Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng ngày 03/01/2025, của Lm Minh Anh

Suy niệm Tin Mừng ngày 03/01/2025, của Lm Minh Anh

HIỂU BIẾT THẦN HỌC

JOHN THE BAPTIST1“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”.

“Dòng suối máu chảy ra từ động mạch của Đấng Emmanuel; những tội nhân bị nhấn chìm dưới dòng máu lũ đó, nó cuốn sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Tên trộm hấp hối vui mừng khi thấy nguồn suối đó trong ngày của hắn; và tôi, cũng đê tiện như hắn, tẩy sạch mọi tội lỗi của mình. Chiên Con yêu dấu hấp hối, bửu huyết của Ngài sẽ không bao giờ mất đi sức mạnh của nó cho đến khi toàn thể Hội Thánh được cứu chuộc!” – William Cowper.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng thứ tư, Gioan Tẩy Giả chưa bao giờ làm phép rửa cho Chúa Giêsu như trong Matthêu, Marcô hay Luca; thay vào đó, Gioan chứng kiến việc Thánh Thần ngự xuống; để hôm sau, đưa tay chỉ Chúa Giêsu cho các đồ đệ và nói, “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!”. Quả là một ‘hiểu biết thần học’ sâu sắc!

Tại sao có sự khác biệt này giữa các Phúc Âm? Thật khó để trả lời, nhưng một điều hiển nhiên là, Gioan Tẩy Giả đã được mặc khải một sự hiểu biết tâm linh lạ lùng; rằng, Giêsu là “Chiên Thiên Chúa!”. Chỉ Tin Mừng thứ tư có ‘danh hiệu’ này và cũng chỉ ‘môn đệ vô danh’ – “người được Chúa Giêsu yêu” – tiết lộ mặc khải này. Rõ ràng, Tin Mừng Gioan đã nêu bật sự ‘hiểu biết thần học’ mà chỉ mình Gioan Tiền Hô được mặc khải.

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian!” cũng là lời chủ tế cất lên khi đưa cao Mình Thánh Chúa trong lễ Tạ Ơn; cộng đoàn đáp, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!” – lời viên đại đội trưởng. Trình thuật này không có trong Tin Mừng Gioan, nhưng phụng vụ đã tài tình kết hợp hai trình thuật này để có một ý nghĩa thâm trầm tuyệt vời dù thoạt đầu, chúng rất riêng lẻ; thậm chí tương phản nhau.

Sự kết hợp ý vị này thể hiện một ‘sự thật kép’. Trước hết, “Đây Chiên Thiên Chúa!”. Thời Cựu Ước, tội nhân cần một con vật đổ máu để đền tội thay. Nhưng “Máu các con bò, con dê không thể xoá được tội lỗi!” – thư Do Thái; vì thế, Chiên Thiên Chúa phải đổ máu. “Đức Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi!” – bài đọc một; và kết quả là “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Tiếp đến, “Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con!”. Không ai xứng đáng để Chúa ngự vào; tuy nhiên, chúng ta không chỉ được phép đón Chúa, mà còn chủ động đến với Ngài. Bất xứng của con người không là trở ngại cho việc Thiên Chúa giữ mối tương quan với nó hay việc nó liên hệ với Ngài. Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta thật xứng đáng; Ngài yêu cầu chúng ta trở nên xứng đáng để hiểu biết, tìm kiếm và chào đón Ngài.

Anh Chị em,

“Đây Chiên Thiên Chúa!”. Chiên Thiên Chúa đã lấy máu từ trái tim bị đâm thâu của Ngài để rửa sạch tội lỗi chúng ta. “Hãy học từ Gioan Tẩy Giả khi không cho rằng chúng ta đã biết Chúa Giêsu, rằng chúng ta đã biết mọi điều về Ngài. Không phải vậy! Hãy dừng lại với Tin Mừng, thậm chí có thể chiêm ngưỡng một biểu tượng của Chúa Kitô, một “Khuôn Mặt Thánh Thiện”. Chiêm ngưỡng bằng đôi mắt và hơn thế, bằng trái tim; và hãy để Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Đấng nói với chúng ta bên trong rằng: Chính Ngài – Con Thiên Chúa – đã trở thành Chiên Con, bị hiến tế vì tình yêu!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, suối máu Chúa tuôn trào, tội lỗi của tên trộm và của nhân loại được tẩy sạch. Dạy con hiểu biết tình yêu Chúa hơn, hầu con bớt đê tiện và nên thánh mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Xem thêm

1a

Tài Liệu Học Tập Lòng Chúa Thương Xót số 01/2025