Thủ phủ của người Công Giáo tại Iraq thất thủ
Tin tức nổi bật nhất trong tuần qua là thảm kịch nhân đạo đang diễn ra tại Iraq khi quân thánh chiến Hồi Giáo chiến thắng dồn dập và chiếm được nhiều thành phố trọng yếu như Mosul, Tikrit, Baiji và chỉ còn cách thủ đô Baghdad có 80 km.
Hơn nửa triệu người phải di tản. Ít nhất 1700 binh lính Iraq bị quân thánh chiến Hồi Giáo hành quyết tập thể. Đức Tổng Giám Mục của tổng giáo phận Mosul cũng phải bỏ trốn khỏi Mosul để tránh bị thảm sát. Nhiều nhà thờ bị đốt phá và cướp bóc.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ mối quan ngại sâu xa về những gì đang diễn ra tại Iraq, ngài nói:
“Anh chị em thân mến, tôi đang lo lắng theo dõi các biến cố của những ngày vừa qua bên Iraq. Tôi mời gọi tất cả mọi người hiệp ý với tôi cầu nguyện cho dân nước Iraq thân yêu, nhất là cho các nạn nhân và cho những ai phải đau khổ nhiều vì các hậu qủa của bạo lực gia tăng. Cách riêng cho nhiều người, trong đó có biết bao kitô hữu, đã phải bỏ nhà cửa. Tôi cầu chúc cho toàn dân Iraq được an ninh, hòa bình và một tương lai hòa giải, công bằng, trong đó tất cả mọi người dân Iraq, thuộc bất cứ tôn giáo nào có thể cùng nhau xây dựng quê hương của họ, làm cho Iraq trở thành một mô thức của sự sống chung.”
Thánh Bộ Giáo Hội Đông phương cũng đã ban hành một thông cáo báo chí nói rằng Đức Hồng Y Tổng Trưởng Leonardo Sandri, đang theo những diễn tiến tại Iraq với mối quan tâm tột bực, và hiệp thông trong lời cầu nguyện với Đức Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, là Đức Hồng Y Louis Sako, cùng tất cả các giám mục, linh mục và giáo dân Iraq.
Tuyên bố còn cho biết rằng các nhà thờ và trường học Công Giáo được lệnh mở cửa cho những người tị nạn của tất cả các tôn giáo, và quả quyết với các tín hữu của Iraq về sự mật thiết tinh thần và tình cha con của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Những gì đang diễn ra tại Iraq thưa quý vị và anh chị em?
Đêm thứ Hai 9 tháng 6 rạng ngày thứ ba, các chiến binh Hồi Giáo cực đoan lần lượt chiếm được sân bay Mosul, đài truyền hình và văn phòng thống đốc, phá các nhà tù và giải thoát hơn 1,000 tù nhân.
Cảnh sát và binh lính bỏ chạy chứ không chống cự. Các chiến binh Hồi Giáo tiếp thu thành phố dễ dàng như vào chốn không người.
Đức Tổng Giám Mục Emil Shimoun Nona của Công Giáo nghi lễ Chanđê nói với thông tấn xã Công Giáo Fides rằng:
“Những gì tôi có thể nói, là một bí ẩn gì đã xảy ra. Đó là không biết như thế nào mà binh sĩ và cảnh sát rút chạy khỏi thành phố trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, để lại hầu hết vũ khí và phương tiện vận tải. Tất cả điều này đặt ra nhiều câu hỏi.”
Các đồn bót cảnh sát và quân đội bốc cháy, xe cộ bị đốt, bị bắn bằng hỏa tiễn nằm ngổn ngang trên đường. Nhà thờ bị cướp phá và đốt cháy.
Đức Cha Nona là Tổng Giám Mục của Mosul, nơi được coi là thánh địa của Công Giáo vì đây là vùng đất tập trung hầu hết người Công Giáo tại Iraq, cũng đã phải bỏ chạy khỏi Mosul.
Ngài nói thêm với Fides: “Tôi biết có một nhà thờ bị tấn công bởi những nhóm trộm cướp khi thành phố bị chiếm. Nhưng nhà thờ đó hiện được một số gia đình Hồi Giáo trông nom giùm.”
Nửa triệu dân chúng, phần lớn trong đó là các tín hữu Kitô bỏ chạy. Nhiều người thực sự không còn biết phải chạy đi đâu về bốn phương tám hướng đều bị thánh chiến Hồi Giáo chiếm đóng.
Đài phát thanh của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria” hô hào các lực lượng thánh chiến tiến công vào nhiều thành phố của Iraq, bao gồm cả thủ đô Baghdad.
Với việc thất thủ Mosul, Đức Hồng Y Louis Raphael I Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Iraq bày tỏ âu lo là người Công Giáo đang bị bứng tận gốc khỏi quốc gia này.
Những chiến binh Hồi Giáo cực đoan này là những ai thưa quý vị và anh chị em?
Chúng là một phần của tổ chức khủng bố gọi là “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria”, hoặc ISIS, là một nhóm tách ra từ al Qaeda, chủ trương dùng vũ lực để thành lập các nhà nước Hồi Giáo Sunni theo luật Sharia tại Iraq và Syria.
Saddam Hussein là nhà độc tài đã cai trị Iraq từ tháng 7 năm 1979 đến ngày 9 tháng Tư năm 2003. Chính sách độc tài của ông triệt tiêu các mầm móng của các loại chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan tại nước này vì chúng đe doạ trực tiếp đến quyền lực của ông.
Sau khi Hoa Kỳ tấn công vào Iraq năm 2003, một khoảng trống quyền lực được hình thành và là mảnh đất phì nhiêu cho các loại Hồi Giáo cực đoan phát triển. ISIS đã được Al-Qaeda hình thành tại miền Tây Iraq gây ra nhiều thương vong cho quân đội Hoa Kỳ. Trong năm 2006, viên chỉ huy khát máu Abu Musab al-Zarqawi đã bị giết chết trong một cuộc tấn công của Mỹ.
Khi Hoa Kỳ rút dần khỏi Iraq, ISIS được tái tổ chức dưới quyền của Abu Bakr al-Baghdadi, một người được coi là hậu duệ xứng đáng của Osama Bin Laden trong viễn tượng của một Trung Đông dưới sự cai trị của các nhà nước Hồi Giáo cực đoan.
ISIS tăng trưởng mạnh trong cuộc chiến tại Syria và thu hút nhiều thành viên từ các quốc gia khác bao gồm cả châu Âu cũng như Chechnya, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều chiến binh từ các quốc gia Ả Rập khác, bị thu hút bởi cuộc xung đột ở Syria.
Từ khi Hoa Kỳ rút hết khỏi Iraq vào năm 2011, ISIS đã chiếm được nhiều thành phố của Iraq. Nhưng đặc biệt là trong nhiều tháng qua, lực lượng an ninh Iraq, do Hoa Kỳ đào tạo với chi phí hàng tỷ đô la, đã chứng minh không thể cầm cự nổi với ISIS. Quân đội và cảnh sát của thủ tướng Nuri al-Maliki lần lượt bỏ chạy khỏi Fallujah và Ramadi và nay đến lượt Kirkuk và Mosul. Cả thị trấn dầu hỏa Baiji ở tỉnh Salaheddin cũng rơi vào tay quân thánh chiến Hồi Giáo.
Tình hình Iraq đang đen tối dần đối với các Kitô hữu
Thật vậy, thưa quý vị và anh chị em,
ISIS đã bắt đầu áp đặt luật Sharia ở các thị trấn của Syria do nó chiếm được như Raqqa, buộc phụ nữ đeo khăn trùm mặt trong bộ đồ niqab, cấm tất cả các loại âm nhạc công cộng và triệt hạ các nhà thờ Kitô Giáo. Đã có những báo cáo cho thấy chỉ cần đeo trên cổ một cây thánh gía cũng bị nhóm khủng bố Hồi Giáo này chặt đầu.
Trong khi Iraq đang gặp khó khăn rất nhiều do những vụ đánh bom bằng xe hơi hàng ngày và các cuộc tấn công tự sát, quy mô của cuộc tấn công vào Mosul – và cuộc khủng hoảng nhân đạo gắn liền với nó – là tín hiệu rất trầm trọng cho sự ổn định của đất nước.
Theo Liên Hiệp Quốc, năm ngoái là năm bạo lực nhất trong 5 năm qua tại Iraq, với hơn 8.800 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường.
Trong năm nay, gần nửa triệu người đã phải tản cư khỏi tỉnh Anbar là trung tâm các trận đánh giữa ISIS và lực lượng chính phủ.
Ngoài ra, còn có những lo ngại rằng các chiến binh Hồi Giáo nước ngoài đang hoạt động với ISIS có thể quay trở lại quê hương của họ, ở châu Âu và các nơi khác, và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ở đó. Lo lắng này tỏ ra có cơ sở vì trong tháng qua bốn người Do Thái đã bị giết tại Bảo tàng Do Thái ở Bỉ.
2. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và cuộc chiến tại Iraq
Tờ Daily Mail Australia số ra ngày thứ Hai 16 tháng Sáu tường trình một con số ước lượng là 1700 binh lính Iraq đã bị xử tử hàng loạt trong vòng một tuần qua bởi nhóm thánh chiến Hồi Giáo Sunni xuất thân từ tổ chức khủng bố Al Qaeda.
Iraq đang rơi vào một cuộc nội chiến nguy hiểm giữa một bên là người Hồi Giáo Sunni, chiếm gần 40% dân số, được đông đảo các nước Hồi Giáo trong khu vực ủng hộ và một bên là người Hồi Giáo Shi’ite, chiếm 60% dân số, đại diện bởi thủ tướng Nouri al-Maliki, được Iran ủng hộ. Một cuộc chiến tương tự cuộc nội chiến khốc liệt tại Syria đang diễn ra trên đất Iraq. Trong bối cảnh đó, các Kitô hữu phải bỏ chạy để tránh là nạn nhân của cả hai bên trong cuộc xung đột.
Cuộc chiến do Hoa Kỳ phát động trong vùng đã không mang lại tự do và hạnh phúc cho người dân, trái lại đã dẫn đến một tình trạng mất ổn định nghiêm trọng trong khu vực và trên toàn thế giới.
Tòa Thánh đã thấy trước điều này và đã liên tục chống lại các ý đồ can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào vùng này.
Thật vậy, năm 1991, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phản đối chiến tranh vùng Vịnh và công khai kêu gọi Tổng thống Mỹ George HW Bush đừng phát động chiến tranh. Năm 2003, lại một lần nữa ngài phản đối cuộc chiến tranh tại Iraq và kêu gọi Tổng thống Mỹ George W. Bush kiềm chế không tiến hành chiến tranh.
Trong diễn văn trước các phái đoàn ngoại giao tại Vatican vào ngày 13 tháng 1 năm 2003, Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng “chiến tranh không bao giờ là một phương tiện mà ta có thể lựa chọn để giải quyết sự khác biệt giữa các quốc gia” và nhắc lại rằng “chiến tranh không thể được quyết định. . . ngoại trừ đó là lựa chọn cuối cùng và phù hợp với những điều kiện rất nghiêm ngặt.”
Hai tháng sau, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 16 tháng 3 năm 2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô đã nói về sự cần thiết “phải nỗ lực trong tinh thần trách nhiệm đối với hòa bình” và tuyên bố rằng “Vẫn còn thời gian để đàm phán; vẫn còn chỗ cho hòa bình, không bao giờ là quá muộn để hiểu biết nhau và tiếp tục thảo luận.”
Cuộc chiến tranh bắt đầu hai ngày sau, ngày 18 tháng Ba năm 2003. Ngày 20 tháng Ba năm 2003, Hoa Kỳ tràn vào lãnh thổ Iraq
Cả ngay sau khi Hoa Kỳ đã lật đổ và giết chết nhà độc tài Saddam Hussein, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã không từ bỏ quan điểm chống lại cuộc chiến tranh này. Ngày 4 tháng Sáu năm 2004, trong diễn từ với Tổng thống Bush đến thăm ngài tại Vatican, Đức Thánh Cha nhắc nhở Tổng thống rằng:
“Tổng thống rất quen thuộc với quan điểm rõ ràng của Tòa Thánh về vấn đề này, thể hiện nơi rất nhiều văn bản, thông qua tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp, và trong các nỗ lực ngoại giao đã được thực hiện kể từ khi tổng thống đến thăm tôi lần đầu tiên tại Castelgandolfo hôm 23 tháng 7 năm 2001, và một lần nữa tại điện Tông Tòa này vào ngày 28 tháng Năm năm 2002.”
Trong số tháng Tư năm 2003 của tạp chí 30 ngày, một tạp chí Công Giáo Ý, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger cũng bày tỏ sự chống đối cuộc chiến tại Iraq, và tán đồng đường lối chống chiến tranh của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô. Ngài nói quan điểm của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về chiến tranh là “những suy nghĩ lương tâm của một người giữ những trọng trách cao nhất trong Giáo Hội Công Giáo” và là “lời kêu gọi lương tâm thế giới soi sáng bởi đức tin.”
Cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Iraq năm 2003, không đem lại chút tự do, hạnh phúc nào cho người dân. Ngược lại, nó đã tạo ra một khoảng trống quyền lực và những mảnh đất phì nhiêu cho các loại Hồi Giáo cực đoan phát triển dẫn đến những cuộc chiến tàn khốc, những con số thương vong to lớn, những thiệt hại nặng nề về người và của và tình trạng vắng bóng dần các tín hữu Kitô tại Trung Đông.
3. Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn nhật báo Tây Ban Nha La Vanguardia
Đức Phanxicô nhấn mạnh tới việc bách hại các Kitô hữu hiện nay. Ngài nói rằng việc bách hại này “mạnh hơn là trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội”. Theo Đức Phanxicô, sở dĩ ngài ít nói tới việc bách hại này vì ngài không muốn làm mất lòng, nhưng ngài nhận định rằng “tại môt số nơi, người ta ngăn cấm không được có Thánh Kinh hay không được dạy giáo lý hoặc mang Thánh Giá”.
Về hệ thống kinh tế thế giới, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng một hệ thống lành mạnh phải chú tâm tới nhu cầu con người nam nữ. Ngài cho rằng “Nhưng ta đã đặt tiền bạc ở tâm điểm, ông thần tiền bạc. Ta đã sa vào tội thờ ngẫu thần, ngẫu thần tiền bạc”.
Đức Phanxicô nói rằng điều “làm ngài bất bình” là khi nghe người ta chỉ trích Đức Piô XII đã dửng dưng đối với Nạn Diệt Chủng Do Thái. Ngài nói rằng các hồ sơ lịch sử sẽ cho thấy vị giáo hoàng thời chiến này đã cố gắng hết sức để che chở người Do Thái khỏi nạn diệt chủng của Quốc Xã. Đức GH cũng tin tưởng rằng khi văn khố Vatican cho mở các hồ sơ mật, người ta sẽ được thấy phạm vi to lớn trong các cố gắng của Đức Piô XII.
Nhận định về việc từ nhiệm của Đức GH Bênêđíctô XVI, Đức Phanxicô nói tới khả năng vị tiền nhiệm của ngài rất có thể là một trong nhiều “giáo hoàng hưu trí”. Ngài nhấn mạnh: cho tới gần đây, chưa hề có các giám mục hưu trí, nhưng nay thì giám mục hưu trí hiện diện khắp nơi trên thế giới. Đức Phanxicô cũng nhắc lại việc chính ngài cũng đã đệ đơn từ chức TGM Buenos Aires và đã sắp xếp để có được một chỗ ở với các linh mục về hưu, trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng.
Quay qua vấn đề các phong trào đòi tự trị tại Âu Châu, Đức Phanxicô nhắc tới cảnh dã man do việc phân chia Yugoslavia gây ra. Ngài đề nghị: tại những nơi như Tô Cách Lan và Catalonia, điều khôn ngoan là nhìn các tham vọng ly khai với một chút hoài nghi, bán tín bán nghi.
Về các lo lắng đối với sự an tòa bản thân của ngài, Đức Giáo Hoàng không nhấn mạnh lắm, ngài bác bỏ các lo lắng về việc ngài từ chối không sử dụng giáo hoàng xa chắn đạn. Ngài bảo: “tôi biết chuyện gì có thể xẩy ra, nhưng xin phó thác trong tay Thiên Chúa”. Ngài cho hay ngài không thể chịu được cảnh phải du hành trong “cái hộp cá mòi” có vũ trang, và vừa cười vừa bảo: “ở cỡ tuổi của mình, tôi chả có chi để mất mát cả”.
Cuối cùng, Đức Phanxicô, người rất mê túc cầu, cho hay ngài rất thích Giải Bóng Đá Thế Giới, nhưng sẽ cố gắng không trở thành người ái mộ phe phái. Ngài bảo: “tôi tự hứa sẽ đứng trung lập”.
3. Đức Thánh Cha nói với các thẩm phán Ý rằng thận trọng không có nghĩa là bất động chẳng làm gì cả
Hãy là những gương sáng cho sự liêm chính trong xã hội là lời mời gọi của Đức Thánh Cha gởi đến Hội đồng tối cao các thẩm phán Ý. Ngài kêu gọi các thẩm phán hãy là những mẫu gương về các nhân đức, trong đó quan trọng nhất là sự thận trọng.
Đức Thánh Cha nói:
“Nó không phải là một đức tính dựa trên sự bất động. Đừng nói,”Tôi thận trọng, vì thế tôi sẽ không hành động. Không! đức tính này đòi hỏi phải có những tác động. Nhân đức này đẩy người ta đến việc xem xét, cách bình tĩnh, những luật lệ chi phối từng trường hợp. “
Đức Thánh Cha sau đó nhắc nhở họ rằng xã hội hy vọng rất nhiều nơi họ, đặc biệt là khi giá trị trong xã hội đang bị xói mòn.
“Xã hội Ý hy vọng nhiều nơi các luật gia. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay được đặc trưng bởi sự xói mòn nhanh chóng các di sản của chúng ta về các giá trị và sự phát triển của cấu trúc dân chủ.”
Ngài cũng đề cập đến hai vị thẩm phán quá cố, là những người minh họa giá trị Kitô giáo, bất chấp những thử thách. Trước hết là thẩm phán Vittorio Bachelet, người đã bị giết trong một thời kỳ bất ổn dân sự tại Ý, và Rosario Livatino, người đã bị giết bởi mafia và án phong chân phước cho ngài đang được tiến hành.
Cuộc họp ban đầu đã được dự trù vào buổi sáng thứ Hai 16 tháng Sáu, nhưng Đức Giáo Hoàng phải hủy bỏ, vì bị sốt. Đức Giáo Hoàng đã xin lỗi vì sự bất tiện và đã gặp gỡ các vị vào sáng thứ Ba 17 tháng Sáu.
4. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ những người nghèo tại Rôma
Dù thời tiết xấu, hôm Chúa Nhật 15 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Nhà thờ Santa Maria ở Trastevere để gặp những người đang nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng thánh Egidio.
Sau khi vào nhà thờ, Đức Giáo Hoàng đặt một bó bông hoa và cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Giàu Lòng Xót Thương.
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nghe các chứng từ của một số người được cộng đồng thánh Egidio giúp đỡ.
Adriana, một phụ nữ bị khuyết tập, và Dawood Yousefi, một người tị nạn Hồi giáo, đã trình bày hoàn cảnh của mình và sự trợ giúp của các thành viên cộng đồng Thánh Egidio.
Adriana nói:
“Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều người bệnh. Con cũng chịu đựng nhiều khó khăn, giống như những người khác, cả về thể chất và tâm lý. Nhưng năm nay, con hiểu rằng bệnh tật nghiêm trọng nhất là sự cô đơn. Nhưng Chúa Giêsu đã chữa lành cho con.”
Dawood Yousefi
“Tôi nhớ những con đường vùng núi giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tôi đã trải qua hai tuần. Tôi thấy, về phía những con đường mòn, những bộ xương của những người tị nạn khác. Tôi sợ tôi sẽ chết vì lạnh.”
Đức Thánh Cha Phanxicô đả kích chống lại một “nền kinh tế đầu cơ” làm cho người nghèo càng nghèo hơn. Ngài cũng yêu cầu rằng tình liên đới giữa con người với nhau không bao giờ biến mất.
Đức Thánh Cha nói:
“Nhiều người muốn xóa cái từ liên đới này khỏi từ điển, bởi vì với một nhóm người nào đó trong xã hội đó là một từ xấu. Không! Nó là một từ Kitô giáo, liên đới. Đó là lý do tại sao anh chị em quen với những người vô gia cư, bạn bè với những người khuyết tật, và anh chị em thể hiện ra rất nhiều tình nhân loại. “
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói đến thứ “văn hóa vất bỏ”, quăng sang một bên những thanh thiếu niên và người già. Ngài nói rõ ràng châu Âu đang đánh mất căn cội của mình.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Hôm nay, tôi nói về châu Âu, một Châu Âu mệt mỏi. Chúng ta cần phải giúp làm trẻ hóa đại lục này, để người châu Âu tìm thấy nguồn gốc của mình.”
Cộng đồng Thánh Egidio được thành lập vào năm 1960 để giúp đỡ những người nghèo nhất ở Rome. Họ cũng làm việc để thúc đẩy phong trào đại kết và hòa bình trên thế giới.
5. Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân dịp khai mạc giải túc cầu thế giới 2014
Đức Thánh Cha nhấn mạnh 3 bài học về việc thực hành thể thao, ba khía cạnh thiết yếu để bênh vực chính nghĩa hòa bình, đó là cần phải tập luyện, chơi đẹp và tôn trọng đối thủ.
Ngài giải thích rằng: “trước tiên thể thao dạy chúng ta điều này: để thắng thì cần phải tập luyện. Qua việc thực hành thể thao, chúng có thể thấy đó là hình ảnh cuộc sống của chúng ta. Trong cuộc đời cần phải chiến đấu, phải tập luyện, dấn thân để đạt được những kết quả quan trọng. Tinh thần thể thao gợi lại cho chúng ta hình ảnh những hy sinh cần thiết để tăng trưởng trong các nhân đức tạo nên cá tính mỗi người. Nếu để cải tiến một người, cần phải tập luyện khẩn trương và liên tục, thì cần phải dấn thân nhiều hơn để đạt tới cuộc gặp gỡ và hòa bình và giữa các dân tộc được “cải tiến”.
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Túc cầu có thể và phải là một trường huấn luyện về một nền văn hóa gặp gỡ” mang lại sự hài hòa và an bình giữa các dân tộc. Ở đây bài học thứ hai trong việc thực hành thể thao giúp đỡ chúng ta: chúng ta học cách chơi đẹp trong túc cầu. Để chơi trong đội banh của mình thì trước tiên cần phải ý đến ích lợi của nhóm chứ không phải nghĩ đến mình. Để thắng, cần phải vượt lên trên chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ và mọi hình thức kỳ thị chủng tộc, bất bao dung và lợi dụng con người. Thái độ cá nhân chủ nghĩa trong túc cầu là một chướng ngại cản trở chiến thắng của đội bóng; cũng chúng ta theo cá nhân chủ nghĩa trong cuộc sống, cố tính không biết đến những người chung quanh, thì toàn thể xã hội sẽ bị thiệt thòi”.
Bài học sau cùng mà thể thao mang lại để giúp đạt tới hòa bình là phải tôn trọng đối phương. Bí quyết của chiến thắng trên sân banh và cả trong cuộc sống, hệ tại biệt tôn trọng người đồng đội của mình cũng như đối phương. Không ai có thể chiến thắng một mình trên sân banh cũng như trong cuộc đời. Ước gì không ai tự cô lập mình và cảm thấy bị loại ra ngoài!
6. Giáo Hội sắp có thêm 6 vị Hiển Thánh mới
Thứ ba là Chân phước Ludovico Casoria (1814-1885), linh mục thuộc dòng Phanxicô, sáng lập dòng các nữ tu Phan Sinh Elizabeth.
Thứ tư là chân phước Nicola da Longobardi (1649-1709), tu sĩ dòng Hèn Mọn (Minimi).
Thứ năm là nữ chân phước Eufrasia Eluvathingal Thánh Tâm (1877-1952), người Ấn độ, thuộc dòng các nữ tu Đức Mẹ Camêlô.
Sau cùng là chân phước Amato Ronconi, thuộc dòng Ba Phanxicô, sáng lập bệnh viện hành hương nghèo ở Saludecio, nay là Dưỡng Đường Hội Chân Phước Amato Ronconi.
Xét về quốc tịch có 4 vị người Italia và 2 vị người Ấn độ, 3 vị đã sáng lập dòng tu, một nữ tu và một giáo dân.
Công nghị Hồng Y diễn ra lúc 10 giờ và bắt đầu với kinh giờ Ba.
7. Tổng thống nước Cộng hòa Dominica tặng Đức Thánh Cha Phanxicô một chuỗi tràng hạt hổ phách
Sáng thứ Sáu 13 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Cộng hòa Dominica, ông Danilo Medina, tại Điện Tông Tòa.
Hai vị đã đề cập đến những đóng góp của Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục và y tế, cũng như các luật mới nhất của đất nước về xuất nhập cảnh.
Sau cuộc họp báo, tổng thống Medina giới thiệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô để một số thành viên cùng đi trong đoàn.
Sau đó ông đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô một tràng chuỗi Mân Côi làm bằng hổ phách, là một loại đá đặc trưng của đất nước Dominica. Bên cạnh đó có cả một hộp đựng xâu chuỗi làm bằng dừa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng cho tổng thống một huy chương với thiết kế Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô ban đầu của Bernini, cũng như một bản sao của tài liệu Aparecida và của Tông huấn “Evangelii Gaudium.’ Niềm Vui Phúc Âm
Daniel Medina là Tổng thống thứ ba của nước Cộng hòa Dominica đã gặp riêng với một vị Giáo Hoàng.
8. Đức Thánh Cha gặp gỡ 60 ngàn hội viên các Hội Từ Bi
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu dấn thân, cảm thông, liên đới và giúp đỡ các anh chị em đau khổ trong cuộc sống thường nhật.
Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 14-6-2014, dành cho hơn 60 ngàn thành viên các hội đoàn từ bi bác ái và hội hiến máu ở Italia, cùng với thân nhân của họ.
Từ khoảng 9 giờ rưỡi sáng, các hội viên đã tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô, dù trời nắng gắt, để sinh hoạt, ca hát, cầu nguyện, nghe trình bày chứng từ, trước khi chào đón Đức Thánh Cha từ lúc 12 giờ trưa.
Đức Hồng Y Giuseppe Bertori, Tổng Giám Mục Firenze, nơi xuất phát các Hội từ bi, vị chủ tịch liên hội toàn quốc là ông Roberto Trucchi và chủ tịch Hội Fratres hiến máu, đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhận xét rằng
“Misericordie” các hội từ bi, là tên cổ kính của các giáo dân Công Giáo, ăn rễ sâu trên toàn lãnh thổ Italia, dấn thân làm chứng tá Tin Mừng bác ái nơi các bệnh nhân, người già, người tàn tật, trẻ em, người di dân và người nghèo. Ngài giải thích nguyên ngữ của từ Misericordia nghĩa là “trao con tim cho người lầm than” (miseris cor dare). Đó cũng là điều Chúa Giêsu đã làm, Chúa mở toang con tim của Ngài trước cảnh lầm than của con người, và Phúc Âm đầy những giai thoại trình bày lòng từ bi của Chúa Giêsu đối với những người đau khổ và yếu đuối”.
Đức Thánh Cha nói: “Noi gương Thầy Chí Thánh, cả chúng ta cũng được kêu gọi gần gũi, chia sẻ thân phận của những người chúng ta gặp. Cần làm sao để lời nói, cử chỉ, thái độ của chúng ta diễn tả tình liên đới, ý chí không xa lạ đối với đau khổ của người khác, nhiệt tình huynh đệ nhưng không rơi vào bất kỳ hình thức cha chú nào”.
Đức Thánh Cha cũng cảnh giác rằng: ”Chúng ta có bao nhiêu thông tin và thống kê về nghèo đói và đau khổ của con người, có nguy cơ chúng ta trở thành những khán giả được thông tin rất nhiều về những thực tại ấy nhưng không có hành động đi kèm, hoặc nói thì hay nhưng không có sự dấn thân can dự vào các vấn đề thực tế.. Tất cả chúng ta được kêu gọi để cho mình can dự vào những chao đảo của con người, hằng ngày gọi hỏi chúng ta.. Chúng ta hãy trở nên dấu chỉ sự gần gủi của Thiên Chúa, Đấng là sự thiện hảo, tình thương và sự quan phòng”.
Phong trào các hội từ bi được khai sinh ở thành Firenze Trung Italia năm 1244 và hiện nay có 689 chi hội với hơn 700 trụ sở trên toàn quốc và khoảng 670 ngàn hội viên, trong đó 1 phần 5 hoạt động thiện nguyện, đảm trách 2.500 xe cứu thương và hơn 1 ngàn phương tiện chuyên chở đặc biệt khác.
Tham dự buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha cũng có 600 nhóm hiến máu với 133 ngàn thành viên. Năm ngoái, họ đã hiến tổng cộng hơn 143 ngàn đơn vị máu.
9. Đức Thánh Cha tiếp kiến Đức Giáo Chủ Anh giáo
Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định mục tiêu tìm về sự hiệp nhất trọn vẹn giữa Công Giáo và Anh giáo, đồng thời cổ võ sự cộng tác chung giữa hai cộng đồng Giáo Hội.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 16-6-2014, dành cho Đức Justin Welby, Tổng Giám Mục giáo phận Canterbury, Giáo Chủ liên hiệp Anh giáo, cùng với phái đoàn đến thăm Đức Thánh Cha. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục giáo phận Westminster, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Anh quốc.
Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha bày tỏ đau buồn vì tình trạng chia rẽ giữa các tín hữu Kitô và khẳng định rằng: “Đứng trước cái nhìn từ bi của Chúa, chúng ta không thể làm ngơ không biết rằng sự chia rẽ giữa chúng ta là một gương xấu, một chướng ngại cản trở việc loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Cái nhìn của chúng ta nhiều khi bị lu mờ vì gánh nặng gây ra do lịch sử những chia rẽ của chúng ta cũng như do ý chí của chúng ta không luôn luôn được giải thoát khỏi tham vọng phàm nhân, thậm chí tham vọng này nhiều khi đi kèm ước muốn loan báo Tin Mừng theo mệnh lệnh của Chúa” (Xc Mt 28,19).
Đức Thánh Cha xác quyết rằng “Mục tiêu hiệp nhất trọn vẹn có thể có vẻ là một mục tiêu xa vời, nhưng nó vẫn luôn mà mục tiêu chúng ta phải qui hướng mọi bước đường trong hành trình đại kết thúc ta đang cùng nhau thực hiện.. Sự tiến bộ hướng về hiệp nhất trọn vẹn không phải chỉ là kết quả hành động nhân trần của chúng ta mà thôi, nhưng là món quà tự do của Thiên Chúa. Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta sức mạnh để không nản chí và mời gọi chúng ta hoàn toàn tín thác nơi hoạt động quyền năng của Chúa”.
Đức Thánh Cha nhắc lại trong lần gặp gỡ đầu tiên với Đức Giáo Chủ Liên hiệp Anh giáo, hai bên đã nói về những quan tâm chung và những tai ương đang đè nặng trên gia đình nhân loại. Ngài nói:
“Đặc biệt chúng ta đã bày tỏ kinh hoàng trước tệ nạn buôn người và những hình thức nô lệ mới mẻ. Tôi cảm ơn Đức Giáo Chủ vì đã dấn thân chống lại tội ác không thể dung thứ này chốn glại phẩm gia con người. Trong lãnh vực hoạt động rộng lớn này và cấp thiết này, nhiều hoạt động cộng tác quan trọng đã được khởi sự, trong lãnh vực đại kết cũng như với các chính quyền dân sự và các tổ chức dân sự quốc tế. Nhiều sáng kiến bác ái đã nảy sinh từ các cộng đoàn của chúng ta và được thực thi quảng đại và can đảm tại nhiều miền trên thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến mạng hành động chống lại nạn buôn phụ nữ do nhiều Hội dòng nữ đề xướng. Chúng ta hãy cùng nhau dấn thân kiên trì trong cuộc chiến chống lại những hình thức nô lệ mới mẻ, với niềm tín thác rằng chúng ta có thể góp phần nâng đỡ các nạn nhân và chống lại thảm trạng buôn người thê thảm như vậy”
10. Đức Thánh Cha nói xã hội này tạo ra nhiều trẻ em mồ côi
Trong buổi lễ khai mạc cho một hội nghị về giáo xứ và cuộc sống gia đình của Giáo Phận Rôma hôm thứ Hai 16 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét xã hội này đang tạo ra rất nhiều “trẻ mồ côi” hoặc những người mất phương hướng, bởi vì họ thiếu một người nào đó để chỉ đường cho họ.
Ngài nói rằng nhiều bậc cha mẹ không dành thời gian cho con cái mình, và nhiều bạn trẻ cảm thấy bị từ chối bởi đất nước đã không tuyển dụng họ.
Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng nói rằng nếu giáo xứ muốn phát triển, mọi người cần phải cảm thấy mình được hoan nghênh, bởi vì Giáo Hội là “mẹ”.
11. Đức Thánh Cha đề cập đến việc đầu tư phù hợp luân lý
Làm thế nào các nhà đầu tư có thể liên kết lợi nhuận của mình với phúc lợi xã hội trong tình liên đới? Đây là chủ đề đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến khi ngài nói chuyện trước một hội nghị về đầu tư với tinh thần đạo đức. Đó là một phần của một hội nghị chuyên đề hai ngày về những cách thế mà các nhà doanh nghiệp có thể kết hợp các lợi ích chung và cùng một lúc, tạo ra lợi nhuận cho riêng mình.
Đức Thánh Cha nói:
“Cảm thức liên đới với người nghèo và người thiệt thòi đã khiến anh chị em suy nghĩ về tác động của đầu tư trong một tinh thần trách nhiệm với xã hội.”
Đức Giáo Hoàng đã đề cao những nhà đầu tư tập trung vào việc phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo và hạn chế bất bình đẳng xã hội, theo hướng phù hợp với học thuyết xã hội của Giáo Hội.
Những lợi ích xã hội mà họ đem đến có thể tương đối vừa phải thôi nhưng tạo ra những kết quả lâu dài cho xã hội.
Ngài đưa ra một ví dụ là “các nhà đầu tư sử dụng nguồn vốn của các tổ chức tài chính để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản liên quan đến nông nghiệp, và tiếp cận với nguồn nước.”
Đây là những công việc không ai muốn làm vì lợi nhuận không bao nhiêu. Nhưng những công việc như thế cải thiện khuôn mặt nông thôn và đem lại phúc lợi cho xã hội.
Đức Giáo Hoàng sau đó đã chỉ trích cách thức mà một số thị trường tài chính đang hình thành số phận của toàn bộ cộng đồng, thay vì phục vụ nhu cầu của họ, một số người giàu lên rất nhanh từ hệ thống đó, trong khi nhiều người khác lãnh đủ các hậu quả của nó.
Không chỉ có các nhà đầu tư tham gia trong hội nghị này. Giáo triều Rôma cũng đã đến dự.
Đức Thánh Cha nhận xét:
“Đại diện của Giáo triều Rôma cũng tham gia cùng anh chị em trong những ngày này nhằm đánh giá các hình thức đầu tư sáng tạo đem lại phúc lợi cho cộng đồng địa phương và môi trường.”
Hội nghị được tài trợ bởi Hội đồng Giáo hoàng về Công Lý và Hòa Bình, Catholic Relief Services và Mendoza College of Business thuộc Đại học Notre Dame.
12. Khủng bố Hồi giáo Al Shabaab giết ít nhất 48 người tại Kenya
Nhóm khủng bố Hồi giáo Al Shabaab đã giết ít nhất 48 người tại thị trấn Mpeketoni của Kenya vào tối Chúa Nhật, ngày 15 tháng 6. Chúng kéo những người đàn ông ra khỏi nhà và giết chết những ai tự nhận mình không phải là người Hồi giáo.
Al Shabaab, nhóm Hồi giáo có căn cứ tại Somalia nhận trách nhiệm về vụ tấn công này nói rằng đó là phản ứng của chúng chống lại sự can thiệp của Kenya ở Somalia. Những kẻ khủng bố, di chuyển trên hai xe tải, cũng đã tấn công một đồn cảnh sát và đốt cháy hai khách sạn.
Đức Cha Emanuel Barbara của Malindi nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng sau cuộc tấn công vào đồn cảnh sát, các tay súng chặn người lái xe và người đi bộ, yêu cầu họ cho biết họ là người Hồi giáo hoặc Kitô hữu. Nếu họ là Kitô hữu chúng giết họ ngay.
Các nhân chứng khác cho biết các Kitô hữu đã bị buộc phải ra khỏi nhà của họ và bị bắn hạ trước mặt gia đình họ
Nguồn: Vietcatholic