Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/08 – 04/09/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 29/08 – 04/09/2014

1. Khủng bố Hồi Giáo IS đã chặt đầu thêm một ký giả Hoa Kỳ

Trong diễn biến bi đát mới nhất bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chặt đầu thêm một ký giả Hoa Kỳ nữa là anh Steven Sotloff.

Anh Steven Sotloff sinh ngày 11 tháng 5 năm 1983 và có lẽ bị chặt đầu vào ngày 2 tháng 9.

Trước diễn biến này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ông Ban Ki-moon nói rằng thế giới cảm thấy bị “xúc phạm” trước tội ác dã man này.

“Chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm trước những báo cáo từ Iraq về những vụ giết người tàn bạo nhắm vào dân thường của bọn khủng bố Hồi Giáo IS bao gồm cả báo cáo về vụ chặt đầu dã man một nhà báo khác. 

Tôi cực lực lên án tất cả những tội ác hèn hạ như vậy và tôi không chấp nhận việc cộng đồng nhân loại lại có thể bị đe dọa chỉ vì niềm tin hay vì chủng tộc của họ”

2. Phong trào Focolare sắp có tân chủ tịch

Phong trào Focolare đã nhóm phiên họp khoáng đại hôm 1 tháng 9 để bầu vị tân chủ tịch mới, người sẽ dẫn dắt phong trào trong sáu năm tới. Theo quy định của phong trào, vị chủ tịch phải là một người phụ nữ. Phiên họp khoáng đại cũng sẽ bầu ra một đồng chủ tịch và một Đại Hội Đồng. 

Phiên họp khoáng đại của phong trào Focolare được tổ chức tại Roma từ ngày 01 đến 28 tháng 9. 494 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ thảo luận về những nguyên tắc chung mà phong trào sẽ theo đuổi trong tương lai gần. 

Trong số những tham dự viên có 15 đại diện của các Giáo Hội Kitô khác và cũng có những người thuộc các tôn giáo khác nữa. 

Vào ngày 26 tháng 9, hai ngày trước khi bế mạc đại hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tiếp kiến các đại biểu tại Vatican 

Phiên họp khoáng đại cuối cùng của phong trào Focolare được tổ chức vào tháng Bảy năm 2008, ba tháng sau cái chết của chị Chiara Lubich, người sáng lập phong trào Focolare. Chủ tịch hiện nay của phong trào là chị Maria Voce, người Ý. 

3. Đức Giáo Hoàng đánh dấu Thế chiến I, với cuộc viếng thăm nghĩa trang binh sĩ tử trận

Thế chiến thứ nhất bắt đầu cách đây 100 năm. Hàng triệu người đã chết khiến cho cuộc chiến này trở thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại. 

Để đánh dấu dịp này, ngày Thứ Bẩy 13 tháng 9, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thăm nghĩa trang các binh sĩ Ý tử trận trong cuộc chiến Áo-Hung. Nghĩa trang này là nơi an nghỉ của 697 binh sĩ Ý. 

Đức Giáo Hoàng sẽ đáp máy bay từ sân bay Ciampino đến nghĩa trang này nằm ở phía Bắc Italy. Sau khi đặt vòng hoa, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ lúc 10h sáng và trở lại Rôma lúc 1h trưa cùng ngày. 

4. Đức Giáo Hoàng nói: Giáo Hội phải ở trên tuyến đầu bảo vệ những người yếu thế

Hôm thứ Năm 28 tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp Đức Hồng Y Antonio Maria Veglio, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ Di Dân, để thảo luận về hoàn cảnh của những người chạy trốn bạo lực Hồi giáo ở Iraq. Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đang kiểm soát một khu vực rộng lớn của cả Syria và Iraq, và đã tiến hành một chiến dịch khủng bố chống lại các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu. 

Đức Hồng Y Veglio nói với Đài phát thanh Vatican rằng Đức Giáo Hoàng nói rằng Giáo Hội phải đi đầu trong các nỗ lực để bảo vệ những người yếu đuối. Ngài nói:

“Giáo Hội phải giúp đỡ những người đang cần trợ giúp nhất, vì quyền lợi của họ đang bị chà đạp. Giáo Hội là cho người nghèo và người không có tiếng nói. Chúng ta phải có mặt và không ngớt gióng lên những điều này trong các bài giảng và những bài phát biểu; và nếu có thể phải gây ảnh hưởng lên tình hình chính trị. “

Nhắc lại những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trên đường trở về từ Hàn Quốc, Đức Hồng Y nói: “thật là hợp pháp để ngăn chặn những kẻ xâm lược bất chính.” 

Đức Hồng Y Veglio nói thêm rằng “cộng đồng quốc tế” phải đánh giá những biện pháp để ngăn chặn những kẻ gây hấn, nhưng ngài đặc biệt cảnh báo rằng trong tình hình hiện nay sẽ không thể biện minh được nếu cộng đồng quốc tế chẳng làm gì cả. 

“Điều này là tương tự như khi Hitler giết người Do Thái, và sau đó nhiều người nói ‘không, không, chúng tôi không biết bất cứ điều gì.’ Đó thực là đạo đức giả, chúng ta phải làm một cái gì đó.” 

Cho đến nay, Đức Hồng Y cho biết cộng đồng quốc tế đã làm quá ít. Ngài đổ lỗi cho Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, là những nước gần với Iraq và Syria về mặt địa lý. 

Đức Hồng Y nói thêm:

“Thật không may, ở châu Âu chúng ta đang có rất nhiều vấn đề, vì vậy chúng ta ích kỷ và chỉ nghĩ về bản thân, và rất ít nghĩ đến những người khác. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta là tương đối nhỏ so với vấn nạn của người dân Iraq, Syria, là những người đang phải lẩn trốn để tránh khỏi bị giết … Tôi hy vọng châu Âu cho thấy sự nhạy cảm – và một số nước đã bắt đầu làm như vậy – và cho những người di dân một cơ hội để được chấp nhận ở các quốc gia Đức, Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha: Đó là các nước rất giàu so với những người nghèo “. 

Đức Hồng Y Veglio cho biết ông cũng hy vọng Giáo Hội là một phần của giải pháp. 

“Và khi chúng ta đề cập đến Giáo Hội, chúng ta không chỉ nghĩ đến Vatican hay Giáo Triều. Giáo Hội là một thực tại ở khắp mọi nơi, và Giáo Hội phải có sự nhạy cảm để giúp đỡ những người nghèo, những người di cư, những người tị nạn, những người phải di dời.”

5. Diễn từ của Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại hội nghị lần thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã chia sẻ những suy tư của ngài với các nhà lập pháp Công Giáo thế giới hôm thứ Sáu 29 tháng 8 trong hội nghị lần thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế. 

Hội nghị đã diễn ra từ 28 đến 31 tháng 8 tại Frascati bên ngoài thành Rôma với sự tham dự đông đảo của các nghị sĩ Công Giáo từ khắp nơi trên thế giới để thảo luận về việc thúc đẩy các giá trị Kitô giáo và đạo đức trên trường chính trị. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi lời chào đến hội nghị này. 

Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế đã được thành lập vào năm 2010 bởi Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna và nghị sĩ Anh Lord David Alton. 

Trong diễn từ trước hội nghị, Đức Hồng Y Pietro Parolin nói:

Thưa Đức Hồng Y, và quý nhà lập pháp đang tham gia cuộc họp thứ năm của Mạng Lưới Các Nhà Lập Pháp Công Giáo Quốc Tế, các bạn thân mến, 

Tôi chào tất cả các bạn. Tôi thấy hạnh phúc được đến đây với các bạn, các nhà lập pháp và các cộng sự viên, những người đang tích cực tham gia vào đời sống công cộng và chính trị của các quốc gia và cộng đồng địa phương, và những người mà công việc chuyên môn được nuôi dưỡng và hướng dẫn bởi đức tin Công Giáo. Tôi muốn cảm ơn quý vị vì những gì quý vị đang làm để thúc đẩy những chứng tá Công Giáo mạch lạc trên thế giới. Tôi biết rằng quý vị đang hiện diện nơi đây bởi vì quý vị có lòng nhiệt thành với “thành phố tại thế” và vì lòng nhiệt thành ấy mà muốn quý vị muốn luân lý và những nhân đức Kitô giáo được đâm rễ sâu xa và chân thực hơn bao giờ nơi các cộng đồng trên toàn thế giới để cùng nhau chúng ta có thể đạt đến “thành phố thiên quốc”. 

Mới hôm qua, chúng ta đã mừng lễ thánh Augustinô, người đã đưa ra cho chúng ta hình ảnh của hai thành phố này. Lịch sử không mơ hồ và tự nó cũng chẳng phải là một sự tình cờ; nó liên quan đến sự chuyển động của hai tình yêu và cuộc xung đột giữa hai tình yêu này. Hai tình yêu này – ngài viết – làm phát sinh hai thành phố: tình yêu trần thế là thứ tình yêu vị kỷ đến mức dửng dưng đối với Thiên Chúa; và tình yêu thiên đường, tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu vị tha đến mức quên mình (Thành Phố của Thiên Chúa , XIV, 78). Trong những thời điểm khó khăn của những cuộc xung đột liên tục và những cuộc nổi dậy quy mô, như trong sự sụp đổ của Rôma và cuộc xâm lược của người Vandal là những người đã bao vây thành Hippo ngay vào lúc thánh Augustinô đang hấp hối, ngài không những không đánh mất con tim, nhưng đã theo đuổi tới cùng cuộc tranh luận dữ dội, trong khi mời gọi mọi người xem đức tin là chìa khóa để giải quyết các vấn nạn. Ngài dành toàn bộ tác phẩm, Thành phố của Thiên Chúa, để học cách thấu hiểu hoàn cảnh hiện tại và để thiết lập một trật tự mới cho cuộc sống trong xã hội. Đó là một tác phẩm xây dựng trên luận lý của sự khôn ngoan, đặt trái tim con người ở vị trí trung tâm và chỉ ra bản chất thực sự của niềm hy vọng Kitô giáo. Tôi tin rằng trong thời điểm khó khăn của chúng ta hiện nay cũng vậy, chắc chắn có những chỉ dấu quý giá xuất hiện rõ ràng từ những kinh nghiệm và lời dạy của Thánh Augustinô.

Các bạn thân mến, chúng ta có thể nói mà không do dự rằng Giáo Hội cần đến các bạn trong sứ mệnh phổ quát của mình, và đến lượt mình, các bạn cũng cần Hội Thánh như Mẹ và Thầy của tất cả chúng ta. 

Trong sự đa dạng của sứ vụ của mình đối với thế giới, Giáo Hội có một sứ mạng duy nhất (x Apostolicam Actuositatem, 2): là khôi phục lại tất cả mọi thứ trong Chúa Kitô. Trước sứ mạng này, Giáo Hội cần các bạn, các nhà lập pháp Công Giáo, bởi vì việc hình thành luật pháp của các bạn là một phần quan trọng của sứ vụ tông đồ giáo dân – là “thấm đượm tinh thần Tin Mừng và cải thiện trật tự trần thế”. Trong tư cách là những người hình thành nên chính sách, vai trò của các bạn không chỉ đơn giản là sống “ở giữa thế giới”, nhưng còn là “men trong thế giới” để nâng đỡ các gia đình, các cộng đồng địa phương và các quốc gia tương ứng. Thách thức cam go của các bạn là mang ánh sáng đức tin đến với những vấn đề căng thẳng trên thế giới ngày nay, nghĩa là, đối thoại với xã hội và văn hóa, và nói lên một cách khiêm tốn từ ánh sáng mà đức tin đưa ra cho chúng ta (x Evangelii Gaudium, 238) . 

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết rằng chúng ta đang cố gắng “đốt lên một ngọn lửa giữa lòng thế giới” (Evangelii Gaudium, 271). Điều này có nghĩa là, bằng lời nói, bằng những chứng tá và bằng những hành động pháp lý và chính trị của mình được hướng dẫn bởi đức tin, các bạn được mời gọi để thúc đẩy một xã hội công bằng hơn, đặt trọng tâm nơi phẩm giá của con người. 

Giáo Hội biết công việc của các bạn là không dễ dàng. Giáo Hội hiểu được những mối đe dọa trên cuộc sống gia đình, dưới hình thức các chính sách và luật lệ cho phép và thậm chí còn cố tình đẩy nhanh quá trình phân rã của gia đình. Giáo Hội cũng nhận thức đầy đủ các nhu cầu cấp thiết để giảm bớt tình trạng nghèo khổ và hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của các thành viên bị lãng quên nhất trong xã hội. Và vì thế, như Giáo Hội cần đến các bạn, các bạn cũng cần đến Giáo Hội. Giáo Hội đặt để nơi các bạn bí tích của mình, những lời cố vấn khôn ngoan của mình và cam kết của mình với các chân lý đạo đức của luật tự nhiên. Giáo Hội hỗ trợ các sáng kiến đang được tiến hành của các bạn để phục vụ lợi ích chung thông qua những luật lệ tốt đẹp. Về phần mình, Đức Thánh Cha và các giám mục khuyến khích công việc của các bạn cho vương quốc của Chúa Kitô trên trần thế, trong sự hiệp nhất với sứ vụ mục tử của các ngài. 

Các bạn thân mến, tôi mời gọi các bạn lớn lên trong sự thánh thiện, trong khi hoán cải sâu xa hơn để chứng tá và cuộc đối thoại của các bạn với thế giới có thể mang lại kết quả lâu dài! Cầu xin cho các bạn luôn luôn phấn đấu để nhen nhóm “một ngọn lửa giữa lòng thế giới”, nhờ những chứng tá nhất quán và kiên nhẫn của các bạn với các giáo huấn của Giáo Hội.

Tôi phó thác sứ vụ của các bạn nơi sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Thomas More. Tôi rất vui mừng nhân dịp này có thể chuyển đến với bạn những lời chúc mừng của Đức Thánh Cha, và Phép Lành Tòa Thánh của ngài như bảo chứng lời cầu nguyện cho ân sủng, sức mạnh và sự bền đỗ tuôn đổ trên công việc của các bạn.

6. Đức Giáo Hoàng gọi điện thoại cho một linh mục Iraq

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi điện thoại cho một linh mục tại một trại tị nạn ở Iraq để bày tỏ sự gần gũi của mình với các tín hữu bị bách hại đang tạm trú trong trại tị nạn và hứa làm mọi cách để hỗ trợ cho họ. 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gọi cho Cha Behnam Benoka vào ngày 19 tháng 8, tức là một ngày sau khi trở về từ chuyến tông du của ngài tới Hàn Quốc. Cha Benoka là linh mục chính xứ nhà thờ quận Bartella, là một thị trấn Kitô Giáo nhỏ gần Mosul. Cha cũng là Phó Giám đốc chủng viện Công Giáo Ankawa. Tuy nhiên, cả hai nơi thân thiết nhất với ngài giờ đây đã rơi vào tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Ngài hiện đang làm việc tại một trại tị nạn ở phía bắc Iraq, giúp đỡ các Kitô hữu chạy trốn khỏi bạo lực của khủng bố Hồi giáo. 

Đức Giáo Hoàng cho biết ngài đã vô cùng xúc động bởi lá thư ngài nhận được từ cha Benoka một ngày trước đó. Đức Giáo Hoàng đã nhận được lá thư từ tay của một nhà báo, là một người bạn của vị linh mục, trên chuyến bay từ Hàn Quốc trở về Roma. 

Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ với cha Benoka lòng biết ơn đối với các tình nguyện viên làm việc trong các trại tị nạn và tái khẳng định sự hỗ trợ đầy đủ của ngài và sự gần gũi với các Kitô hữu bị bách hại, cùng với lời hứa rằng ngài sẽ tiếp tục làm hết sức mình để giúp đỡ các tín hữu Kitô Iraq. 

Trong thư gửi Đức Giáo Hoàng, vị linh mục bày tỏ lòng biết ơn đối với lời kêu gọi được lặp đi lặp lại của Đức Giáo Hoàng nhằm kêu gọi sự kết thúc những đau khổ và bách hại các Kitô hữu đang phải chịu và gióng lên trước thế giới tiếng kêu cứu trước tình hình bi thảm mà hàng trăm ngàn tín hữu Kitô phải đối mặt. Cha cho biết thêm: 

“Tình hình các tín hữu rất là đau khổ. Họ chết dần mòn vì đói khát. Các tín hữu Kitô nhỏ bé đang sợ hãi và không biết phải làm gì. Chúng con, các linh mục, tu sĩ, rất ít ỏi và sợ là không thể đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của anh chị em chúng ta. “

“Thưa Đức Thánh Cha, con e sợ nhiều người sẽ phải chết, đặc biệt là những trẻ sơ sinh mỗi ngày phải vật lộn với cuộc sống thiếu thốn và một tình trạng ngày càng tệ hại hơn. Con sợ rằng cái chết sẽ cướp đi một số người khác nữa. Xin gửi cho chúng con những lời chúc của Đức Thánh Cha để chúng con có thể có sức mạnh tiếp tục sống và để chúng con vẫn còn đương cự nổi. “

Đức Giáo Hoàng theo yêu cầu của cha Benoka, đã kết thúc cuộc điện đàm bằng lời chúc bình an của ngài và xin Chúa ban cho họ ân sủng được kiên trì trong đức tin.

7. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới cho 20 đôi đính hôn thuộc giáo phận Roma

Chúa Nhật 14 tháng 9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép cưới cho 20 đôi đính hôn thuộc giáo phận Roma, trong tư cách là Giám Mục giáo phận này.

