Mỗi năm, lúc còn đang ráo riết các lễ hội mùa xuân, cánh mai mải miết nhuộm vàng để màu nắng tươi, cành đào miệt mài bung sắc hồng cho làn gió mát, khi lòng người đang chộn rộn bởi những cuộc vui chưa dứt, thì người Công Giáo lặng lẽ thu mình vào Mùa Chay Thánh.
Thói đời, cuộc vui qua mau, một tháng ăn chơi luôn là quá ngắn, nhưng 40 ngày chay tịnh thật quá dài. Chưa thỏa thích với “tháng giêng là tháng ăn chơi”, một số người níu kéo thêm “tháng 2 cờ bạc, tháng 3 rượu chè”. Chẳng riêng dân Việt mê say nên cảm thấy mùa chay lạc điệu, mà rất nhiều sắc dân khác đón nó cũng hững hờ. Chẳng hạn, để đối phó với chuỗi ngày “Lungo come la quaresima” (thăm thẳm như mùa chay) người Ý sẵn sàng nổ tung mình cho lễ hội Carnival tưng bừng, vốn có thể kéo dài từ một, hai hay thậm chí ba tuần, tùy theo cấu trúc kinh tế khu vực, và chỉ kết thúc cách không thể vui hơn được nữa vào lúc nửa đêm thứ Ba béo, ngay khi bước qua ranh giới thứ Tư ăn chay.
Mùa chay đến cách kiên quyết, định kỳ nhưng lại luôn “trái khoáy” lòng chúng ta. Không bất ngờ sao được khi đang hừng hực khí thế trong cuộc vui cấp quốc gia với các lễ hội đầu xuân, thì chúng ta, những người Công Giáo, lại phải gồng mình giữ thăng bằng mà nhắc nhau: “nhớ nhé chuẩn bị thứ tư lễ tro đấy”. Để rồi tiếp đó là 40 ngày chuyên chăm cho 3 việc biết rồi khổ lắm nói mãi: “ăn chay, cầu nguyện, chia sẻ”.
Lời nhắc nhớ rất dễ thương sắp tới Lễ tro ăn chay mau chóng phai tàn giữa chuyện hàng ngày ăn nhậu. Vì quen thói “soái ca, đã chơi là chơi hết ga” nên giữ được chữ “ăn” trong “ăn chay” rất là khó. Chỉ có các bà các cô là khá hơn, linh động uyển chuyển để khéo léo kết hợp “ăn giảm béo” sau những ngày ăn tết. Ít ai mà giữ tròn các bổn phận quan trọng khác “cầu nguyện, chia sẻ”. Ăn chay kiểu này là ăn gian và thực ra nó đã có từ xa xưa, đã bị tiên tri Isaia vạch mặt “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,2-12:).
Vậy nên, để có thể ăn chơi tẹc ga mà không sợ hóc xương gà, không sợ bị cụ Isaia mắng, mùa chay năm nay mỗi người chúng ta để ý tới các cách ăn như sau:
– Ăn nói: thánh Giacôbê đã nói “ai làm chủ được miệng lưỡi là người hoàn hảo”. Hầu hết các tội ta phạm hàng ngày đều là “ăn bậy nói càn, ăn tục nói phét”. Hãy giữ gìn miệng lưỡi của mình, tránh hói hành, nói xấu để dâng lên Chúa lời ca tiếng hát, để mình trở nên duyên dáng đáng yêu. Sự ngọt ngào là dấu chỉ của tâm hồn cao thượng.
– Ăn mặc: trang phục đẹp là khi đáp ứng hai tiêu chí: tinh tế và thanh lịch, chứ không phải vì “độc và lạ”. Tinh tế là vì biết mình biết người, biết thời gian không gian để trang phục thích hợp. Xu hướng thời nay chỉ chạy theo độc và lạ nên biến nhiều người trở thành lố bịch và lạc lõng.
– Ăn ở: “Hãy ăn ở nhân hậu, khiêm tốn, và ngay thẳng” (thư 1 Phêrô). Ăn ở ngay lành, nhân ái bao hàm một cuộc sống yêu thương, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ tha nhân. Nó rất khác với GATO thời nay: ghen ăn tức ở. Giàu sang không vì những gì ta có, mà vì những gì ta có thể cho đi.
– Ăn năn: Năn là một loại cỏ dại có củ trong đất và ăn được. Người muốn ăn năn thì phải cúi xuống đào bới đất. Thái độ cúi xuống khi ăn năn đó được cha Đắc Lộ ghi nhận, và giải thích trong Từ Điển Annam – Lusitan – Latinh rằng theo nghĩa bóng là sám hối. Khi ăn năn, chúng ta dễ dàng đến với tòa giải tội để nhận Ơn An Bình.
Tựu trung lại, mùa chay là thời gian thuận lợi để chúng ta nhắc bảo nhau sống tốt hơn, là thời gian thiêng thánh để ta đón nhận được nhiều ơn lành. Hãy ăn ngay ở lành. Đừng ăn gian nói dối, chớ ăn càn nói bậy.
Linh mục Phêrô Nguyễn Đức Thắng
Mùa chay 2017
http://giaophanlongxuyen.org/NewsDetail.aspx?ID=20170312054741