Home / Chia Sẻ / ÂN HẬN

ÂN HẬN

an-hanWilliam Cowper (1731-1800, Anh quốc), thi sĩ và nhạc sĩ viết Thánh Ca, nhận xét: “Vinh quang xây trên nền tảng ích kỷ là nỗi hối hận và sự xấu hổ”. Nhà có tốt mấy mà nền dở sẽ nguy hiểm. Ân hận thôi!

Ân hận (ăn năn, sám hối, hối hận, hối tiếc) là cảm giác ray rứt về sai lầm hoặc tội lỗi của mình. Sự ân ận rất cần thiết. Sự ân hận thường đồng nghĩa với sự muộn màng, nhưng với Thiên Chúa thì không hề muộn, vì lòng thương xót của Ngài vẫn kiên nhẫn chờ đợi tội nhân. Nhưng nỗi ân hận sẽ muộn màng nếu chúng ta đã chết!

Trình thuật Lc 16:19-31 cho chúng ta biết về “nỗi ân hận muộn màng” này. Đó là dụ ngôn “Phú Hộ và Ladarô” – một người giàu có hoang phí và một kẻ nghèo khổ khốn cùng.

Người ta gọi đó là Định Mệnh hoặc Số Phận, nhưng hãy nhớ rằng Thiên Chúa không tiền định điều xấu. Cái mà chúng ta gọi là định mệnh đó là do chúng ta “chiều xác thịt”, thích đường rộng và trải thảm nhung chứ không muốn đi vô đường hẹp và gập ghềnh, ưa vác “cây vàng” chứ không muốn vác cây thập giá. Hệ lụy có thế nào thì âu cũng là sự công bình mà thôi. Lỗi tại tôi mọi đàng!

Đẹp hay xấu, to hay nhỏ, già hay trẻ, giỏi hay dốt, cao hay thấp (nghĩa đen và nghĩa bóng), giàu hay nghèo,… ai cũng phải qua ải tử. Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng trường sinh bất tử (1 Tm 6:16). Thánh Phaolô cho biết rõ ràng: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (Dt 9:27). Thánh sử Luca tường thuật dụ ngôn “người giàu và kẻ nghèo” khá chi tiết. Chúng ta cùng đọc lại:

Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên:

– Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!

Ông Ápraham đáp:

– Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.

Ông nhà giàu nói:

– Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!

Ông Ápraham đáp:

– Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ thì chúng cứ nghe lời các vị đó.

Ông nhà giàu nói:

– Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ thì họ sẽ ăn năn sám hối.

Ông Ápraham đáp:

– Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.

Dụ ngôn này như một bộ phim, tuy ngắn gọn nhưng súc tích, mô tả cả một quãng đời dài của hai con người. Một người “đẻ bọc điều” với tràng hoa quấn cổ, cứ “vô tư” sống ung dung tự tại mà tận hưởng ngày tháng sung túc, chẳng phải lo lắng, chẳng phải động gì đến cái móng tay; còn một người khốn khổ cả đời, không một chút thảnh thơi nào, chỉ mơ ước những thứ đơn giản nhất mà cũng không có, chỉ thèm khát những thứ thừa thãi của người khác cũng không được.

Vì giàu mà “có” – giàu có, vì nghèo mà “khổ” – nghèo khổ. Và còn hơn thế nữa: Vì NGHÈO mà KHÓ, vì KHÓ mà KHỔ, vì KHỔ mà NHỤC. Đối với con người, ai giàu thì được trọng vọng, đưa đón, nịnh bợ, và được gọi là “người”, là “ông”, là “đại gia”,… còn ai nghèo thị bị khinh miệt, ghét bỏ, xa tránh, miệt thị, và bị gọi là “kẻ”, là “thằng”, là “đứa”, là “nó”,… Ôi, thế thái nhân tình!

Hai con người, hai hoàn cảnh. Theo cách nhìn của phàm nhân, đó là một người KHÔN và một kẻ KHỐN. Khôn và Khốn đều bắt đầu bằng vần “khờ”. Ngày xưa, người ta có Khôn hay Khốn cũng vẫn “ca hát”, còn ngày nay có Khôn hay Khốn cũng đều “khờ” cả thôi! Tuy nhiên, dù “ca hát” hay “khờ” thì vẫn có điều khác biệt giữa đôi bên: được cái này, mất cái kia – hoặc ngược lại. Thiên Chúa chí công!

Ngày xưa, tại nhà ông Simon Cùi, khi có một phụ nữ tội lỗi ngồi khóc nức nở bên chân Chúa Giêsu, nhiều người thấy “ngứa mắt” nên đã đã “ngứa óc” và “ngứa miệng” mà xì xầm bàn tán với nhau. Thấy vậy, Chúa Giêsu đã nói với các thực khách hôm đó: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em” (Mt 26:11; Mc 14:7; Ga 12:8).

Thật vậy, người nghèo rất nhiều, nhiều hơn chúng ta tưởng, và họ cũng nghèo hơn chúng ta tưởng – mọi nơi và mọi lúc. Có những hoàn cảnh nghèo khổ tới mức mà chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi. Họ là những người “bé mọn” mà Chúa Giêsu luôn quan tâm một cách đặc biệt. Mẹ Thánh Teresa Calcutta là người đã thực hiện đúng ý Chúa theo nghĩa đen: phục vụ những người nghèo nhất trong những người nghèo. Ai làm gì cho họ là làm cho chính Chúa Giêsu (Mt 25:40).

Nói về Ông Phú Hộ và Chàng Ladarô Nghèo Khổ, chúng ta thấy có sự cách biệt rõ ràng, một trời một vực. Khoảng cách đó gần mà xa lắc xa lơ, nhỏ hẹp mà rộng thênh thang, như hai đường thẳng không bao giờ đồng quy. Khoảng cách đó là sự kỳ thị giai cấp, người ta cứ bảo “xóa đói, giảm nghèo” nhưng chỉ là “chiến dịch”, là “phong trào”, rồi đâu lại vào đó: Nguyễn Y Vân và Vũ Như Cẩn (vẫn y nguyên, vẫn như cũ). Lũ giàu sụ lại càng tham ô hơn để giàu thêm, còn đám dân nghèo lại càng khổ hơn vì bị bọn tham quan bóc lột tới xương tủy thì lấy gì mà họ có thể sống cầm hơi nữa? Đến gói mì tôm mà bọn quan làng xã cũng chia nhau thì đúng là tàn nhẫn hết nước nói.

Đó là sự sung sướng trước mắt, hiện tại. Họ là những người Khôn Khéo lắm! Ông phú hộ cũng rất thỏa mãn với những gì ông được tận hưởng. Với đám người trọc phú và gian ác này, nỗi ân hận của họ hóa muộn màng. Ông phú hộ là gương điển hình, là lá cờ đỏ và là tiếng chuông báo động để cảnh báo cho những ai chỉ thích vác “cây vàng” và đùn đẩy cây thập giá cho người khác.

Sau khi giã biệt trần thế, ông phú hộ không chịu nổi sức nóng của lửa-đời-đời nên cầu cứu Tổ phụ Ápraham cho vài giọt nước làm dịu cơn nóng bức, nhưng không thể, vì đó là sự công bình của Thiên Chúa: sướng trước, khổ sau – hoặc ngược lại.

Thất vọng về giải pháp cho mình, ông phú hộ nhớ tới thân nhân của ông đang sống xa hoa trên trần thế, và ông xin Tổ phụ Ápraham cho người về báo mộng để cảnh báo họ, nhưng cũng vô ích. Không ai có thể làm sai Luật Công Bình của Thiên Chúa. Ông phú hộ bị án phạt không phải vì ông giàu có, mà vì ông không biết thương xót người nghèo, không biết dùng tiền của để làm việc thiện. Ông ta GIÀU vật chất nhưng lại NGHÈO tình thương. Ông ta mới là Kẻ Khốn Khổ (3K).

Số phận có thể là định mệnh được an bài, nhưng số phận cũng có thể là định mệnh do chính mình tạo nên, nhưng người ta vẫn có thể thay đổi số phận khi sinh thời. Đức năng thắng số. Vâng, sự thật là thế! Và rồi chắc chắn ai cũng một lần đối diện Tử Thần, đó là lúc lâm chung. Giàu có cỡ nào cũng không thể mua được chút sức khỏe hoặc sự sống, tài năng tột đỉnh cũng hoàn toàn chịu thua, y khoa hiện đại nhất cũng chẳng làm gì được.

Cái chết là “ngưỡng” rất đặc biệt, dứt khoát, rạch ròi, phân minh, và số phận không thể thay đổi được nữa! Mọi động thái đều vô nghĩa, mọi nỗ lực đều vô ích. Tất cả là con số KHÔNG rất tròn, rất to và rất trống rỗng. Hãy giật mình trước khi quá muộn!

Ông phú hộ và chàng Ladarô là hai cuộc đời điển hình, hai con người này có hai cách sống, cách biệt nhưng họ vẫn bình đẳng về giá trị nhân vị và nhân phẩm, tất nhiên cũng có hai hệ quả khác biệt: “Những người bất chính ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25:46).

Trong Tân Ước, chúng ta thấy có một trường hợp đặc biệt kịp sám hối ngay trước lúc chết: Tướng cướp Dismas, người cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu trên Đồi Ca-vê chiều xưa, chúng ta quen gọi là “người trộm lành”. Ngay cả người cùng bị đóng đinh kia biết mình sắp chết mà vẫn ngang ngược, không chịu ăn năn, thậm chí còn hùng hổ thách thức Chúa Giêsu nữa. Vì thế, đừng tưởng mình cứ xả láng, đợi đến lúc lớn tuổi hoặc gần chết rồi tính. Tai nạn giao thông, thiên tai, cảm gió,… đủ dạng chết bất ngờ. Liệu có thể tính kịp không?

Chẳng ai biết tương lai ra sao, ngày mai thế nào, thậm chí chỉ là lát nữa thôi. Thế thì không có gì hơn là tỉnh thức và sẵn sàng như năm cô khôn ngoan, luôn chuẩn bị đầy đủ dầu yêu thương và đèn đức tin theo lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mt 25:1-13). Như vậy có nghĩa là phải biết ân hận ngay bây giờ, đừng để nỗi ân hận hóa muộn màng.

Thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai. Có ý nói rằng thánh nhân cũng đã từng là tội nhân, và tội nhân vẫn khả dĩ trở nên thánh nhân. Để nỗi ân hận không hóa muộn màng, bí quyết là ĐỪNG bao giờ tuyệt vọng, và hãy chân thành TÍN THÁC vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Sống sao thì chết vậy, gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Người ta gọi đó là “luật nhân – quả”, và đó là sự công bình, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh (Lv 11:45; Lv 19:2; Lv 20:26; Lv 21:8), là Đấng Công Chính (Ga 17:25), là Đấng Công Minh (Hc 5:3; Br 2:6; Br 2:9; Đn 9:14), là Đấng Trung Tín (2 Tx 3:3). Ngài là Tình Yêu (1 Ga 4:8 & 16) nên chúng ta cũng PHẢI yêu thương nhau, thương xót nhau.

Lạy Thiên Chúa chí công và chí thiện, xin giúp con biết Chúa, biết người và biết chính con để có thể thi hành đúng Luật Yêu Thương của Ngài. Xin giúp con luôn biết tận dụng mọi thứ đúng với Thánh Ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …