN ĐẦU

Thuyền trưởng George Kendall bị hành quyết tại thuộc địa Jamestown năm 1608 vì tội làm gián điệp cho chính phủ Tây Ban Nha. Các cuộc treo cổ công khai diễn ra trong suốt những năm 1600 và hầu hết những năm 1700.

Các quy tắc liên quan án tử hình khác nhau giữa các thuộc địa. Các tội danh khác nhau – từ ăn cắp thực phẩm, buôn bán với thổ dân da đỏ, phù thủy và tà giáo, đến tội nô lệ giết chủ nhân hoặc vợ giết chồng – đều bị kết án tử hình. Theo nhiều thuộc địa, án tử hình được xem là biện pháp răn đe. Chỉ thông qua các bài viết của các nhà lý thuyết châu Âu như Montesquieu, Voltaire, Bentham, John Bellers và John Howard mà phong trào bãi nô mới có vị thế. Phong trào này đã đạt được động lực vào năm 1764, khi luật gia kiêm triết gia Cesare Beccaria, người Ý, đã viết tiểu luận “Về Tội Ác và Trừng Phạt.” Ông nói rằng không có lý do biện minh nào cho việc lấy mạng sống của một con người.

Sau đó, khi bản Tuyên Ngôn Độc Lập được ký kết (1776), nhiều người đã ký tên như Tiến sĩ Benjamin Rush (sáng lập viên Hiệp Hội Nhà Tù Pennsylvania), Benjamin Franklin và Tổng Chưởng Lý William Bradford của Philadelphia, cho rằng án tử hình không phải là cách răn đe đối với một số tội phạm nhất định và nó thực sự làm tăng hành vi phạm tội. Năm 1794, Pennsylvania là tiểu bang đầu tiên xem xét các mức độ giết người, đã bãi bỏ án tử hình cho tất cả các tội phạm ngoại trừ giết người ở cấp độ một.

THẾ KỶ XIX

Trong những năm đầu của thế kỷ XIX, động thái bãi bỏ án tử hình đã thấy ở nhiều tiểu bang là kết quả của “thời đại Jacksonian,” lên án việc dùng giá treo cổ và tuyên bố đối xử nhân đạo hơn với tội phạm. Không chỉ số lượng tội phạm giảm, nhưng các trại cải huấn của nhà nước được xây dựng. Năm 1834, Pennsylvania trở thành tiểu bang đầu tiên chuyển các vụ hành quyết vào các trại cải huấn và không công khai. Một số tiểu bang như Michigan đã bãi bỏ án tử hình từ năm 1846 cho tất cả các tội phạm ngoại trừ tội phản quốc, trong khi các tiểu bang khác, như Rhode Island và Wisconsin, đã bãi bỏ án tử hình cho tất cả các tội phạm. Nhiều bang bắt đầu bãi bỏ án tử hình, nhưng vẫn áp dụng án tử hình đối với các tội liên quan sinh mạng, chẳng hạn các tội phạm do nô lệ gây ra. Một cuộc cải cách lớn và thắng lợi cho những người theo chủ nghĩa bãi bỏ án tử hình đã thấy khi Tennessee, và sau đó là Alabama, đã ban hành các đạo luật về án tử hình tùy ý năm 1838: các trường hợp phạm tội phải được xem xét. Sự phản đối án tử hình đã giảm dần trong cuộc nội chiến do xung đột giữa hai miền Nam và Bắc. Không mất nhiều thời gian trước khi các phương pháp hành quyết mới được phát triển, ví dụ như ghế điện, New York (1888).

THẾ KỶ XX

“Thời Kỳ Tiến Bộ” của cải cách đã diễn ra trong nửa đầu của thế kỷ XX. Trong khoảng thời gian từ 1907 đến 1917, có 6 tiểu bang đã đặt án tử hình ra ngoài vòng pháp luật, và 3 tiểu bang khác giới hạn nó ở các tội phản quốc và giết người cấp độ một đối với các quan chức thực thi pháp luật. Cuộc cải cách này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Khi chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ bị thách thức bởi những người xã hội chủ nghĩa chịu ảnh hưởng cuộc Cách Mạng Nga, công dân Hoa Kỳ đã hoảng sợ. Mỹ cũng bước vào thế chiến I (1914-1918). Như một cách phản ứng, năm 1920 có 5 trong số 6 quốc gia theo chủ nghĩa bãi nô đã khôi phục án tử hình.

Một số tiểu bang đã cố gắng tìm ra cách xử tử nhân đạo hơn là treo cổ hoặc điện giật; do đó, khí gây chết người được trao cho một tù nhân trong phòng hơi ngạt ở Nevada năm 1924. Với Kỷ Nguyên Ngăn Cấm của những năm 1920 và Đại Suy Thoái những năm 1930, các nhà tội phạm học hàng đầu cho rằng án tử hình là biện pháp răn đe xã hội cần thiết nhất. Nhiều vụ hành quyết diễn ra trong những năm 1930 ở Hoa Kỳ hơn bất kỳ thập niên nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau thế chiến II, nhiều người quay lưng lại với án tử hình do hậu quả của những hành động tàn bạo diễn ra trong chiến tranh. Trong những năm 1950 và đầu những năm 1960, Liên Minh Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (ACLU) và Quỹ Bảo Vệ Pháp Lý của Hiệp Hội Quốc Gia Vì Sự Tiến Bộ Người Da Màu (NAACP) đã tập trung nỗ lực vào việc cho kháng cáo các vụ án tử hình. Những năm 1950 có số vụ xử tử ở Hoa Kỳ giảm khoảng một nửa.

HIẾN PHÁP VỀ ÁN TỬ HÌNH

Tính hợp pháp của án tử hình đã bị thách thức vào những năm 1960. Lúc đó, có ý kiến cho rằng án tử hình là vi hiến theo Tu Chính Án Thứ Tám và được coi là hình phạt “tàn nhẫn và bất thường,” Torp kiện Dulles (1958). Kể từ đó, những người theo chủ nghĩa bãi nô đã thách thức Tòa Án Tối Cao tại nhiều phiên tòa, buộc tòa án phải điều chỉnh cách thức tùy tiện áp dụng án tử hình. Trong cuối những năm 1960 và 1970, nhiều vụ án đã được đưa ra trước Tòa Án Tối Cao, nơi tập trung vào vai trò của bồi thẩm đoàn và suy xét, khuyến nghị, bảo lưu hoặc công bằng đối với án tử hình, U.S. v. Jackson (1968), Witherspoon kiện Illinois (Năm 1968).

ÁN TỬ HÌNH ĐƯỢC TẠM NGƯNG VÀ TÁI LẬP

Vụ án nổi tiếng Furman kiện Georgia (1972) đã đặt ra tiêu chuẩn trong nhiều năm ở Hoa Kỳ. Tòa Án Tối Cao kết luận rằng việc cho bồi thẩm đoàn toàn quyền quyết định án tử hình cho tội giết người là hình phạt “tàn nhẫn và bất thường” và vi phạm Tu Chính Án Thứ Tám, đặc biệt nếu nó không phù hợp với tội phạm đó. Ngày 29-6-1972, Tòa Án Tối Cao đã hủy bỏ 40 luật tử hình, theo đó thay đổi bản án của 629 tù nhân chờ tử hình và đình chỉ bản án của họ. Vì không phải tất cả các luật về án tử hình đều bị hủy bỏ, nên Tòa Án Tối Cao đã cho từng tiểu bang riêng lẻ ủng hộ án tử hình – tức là Florida, lựa chọn việc đưa ra các luật mới.

HƯỚNG DẪN KẾT ÁN

Trong khi một số tiểu bang đã cố gắng loại bỏ mọi quyền quyết định của bồi thẩm đoàn về án tử hình đối với những tội phạm liên quan sinh mạng, các tiểu bang khác đã cố gắng hạn chế quyền quyết định của bồi thẩm đoàn qua việc thiết lập các nguyên tắc tuyên án. Ví dụ, các nguyên tắc sẽ cho phép đưa ra các yếu tố tăng nặng và giảm nhẹ khi tuyên án. Các nguyên tắc hướng dẫn này đã được Tòa Án Tối Cao phê chuẩn, Gregg kiện Georgia (1976). Các luật mới về án tử hình được ban hành ở các tiểu bang ủng hộ án tử hình như Florida, Georgia và Texas giờ đã hợp hiến; do đó, án tử hình đã được phục hồi ở các tiểu bang này.

TÁI LẬP ÁN TỬ HÌNH

Các cuộc hành quyết lại tiếp tục với vụ xử tử kẻ sát nhân Gary Gilmore, trước một đội bắn, ngày 17-1-1977 tại Utah. Oklahoma đã áp dụng phương pháp chích thuốc làm chết vào cùng năm đó. Mặc dù việc bãi bỏ án tử hình ngày càng gia tăng ở Âu châu nhưng Mỹ vẫn giữ.

HẠN CHẾ ÁN TỬ HÌNH

Từ những năm 1970 đến những năm 1990, Tòa Án Tối Cao cho rằng một số tội phạm nhất định không thể bị trừng phạt bằng án tử hình và do đó án tử hình bị coi là vi hiến và vi phạm Tu Chính Án Thứ Tám. Trong các trường hợp phạm tội như hiếp dâm các nạn nhân nữ nếu họ không bị giết, tội phạm của người bị tâm thần và của người chưa thành niên – dưới 16 tuổi, Thompson kiện Oklahoma (1988), án tử hình là vi hiến.

ÁN TỬ HÌNH VÀ THANH THIẾU NIÊN

Mặc dù việc hành quyết người chưa thành niên – dưới 16 tuổi, bị coi là vi hiến ở một số tiểu bang, các hạn chế vẫn tồn tại. Ở các tiểu bang không giới hạn độ tuổi tối thiểu trong quy chế án tử hình, người chưa thành niên tại thời điểm phạm tội vẫn có thể bị tử hình. Năm 1989, Tòa Án Tối Cao cho rằng Tu Chính Án Thứ Tám không cấm án tử hình đối với những tội ác mà những người 16 tuổi vi phạm, Stanford kiện Kentucky, và Wilkins kiện Missouri. Năm 1992, Hoa Kỳ đã phê chuẩn Điều 6 (5) của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị, trong đó quy định rằng án tử hình sẽ không được áp dụng đối với những người chưa thành niên phạm tội khi dưới 18 tuổi. Nhiều quốc gia khác không bảo lưu điều này, nhưng Mỹ vẫn giữ quyền làm như vậy.

KHIẾU NẠI

Một vấn đề khác mà Tòa Án Tối Cao đã phải giải quyết năm 1993, tại phiên tòa Herrera kiện Collins, là tính hợp hiến của việc xử tử một bị cáo tuyên bố vô tội thực sự. Tòa Án Tối Cao đã ủng hộ tính khả dĩ rằng Hiến Pháp cấm hành quyết bất kỳ người nào chứng minh một cách dứt khoát rằng họ vô tội. Đồng thời, tòa án cho rằng miễn là không có vi phạm hiến pháp nào khác, “bằng chứng mới về sự vô tội không đủ lý do để tòa án liên bang mở phiên tòa xét xử mới.” Thay vào đó, đa số tòa án khuyến nghị rằng những người có thể chứng minh sự vô tội nên tìm kiếm sự khoan hồng của hành pháp từ thống đốc của tiểu bang. Tuy nhiên, việc tìm kiếm sự khoan hồng phần nào bị cấm khi quy trình kháng cáo bị thay đổi do Luật Chống Khủng Bố và Án Tử Hình có hiệu lực năm 1996. Khó khăn hơn nhiều đối với các tù nhân chờ án tử bị lật ngược bản án.

Kể từ đó, mối quan tâm liên quan việc xử tử những người vô tội đã trở thành cơ sở chính cho các cuộc tranh luận chống án tử hình. Hội nghị chính thức đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng là Hội Nghị Quốc Gia về Kết Án Sai Trái và Án Tử Hình ở Chicago, Illinois, năm 1998. Năm 1999, một nghị quyết đã được Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNCHR) thông qua. Nghị quyết này kêu gọi tất cả các quốc gia vẫn duy trì án tử hình để “hạn chế dần dần số lượng tội phạm mà nó có thể được áp dụng với quan điểm hoàn toàn xóa bỏ nó.”

Áp lực trên toàn thế giới chống lại án tử hình cùng với việc gia tăng chi tiêu cho các vụ kháng cáo và tòa án có thể là một số lý do thập niên này đã giảm dần sự ủng hộ của công chúng đối với án tử hình. Lịch sử đã chỉ ra rằng thời gian và hoàn cảnh làm thay đổi quan điểm. Trong khi có nhiều bang ủng hộ án tử hình, các cuộc chiến giành công lý sẽ tiếp tục diễn ra tại các tòa án địa phương và liên bang.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ ndla.no)

Tháng 09-2022

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …