Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 14 TN A của Trần Đình Phan Tiến

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 14 TN A của Trần Đình Phan Tiến

 

ĐỈNH CAO CỦA HIỀN HẬU & KHIÊM NHƯỜNG

(Mt 11, 25 -30)

Vâng, thưa quý vị! Lời nói của Chúa Giêsu hôm nay trong đoạn Tin Mừng (Mt 11, 25-30), cũng là Lời được trình thuật trong Lễ Kính Trọng Thể Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúa nói: “Ách Tôi thì êm ái, gánh Tôi thì nhẹ nhàng” (c 30).

 Nhưng rõ ràng, Người nói ở trên, câu 29: “… vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Vậy, ách êm ái, chính là sự hiền hậu, và gánh nhẹ nhàng, chính là sự khiêm nhường.

Theo đó, sự hiền hậu sẽ mang lại cho chúng ta sự êm ái, sự khiêm nhường sẽ đem lại cho chúng ta sự nhẹ nhàng. Vâng, ách và gánh của Chúa Giêsu chính là những lý tưởng đó. Chúa Giêsu kêu mời tất cả những ai đang khó nhọc và gánh nặng hãy đến cùng Người để được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Cuộc đời ai cũng có những gánh nặng phải lo toan. Nhưng phần lớn, người ta lo toan về phương diện vật chất. Vì vậy, khi đọc Lời Chúa hôm nay, họ thường nghĩ đến “gánh nặng vật chất” hơn là gánh nặng tinh thần.

Nếu xét theo nghĩa đen, thì những ai đang bị đè nặng bởi cơm, áo, gạo, tiền, thì họ rất vui mừng khi nghe Chúa nói như trên. Nhưng thực ra, Chúa Giêsu đã nói rõ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng” (c 28). Như vậy, Chúa Giêsu kêu gọi những thành phần nào? Thưa, tất cả những ai chưa có lòng “hiền hậu”, và “khiêm nhường”, một cách rõ ràng và dứt khoát như thế. Vì nếu, chưa có lòng hiền hậu, thì không thể có “êm ái” được, cũng như chưa có lòng khiêm nhường, thì chưa có “nhẹ nhàng” được. Bởi vì, Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (c 29). Như vậy, rõ ràng “ách“ của Chúa Giêsu là hiền hậu, và “gánh“ của Chúa Giêsu là ”khiêm nhường”, chứ không phải “ách” và ”gánh” của Chúa Giêsu là những “gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền”. Vì, “TÂM HỒN” anh em sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Như vậy, là quá rõ ràng, “TÂM HỒN” chứ không phải là “thể xác”.

Khi tâm hồn chúng ta được ”êm ái”, thì có nghĩa là chúng ta phải học với Chúa Giêsu và mang ách của Người đó là sự “hiền hậu” và gánh của Chúa đó là sự “khiêm nhường”. Vâng, hiền hậu sẽ cho chúng ta một tâm hồn “êm ái”, và “khiêm nhường sẽ cho chúng ta một tâm hồn ”nhẹ nhàng”. Vì, “hiền hậu và khiêm nhường” thì không bao giờ có xung đột.

Vâng, nếu xét về những đối tượng là những người đang gánh nặng về thể xác như: những gánh nặng về vật chất, nợ nần, tiền bạc bị thiếu hụt. Đó là những gánh nặng theo nghĩa đen, họ cũng nặng trĩu những âu lo, nhiều suy tư, băn khoăn. Thì, nếu họ biết “áp dụng” Lời Chúa hôm nay, cũng sẽ cho họ một sự an bình nội tâm. Đó là sự ”hiền hậu và khiêm nhường” của Chúa Giêsu. Điều đó có nghĩa là họ  sẽ được mang sự “êm ái và nhẹ nhàng” trong tâm hồn, dù là thể xác có ưu tư, nhưng “tâm hồn” họ vẫn bình an. Vì họ không thể tìm thấy giá trị nào lớn hơn Lời Chúa. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta thấy tục ngữ Việt Nam sẽ củng cố và làm rõ vấn đề câu Lời Chúa: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, hay “giấy rách phải giữ lấy lề”. Như vậy, dù nghèo vật chất, nhưng tâm hồn họ vẫn bình an. Vì dù tôi nghèo, nhưng tôi là người Kitô hữu, có nghĩa là tôi thuộc về Đức Kitô, thì thà chết, chứ tôi không tham lam của ai. Trong lúc ấy, quả nhiên Lời Chúa là Lời Hằng Sống, bởi vì, mang lại giá trị đích thực cho con người, không phải đời nầy, mà mãi mãi về sau, đến muôn đời. Giống như thánh Đaminh Salvio: “Thà chết, chẳng thà chịu phạm một tội mọn cố tình”

Cũng vậy, là một “cán bộ” Kitô hữu, người đó không chịu tham nhũng, không bất công, không hống hách, vì Lời Chúa sẽ là cho họ được “êm ái và nhẹ nhàng”. Như vậy, người Kitô hữu luôn là men, là muối, là ánh sáng cho trần gian. Đạo Công giáo được “ướp” bằng Lời của Tin Mừng sự sống thì còn cách giáo dục nào tốt hơn. Phúc cho xã hội nào, chế độ nào có nhiều công dân là Kitô hữu.

Bài đọc II (Rm 8, 9; 11-13), thánh Phaolô cho chúng ta biết rõ ý nghĩa Lời Chúa hôm nay: ”Ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng”.  Vì: “NẾU ANH EM SỐNG THEO TÍNH XÁC THỊT, ANH EM SẼ PHẢI CHẾT; NHƯNG NẾU NHỜ THẦN KHÍ, ANH EM SẼ DIỆT TRỪ NHỮNG HÀNH VI ÍCH KỶ NƠI ANH EM, THÌ ANH EM SẼ ĐƯỢC SỐNG“ (Rm 8, 13).

Như vậy, Thần Khí của Thiên Chúa chính là sự “hiều hậu và khiêm nhường” nơi Đức Giêsu- Kitô. Mặc nhiên, chính vì sự hiền hậu và khiêm nhường nơi “Tâm Hồn“ của Đức Kitô là đỉnh cao của ơn cứu độ, nơi mà được muôn muôn thế hệ tôn thờ đó chính là mầu nhiệm Thập giá. Vì nơi đó chính là biểu tượng của sự hiền hậu và khiêm nhường của một Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người. Vì nếu không, thì không bao giờ có “Thập Gía” để cứu chuộc chúng ta. Qủa thật, nếu Đức Kitô không hiền hậu và khiêm nhường thì ai có thể đưa Người lên Thập Gía? Như vậy, Thánh Gía chính là đỉnh cao của sự “HIỀN HẬU & KHIÊM NHƯỜNG” mà Chúa Giêsu đã nói và thực thi, hầu mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã kêu mời chúng con hãy đến với Chúa để được học cùng Chúa và mang lấy ách của Chúa, vì ÁCH HIỀN HẬU & GÁNH KHIÊM NHƯỜNG của Chúa chính là sự sống, đường sống cho những ai noi theo. Vì đỉnh cao của hiền hậu và khiêm nhường chính làThập Giá mà Chúa đã dùng để cứu chuộc chúng con. Xin thương ban cho chúng con biết chạy đến với Chúa để được tăng sức và bồi dưỡng khi chúng con vất vả và gánh nặng ./. Amen.

06/07/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN