Home / Tiêu Điểm / Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay

Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay

1_0_820550VATICAN – ĐTC xác nhận sự hợp pháp của việc dùng võ lực để chặn kẻ gây hấn bất chính, ngài cũng nhìn nhận cần phải làm cho công việc của ngài nhẹ bớt để giữ sức khỏe, nhưng sẵn sàng từ nhiệm theo gương vị tiền nhiệm Biển Đức 16 khi không còn làm việc được nữa.

Trên đây là một trong nhiều điểm được ĐTC đề cập đến trong cuộc họp báo dài một tiếng đồng hồ trên máy bay từ Hàn quốc trở về Roma hôm 18-8-2014.

Trả lời câu hỏi của một ký giả người Mỹ về việc không quân Hoa Kỳ oanh kích những kẻ khủng bố Hồi giáo để ngăn chặn cuộc diệt chủng, ĐTC nói: ”Trong những trường hợp này, khi có một sự gây hấn bất công, tôi chỉ có thể nói là được phép ngăn chặn kẻ gây hấn bất chính. Tôi nhấn mạnh động từ ”ngăn chặn” (fermare), tôi không nói là bỏ bom, gây chiến. Cần phải thẩm định các phương thế để ngăn chặn. Nhưng chúng ta cũng phải nhớ: bao nhiêu lần viện cớ ngăn chặn kẻ gây hấn bất công, các cường quốc đã chiếm đóng và thống trị các dân tộc và biến thành một cuộc chiến tranh chinh phục! Một quốc gia một mình không thể thẩm định phải ngăn chặn kẻ gây hấn bất công cách nào. Sau thế chiến thứ II, đã có LHQ, và chính tại đó người ta phải thảo luận”…

ĐTC cho biết ngài sẵn sàng đến các vùng có chiến tranh, như Kurdistan, nếu cần và nếu có thể thực hiện được, để ngăn chặn bạo lực.

Đáp một câu hỏi khác, ngài ca ngợi dân tộc Trung Hoa, một dân tộc khôn ngoan, và cho biết sẵn sàng đến Trung Quốc. ĐTC nói: ”Chúng tôi tôn trọng nhân dân Trung Quốc, Giáo Hội chỉ yêu cầu được được tự do để thi hành sứ mạng của mình, không có điều kiện nào khác.” Ngài cũng nhắc đến lá thư cơ bản của ĐGH Biển Đức 16 gửi các tín hữu Công Giáo Trung Hoa hồi năm 2007, một lá thư vẫn giữ nguyên tính chất thời sự. Ngài nói: “Tòa Thánh vẫn luôn cởi mở đối với các tiếp tục, luôn luộn, vì Tòa Thánh chân thành quí chuộng nhân dân Trung Quốc”.

Quan hệ với Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16

Một ký giả người Đức hỏi ĐTC về quan hệ giữa ngài với Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16, ngài đáp:

”Trước khi đi Hàn quốc, tôi đã đến gặp Người. Cách đây hai tuần Người đã gửi tôi một bài viết thật hay và hỏi ý kiến tôi… Chúng tôi có một quan hệ bình thường, vì tôi có ý tưởng này, có lẽ ý tưởng này không làm cho vài thần học gia hài lòng lắm. Tôi nghĩ việc Giáo Hoàng về hưu không phải là một điều ngoại lệ. Sau bao thế kỷ, Đức Biển Đức 16 là vị đầu tiên về hưu, như Người đã nói: ”Tôi già yếu rồi, tôi không còn sức nữa”.

Việc từ chức của Người là một cử chỉ cao thượng, khiêm tốn và can đảm.. Tôi nghĩ cách đây 70 năm, việc GM về hưu là một ngoại lệ, không có. Ngày nay GM về hưu là một định chế. Tôi nghĩ Giáo Hoàng về hưu đã là một định chế rồi! Tại sao? Vì đời sống chúng ta kéo dài và tới một tuổi nào đó không còn khả năng cai quản tốt nữa, vì cơ thể mệt mỏi.. sức khỏe có thể là còn tốt, nhưng không còn khả năng giải quyết tất cả các vấn đề của một việc cai quản như cai quản Giáo Hội… Một ngày kia, nếu không còn sức để cai quản Giáo Hội nữa, tôi cũng sẽ làm như vậy. Tôi sẽ cầu nguyện rất nhiều, nhưng tôi sẽ làm như thế. Đức Biển Đức 16 đã mở ra một cánh cửa, đó là một định chế chứ không phải là một điều ngoại lệ. Quan hệ giữa chúng tôi là quan hệ huynh đệ, nhưng tôi cũng nói rằng tôi cảm thấy Người như có một ông nội ở trong nhà vì sự khôn ngoan của Người.. Tôi thích nghe Người, và Người cũng khích lệ tôi nhiều. Đó là quan hệ của tôi với Người!”

Soạn thảo Thông điệp về môi sinh

Trả lời câu hỏi của một ký giả truyền hình Đức về Thông điệp về môi sinh đang được soạn thảo, ĐTC nói: Tôi đã nói chuyện rất nhiều với ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh công lý và hòa bình, về thông điệp này, và đã yêu cầu ĐHY thu thập tất cả những đóng góp được gửi tới. 4 ngày trước cuộc công du này, ĐHY đã giao cho tôi bản dự thảo đầu tiên thật là dầy, dầy hơn 1 phần 3 so Tông Huấn ”Niềm Vui Phúc Âm”. Đó là một vấn đề không dễ dàng, bảo tồn thiên nhiên, và cả về môi sinh con người, người ta chỉ có thể nói chắc chắn tới một mức độ nào thôi. Rồi có những giả thuyết khoa học, một số khá chắc chắn, một số khác thì không. Một thông điệp phải có đặc tính huấn quyền, chỉ nói những điều chắc chắn.. Vấn đề bây giờ là đi tới những điều thiết yếu, nhưng gì chúng ta có thể khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, ta có thể nói trong phần chú thích những giả thuyết này, giả thuyết kia, như một thông tin, chứ không phải như thành phần một thông điệp, một văn kiện phải có tính chắc chắn, vì là một văn kiện đạo lý” (SD 19-8-2014)

G. Trần Đức Anh OP

Nguồn: vietvatican.net

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN