Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG , NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG , NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

 

CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG NĂM C

Hãy dọn đường cho Chúa ngự đến

Lc 3,1-6b(Lc 3,1-6)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Gioan xuất hiện tựa như một lời bất thần thoát ra từ Thiên Chúa. Vì đã 400 năm không có một tiên tri nào! Người Do Thái hằng than: đã 400 năm, không hề có tiên tri, ‘chẳng có tiếng của ai, cũng chẳng có người nào đáp lại’. Thế mà giờ đây Gioan xuất hiện, la to! Gioan có những đặc tính gì?

1.Can đảm

Gioan mạnh bạo, can đảm, không sợ lên án bất cứ ai: Hêrôđê phạm tội cướp vợ; Sađốc, Biệt Phái hướng dẫn sai lầm; giới chức lãnh đạo chỉ lo nghi lễ hình thức. Tất cả đều bị Gioan tố cáo khiển trách. Cả người thường dân nguội lạnh thờ ơ, Gioan cũng thôi thúc khiển trách. Lời Gioan không khác ánh đèn chiếu rọi vào nơi tối tăm, như cơn gió mạnh từ Thiên Chúa lùa đi khắp thế giới. Người ta nói về một nhà báo lớn, nhưng chẳng bao giờ chu toàn công việc ông có thể làm, ‘có lẽ ông không là người dễ bị quấy rầy’. Chân lý Kitô vẫn còn để cảnh cáo và tố giác. ‘Sự thật làm chói mắt; kẻ không làm phật lòng ai, sẽ chẳng tốt cho người nào’ Diogenes đã nói thế. Vẫn có những thời, các giáo hội dè dặt trong việc làm phật lòng con chiên.

2.Thôi thúc mọi người sống công chính

Thông điệp của Gioan không đơn thuần tố cáo cách tiêu cực, mà còn đưa ra những hướng dẫn tích cực. Sau khi tố cáo, Gioan còn kêu gọi mọi người làm những gì phải làm. Ông không khiển trách mà còn thách đố mọi người. Vẫn còn những thời gian Giáo Hội bận rộn quá đến nỗi không bao giờ nói đến những gì không được làm, những gì theo lý tưởng của một Kitô chân chính.

3.Gioan xuất hiện từ Thiên Chúa

Sau bao năm một mình chuẩn bị với Thiên Chúa nơi sa mạc, nay, như Alexander Maclaren nói, Gioan xuất hiện như một chiến sĩ đai lưng đầy đủ tiến ra võ đài. Xuất hiện, Gioan không nói những ý nghĩ của mình, mà tuyên bố những thông điệp của Thiên Chúa. Trước khi nói với người ta, Gioan đã suy niệm với Thiên Chúa.

4.Gioan không hướng dẫn người ta đến với mình mà đến với một Đấng Khác

Gioan không phải chỉ là ánh sáng chiếu soi tội ác, tiếng nói khiển trách tội lỗi, ông còn là cột mốc chỉ lối về Thiên Chúa. Gioan không muốn người ta nhìn đến mình mà chuẩn bị họ cho Đấng sắp đến. Người Do Thái tin rằng Êlia sẽ đến dọn đường cho Đấng Thiên Sai trước khi Người xuất hiện (Mal 4,5); Gioan còn mặc áo lông lạc đà, giây lưng da như y phục Êlia thường mặc (2V 1,8). Matthêu còn liên kết Gioan với lời tiên tri  Isaia 40,3 “có tiếng hô trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”. Bên Phương Đông xưa, đường xá rất xấu nên người ta nói ‘có ba điều khổ cực là bệnh tật, chay tịnh và đi xa’. Vì thế trước khi khởi hành, người ta được khuyến khích hãy làm tờ di chúc, lo trả hết nợ… đường bình thường không khác những đường mòn, gồ ghề vì bò lừa qua lại. Cũng có những đường khả dĩ hơn, nhất là những đường gọi là ‘xa lộ cho vua’. Sử gia Giosép kể Salômôn đã truyền làm đường gạch đá dẫn đến Giêrusalem cho những người hành hương. Để có những xa lộ cho vua, người ta phải chuẩn bị, dọn dẹp mỗi khi vua dự trù đi qua. Gioan là người dọn đường cho vua Giêsu. Các nhà giảng thuyết, giáo sư đừng kéo người ta về với mình, mà hãy dẫn đưa mọi người về Thiên Chúa. Dân chúng nhận biết Gioan là tiên tri, dầu sau nhiều năm không có tiếng nói của một tiên tri vì ông là ánh sáng chiếu rọi tội ác, là tiếng kêu, khích lệ tới công chính, là dấu chỉ dẫn người ta đến với Thiên Chúa.[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho ngay thẳng để Người đi” (Mt 3,3)
Khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện bên giòng sông Giođan, dân chúng rất phấn khởi. Gioan bắt đầu sứ mạng của ông tại một địa điểm không xa Biển Chết. 
Đó là tụ điểm của những đoàn hành hương và các du khách từ khắp nơi trên thế giới đến. Đó là một nơi tuyệt hảo để mọi người gặp gỡ nhau và trao đổi những tin tức thế giới. Vì thế đó là một nơi lý tưởng để Gioan Tẩy Giả bắt đầu rao giảng và làm phép rửa. Sứ điệp Gioan rất đơn giản và rõ ràng: “hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho ngay thẳng để Người đi”
1.”Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho ngay thẳng để Người đi” 
Để đón Chúa, chúng ta phải sửa lại những con đường trong tâm hồn cho ngay thẳng, sạch đẹp. 

Nghĩa là tâm hồn ta phải luôn ngay thẳng, chính trực, không quanh co, gian dối, giả tạo…ngay thẳng là một trong những yếu tố chính yếu của sự công chính, thánh thiện. Thiết tưởng người Kitô hữu cần phải tạo cho mình một tư cách ngay thẳng chính trực, nói hay làm gì cũng phải ‘công minh chính đại’, “đường đường chính chính”, không lén út, không quanh co.
Tư cách của người Kitô hữu phải là tư cách của một người quân tử, tôn trọng sự thật, nghĩ thế nào, nói thế ấy; “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ” (Mt 5,37). Nghĩ một đàng nói một nẻo là thói của bọn tiểu nhân, của phường gian ác. “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9). “Ngài ghê tởm tâm địa quanh co”. Nguyên nhân biến con người thành quanh co, giả hình, mưu mô…chính là tâm địa ích kỷ, nhiều tham vọng, muốn phình to bản ngã. Tâm địa này khiến người ta cố gắng đạt được những điều mình ham muốn: danh vọng, quyền lực, tiền bạc – với bất cứ phương tiện nào, kể cả những phương tiện xấu, và bằng bất cứ giá nào, kể cả tội ác. Từ đó, con người bị tham vọng mê hoặc dẫn đưa chúng ta vào con đường quanh queo của tội ác.[2] 
2. “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho ngay thẳng để Người đi” 
Đây chính là con đường sám hối, con đường quyết tâm từ bỏ tội lỗi. Một triết gia Ấn Độ đã nhìn lại quãng đời của mình và đã tâm sự như sau:

– Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất của tôi là dâng lên Thiên Chúa là: lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để con thay đổi thế giới.
– Đến tuổi trung niên, tôi mới nhận ra rằng một nửa đời người của tôi đã đi qua mà tôi chưa thấy thay đổi được một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Đế: lạy Chúa, xin cho con được biến cải tất cả những người con gặp gỡ hằng ngày. Và như vậy là con mãn nguyện rồi.
– Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận ra rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ đây, tôi chỉ biết cầu nguyện như sau: lạy Chúa, xin ban cho con được thay đổi chính mình con. 
3. “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho ngay thẳng để Người đi” 
Đây chính là sự hoán cải. Để thực sự hoán cải, điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra tội lỗi của mình, nghĩa là phải thực sự thấy mình có tội, nhưng con người ngày nay càng mất dần ý thức về tội lỗi, bởi vì họ mất dần ý thức về Thiên Chúa.

Tội lỗi chỉ có ý nghĩa trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Tội lỗi trước hết là hành động xúc phạm tới Thiên Chúa, vi phạm luật Chúa, và nhất là từ chối tình thương của Ngài. Cho nên Sám Hối là nhận ra tội lỗi của mình rồi ăn năn sám hối, quyết tâm trở về với Chúa. Chính vì thế, Sám Hối là một chủ đề nổi bật trong Thánh Kinh. Giavê không ngừng đòi hỏi Dân Chúa phải luôn canh tân đổi mới cuộc sống và Giavê đã dùng đủ mọi cách đổi mới con tim Dân Người.
Trong cuốn “Ơn Trở Về”, Đức Cha JB. Bùi Tuần có nói đến những người tội lỗi cứng lòng, mà những người ngay chính cũng cứng lòng nữa. Tôi tự nghĩ, Người con thứ trong dụ ngôn “người con hoang đàng” là hình ảnh của người tội lỗi, còn người anh cả có thể là hình bóng của những người ngay cứng lòng. Người tự coi mình là công chính, đạo đức mà cứng lòng và tự mãn thì thật khó trở về. Và Đức cha JB. Bùi Tuần đã kể lại câu chuyện như sau: trong một phòng khách của Đức Giáo Hoàng, tôi thấy có một bức tượng thánh Phêrô bằng đồng đen, đặt trên bệ cao. Có lần tôi tò mò lại gần xem, thì thấy tay ông thánh Phêrô cầm một chùm hai chìa khóa. Tôi tự hỏi: mở cửa thiên đàng thì một chìa là đủ, sao lại phải hai chìa? và đột nhiên một ý tưởng thoáng qua trả lời rằng: chùm này là để mở lòng người. Kẻ tội lỗi cứng lòng thì một chìa là đủ. Còn người công chính cứng lòng, thì hai chìa chưa chắc đã mở được.[3] 
4. “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho ngay thẳng để Người đi” 
Mùa Vọng  là mùa mọi người đang chờ đón Chúa đến. Chúa muốn chúng ta hãy đi mở đường cho Chúa. Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Chúa. Chúa muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho anh em. Nhưng rất nhiều khi, thay vì mở đường cho Chúa, chúng ta lại chỉ lo mở đường cho chính những tham vọng của chúng ta. Rất nhiều khi thay vì làm chứng cho Chúa, chúng ta lại lo làm chứng cho một cái gì đó. Rất nhiều khi thay vì giới thiệu Chúa, chúng ta lại chỉ giới thiệu “cái tôi” của chính bản thân mình. Hôm nay, Chúa mời gọi tôi hãy soi mình vào tấm gương của thánh Gioan Tẩy Giả để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến. Amen.

Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

[1] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh,OP. Theo Chúa Kitô, Quyển hai Tập một, trg. 105-106

[2] JKN, CN 2C MV

[3] JB.Bùi Tuần, Ơn Trở Về, trg.81

Xem thêm

ThụTuanIIMV

Suy niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng, của Lm Minh Anh

LẮM PHÚC “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan!”. Trong đoản …