Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C

Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria

(Lc 1,39-45)Lc 1,39-45

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và Bà Elisabeth, tác giả Luca cho thấy kinh nghiệm của một người phàm lần đầu tiên hiểu ra điều gì đã xảy ra cho Đức Maria và phản ứng khi hiểu được điều ấy. Ở tại trung tâm, có Thiên Chúa và hoạt động của Người đối với Đức Maria, nơi Mẹ mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã được thực hiện.

1.Đức Maria gặp Bà Elisabeth (39-41)

Khi đã được biết rằng người chị họ của mình đã mang thai trong tuổi già, Đức Maria đã vội vã đi lên miền núi. Chuyến đi không dễ dàng, nhưng người vẫn vội vã. Có thể nói, với cuộc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, chuyến đi dài được tác giả của tác phẩm hai tập là Luca và Công Vụ Tông Đồ trình bày dọc theo tác phẩm, đã bắt đầu. Con Thiên Chúa từ trời đã xuống trần gian, rồi Người đi từ Nazaret lên Giêrusalem, còn các môn đệ của Người sẽ đi từ Giêrusalem, qua Samaria, và đến tận cùng trái đất, tất cả các đấng đều vội vã, dù gặp biết bao khó khăn.

Là Hòm Bia của giao ước mới, Đức Maria mang trong lòng mình “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), là Đấng mạc khải, là nguồn ơn phúc, là nguyên do đưa lại niềm vui. Đức Maria vội vã đưa Đức Kitô đến với những người khác. Đức Maria đi trong tư cách là người tin vào lời Thiên Chúa qua trung gian sứ thần Gabriel.

2.Bà Elisabeth ca ngợi Đức Maria (42-45)

Cuộc gặp gỡ với giữa Đức Maria với Bà Elisabeth nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa người với sứ thần Gabriel: cả hai vị đều nhận định người đầy ơn phúc. Thiên Chúa đã chúc phúc cho người; phúc lành của Thiên Chúa tiếp tục ở trên người. Thiên Chúa đã chúc phúc cho người cùng với hoa quả lòng người. Phúc lành của Thiên Chúa là quyền lực và sức mạnh làm cho có thể có sự sống và bảo tồn sự sống. Đức Maria là người “được chúc phúc” theo cách đặc biệt: quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa đã làm cho người có khả năng chuyển thông sự sống nhân loại cho Đức Giêsu: Người là Con Thiên Chúa, cũng là Chúa tể sự sống, sẽ chiến thắng cái chết và ban sự sống vĩnh cửu. Tiếng kêu lớn của Bà Elisabeth là một lời ca tụng hành động của Thiên Chúa, nhưng cũng diễn tả một nỗi kinh ngạc chan chứa niềm vui đối với Maria, người đã được Thiên Chúa làm cho những việc cao cả như thế.

Bà Elisabeth diễn tả nhận định của bà về cách xử sự của Đức Maria: “em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Trong Cựu Ước, có hai người phụ nữ được chào bằng những lời này, đó là Bà Giaên (Tl 5,24) và bà Giuđitha (Gdt 13,18). Các bà đã đánh bại các đoàn quân áp bức dân các bà. Kinh Thánh không tường thuật những gì các bà đã làm hầu chuẩn nhận cho chiến tranh, nhưng để cho thấy Thiên Chúa có thể làm những việc kỳ diệu bằng cách dùng những con người không phù hợp về phương diện loài người, những con người không có uy lực. Khi ghi nhận Bà Elisabeth chào Đức Maria như vậy, tác giả Luca bảo chúng ta rằng Đức Maria thuộc về một trong số những người, tuy bị coi là không phù hợp, lại được Thiên Chúa dùng mà đưa lại ơn cứu độ cho chúng ta. Qua Đức Maria, Thiên Chúa đã làm một việc phi thường nhất trong lịch sử: Ngài ban cho chúng ta Con của Ngài. Nếu Đức Maria được như thế, thì chỉ do cốt yếu và trước tiên Mẹ là người đã tin. Cách đối xử của Thiên Chúa đối với Đức Maria được diễn tả bằng ân sủng và phúc lành; cách đối xử của Đức Maria đối với Thiên Chúa được diễn tả bằng lòng tin. Đức Maria đã tin vào Thiên Chúa, vào giá trị của lời Người, quyền năng của Người. Đức Maria đã diễn tả niềm tin đó qua tiếng “xin vâng” với sứ điệp của sứ thần. Lịch sử dân Israel mở ra với hành vi đức tin của Abraham; lịch sử cứu độ thế giới mở ra với hành vi đức tin của Đức Maria.

Bà Elisabeth nói tiếp: “bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (câu 43). Lời này cũng được lấy từ Cựu Ước. Đavít dùng những lời này khi Hòm Bia Giao ước được di chuyển về Giêrusalem. Ông đã reo lên: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (2Sm 6,9). Có những chi tiết khác liên kết cuộc viếng thăm của Đức Maria với Hòm Bia Giao Ước. Cả Đức Maria và Hòm Bia ở lại “ba tháng” trong miền Giuđê; Hòm Bia được đón tiếp trong niềm vui và lễ mừng, và đưa phúc lành đến gia đình đã nhận lấy Hòm Bia (2Sm 6,10-11); khi Đức Maria vào nhà Dacaria, trẻ Gioan (đại diện cho dân Cựu Ước đang trông chờ Đấng Mêsia) đã nhảy lên vui sướng.

Phần Đức Maria, người vẫn tiếp tục sống thân phận nữ tỳ: không chỉ đến thăm Bà Elisabeth, nhưng còn ở lại ba tháng, để phục vụ.

3.Kết luận

Bà Elisabeth gặp Đức Maria. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của một con người với mẹ của Đức Chúa như tác giả Luca mô tả, hoàn toàn đơn giản và thanh thoát. Cuộc gặp gỡ này chan hòa niềm tâm tình phấn khởi và niềm vui tươi hân hoan. Bà Elisabeth tự giới thiệu cho chúng ta như là người đã tôn kính Đức Maria trước tiên. Bằng những lời “em được chúc phúc”“Thân Mẫu Chúa tôi”“em thật có phúc”, bà phác họa những đường nét chính của dung mạo Đức Maria: công trình của Thiên Chúa nơi người, tương quan của người với Chúa Giêsu Kitô, thái độ của người đối với Thiên Chúa. Tất cả những điều này, Bà Elisabeth hiểu được nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng. Cuộc gặp gỡ này đã là cơ hội cho phép bà có một kinh nghiệm hết sức mạnh mẽ và một niềm vui thật chan hòa.

Một điều quan trọng hơn nữa, đó là khi giới thiệu tư cách đặc biệt của Đức Maria, Bà Elisabeth không ngờ đang đưa chúng ta đến chỗ đối diện với Đấng mà Đức Maria đang cưu mang trong lòng: Người không những là Đấng Mêsia thuộc dòng tộc Đavít, là Con Đấng Tối Cao, mà cũng là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa. Đàng khác, tác giả Luca muốn chúng ta thấy Đức Maria như là Hòm Bia Giao ước. Thiên Chúa đã chọn không ở trong một tòa nhà, nhưng ở trong lòng dạ một người phụ nữ.[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Khi Đức Maria biết rằng mình sẽ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, việc đầu tiên Mẹ thực hiện đó là đi thăm bà chị họ Elizabeth. Tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Maria đã tạo nên một phản ứng dây chuyền. Chúa Thánh Thần đổ tràn tình yêu Thiên Chúa trên Đức Maria qua sự hiện của Chúa Giêsu trong cung lòng Trinh Nữ Maria khiến Đức Maria vội vã lên đường đi thăm bà Elizabeth.

Thánh Gioan Tẩy Giả cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa, đã nhảy lên vì vui sướng. Elizabeth tràn đầy Chúa Thánh Thần, và chính Chúa Thánh Thần thúc giục bà vang lên lời ca tụng Đức Maria  và Đức Maria hát lên bài Magnificat ca tụng Thiên Chúa.

Một cuộc thăm viếng gặp gỡ thật tuyệt vời!

Cuộc gặp gỡ, viếng thăm của Đức Maria là như thế,

Còn những cuộc gặp gỡ thăm viếng của chúng ta như thế nào?

Chắc là buồn nhiều hơn vui. Buồn nhiều hơn vui và chính chúng ta lại nguyên nhân tạo ra những nỗi buồn như thế. Giờ đây chúng ta thử rảo qua việc chúng ta đã nói nói gì trong các cuộc thăm viếng giao tiếp của chúng ta?

Đó có thể là:

– Những lời mỉa mai, châm biếm,                   

– Những lời chọc tức, gây khó chịu

– Những lời nói sau lưng,                               

– Những lời “thọc gậy bánh xe”,         

– Những lời đồn thổi, bóng gió, gần xa          

– Những lời dối trá không chân thật,  

– Những lời than phiền, thách thức    

– Những lời cay độc, nói hành, nói xấu,

– Những lời xét đoán vô trách nhiệm 

– Những lời vu khống, bỏ vạ, cáo gian

– Những lời gieo rắc chia rẽ, hận thù, ghen ghét                   

– Những lời nói đùa ác ý hay những lời nói tục lố lăng vô bổ

– Những lời vuốt ve nịnh bợ và những lời ba hoa tâng bốc

– Những câu chuyện làm quà qua lại đầy ác ý.

Tất cả những lời nói trên có thể xảy ra trong các cuộc thăm viếng gặp gỡ của chúng ta. Chúng mang tai họa đến cho người khác cũng như cho chính chúng ta.

  1. Mang đến tai họa người khác

Những lời nói trên là những yếu tố đưa đến sự chán nản, rút lui, bỏ cuộc của một số anh chị em nhiệt tình, quảng đại và tích cực đóng góp cho công việc, cho ích chung, cho cộng đồng. Những lời cay độc thấm dần làm ô nhiễm bầu khí, làm mệt mỏi, căng thẳng lâu ngày không chịu nổi, và rốt cuộc, họ buông xuôi, khép kín, cô đơn và ngã quỵ.

  1. Tất cả những lời nói tiêu cực có thể xảy ra trong các cuộc thăm viếng gặp gỡ của chúng ta. Chúng mang tai họa đến cho người khác và cho cho chính chúng ta

Sau đây là một số hệ quả của những lời tiêu cực mà Raymond De Saint Laurent đã nhận định:

– Một người hay châm biếm thường gây thù chuốc oán và làm mọi người xa lánh.

– Một người thiếu kín đáo, hay tiết lộ những điều cần giữ kín thường hay làm mất lòng

   người khác, mất niềm tin cậy và bị nghi ngại khi tiếp xúc.

– Một người ba hoa chỉ làm cho người nghe chán ngấy, và từ đó thiên hạ tránh xa khi

   thấy người đó xuất hiện.

– Một người có ác tâm xét đoán người khác, sẽ tạo nên bầu khí căng thẳng, khó chịu

   cho những người xung quanh.

– Một người hay nói quanh co, ẩn ý sẽ làm cho người ta nghi ngờ, ngại ngùng và

   tránh né.

– Một người gièm pha, bóng gió là không dám nói thẳng sự việc, mà quanh co lắt léo.

    Chính họ là những người thuộc loại thọc gậy bánh xe, có sức phá hoại ngầm, rất thâm

    độc.

– Một người nóng giận là người thường thiếu sáng suốt, và khó kiềm chế bản thân, nên

    rất dễ thốt ra những lời vô bổ, quá trớn, và rồi qua cơn nóng giận không thể rút lại được

    những gì mình đã nói. Thật hối tiếc và đau lòng!

– Một người chỉ trích. Biết đâu trong hoàn cảnh của họ, họ còn tệ hại hơn nữa? Chỉ trích

   luôn là con đường có sức công phá những mầm sống, những chồi non, phá hoại thiện

   chí và những cố gắng vươn lên.[2]

Hai cuộc viếng thăm.

Cuộc viếng thăm của Đức Maria và cuộc viếng của chúng ta. Cả hai đều là cuộc viếng thăm nhưng lại mang đến hai hậu quả khác nhau. Nguyên nhân chính vẫn là có Chúa và không có Chúa. Đây chính là lý do để chúng ta nhìn lại những lần chuẩn bị đón mừng Chúa Giáng Sinh trong những năm qua. Nếu Chúa đến với chúng ta như đã đến với Đức Maria, Chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ ra khác và cuộc đời của những người chung quanh chúng ta cũng ra khác.

Amen.

Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

[1] https://ofmvn.org/bai-viet/chu-giai-kinh-thanh/lc-139-45-duc-maria-vieng-tham-ba-elisabeth

[2] Tiến sĩ Trần Thị Giồng, Họa phúc từ đâu đến, trg.86-87

Xem thêm

Thu7T3V

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy ngày 21/12 Mùa Vọng, của Lm Minh Anh

BƯỚC CHÂN ĐON ĐẢ “Hồi ấy, Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi”. …