Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Thánh Phêrô & Phaolô của Lm Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Lễ Thánh Phêrô & Phaolô của Lm Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

LỄ THÁNH PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ (29/06)

Cv 12,1-11 ; 2 Tm 4,6-8.17-18 ; Mt 16,13-19

 

DUY TRÌ HIỆP THÔNG TRONG ĐA DẠNG

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:

(13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai ?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2. Ý CHÍNH: HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ.

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (c 15-16), ông đã được khen là có phúc (c 17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (c 18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (c 19).

3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Tông đồ Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?

ĐÁP:

Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa thực sự của tước hiệu này. Ông mới chỉ đê cập đến ý nghĩa của tước hiệu Ki-tô của Đức Giê-su, theo lời tuyên sấm của ngôn sứ Na-than về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời tuyên sấm ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Sa-lô-môn con vua Đa-vít. Nên từ đó, dân Do thái luôn trông mong một Đấng Thiên Sai khác thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã được dân chúng ca tụng là “Con Vua Đa-vít” (x. Mt 21,9).

Ở đây Khi tuyên xưng Đức Giê-su bằng tước hiệu “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ấy, nên Đức Giê-su đã phải giải thích cho ông về ý nghĩa đích thực của tước hiệu này là về Thiên tính của Người, qua lời Người khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha mặc khải chân lý này (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giê-su đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào thời điểm nào: Khi Người vừa gặp Si-mon (x Ga 1,42); Khi Người thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Si-mon tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (x Mt 16,18) ?

ĐÁP:

Cũng có thể Đức Giê-su đã đặt tên Si-mon là Phê-rô khi Người vừa gặp ông (x. Ga 1,42); hay khi Người thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên Si-mon thành Phê-rô xảy ra vào thời điểm Si-mon tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống là hợp lý nhất (x. Mt 16,18). Vì sau khi đổi tên, Đức Giê-su đã nhấn mạnh về vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của ông vào Đức Giê-su là tảng đá vững chắc mà trên đó Người xây dựng Hội Thánh của Người. Ngoài ra Đức Giê-su còn trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho ông (x. Mt 16,18-19). Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông luôn kiên vững đức tin, hầu có thể chu tòan sứ mạng củng cố đức tin cho anh em mình (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông nữa (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh để thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được ?

ĐÁP:

Từ ngày được Đức Giê-su gọi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị Chúa trách là yếu đức tin vì tỏ ra sợ hãi trong cơn gió mạnh khi ông đang đi trên mặt nước mà đến với Thầy (x. Mt 14,31); Sau đó, ông cũng bị Thầy cảnh báo sẽ không được dự phần với Thầy, vì ông đã từ chối để Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất là vì ông đã quá tự tin nên đã bị vấp ngã chối Thầy ba lần, mặc dù trước đó đã được Thầy cảnh báo (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm đáng được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin qua câu trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, và đã được Chúa đổi tên Si-mon thành Phê-rô với quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để ông được luôn kiên vững đức tin, và Người còn trao cho ông sứ vụ củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng tỏ ra rất nhiệt tình, thường đại diện Nhóm Mười Hai để trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10); Đại diện anh em tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh Thánh Thể, trong khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giê-su chọn đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2); Cho ông được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32); Cho ông được chứng kiến cuộc hiển dung của Người ở trên núi cao (x. Mt 17,1); Cho ông được chứng kiến phép lạ Người làm cho bé gái mới chết phục sinh (x. Mt 5,37); Và nhất là cho chứng kiến việc Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).

Tuy đã từng sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô cũng đã lập tức hồi tâm sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ lỗi lầm và trao quyền lãnh đạo đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách ông chạy đua với Gio-an ra mồ và ông đã sớm tin vào mầu nhiệm phục sinh của Thầy (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34); Được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-13) và sau đó đã giảng một bài đầu tiên đầy Thần khí tại Giê-ru-sa-lem nên đã mang lại hiệu quả là có tới ba ngàn người xin tòng giáo (x. Cv 2,14-41); Có khả năng chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41); Chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rô-ma để sẵn sàng bị bắt và chịu khổ hình thập giá dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa cao độ, và nêu gương một đức tin vững như đá tảng, để các tín hữu chúng ta noi theo.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2. CÂU CHUYỆN: PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU ?

Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng về chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống như mình nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp để xin ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và cả một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm giành cho được giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.

Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí chỗ ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại một đại sảnh lớn trong hoàng cung để vua và bá quan trong triều chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Nhà vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì vua rất ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực như hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của mình. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp đứng hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do chiêm ngưỡng.

3. SUY NIỆM:

Hôm nay Hội Thánh hân hoan mừng lễ hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Hai vị thánh đã tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su và đặt nền tảng vững chắc cho Hội Thánh của Chúa ở trần gian. Phê-rô đứng đầu trong việc tuyên xưng và truyền đạt đức tin cho người Do thái. Phao-lô là thầy dạy và là tông đồ loan báo Tin Mừng cho dân ngoại.

I. VỀ HAI VỊ TÔNG ĐỒ PHÊ-RÔ VÀ PHAO-LÔ:

1) Hai tính cách khác nhau: Phê-rô là một người bình dân làm nghề chài lưới ít học và có nhiều bất toàn như: tính tình nóng nảy, ăn nói bộc trực, cư xử thô lỗ, tuy can trường nhưng cũng không thiếu những lúc tỏ ra nhát đảm sợ sệt. Nhưng tội lớn nhất của ông là đã chối không biết Thầy là ai tới ba lần (x. Mt 26,69-74)..

Còn tông đồ Phao-lô lại là một nhà tri thức, ăn nói lưu loát với lối lý luận sắc bén, từng theo học tai trường Kinh Thánh nổi tiếng của Ga-ma-li-en… Ông thù ghét Chúa Giê-su và đã từng đem quân đi bắt các tín hữu ở thành Đa-mát để đem về Giê-ru-sa-lem trị tội.

2) Hai ơn kêu gọi khác nhau: Mỗi ông đã được Đức Giê-su kêu gọi trong hoàn cảnh khác nhau:

– Si-mon Phê-rô đã theo Đức Giê-su khi Người bắt đầu thi hành sứ vụ trong lúc ông đang chài lưới bắt cá dưới biển. Ông đã lập tức bỏ nghề và từ giã gia đình để theo Đức Giê-su làm nghề mới là bắt các linh hồn. Si-mon đã tuyên xưng đức tin về vai trò và sứ vụ của Thầy như sau: ”Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Vì vậy ông đã được Đức Giê-su khen là có phúc và đặt ông làm người đứng đầu Hội Thánh với quyền cầm buộc và tháo cởi như sau: ”Này anh Si-mon, con ông Giô-na. Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16,17-19).

– Còn Phao-lô, vị tông đồ của dân ngoại. Phao-lô tên là Sao-lô. Lúc đầu ông đã ra tay bắt bớ Hội Thánh Chúa Giê-su. Nhưng tại cửa thành Đa-mas, ông đã được gặp Chúa Phục Sinh khiến ông bị té ngựa và bị mù mắt. Ông phải vào trong thành ba đêm ngày để cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa và sau khi nhận ra ý Chúa muốn, ông đã trở thành tông đồ của Người. Từ đây, Phao-lô hăng hái đi khắp vùng Địa Trung Hải để rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Người (x. Cv 26,12-18). Nhờ lòng mến Chúa thôi thúc (x. 2 Cr 5,14), Phao-lô đã vượt qua bao gian nan thử thách như ngài đã viết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, bắt bớ, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, gươm giáo ? … Phao-lô luôn quyết tâm chu toàn sứ vụ làm tông đồ cho Chúa Giê-su như ngài đã viết: “… lao tù đòn vọt, bao lần suýt chết, năm lần bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một, ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đá,ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi… Phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em; phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cor 11, 23-27). Phao-lô đã khuyên đồ đệ Ti-mô-thê như sau: ”Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh (2 Tm 4,5).

3) Hiệp thông trong đa dạng: Tuy khác nhau về nhiều điểm, nhưng hai tông đồ Phê-rô Phao-lô đều có chung một mục đích là hiến thân ”phụng sự Đức Giê-su”. Cả hai đều lãnh nhận sứ vụ làm tông đồ cho Chúa và đã hoàn thành xuất sắc đến độ sẵn sàng chịu chết để làm chứng cho Người. Hai vị đã nêu gương sáng về sự hiệp thông trong đa dạng: Tuy có nhiều điểm khác nhau, mà không chống đối loại trừ nhau, nhưng cùng nhau cộng tác trong sứ vụ loan báo Tin Mừng để làm sáng danh Chúa. Hai vị đã dùng đường lối khác nhau để quy tụ một gia đình cho Đức Giê-su. Kinh tiền tụng trong thánh lễ hôm nay đề cập đến sự hiệp thông trong đa dạng này như sau: “Thánh Phê-rô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phao-lô là người làm sáng tỏ đức tin. Thánh Phê-rô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ít-ra-en, thánh Phao-lô là thầy giảng dạy muôn dân” .

Sở dĩ các ngài có thể hiệp thông dù khác biệt nhau là vì đã áp dụng nguyên tắc như sau: Chấp nhận khác biệt trong những điều phụ, nhưng tôn trọng sự hiệp nhất trong những điều chính yếu về đức tin, nhất là cùng theo một mục đích là yêu mến và phụng sự Chúa Ki-tô. Vì thế, các ngài xứng đáng lãnh nhận triều thiên vinh quang của những đầy tớ trung tín khôn ngoan và nêu gương hiệp thông cho các tín hữu trong Hội Thánh.

II. CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?:

1) Làm tông đồ là sứ mạng của mọi tín hữu: Việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Ba Ngôi (x. Mt 28,19); “Làm chứng nhân của Chúa tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1,8) là sứ mạng chung được Chúa Giê-su trao cho Hội Thánh trước khi lên trời để mang lại niềm vui ơn cứu độ và  niềm hy vọng cho mọi người trên thế giới. 

2) Điều kiện để chu toàn sứ mạng tông đồ:

– Nhiệt tình yêu mến Chúa: Điều quan trọng mà các tín hữu phải có để chu toàn sứ vụ tông đồ noi gương hai thánh Phê-rô Phao-lô là phải có lòng yêu mến Chúa tha thiết, như thánh Phê-rô đã tuyên xưng ba lần lòng yêu mến Chúa Giê-su trước khi được trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh (x. Ga 21,15-17); Hoặc như thánh Phao-lô luôn yêu mến Đức Giê-su như ngài đã viết: “Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, hay bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). Phao-lô luôn nêu gương cho các tín hữu chúng ta là sống kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

– Phải có lòng khiêm tốn: Khiêm tốn nhận ra những bất toàn sai lỗi của mình để hồi tâm sám hối và quyết tâm trở về với Chúa như tông đồ Phê-rô sau khi phạm tội đã “ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75). Hoặc như Phao-lô đã luôn ý thức về những yếu đuối của mình như ngài đã viết: “Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10).

 – Phải nhiệt thành loan báo Tin Mừng: Thánh Phê-rô đã đón nhận ơn Thánh Thần và hăng say rao giảng Tin Mưng. Nhờ ơn Thánh Thần mà Phê-rô đã gặt hái được nhiều kết quả ngoài dự kiến. Sau bài giảng đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem đã có 3 000 người xin tòng giáo (x. Cv 2,41). Còn Phao-lô đã nhiệt thành loan truyền Chúa Ki-tô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1 Cr 9,16).

Noi gương hai vị tông đồ, chúng ta cũng hãy cầu xin ơn Thánh Thần hướng dẫn, hầu trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm cho ơn cứu độ ngày càng thêm phong phú và lan rộng đến tận cùng trái đất.

3) Các phương thế hữu hiệu giúp chu toàn sứ vụ tông đồ:  

– Một là phải quyết tâm ngày một nên giống Chúa Giê-su: Chính nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và rước lễ hàng ngày, nhờ biết xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, nhờ cố gắng học tập noi gương Chúa Giê-su luôn có cái nhìn bao dung nhân từ, ăn nói điềm đạm, thái độ vui vẻ chân thành, giao tiếp thân tình, ứng xử hiền hòa, khiêm tốn phục vụ tha nhân, mà chúng ta hy vọng sẽ trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh của Chúa Giê-su. Để mỗi khi có dịp tiếp xúc với chúng ta, anh em lương dân sẽ có thiện cảm và dễ dàng tin theo Chúa Giê-su với chúng ta, vì họ đã gặp được Người nơi chúng ta.

– Hai là phải luôn bảo vệ sự hiệp nhất: Đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đoàn noi gương hai vị tông đồ Phê-rô Phao-lô… Chúa Giê-su cũng đã dạy các môn đệ phải thi hành giới răn mới của Người là yêu thương nhau. Người coi đó là dấu hiệu các ông là môn đệ thực sự của Người (x. Ga 13,34-35). Các tín hữu chúng ta hôm nay cũng phải sống yêu thương bằng những việc cụ thể đối với nhau trong cộng đoàn như: “Chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia” (Cl 3,12). Cùng nhau hợp tác xây dựng cộng đoàn ngày thêm bền vững và phát triển thịnh vượng. Một trong những yếu tố xây dựng tình hiệp nhất đoàn kết nội bô là nguyên tắc ứng xử: Bảo vệ hiêp nhất trong những điều chính yếu, nhưng tương nhượng trong những điều tùy phụ”.

4. THẢO LUẬN: Đối với bạn Đức Giê-su là ai ? Bạn cần làm gì đối với Người ?

Là một ngôn sứ, để nói Lời Chúa cho ta; Là một thần tượng để ta chiêm ngưỡng tôn thờ; Là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin theo và bỏ mọi sự mà theo làm môn đệ của Người, sẵn sàng vác thập giá của mình là vượt qua các đau khổ bệnh tật và những điều trái ý gặp phải trong cuộc sống, để cộng tác với Người cứu rỗi anh em ?

5. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng muốn làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh như thánh Phê-rô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói xúc phạm khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống hòa hợp với anh em. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, trừ khử thói háo danh, ưa châm chọc chỉ trích nói xấu kẻ khác, những tư tưởng tự mãn và hẹp hòi… Nhờ đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân cho tình yêu vô biên của Chúa.

– LẠY CHÚA. Tòa nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm đến nay vẫn đang tiếp tục được xây dựng vì còn dang dở. Xin Chúa giúp mỗi tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm được hoàn thành. Xin cho chúng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

 

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

 

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN