Ăn chay là một dạng ăn kiêng, nhưng ăn chay luôn liên quan ăn năn. Chắc hẳn không ai lại không biết ăn năn là gì. Tại sao? Bởi vì “nhân vô thập toàn”, ai cũng có kinh nghiệm về tội lỗi, thế nên ai cũng đã trải nghiệm việc ăn năn.
Vì CÓ TỘI nên phải ĂN NĂN, nhờ ăn năn mà được THA THỨ, được tha thứ vì được THƯƠNG XÓT, được thương xót thì phải BIẾT ƠN.
Ăn năn là hối cải, sám hối, hối hận về tội lỗi của mình, là sự thay đổi trong tư tưởng và hành động nhằm chỉnh sửa sự sai trái để được tha thứ, chúng ta gọi đó là “cải tà quy chánh” – nghĩa là từ bỏ đường xấu mà quay về đường ngay thẳng, tốt lành. Theo nội hàm Kitô giáo, tình trạng hối cải là sự thú tội với Thiên Chúa, từ bỏ tội lỗi, quyết tâm chừa cải và cố gắng sống tốt, phù hợp với Luật Chúa và Luật Giáo Hội.
Mỗi chúng ta đều là tội nhân, đều mang “vóc dáng” của người thu thuế: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót tôi là kẻ có tội.” (Lc 18:13) Vấn đề không chỉ là đấm ngực, than van, mà phải thành tâm sám hối. Tất nhiên, chúng ta cũng phải coi chừng chính mình, đừng như người Pharisêu, kiêu hãnh vỗ ngực xưng tên, không đấm ngực mình mà lại dám đấm ngực người.
Chữ “ăn năn” trong Việt ngữ có ý nghĩa sâu xa. Ăn năn là cảm thấy ray rứt, bị giày vò vì lỗi lầm đã mắc phải. Cha Đắc Lộ giải thích: “Năn: thứ cỏ đắng; Ăn năn: ăn thứ cỏ đắng, theo lối nói ẩn dụ để chỉ sự thống hối.” [1] Chữ phải có nghĩa, ngôn ngữ thật là thâm thúy!
Nói đến từ ngữ “ăn năn” khiến chúng ta liên tưởng cụm từ “kết cỏ ngậm vành”. Tác giả J.B. Tavernier giải thích: “Nhưng nếu là trường hợp một kẻ có tội muốn xin tha tội đã phạm, người ta đưa kẻ phạm tội đến trước mặt người sẽ nghe kẻ đó xin tha tội và kẻ phạm tội phải ngậm ở miệng một nắm cỏ, nghĩa là do lối sống lệch lạc và cách ăn ở xấu xa của mình, kẻ phạm tội đã trở nên giống súc vật.” [2]
Cách nói “kết cỏ ngậm vành” là dịch từ thành ngữ tiếng Hán: “Kết thảo hàm hoàn.” Thành ngữ này có nguồn gốc từ hai điển tích:
- ĐIỂN TÍCH “KẾT CỎ”
Đời nhà Tần có Ngụy Vũ Tử (có sách ghi là Ngụy Thù hoặc Ngụy Hùng) rất yêu quý người vợ lẽ. Khi hấp hối, ông dặn con trai là Ngụy Khoả hãy chôn người vợ lẽ yêu dấu theo cùng với mình, theo tục lệ cổ truyền của nước Tần. Ngụy Khoả thấy tội nghiệp nên không đành lòng làm vậy. Sau khi cha chết, Ngụy Khoả cho vợ lẽ của cha đi lấy chồng khác. Có người hỏi: “Tại sao không làm theo lời cha trăn trối?” Ngụy Khỏa đáp: “Hiếu tử nên nghe theo lời trị mệnh chứ không nên nghe theo lời loạn mệnh” (tức là nên theo lời nói của người tỉnh táo, không nên theo lời nói của người mê sảng).
Về sau, Nguỵ Khoả lĩnh mệnh vua đi đánh giặc, trong lúc đang giao đấu gần kiệt sức, sắp thua tướng giặc nhà Tần là Đỗ Hồi, tài ba lỗi lạc, vũ dũng vô địch. Thế nhưng Ngụy Khoả bỗng thấy Đỗ Hồi bị ngã vì vướng cỏ. Ngụy Khoả xông tới đâm chết Đỗ Hồi. Đêm về, Ngụy Khoả nằm chiêm bao thấy có một ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc, đến cầm tay mình và ân cần nói: “Cảm ơn tướng quân vì đã không theo di huấn của cha mà chôn sống con gái tôi, thế nên sáng nay tôi đã kết cỏ làm vướng chân ngựa, khiến giặc ngã ngựa, giúp tướng quân thắng trận. Xin tướng quân ghi nhận tấm lòng biết ơn của cha con tôi.” Nói xong, cụ già vụt biến mất. Ngụy Khỏa giật mình tỉnh giấc, nhớ lại chuyện cũ, biết cụ già chính là cha của nàng hầu trẻ đẹp trước kia của cha mình.
- ĐIỂN TÍCH “NGẬM VÀNH”
Đời nhà Hán có Dương Bảo mới chín tuổi. Khi đi chơi ở phía Bắc núi Hoa Âm (có sách ghi là Hạp Âm), Dương Bảo thấy một con chim sẻ vàng bị con chim cắt cắn gần chết. Dương Bảo đuổi chim cắt đi, đem sẻ về nhà nuôi gần 100 ngày thì chim sẻ khoẻ lại, rồi thả cho bay đi về đàn. Đêm ấy, Dương Bảo nằm mộng, thấy một một con chim bay đến, miệng ngậm bốn vòng bạch ngọc. Dương Bảo chưa kịp hiểu sự tình thì bỗng con chim cùng bốn vòng bạch ngọc biến thành một đứa trẻ mặc áo vàng, tiến đến bái tạ và nói: “Ta là sứ giả của Tây Vương Mẫu, giữa đường gặp nạn, trước đã nhờ người ra tay cứu vớt, nên nay đến đền ơn người đây. Xin tặng ông bốn vòng bạch ngọc. Đấy là biểu tượng cho sự vinh hiển mà ông và các con cháu bốn đời sẽ đạt được.” Quả thật, về sau con của Dương Bảo là Dương Chấn, cháu là Dương Bỉnh, chắt là Dương Tứ và chít là Dương Bưu đều được vinh hiển, có người lên đến chức Tam Công.
Thành ngữ “kết cỏ ngậm vành” thường được dùng như một lời nguyền đền ơn đáp nghĩa. Khi làm ơn cho người khác thì chẳng ai mong được họ trả ơn, thậm chí người ta còn nói: “Cứu vật, vật trả ơn; cứu người, người trả oán”. Tuy nhiên, chuyện xưa tích cũ vẫn có giá trị giáo huấn cách sống đẹp cho con người ngày nay: Biết thương người, biết giúp người, biết tri ân người. Tục ngữ nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Trong “Đoạn Trường Tân Thanh” (Truyện Kiều), cụ Nguyễn Du cũng có câu thơ nói về ý nghĩa này:
Dám nhờ cốt nhục tử sinh
Còn nhiều kết cỏ, ngậm vành về sau
Danh họa Léonardo Da Vinci (người Ý, đồng thời cũng là điêu khắc gia và thi sĩ nổi tiếng) quan niệm: “Ăn chay là đạo đức của con người. Ăn chay sẽ tránh được tội ác.” Bác học Albert Einstein là người yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự sống của muôn loài, và đã nhận định: “Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay.”
Ăn chay có lợi cho sức khỏe thể lý, ngừa bệnh và trị bệnh. Ăn chay còn có lợi cho tinh thần, cho tâm linh. Dù vô tội, Chúa Giêsu vẫn “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày.” (Mt 4:2) Vậy thì chúng ta không thể không ăn chay, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Tuy nhiên, chúng ta phải kín đáo chứ đừng phô trương, (Mt 6:1-18) nếu không thì chỉ vô ích. Ma quỷ sẽ “bó tay” nếu chúng ta ăn chay và cầu nguyện. (Mt 17:21)
Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. (Tv 51:3-6)
TRẦM THIÊN THU
Chú Thích:
[1] Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM – LUSITAN – LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT – BỒ – LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991, P.I, tr. 504: “Năn: herba quaedam amara; Ăn năn: herbam illam amaram comederem, metaphoricè dicitur poenitudine.”
[2] J.B. Tavernier, SUITE DES VOYAGES DE MGR TAVERNIER, BARON D’AUBONNE, Paris, 1680, phần IV, tr. 22: “Mais s’il y a bien pour un coupable de demander pardon de son crime, on le mène devant celuy qui le doit écouter et alas il faut qu’il ait à la bouche un bouquet d’herbe qui donne à entendre que par le déréglement de sa vie et sa mauvaise conduite, il s’étoit rendu semblable aux bestes.”