Đây là lễ cưới đầu tiên do ngài chủ sự từ khi lên ngôi Giáo Hoàng ngày 13-3-2013. Lần cuối một vị Giáo hoàng chủ sự lễ cưới là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 vào năm 2000. Ngài làm lễ cưới cho 8 cặp đính hôn thuộc nhiều nước khác nhau, nhân dịp Ngày Năm Thánh dành cho các gia đình. Trước đó vào tháng 10 năm 1994, nhân cuộc gặp gỡ đầu tiên các gia đình Công Giáo thế giới ở Roma, Người cũng làm phép cưới cho một số cặp.

Hồi tháng 6 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ ban sáng tại nguyện đường Nhà Trọ Thánh Marta ở Vatican cho một số đôi cử kỷ niệm 25, 50 và 60 năm Hôn Phối.

Ngoài ra, Chúa Nhật 28-9 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân ngày thế giới các ông bà và những người cao niên. Ngày này có chủ đề là “Phúc lành trường thọ”, và bắt đầu lúc 8 giờ rưỡi tại Quảng trường, với những suy tư và chứng từ. Tiếp đến khoảng 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đến gặp các tham dự viên và trao đổi với họ, trước khi cử hành thánh lễ vào lúc 10 giờ rưỡi.

Đức Thánh Cha Phanxicô năm nay 78 tuổi. Ngài đã nhiều lần bày tỏ quan tâm về số phận của người già trong các xã hội tây phương, thường là nạn nhân của nền “văn hóa loại bỏ”. Ngài khẳng định rằng: “Một dân tộc không bảo vệ những người già của mình, không săn sóc các trẻ em, là một dân tộc không có tương lai, không có hy vọng.. Sự đối xử với người già cũng như đối với trẻ em là dấu chỉ cho thấy phẩm chất của một xã hội.. Khi những người già bị gạt bỏ, bị cô lập, và nhiều khi qua đi trong sự thiếu tình thương, thì đó là một dấu chỉ xấu” 

8. Hơn 200,000 người Iraq đang tị nạn tại các trường học, nhà thờ và nhà thờ Hồi giáo 

Khi cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục “suy tư” và chưa có những giải pháp cụ thể nào được đưa ra để chế ngự bọn khủng bố Hồi Giáo IS, những người dân Iraq và Syria vẫn đang tiếp tục bị buộc phải ra khỏi nhà để tránh nguy cơ bị giết. 

Khi con số người Syria phải tản cư đã lên đến 3 triệu, thì số người tản cư Iraq cũng đã lên đến một triệu người và không ngừng gia tăng trong những ngày qua.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết chỉ ở những vùng phía Bắc Iraq còn trong sự kiểm soát của người Kurd, đã có hơn 200,000 người đến ẩn náu. Con số người tị nạn thực ra có thể còn đông đảo hơn vì nhiều người tá túc tại nhà những người quen, nhiều người lang thang ngoài đường vì không muốn tá túc trong các trại tị nạn đã quá tải. 

Jane Pearce thuộc Chương trình Lương thực Thế giới Iraq nói:

“Đây chủ yếu là những người chạy đến Dahuk. Họ đang cắm trại trong các tòa nhà công cộng, trường học, trong các nhà thờ, trong các đền thờ Hồi giáo, trong các công viên, dưới gầm cầu. Chúng tôi không biết là họ có đủ thức ăn hay không”. 

Các tổ chức khác, chẳng hạn như Caritas quốc tế đang dẫn đầu các nỗ lực cứu trợ tại Erbil và Dahuk, trong việc cung cấp thực phẩm, nước uống, giường ngủ và các dụng cụ vệ sinh. 

Họ cũng đang làm việc cùng với Catholic Relief Services trong việc đào tạo nhân viên để giúp đỡ những người tị nạn hồi phục những chấn thương tinh thần từ những kinh nghiệm thê thảm mà họ đã kinh qua.

9. Dàn hợp xướng ảo hát mừng 500 năm sinh nhật thánh Têrêsa thành Ávila

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trong những biến cố trọng đại của Giáo Hội tại Tây Ban Nha trong năm 2015 sẽ là ngày kỷ niệm 500 năm ngày sinh của thánh Têrêsa thành Ávila. Thánh nữ là người phụ nữ đầu tiên trong Giáo Hội được tôn phong là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Để chuẩn bị cho biến cố này, Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Vua Juan Carlos và sau đó là tân quốc vương Felipe và hoàng hậu đã sang Rôma mời Đức Thánh Cha đến thăm nước này vào ngày 28 tháng Ba năm 2015. Tòa Thánh chưa trả lời chính thức nhưng có lẽ Đức Thánh Cha sẽ nhận lời.

Trước biến cố này Dòng Cát Minh tại Hoa Kỳ đã hình thành một dàn hợp xướng ảo gồm các tu sĩ và nữ tu Cát Minh từ khắp nơi trên thế giới, với sự phụ hoạ của dàn nhạc Têrêsa của nhà thờ Thánh Giacôbê tông đồ ở Seattle, Washington. 

Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là dàn hợp xướng ảo đang trình bày bài “Nada te turbe”, nghĩa là “Đừng để điều gì cản trở anh chị em” được phổ nhạc dựa trên bài thơ cùng tên của thánh Têrêsa thành Ávila.

Ca khúc thứ hai là một phiên bản của Salve Regina do nữ tu Claire Sokol soạn nhạc. Salve Regina dịch ra tiếng Việt là Kinh Lạy Nữ Vương. Đó là kinh chúng ta rất thường đọc sau khi đọc Kinh Mân Côi.

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành

làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.

Thân lạy Mẹ,

chúng con, con cháu Evà

ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;

Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương.

Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con.

Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu,

Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.

Kinh Lạy Nữ Vương đã được sáng tác vào thời Trung Cổ, có lẽ bởi một tu sĩ người Đức tên là Hermann thành Reichenau bằng tiếng Latin. Vào thế kỷ 18, Kinh Lạy Nữ Vương đã trở thành trọng tâm của cuốn sách Thánh Mẫu học Cổ điển Công Giáo của Thánh Alphonsus Liguori – cũng là một vị Tiến sĩ Hội thánh.

Têrêsa thành Ávila sinh: 28 tháng 3 năm 1515 – mất: 4 tháng 10 năm 1582) là một nữ tu sĩ Dòng Cát Minh (Dòng Camêlô), một nhà thần học nổi tiếng người Tây Ban Nha của Giáo Hội Công Giáo Rôma, bà gắn cả đời mình với cuộc sống chiêm niệm và lời cầu nguyện tinh thần.

Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.

Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.

Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới “trọng nam khinh nữ” vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.

Têrêsa là một phụ nữ “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giầu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách. Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. 

Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.

Têrêsa cũng là một phụ nữ “vì tha nhân.” Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu — luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.

Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.

10. 300,000 trường học trên thế giới tham gia vào dự án giáo dục được hỗ trợ bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô 

Điều 26 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nói rằng mọi người đều có quyền được giáo dục. Nhưng nói đúng ra, tại nhiều nơi trên thế giới, trẻ em vẫn không có điều kiện cắp sách đến trường. 

Vì thế, một sáng kiến mang tên ‘Scholas’ đã được đưa ra. Mục đích là cho các trường học ở các miền khác nhau trên thế giới có thể chia sẻ tài nguyên và kiến thức. Dự án này được sự hỗ trợ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và chỉ trong một năm qua đã có hơn 300,000 trường học từ khắp nơi trên thế giới tham gia. 

Giờ đây, một giáo viên ở Á Căn Đình có thể gửi thông tin trực tuyến về phương thức mà họ sử dụng để dạy học sinh của mình làm toán nhân, toán chia. Thông tin này có thể được truy cập bởi các giáo viên và học sinh ở châu Phi. 

Ngày 2 tháng 9, Scholas đã có một cuộc họp để đánh dấu năm đầu tiên thực hiện dự án này. Đó là một dịp để suy tư về những gì họ đã đạt được và những gì cần phải thực hiện thêm. 

Roberto Dabusti, một thành viên trong dự án này cho biết: 

“Chúng tôi có dịp gặp gỡ những người từ khắp nơi trên thế giới, từ những miền xa xôi như El Salvador, Á Căn Đình đến những vùng ở châu Phi, châu Âu và Bắc Mỹ. Hội nghị kết thúc vào ngày 04 Tháng Chín, với cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô.”

Một phần của dự án sẽ là một cổng thông tin web, nơi trường học, giáo viên và học sinh sẽ có thể chia sẻ. Ngoài ra cũng có một trang Facebook. 

Roberto Dabusti nói thêm: 

“Trang web này là nơi trao đổi thông tin. Những trường cần những tài mguyên cụ thể có thể truy cập vào cổng thông tin web và trao đổi ý tưởng và kỹ thuật với các trường học và các trường đại học ở các miền khác nhau trên thế giới.” 

Các vận động viên nổi tiếng trên thế giới cũng gián tiếp và trực tiếp thúc đẩy dự án Scholas. Hôm thứ Hai 01 Tháng 9, hai ngôi sao bóng đá Lionel Messi và Gianluigi Buffon cùng hơn 50 ngôi sao bóng đá thuộc các tôn giáo khác đã tham gia vào các trận đấu tại sân vận động Olympic của Rôma để chơi một trận túc cầu thúc đẩy giáo dục và hòa bình. 

11. Chương trình ứng dụng dành cho điện thoại trong lễ phong chân phước cho Đức Giám Mục Álvaro del Portillo 

Đức Giám Mục Álvaro del Portillo, người kế vị đầu tiên của Thánh Josemaria Escrivá, sẽ được phong chân phước vào ngày 27 tháng 9 tại Madrid. Một ứng dụng mới để chuẩn bị cho ngày trọng đại này đã được thiết kế cho những người đang trông đợi lễ phong chân phước này.

Ứng dụng này được đặt tên là “Don Álvaro” đưa ra tiểu sử chi tiết của vị chân phước tương lai với những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của ngài: từ lúc chào đời, cho đến thời tuổi trẻ của ngài ở Madrid, ơn gọi của ngài trong Opus Dei và cuộc đời linh mục và Giám Mục của ngài. 

Ta cũng đọc được chứng từ của những người quen biết ngài như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, nhà báo Vittorio Messori và Đức Hồng Y Julián Herranz. 

Với những ai có thể tham dự lễ phong chân phước, ứng dụng này đưa ra những thông tin về cách đăng ký, các văn bản và các bài hát dùng trong phụng vụ lễ phong chân phước cho ngài. 

Ứng dụng này là miễn phí và có sẵn bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha cho Ipad và điện thoại dùng hệ điều hành Android. 

12. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp công nương Lục Xâm Bảo

Hôm thứ Hai 1 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp công nương Maria Teresa xứ Lục Xâm Bảo tại Điện Tông Tòa. 

Trong một cuộc họp ngắn gọn, María Teresa của Luxembourg đã nói chuyện với Đức Thánh Cha về hoàng gia và cảm ơn ngài đã chào đón cô.

María Teresa và chồng, là quận công Henry là những người Công Giáo nhiệt thành. Họ đã đến Rôma hôm 27 tháng Tư trong lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phaolô Đệ Nhị.

13. Căng thẳng giữa thủ tướng Úc Tony Abbot và các nhà lãnh đạo Hồi Giáo

Tại Úc Đại Lợi, căng thẳng đã dâng cao giữa thủ tướng Úc Tony Abbott và các nhà lãnh đạo Hồi Giáo trong Hội Đồng Hồi Giáo Victoria sau khi ông gọi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo này là “ngu xuẩn” và “nhỏ mọn” vì họ đã không chịu tham dự một hội nghị chống khủng bố và đã ủng hộ việc các thanh niên Hồi Giáo tại Úc gia nhập quân khủng bố Hồi Giáo IS.

Trong một tuyên bố trên Radio 2GB hôm 18 tháng 8, thủ tướng Abbot giải thích từ ngữ ông thường dùng ‘Team Australia’ như sau: 

“Mọi người dân Úc đều phải đặt đất nước này, lợi ích của quốc gia này, các giá trị và nhân dân Úc lên hàng đầu, nếu quý vị không muốn gia nhập hàng ngũ của chúng tôi thì đừng di cư đến đất nước này làm gì, và đó là điểm tôi muốn nhấn mạnh”. 

Được hỏi về việc một nhóm biểu tình Hồi Giáo đã giương cờ của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Sydney, thủ tướng nói: “Chỉ có lá cờ quốc gia Úc mới được quyền tung bay trên đất nước này”.

Chính phủ của thủ tướng Abbot cũng đang bàn đến một danh sách các nước mà người Úc cấm không được bén mãng đến sau khi Bộ Ngoại Giao Úc xác nhận có đến 61 người Úc đang tham gia chiến đấu với bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Iraq và Syria.

Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo lên tiếng chống lại cả ‘Team Australia’ lẫn chính sách cấm người Úc không được gia nhập với bọn khủng bố Hồi Giáo IS và từ chối không tham dự Hội Nghị chống khủng bố.

Thủ tướng Abbot, một người Công Giáo đã từng có thời gian là một chủng sinh dòng Tên, đang cố gắng thông qua một đạo luật chống khủng bố tại Úc. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo Hồi Giáo lại cho đó là đạo luật chống Hồi Giáo tại Úc.

14. Tuyên bố của các Thượng Phụ Trung Đông về tình cảnh các tín hữu Kitô

Mô tả bạo lực chống Kitô hữu tại Iraq và Syria là “âm mưu diệt chủng, các Thượng Phụ Công Giáo và Chính thống giáo ở Trung Đông đã thách thức các giới chức Hồi giáo và các nhà lãnh đạo trêh thế giới phải có hành động cụ thể chống khủng bố. 

“Sự tồn tại của các Kitô hữu đang bị đe dọa ở một số nước Ả Rập – đặc biệt là ở Iraq, Syria và Ai Cập– nơi họ đã phải chịu đựng những tội ác ghê tởm, buộc họ phải chạy trốn”. Các Thượng Phụ đã nói trong một tuyên bố đưa ra vào lúc kết thúc của cuộc họp thượng đỉnh của các ngài Brkerke, trụ sở của Giáo Hội Công Giáo Maronite.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Trung Đông than phiền rằng: “Thật là đau buồn khi chúng ta phải chứng kiến sự im lặng của một lập trường chính thức của các giới chức thẩm quyền Hồi giáo”. Các ngài kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo có ảnh hưởng hãy đưa ra những fatwas chống lại bạo lực. 

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội cũng lên tiếng chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị của thế giới. Các ngài than phiền rằng sau một thời gian dài dửng dưng trước những đau khổ khôn xiết mà các tín hữu Kitô phải chịu do chính những vũ khí mà phương Tây đã từng trang bị cho bọn khủng bố Hồi Giáo IS trong cuộc chiến chống lại chính phủ của tổng thống Syria Bashar al-Assad, “cộng đồng quốc tế cho đến nay cũng chẳng thông qua được một lập trường chặt chẽ” 

Tuyên bố của các Đức Thượng Phụ Trung Đông kêu gọi các nước gia tăng áp lực ngoại giao trên các nước cung cấp hỗ trợ tài chính cho bọn khủng bố, và các tài sản thuộc của những kẻ khủng bố phải bị tịch thu.

15. Giáo sĩ Hồi Giáo tại Anh ca tụng quân khủng bố Hồi Giáo IS

Trong cuộc phỏng vấn dành cho FoxNews hôm thứ Tư 27 tháng 8, giáo sĩ Hồi Giáo tại Anh là Anjem Choudary đã lên tiếng ca tụng quân khủng bố Hồi Giáo IS là “những người cao quý” và tiên đoán rằng luật Hồi Giáo Sharia sẽ mau chóng được áp dụng trên toàn thế giới.

Anjem Choudary là người bị nghi ngờ đã kích động thanh niên Hồi Giáo Anh tham gia thánh chiến tại Iraq và Syria. Ông là lãnh tụ tinh thần của nhóm “Islam 4 UK” (Hồi Giáo cho nước Anh) và được tin là có quan hệ thân thiết với tên khủng bố Abdel Majed Abdel Bary, 23 tuổi, kẻ đã chặt đầu ký giả Công Giáo Hoa Kỳ James Foley. Giải thích về những lời lẽ kích động thanh niên Hồi Giáo tại Anh gia nhập thánh chiến, giáo sĩ Anjem Choudary nói:

“Nếu người Hồi giáo có thể đến bất cứ nơi đâu trên thế giới để bảo vệ anh em của họ thì đây là một điều tốt. Tất nhiên họ phải được phép đi chiến đấu. Bất cứ ai ra đi sát cánh bên cạnh các chiến binh Hồi Giáo đang chiến đấu ở Iraq đều là cao quý.” 

Thủ tướng Anh David Cameron nói Choudary “là một trong những kẻ cần phải được xem xét nghiêm túc về tính hợp pháp của những gì ông nói, vì ông ta lạc hướng, tôi nghĩ rằng, lập trường của ông ta rất gần với thứ ý thức hệ khuyến khích hận thù, chủ nghĩa cực đoan và bạo lực.” 

Các giới chức tại Anh lo ngại rằng có tới 1,500 người Anh đã đi chiến đấu ở Iraq và Syria. Điều này đặc biệt đáng lo ngại cho giới chức Mỹ và châu Âu bởi vì những chiến binh này có khả năng sử dụng hộ chiếu Anh quốc để di chuyển dễ dàng trong xã hội phương Tây. 

16. Đức Tổng Giám Mục Jos từ chối cận vệ do chính phủ phái đến bảo vệ ngài

Bọn khủng bố Hồi Giáo IS ăn nên làm ra với những nguồn viện trợ đầy khích lệ từ thế giới Hồi Giáo sau khi thành lập cái gọi là “Nhà Nước Hồi Giáo”. Thấy vậy, bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram tại Nigeria cũng bắt chước thành lập “Nhà Nước Hồi Giáo” tại thành phố Gwoza, thuộc bang Borno và tấn công ráo riết để “mở mang bờ cõi”.

Hôm thứ Ba 26 tháng 8, 500 quân nhân Nigeria đã phải rút chạy khỏi hai thành phố Ashigashyia và Kerawa và xin lánh nạn tại quốc gia láng giềng Cameroon sau những cuộc giao tranh đẫm máu với bọn khủng bố Hồi Giáo.

Trước tình hình căng thẳng trên, chính quyền của tổng thống Goodluck Jonathan đã phái quân đội đến bảo vệ Toà Giám Mục Jos, thủ phủ của bang Borno. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục đã không đồng ý.

Đức Tổng Giám Mục Ignatius Kaigama của Jos, nói rằng mặc dù có những nguy hiểm gây ra bởi bọn khủng bố Boko Haram, ngài không muốn có những vệ sĩ vì sẽ làm cho giáo dân xa cách ngài. 

Thừa nhận rằng đôi khi ngài cũng cảm thấy nỗi sợ hãi, nhưng Đức Tổng Giám Mục nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng: “Tôi đã từ bỏ tất cả mọi thứ để phục vụ Thiên Chúa và người dân của mình. Tôi không có một gia đình sinh học, không có tài sản nào tôi có thể gọi là tài sản riêng tôi . Nếu tôi phải mất mạng sống của mình trong khi bảo vệ quyền tự do thờ phượng của người dân và sự hiệp nhất của nhân loại, tôi sẽ bỏ lại phía sau không màng tới điều gì. “

Đức Tổng Giám Mục Kaigama nói thêm rằng sự hiện diện của các nhân viên bảo vệ chắc chắn sẽ làm ngài xa cách đàn chiên của mình.

17. Đức Thánh Cha gặp gia đình vị bộ trưởng Pakistan bị Hồi Giáo quá khích giết hại

Mẹ và em trai bộ trưởng Shabaaz Bhatti, người đã bị giết vào năm 2011 đã được gặp Đức Giáo Hoàng khi hai người viếng thăm Rôma hôm thứ Tư 27 tháng Tư vừa qua. Ông Shabaaz Bhatti là người Công Giáo đầu tiên trong nội các Pakistan nơi ông phụ trách Bộ Các Nhóm Thiểu Số Pakistan.

Paul Bhatti, em trai ông cho biết 

“Đức Thánh Cha đã rất xúc động. Ngài nhắm mắt lại, nắm chặt bàn tay của mẹ tôi và ôm chầm lấy bà. Những cử chỉ ấy nói lên rất nhiều điều.” 

Bà Marta Bhatti, năm nay đã 87 tuổi cũng đã rất xúc động khi được gặp Đức Giáo Hoàng.

Ông Shabaaz Bhatti đã phản đối mạnh mẽ luật Phạm Thượng của Pakistan vì luật này được người Hồi Giáo lợi dụng để đàn áp thẳng tay các Kitô hữu. Trong rất nhiều trường hợp, luật này được sử dụng để vu cáo các Kitô hữu trong các tranh chấp dân sự giữa cá nhân với nhau.

Ông Paul Bhatti đã thay anh giữ chức vụ này sau khi anh ông bị ám sát chết. Ông nói với các ký giả rằng bạo lực hiện nay ở Iraq và Pakistan phức tạp hơn nhiều so với vẻ bề ngoài. 

Ông cho biết:

“Những gì đang xảy ra ở Iraq và Pakistan và các phần khác của thế giới, không chỉ đơn thuần là vấn đề tôn giáo. Chúng là những kẻ khủng bố đang lợi dụng tôn giáo như một công cụ để đạt được mục tiêu cá nhân của họ. Tại Pakistan, tôi đã gặp những người Hồi giáo tốt, những người đã ủng hộ tôi làm bộ trưởng. “

Đồng thời, ông lo ngại rằng người Hồi giáo cực đoan sẽ biến Pakistan thành một Iraq, nơi mà khủng bố và vô luật pháp đang thắng thế. 

“Đây là một khả năng, bởi vì chúng tôi đang phải đối phó với những kẻ khủng bố Hồi giáo quá khích đến mức chúng tấn công cả những người Hồi giáo thiểu số khác. Trước tiên chúng ta phải xác định xem động cơ nào đang thúc đẩy những thứ bạo lực, phân biệt đối xử và chia rẽ con người với nhau và giết người một cách tàn bạo như thế.” 

Để ngăn chặn hận thù, ông nói, giáo dục và đối thoại giữa các tôn giáo là quan trọng, đặc biệt là nơi thế hệ trẻ. 

“Những trẻ em nào được nuôi dưỡng theo một ý thức hệ cực đoan, và lớn lên cùng với những kẻ đánh bom tự sát, thì các em sớm muộn cũng trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng ta phải giúp đỡ những đứa trẻ này.” 

Bhatti nói rằng ông và gia đình vẫn đang bị đe dọa bởi những kẻ cực đoan. Ông không cảm thấy nhu cầu phải trả thù đối với cái chết của anh trai mình. Nhưng thay vào đó, ông muốn dành thời gian của mình để giúp đỡ những người vô phương tự vệ như anh trai của ông là Shahbaz đã từng làm trước khi bị giết.

18. Các hậu quả của xung đột Israel-Palestine 

Sau nhiều tuần xung đột, một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được giữa Israel và Palestine. Trong khi các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng trong xung đột, người dân ở Gaza nhìn vấn đề một cách khác. 

Hơn 2,200 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh 50 ngày. Những người may mắn sống sót đang thẫn thờ trước những đống đổ nát đã có thời là nhà cửa của họ. 

Giống như nhiều người ở Gaza, thị trấn Shujai’yeh đã bị tàn phá nặng nề với hơn 100,000 giờ đây trở thành những kẻ vô gia cư. 

Hassan, một cư dân trong vùng nói: 

“Giữa lúc giao tranh đang diễn ra, chúng tôi không thể ngồi, không thể đi, uống nước cũng không dám. Trong khi các quả bom đánh suốt ngày đêm, chúng tôi không thể ngủ được, chúng tôi luôn luôn phải ôm con cái chúng tôi vào lòng để chúng bớt sợ.” 

Chiến tranh đã để lại những hậu quả nặng nề cho các gia đình, đặc biệt là trẻ em, với những ký ức khủng khiếp của các cuộc tấn công. 

Mariam Masri nói:

“Về đêm, những đứa trẻ thường đột nhiên la hét, chúng sợ hãi ban đêm.”

Những cư dân địa phương đã trú ẩn trong ngôi trường này, vẫn còn bị kinh hoàng bởi cuộc xung đột.

Aseel Nabeel nói:

“Chúng tôi bị đuổi ra khỏi nhà mình, và một tên lửa đánh trúng căn nhà của chúng tôi, ngay trên giường của tôi, nơi để mấy cuốn sách của tôi, và cái túi của tôi. Chúng tôi phải ngủ trên sàn nhà, không có chăn nệm, chẳng có bất cứ điều gì.” 

UNICEF và một số tổ chức từ thiện Công Giáo đã cung cấp nước và những vật dụng vệ cho những người sống sót, trong khi làm việc suốt ngày đêm để khôi phục lại các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống cung cấp nước đã bị hư hại bởi các hỏa tiễn. Có lẽ phải mất nhiều năm cuộc sống mới bình thường trở lại.

19. Đức Thánh Cha gặp gỡ linh mục chính xứ Gaza 

Cha Jorge Hernandez, linh mục thừa sai người Á Căn Đình, đang làm chính xứ tại Gaza đã phải chứng kiến tất cả mọi thứ từ những vụ bỏ bom đến sự tuyệt vọng của người dân.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời ngài đến Vatican để nghe tường luật lại những gì đã diễn ra và những gì người dân địa phương đang phải đối phó, bao gồm cả những hậu quả hủy diệt mà cuộc chiến 50 ngày đã để lại. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican, ngài cũng đã nói về những đau khổ và những chết trong cuộc xung đột 50 ngày vừa qua. Người ta ước tính có 2,100 người Palestine và 68 người Do Thái bị thiệt mạng. 

Kitô hữu là một thiểu số trong khu vực đó. Trong số khoảng 2 triệu dân, khoảng 1,300 là Kitô hữu, trong đó chỉ có 136 người là các tín hữu Công Giáo. 

Con số anh chị em giáo dân trong giáo xứ của ngài không ổn định, nhưng ngài nói Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đưa ra những lời động viên, bằng cách nhấn mạnh rằng sự hy sinh là cốt lõi của Tin Mừng. 

Đó là miền đất nơi Chúa Giêsu phải chịu đựng nhiều đau khổ, nhưng đó cũng là miền đất đã chứng kiến vinh quang Phục Sinh của Ngài. 

Cha Hernandez nói thêm rằng hòa bình giữa Israel và Palestine là có thể, đặc biệt là bởi vì họ thấy rằng trong chiến tranh, tất cả mọi người đều chịu nhiều mất mát.

20. Đức Thánh Cha gặp các cầu thủ túc cầu tham dự trận đấu liên tôn vì hòa bình

Hôm 1 tháng 9, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp các cầu thủ túc cầu tham dự trận đấu Liên Tôn vì hòa bình. Trận đấu đã diễn ra tối cùng ngày tại sân vận động Olympic của Rôma. 

Đức Thánh Cha cám ơn các cầu thủ và nhấn mạnh tầm quan trọng của làm gương sáng cho thanh thiếu niên. 

Đức Thánh Cha nói:

“Mọi người, nhất là giới trẻ, nhìn vào anh em với sự ngưỡng mộ tài năng thể thao của anh em. Điều quan trọng là anh em là gương sáng điển hình, trên sân và ngoài sân cỏ.” 

Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ hy vọng rằng trận đấu liên tôn này sẽ góp phần trong việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. 

Ngài nói:

“Tất cả các bạn biết rằng phân biệt đối xử là đồng nghĩa với khinh bỉ. Phân biệt đối xử là coi thường người khác, và với trận đấu ngày hôm nay, anh em nói” không”với tất cả những phân biệt đối xử.” 

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón tất cả các cầu thủ, trong số đó có cả huyền thoại bóng đá Diego Maradona, người đã tặng Đức Thánh Cha với một chiếc áo cầu thủ có tên ngài. 

Maradona nói rằng anh đã xúc động bởi lời nói của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là giờ đây khi anh đã trở về với Giáo Hội. 

Diego Maradona nói:

“Tôi đã rất xúc động sau khi tôi ôm Đức Thánh Cha. Tôi cảm thấy tự hào là một người Á Căn Đình. Tôi đã trở lại với Giáo Hội sau khi mẹ tôi được Chúa cất đi. Hôm nay, tôi hạnh phúc sống trong lòng Giáo Hội, với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và được chơi một trận cầu cho hòa bình. “

Cầu thủ bóng đá người Ukraine là Andriy Shevchenko cũng đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng, và xin ngài cầu nguyện cho đất nước của mình. 

Andriy Shevchenko nói:

“Tôi xin Đức Thánh Cha cầu nguyện cho đất nước tôi bởi vì chúng tôi thực sự cần sự giúp đỡ của mọi người. Thật khó nói hết lên lời đặc biệt trước những diễn biến đang xảy ra với đất nước tôi. Nhưng tôi hy vọng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Chúng tôi đang ở đây để chơi trận đấu này và cố gắng mang đến một tín hiệu hòa bình cho tất cả. “

Đức Thánh Cha được trao tặng một huy chương lưu niệm của trận đấu. Một cây ô liu cũng sẽ được trồng tại sân vận động Olympic. Ngài đã chụp ảnh chung với các vận động viên.

Nguồn: Vietcatholic

h1

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN