Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02/05 – 08/05/2014

Video Thế Giới Nhìn Từ Vatican 02/05 – 08/05/2014

1. Buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 4 tháng 5

Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Xin anh chị em nhớ kỹ điều đó! Khi anh chị em buồn sầu, hãy đọc Lời Chúa! Khi anh chị em nản lòng, hãy cầm lấy Lời Chúa, hãy đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và rước lễ và tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 80.000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 4 tháng 5 tại quảng trường thánh Phêrô.

Nhắc lại bài Phúc Âm trong phụng vụ Chúa Nhật thứ Ba Mùa Phục sinh kể lại biến cố hai mộn đệ buồn sầu chán nản bỏ Giêrsualem để về Emmaus, dọc đường họ gặp Chúa Kitô Phục sinh, nhưng không nhận ra Người, Đức Thánh Cha nói:

Khi trông thấy họ buồn sầu như thế, trước hết Chúa Giêsu giúp họ hiểu rằng cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế đã được tiên báo trong chương trình của Thiên Chúa và được loan báo trước trong Thánh Kinh. Như thế Người đốt cháy lên một ngọn lửa hy vọng trong con tim họ. Khi đó hai môn đệ cảm thấy một sức thu hút ngoại thường nơi con người bí mật ấy và mời người ở lại với họ chiều hôm đó. Chúa Giêsu chấp nhận và cùng họ vào nhà. Và khi ngồi vào bàn Người làm phép và bẻ bánh, thì họ nhận ra Người, nhưng Người đã biến đi, để họ lại đầy kinh ngạc. Sau khi được soi sáng bởi Lời Chúa, họ đã nhận ra Chúa Giêsu phục sinh trong việc bẻ bánh, dấu chỉ mới về sự hiện diện của Người. Và ngay lập tức họ cảm thấy cần phải trở về Giêrusalem, để kể lại cho các môn đệ khác kinh nghiệm này của họ, rằng họ đã gặp Chúa Giêsu còn sống và đã nhận ra Người trong cử chỉ bẻ bánh.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Con đường về làng Emmaus như thế trở thành con đường lòng tin của chúng ta: Thánh Kinh và Thánh Thể là các yếu tố không thể thiếu được cho cuộc gặp gỡ với Chúa. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Cả chúng ta nữa cũng thường đến với Thánh Lễ Chúa Nhật với các lo lắng khó khăn và thất vọng… Đôi khi cuộc sống đả thương chúng ta và chúng ta ra đi buồn sầu hướng về “làng Emmaus” của chúng ta, quay lưng lại với chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta rời xa Thiên Chúa. Nhưng Phung vụ Lời Chúa tiếp đón chúng ta: Chúa Giêsu giải thích Thánh Kinh cho chúng ta và tái thắp lên trong con tin chúng ta hơi ấm của đức tin và đức cậy, và trong việc rước lễ Người ban cho chúng ta sức mạnh. Mỗi ngày anh chị em hãy đọc một đoạn Phúc Âm. Xin anh chị em hãy nhớ kỹ điều này: mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm và hãy rước lễ các ngày Chúa Nhật, hãy nhận lấy Chúa Giêsu. Đã xảy ra như thế với các môn đệ làng Emmaus: họ đã lãnh nhận Lời Chúa, đã chia sẻ việc bẻ bánh, và từ những người buồn sầu và thất bại họ đã trở thành những người tươi vui. Anh chị em thân mến, Lời Chúa và Thánh Thể luôn luôn làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui. Xin anh chị em nhớ kỹ điều đó! Khi anh chị em buồn sầu, hãy đọc Lời chúa! Khi anh chị em nản lòng, hãy cầm lấy Lời Chúa, hãy đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật và rước lễ, tham dự vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu! Lời Chúa, Thánh Thể làm cho chúng ta tràn ngập niềm vui.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Kinh tế Tòa Thánh

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Hôm thứ Sáu 2 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với Hội đồng Kinh tế Tòa Thánh, vừa được thành lập hồi tháng Hai. Hội Đồng gồm 8 Hồng Y và 7 giáo dân, là những người sẽ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động kinh tế và hành chính của tất cả các cơ quan trung ương Tòa Thánh.

Trong cuộc họp Đức Thánh Cha nói:

“Giáo Hội nhận thức được trách nhiệm phải bảo vệ và quản lý tài sản của mình một cách cẩn thận, dưới ánh sáng của sứ mệnh truyền giáo của mình và với sự chăm sóc đặc biệt cho những người nghèo.”

Hội đồng sẽ giám sát tài chính của 230 cơ quan trung ương Tòa Thánh. Đây là một cách để giáo triều có thể tập trung vào trách nhiệm chính của mình và không cần phải lo liệu nhiều đến vấn đề quản lý tài nguyên. 

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng công việc của Hội Đồng sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Ngài khích lệ tất cả các thành viên sẽ cần phải can đảm và quyết tâm để chấp nhận một não trạng phục vụ, đặc trưng cho sự quản trị của Tòa Thánh. 

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có một thông điệp đặc biệt cho bảy thành viên giáo dân của Hội Đồng. Ngài nói rằng trong các quyết định của Hội Đồng họ có quyền giống như các Hồng Y, và thêm rằng họ không phải là công dân hạng hai.

3. Đức Thánh Cha tiếp 7 ngàn thành viên Công Giáo tiến hành Italia

Đức Thánh Cha khuyến kích các thành viên phong trào Công Giáo tiến hành Italia gia tăng tinh thần và lối sống truyền giáo, mang lại niềm hăng say và nghị lực cho những giáo xứ cảm thấy mệt mỏi và khép kín.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến trưa thứ Bẩy 3 tháng 5 tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục dành cho 7 ngàn thành viên Phong trào Công Giáo tiến hành tham dự Đại Hội toàn quốc lần thứ 15 từ ngày 30-4 đến 3-5-2014 với chủ đề “Những con người mới trong Chúa Giêsu Kitô, đồng trách nhiệm về niềm vui sống”. Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, Đức Cha Mansueto Bianchi, tân tổng tuyên úy, các vị chủ tịch Công Giáo tiến hành giáo xứ và các linh mục tuyên úy.

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhận xét rằng chủ đề đại hội toàn quốc lần này của Phong trào Công Giáo Tiến hành Italia rất phù hợp với mùa Phục Sinh. Đó là niềm vui của các môn đệ trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh, và đòi phải được nội tâm hóa, trong một lối sống truyền giáo, có khả năng ảnh hướng trên cuộc sống. Trong bối cảnh xã hội và Giáo Hội hiện nay, các giáo dân thành viên Công Giáo tiến hành được mời gọi canh tân chọn lựa truyền giáo, cởi mở đối với những chân trời mà Chúa Thánh Linh chỉ cho Giáo Hội và biểu lộ một sự trẻ trung mới mẻ trong việc tông đồ giáo dân. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Nhất là các giáo xứ, đặc biệt là những giáo xứ bị mệt mỏi và khép kín, đang cần lòng hăng say tông đồ của anh chị em, cần thái độ hoàn toàn sẵn sàng của anh chị em và việc phục vụ với tinh thần sáng tạo”.

Đức Thánh Cha cũng chỉ dẫn cho Phong trào Công Giáo tiến hành hướng đi được tóm gọn trong 3 động từ: ở lại, ra đi và vui mừng.

Ngài nói:

– Trước tiên là ở lại. “Tôi mời gọi anh chị em hãy ở với Chúa Giêsu, vui hưởng sự đồng hành của Chúa. Để loan báo và làm chứng cho Chúa Kitô, trước tiên cần ở lại gần Chúa.”

– Tiếp đến là ra đi. Ra đi trên các nẻo đường thành thị và đất nước để loan báo Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu Kitô đã tỏ cho chúng ta biết Chúa Cha, và nhờ đó đời sống chúng ta được biến đổi: chúng ta có thể sống với nhau như anh chị em, mang trong mình một niềm hy vọng không làm thất vọng”.

– Sau cùng là vui mừng. “Luôn hân hoan vui mừng trong Chúa. Là những người ca mừng sự sống, ca hát niềm tin, có khả năng nhìn nhận những tài năng và những giới hạn của mình, biết nhận ra trong ngày, kể cả những ngày đen tối nhất, những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa. Vui mừng vì Chúa đã gọi anh chị em thành những người đồng trách nhiệm về sứ mạng Giáo Hội của Chúa. Vui mừng vì trong hành trình này, anh chị em không lẻ loi, nhưng có Chúa tháp tùng anh chị em.

4. Đức Giáo Hoàng gặp Tổng thống Angola thảo luận về nghèo đói và bất bình đẳng xã hội 

Hôm thứ Sáu mùng 2 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Tổng thống Angola, ông José Eduardo dos Santos tại điện Tông Toà của Vatican. 

Hai vị đã nói về những đóng góp của Giáo Hội trong các lĩnh vực như y tế và giáo dục ở Angola. Các chủ đề khác như nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, hòa giải, công lý và hòa bình cũng đã được thảo luận. Đặc biệt, hai vị đã đề cập đến những vùng xung đột đang làm mất ổn định tình hình ở châu Phi.

Sau đó, Chủ tịch Angola giới thiệu phái đoàn của ông với Đức Giáo Hoàng. 

“Đây là bác sĩ cá nhân của con. “

“Hãy chăm sóc tốt cho tổng thống nhé. “

Sau đó, hai vị đã trao đổi quà tặng. Đức Giáo Hoàng đã tặng tổng thống một bức điêu khắc thiên thần hòa bình và một bản sao của Tông Huấn Evangelii Gaudium bằng tiếng Bồ Đào Nha.

Tổng thống đã tặng Đức Giáo Hoàng một tác phẩm điêu khắc.

” Nó rất đẹp. Cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều. Đó là một tác phẩm điêu khắc tiêu biểu của Angola.”

Trước khi nói lời tạm biệt, tổng thống thực hiện một yêu cầu cuối cùng, nhưng quan trọng đối với Đức Thánh Cha Phanxicô.

” Thưa Đức Thánh Cha, một thỉnh cầu cuối cùng. Chúng con chỉ có một Hồng Y. 

” Tôi sẽ nhớ điều này trong tâm trí. Hãy cầu nguyện cho tôi. “

5. Đức Giáo Hoàng gặp gỡ Quỹ Giáo Hoàng

Sáng thứ Sáu 2 tháng Năm, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ thường niên với các thành viên của Quỹ Giáo Hoàng tại điện Clementina của Vatican. Đây là lần thứ hai, Đức Thánh Cha đã có cuộc họp với nhóm kể từ khi ngài trở thành Giáo hoàng.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi rất biết ơn tất cả các hỗ trợ của Quỹ Giáo Hoàng dành cho Giáo Hội. Thông qua sự đóng góp của anh chị em, Giáo Hội đã có thể giúp các nước đang phát triển bằng cách hỗ trợ các dự án giáo dục, từ thiện và truyền giáo.”

Quỹ Giáo Hoàng được thành lập vào năm 1988 tại thành phố Philadelphia của Hoa Kỳ. Kể từ đó các thành viên đã đóng góp hơn 200 triệu Mỹ Kim trong đó 96 triệu dành cho học bổng và các tài trợ giáo dục.

Đức Thánh Cha nói thêm:

“Hỗ trợ của anh chị em bao gồm cả một quỹ giáo dục, cho phép giáo dân, linh mục và các chủng sinh tu học tại Roma.”

6. Đức Giáo Hoàng nói với các cầu thủ túc cầu: Anh em có trách nhiệm cả trong và ngoài sân cỏ

Đức Thánh Cha Phanxicô là một người hâm mộ túc cầu. Vì thế, ngài đã gặp hai đội đang chuẩn bị cho Cup Italy, một đội từ Naples và một đội từ Florence.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các cầu thủ có một ” trách nhiệm xã hội ” trong và ngoài sân bóng. Ngài khuyên họ nên tránh xa những nguy hiểm của nghề này.

Đức Thánh Cha nói:

“Ngày nay, ngay cả bóng đá cũng bị bao quanh bởi các doanh nghiệp lớn đặc biệt là kỹ nghệ quảng cáo và truyền hình. Tuy nhiên, tiền không nên làm lu mờ các môn thể thao. Nếu điều này xảy ra, nó có thể làm ô nhiễm tất cả mọi thứ, ở mọi cấp quốc gia, địa phương và quốc tế. 

Hai đội bóng này là thành viên của Liên đoàn bóng đá Ý đã tặng Đức Giáo Hoàng khá nhiều món quà.

Đầu tiên, họ tặng ngài hai chiếc áo. Một từ đội bóng yêu thích của Đức Giáo Hoàng là San Lorenzo de Almagro. Một cầu thủ trong đội Fiorentina đã từng chơi cho đội bóng yêu thích của Đức Giáo Hoàng đã tặng ngài chiếc áo này. 

Đội bóng đá Naples cũng đã tặng Đức Giáo Hoàng một cái áo khác của chính đội mình.

Đức Giáo Hoàng cũng được tặng một bản sao của chiếc Cúp quốc gia Ý và huấn luyện viên đội bóng đá Naples đã tặng ngài một quả bóng đá đã được tất cả các cầu thủ ký tên vào.

Đức Thánh Cha Phanxicô còn được tặng một chiếc bánh khổng lồ được làm theo hình dạng của sân vận động Olympic Rôma, nơi cả hai đội chơi trận chung kết vào thứ Bảy 3 tháng Năm.

7. Các Giám Mục Kenya ngỡ ngàng với Tổng thống Uhuru Kenyatta

Đau buồn và ngỡ ngàng là phản ứng của các Giám Mục Kenya hôm 29 tháng Tư sau khi Tổng thống Uhuru Kenyatta ký luật hợp thức hóa chế độ đa thê.

Trước những vận động ráo riết cho luật này, các Giám Mục Kenya đã phản ứng quyết liệt nhưng các ngài không thể ngờ là Tổng thống Uhuru Kenyatta, một tín hữu Công Giáo thực hành đạo, tuần nào cũng có mặt tại nhà thờ St. Austin lại đã thông qua dễ dàng luật này.

Chế độ đa thê “từ lâu đã là một thực tế văn hóa” trong các quốc gia Đông Phi, đặc biệt trong những nước người Hồi Giáo chiếm đa số. Nhưng Kenya là một trường hợp hợp khác. Trong tổng số 45 triệu dân có tới 82.5% dân số là tín hữu Kitô (45% Tin Lành, Công Giáo 27%). Người Hồi Giáo chỉ chiếm 10% người Hồi giáo.

Luật mới cho phép một người đàn ông có quyền kết hôn với một số không giới hạn phụ nữ mà không cần sự đồng ý của người vợ thứ nhất.

Điều oái oăm theo CNN là các nhóm nữ quyền tại nước này đã lên tiếng ca ngợi luật mới!

Chế độ đa thê được hợp pháp hóa ở hơn 40 quốc gia, hầu hết là các quốc gia Hồi giáo.

8. Các Giám mục Brazil thảo luận về tình trạng thiếu linh mục

Các giám mục của Brazil – quốc gia đông người Công Giáo nhất trên hành tinh- đang họp để thảo luận về tình trạng thiếu hụt linh mục ngày càng trầm trọng tại quốc gia này.

Tại Brazil, chỉ có 21,000 linh mục để coi sóc cho 165 triệu người Công Giáo. Trong khi đó ở Mỹ có đến 40,000 linh mục coi sóc cho 69 triệu người Công Giáo.

“Nhiều người trong cộng đồng của chúng tôi ở Brazil này không thể có hàng ngày, hoặc thậm chí hàng tuần hoặc hàng tháng.” Đức Giám Mục Elias Manning đã nghỉ hưu của giáo phận Valençam Brazil cho biết như trên.

Ngài nói với Đài phát thanh Vatican rằng “số lượng các linh mục không đủ để chăm sóc tất cả các cộng đồng của chúng tôi, vì vậy ở Brazil này, giáo dân phải đảm trách nhiều thừa tác vụ liên quan đến Bí Tích Thánh Thể, bí tích Rửa Tội và chúng tôi cũng có cả những anh chị em giáo dân được phép chứng hôn. Chúng tôi đã nhận được sự cho phép của Rôma để có những giáo dân đủ điều kiện cho một số thừa tác vụ bình thường vẫn do các linh mục đảm trách. “

9. Các Giám mục Malta phản đối việc làm ‘tan chảy’ thi hài thay vì hỏa táng

Đức Giám Mục Charles Scicluna của Malta đã lên tiếng kịch liệt phản đối đề xuất “làm tan chảy” thi hài người chết như một cách để thay thế cho chôn cất hoặc hỏa táng.

“Tôi không nghĩ rằng điều này là phù hợp với quan điểm của Giáo Hội về việc tôn trọng phần xác con người”, Đức Cha Scicluna, một Giám Mục phụ tá của giáo phận Malta nói. 

Ngài nói rằng ngài sẽ tham khảo ý kiến với những người khác, và lưu ý rằng quan điểm của ngài không phải là một phán quyết chính thức của Giáo Hội.

Theo đề xuất mới, một quá trình hóa học được dùng để tách xương thịt con người thành hai phần riêng biệt xương và thịt. Phần xương được làm sạch và giao lại cho gia đình trong khi phần thịt được thải đi.

Đức Giám Mục Scicluna nhận xét: “Khi một người được rửa tội, cơ thể của họ phải được sự tôn kính xứng đáng khi tử vong. Tôi không nghĩ rằng xối nó đi như một chất thải đáp ứng được kỳ vọng này.”

10. Đức Thánh Cha sẽ thăm nhà thương Gemili

Trong điện văn gởi Đức Hồng Y Angelo Scola để chúc mừng 90 Đại học Công Giáo Thánh Tâm, ở Milan, Đức Hồng Y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Tòa Thánh ca ngợi trường đại học này đã biết kết hợp “chặt chẽ khoa học và sự trung thành với giáo huấn của Giáo Hội” và ca ngợi những dấn thân của các sinh viên. 

Trong thư, Đức Hồng Y Parolin cũng nói rằng Đức Thánh Phanxicô đã chấp nhận lời mời đến thăm các bệnh nhân và nhân viên của Phòng khám Đa khoa Agostino Gemelli là cơ sở đào tạo của trường đại học và cũng là bệnh viện giảng dạy của nhà trường tại Rôma. Ngày giờ cụ thể của chuyến viếng thăm chưa được công bố. Bệnh viện Gemili là nơi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải nhập viện nhiều lần trong triều đại giáo hoàng của mình.

11. Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm một Giáo xứ Ba Lan tại Rôma 

Sáng Chúa Nhật 4 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm giáo xứ Thánh Stanislaw tại Rôma là nơi cộng đoàn Ba Lan ở Rôma thường tham dự thánh lễ. Nhân dịp này cộng đoàn Ba Lan sẽ mừng thánh lễ tạ ơn nhân biến cố phong thánh cho Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. 

Trước khi phong thánh, Đức Thánh Cha đã gửi một video đến Ba Lan, trong đó ngài mô tả Đức Gioan Phaolô II như là một gương mẫu khuyến khích các Kitô hữu đừng sợ. 

Trong chuyến thăm này, Đức Thánh Cha cũng gặp gỡ một nhóm người vô gia cư. 

Đức Thánh Cha đã đến giáo xứ lúc 09:30. Lúc 11:30 ngài quay lại Vatican để đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng tại quảng trường Thánh Phêrô.

12. Đức Thánh Cha âu lo về tình hình tại Ukraine

Sau kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng hôm Chúa Nhật 4 tháng 5, Đức Thánh Cha đã kêu gọi hòa bình cho Ukraine. Ngài nói: 

“Anh chị em thân mến tôi muốn mời gọi anh chị em tín thác cho Đức Mẹ tình hình tại Ucraina, nơi không ngừng có các căng thẳng. Tình hình rất nghiêm trọng. Cùng với anh chị em tôi cầu nguyện cho các nạn nhân trong những ngày này, xin Chúa đổ tràn đầy trong các con tim các tâm tình hòa bình và huynh đệ.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến trận đất lở hôm thứ Sáu 2 tháng 5 tại A Phú Hãn. Ngài nói:

“Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các người đã qua đời vì trận đất lở lớn trên một ngôi làng bên A Phú Hãn cách đây hai hôm, Xin Thiên Chúa Toàn Năng, là Đấng biết tên của từng người, tiếp nhận tất cả trong sự bình an của Người và cho những người còn sống sức mạnh tiến tới, với sự trợ giúp của những nỗ lực xoa dịu nỗi khổ đau của họ.”

13. Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tháng Năm

Trong tháng Năm, tháng Hoa kính Đức Mẹ, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi anh chị em tín hữu trên toàn thế giới cầu nguyện theo những ý chỉ sau:

Ý chung: Cầu cho các phương tiện truyền thông trở nên những công cụ phục vụ cho sự thật và hoà bình.

Ý truyền giáo: Cầu xin Đức Maria là Ngôi sao loan báo Tin Mừng, hướng dẫn Giáo Hội trong việc rao giảng Chúa Kitô cho mọi dân tộc.

14. Một nhóm Hồi giáo Á Căn Đình tặng Đức Giáo Hoàng một bản sao kinh Koran

Hôm thứ Sáu mùng 2 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nồng nhiệt chào đón một phái đoàn của Trung tâm Hồi giáo Á Căn Đình.

Quan hệ của họ với Đức Thánh Cha đã hình thành nhiều năm trước khi Đức Giáo Hoàng vẫn còn là Tổng giám mục của Buenos Aires, và tham gia vào một ủy ban liên tôn.

Trong cuộc họp ngắn gọn, đoàn Hồi giáo Á Căn Đình đã bày tỏ lời cầu chúc tốt đẹp nhất cho chuyến đi Thánh Địa của Đức Giáo Hoàng vào tháng 5 tới đây.

Họ cũng tặng cho ngài một bản sao của kinh Koran dịch sang tiếng Tây Ban Nha bởi một người Hồi Giáo Á Căn Đình. Bìa bên ngoài được một thợ kim hoàn cũng là một người bạn của Đức Giáo Hoàng tại Buenos Aires thực hiện.

15. Ca sĩ Celines Diaz đã từ bỏ danh tiếng để thờ phượng Thiên Chúa qua âm nhạc của cô

Khi lên 10 tuổi Celines Diaz đã viết bài hát đầu tiên của cô. Kể từ đó, cô đã dành cuộc sống của mình cho sân khấu. Diaz bắt đầu sự nghiệp của mình với việc viết nhạc đời, và vào năm 2001, cô đã ký một hợp đồng thu âm quốc tế.

Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra rằng một cái gì đó đã mất tích trong cuộc sống của cô. Sau khi tham dự một cuộc tĩnh tâm, cô quyết định từ bỏ mọi sự để chỉ hát cho Thiên Chúa thôi.

Celines Diaz tâm sự:

“Tôi đã dành riêng đời mình cho âm nhạc thế tục. Nhưng trong một buổi tĩnh tâm, cảm nghiệm của tôi với Thiên Chúa, với sự tha thứ và tình yêu của Ngài, rất tuyệt vời. Tôi phát hiện ra Chúa Giêsu vẫn sống động. Kể từ lúc đó, tôi muốn dành cho Chúa cuộc sống của tôi, âm nhạc của tôi.”

Tiếng hát Celines Diaz một sớm một chiều tắt ngúm trên các sân khấu đời gây ngỡ ngàng cho nhiều người hâm mộ … và đặc biệt cho các bầu sô.

Nhưng hiện nay người ta gặp gỡ cô dễ hơn. Diaz và ban nhạc của cô lưu diễn trên khắp nước Mỹ và các nước Mỹ Châu La tinh, sử dụng lời bài hát và âm nhạc của mình để truyền bá Lời Chúa.

Celines Diaz cho biết thêm:

“Năm 2014, chúng tôi đang làm việc cật lực để tung ra album thứ hai của mình với tựa đề ‘Chúa luôn trung tín’. Chúng tôi rất vui, rất hạnh phúc để có thể chia sẻ tất cả mọi thứ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi trong những năm qua. Chúng tôi muốn sử dụng âm nhạc để chia sẻ những hồng ân đó. “

16. Chúng ta là những người lữ hành, không phải ma cà bông

Trong thánh lễ tại giáo xứ Ba Lan Stanislaw ở Rôma, Đức Thánh Cha nói: Một tuần sau lễ tôn phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II, chúng ta tụ tập nhau trong nhà thờ này của tín hữu Ba Lan ở Roma, để tạ ơn Chúa về ơn của vị thánh Giám Mục của Roma, người con của Quốc gia anh chị em. Trong nhà thờ này người đã tới hơn 80 lần. Người đã luôn luôn đến đây trong các thời điểm khác nhau của cuộc đời người và cuộc sống của dân nước Ba Lan. Trong những lúc buồn sầu và suy yếu, khi mọi sự xem ra đã mất, người đã không mất đi niềm hy vọng, bởi vì đức tin và niềm hy vọng của người được gắn chặt nơi Thiên Chúa (x. 1 Pr 1,21). Và như thế người đã là đá tảng cho cộng đoàn này, là nơi người cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa, chuẩn bị và ban các Bi Tích, tiếp đón những người cần sự giúp đỡ, ca hát, mừng lễ và từ đây người khởi hành hướng về các vùng ngoại ô Roma…

Anh chị em là thành phần của một dân tộc đã bị thử thách rất nhiều trong lịch sử. Dân tộc Ba Lan biết rõ rằng để bước vào trong vinh quang cần phải đi qua cuộc khổ nạn và thập giá (x. Lc 24,26). Như là người con xứng đáng của quê hương anh chị em thánh Gioan Phaolô II đã đi theo con đường đó. Người đã đi theo một cách gương mẫu bằng cách nhận từ Thiên Chúa sự lột bỏ hoàn toàn. Áp dụng vào bài Phúc Âm Đức Thánh Cha nói: Chúng ta là khách lữ hành chứ không phải những kẻ ma cà bông. Hai môn đệ trên đường về làng Emmaus đã lang thang, nhưng khi trở lại Giêrusalem họ là các chứng nhân của niềm hy vọng là Chúa Kitô. Cả chúng ta cũng có thể trở thành các “khách đi đường đã sống lại”, nều chúng ta để cho Lời Chúa sưởi ấm con tim và Thánh Thể Người mở đôi mắt chúng ta cho đức tin và dưỡng nuôi chúng ta bằng niềm hy vọng và tình bác ái. Cả chúng ta cũng có thể đồng hành với các anh chị em buồn sầu và tuyệt vọng, và sưởi ấm con tim họ với Tin Mừng, và bẻ bánh tình huynh đệ với họ.

17. Nhà cầm quyền Trung quốc phá hủy một thánh đường tại Ôn Châu

Một ngôi thánh đường lớn ở Ôn Châu Trung Quốc đã bị chính quyền dùng xe ủi đất phá bình điạ hôm Thứ Hai 1 tháng 5 năm 2014. Ôn Châu là một thành phố ven biển có biệt danh là “Jerusalem của phương Đông” vì có đông người Kitô giáo cư ngụ tại đây.

Thánh đường bị phá hủy đã được xây dựng trong 12 năm và tốn vào khoảng 30 triệu nhân dân tệ. Ban đầu chính quyền cho phép xây dựng ngôi thánh đường này và tháng Chín năm 2013 chính quyền địa phương còn ca ngợi ngôi thánh đường này là một mô hình kiến trúc tân kỳ

Khi ra lệnh phá hủy ngôi thánh đường, chính quyền cho rằng kiến trúc thánh đường đã to hơn gấp bốn lần diện tích cho phép. Tuy nhiên, anh chị em giáo dân ở đây nói rằng chính quyền muốn giới hạn ảnh hưởng người Thiên Chúa Giáo vì số người tin ở Thiên Chúa đã tăng vọt trong những năm vừa qua. Số giáo dân chiếm 15% trong tổng số dân cư của thành phố.

Năm quan chức chính quyền địa phương liên quan đến việc trước đây đã cho phép xây dựng nhà thờ đang bị điều tra và một người đã bị bắt

Các tín hữu lo rằng việc phá huỷ nhà thờ có thể là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang muốn giới hạn Kitô giáo ở Trung Quốc. Tỉnh Uỷ Chiết Giang đến thăm Ôn Châu và Hàng Châu đã phát biểu rằng chính quyền địa phương đã quá dễ dàng cho phép xây dựng thánh đường.

Theo tin của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, số tín hữu Kitô tại Trung Quốc là 67 triệu người vào năm 2010, đứng hàng thứ hai sau Phi Luật Tân trong phạm vi Châu Á.

18. Đức Thánh Cha cổ võ Giáo Hội tại Sri Lanka tiếp tục đối thoại và hòa giải

Đức Thánh Cha Phanxicô cổ võ Giáo Hội tại Sri Lanka tiếp tục dấn thân trong hành trình đối thoại và hòa giải đất nước sau cuộc nội chiến đau thương.

Sáng thứ Bẩy 3 tháng 5, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến 14 Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Sri Lanka, nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh, dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng Y Chủ tịch Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô Colombo.

Trong bài huấn dụ trao cho các vị tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhắc đến ơn gọi của Kitô hữu là trở thành men giữa lòng nhân loại, công bố và mang ơn cứu độ của Chúa vào thế giới, thường bị hoang hoang mất hướng đi và cần được khích lệ (Evangelii Gaudium 114). Ngài nhận xét rằng:

“Sri Lanka đang đặc biệt cần men ấy. Sau nhiều năm xung đột và đổ máu, chiến tranh đã chấm dứt tại đất nước anh em và bình minh hy vọng mới đang ló rạng.. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều phải làm để thăng tiến hòa giải, tôn trọng nhân quyền của mọi người và khắc phục những căng thẳng về chủng tộc còn tồn đọng.”

Cùng với các Giám Mục Sri Lanka, Đức Thánh Cha khẳng định rằng “các tín hữu Công Giáo tại nước này muốn cùng với mọi thành phần khác trong xã hội, góp phần vào việc hòa giải và tái thiết. Sự đóng góp này là thăng tiến tình đoàn kết và hiệp nhất.. Giáo Hội ở một vị thế đặc biệt có thể mang lại một hình ảnh sống động về sự hiệp nhất trong đức tin, với các tín hữu thuộc sắc tộc Singalais và Tamil trong các cộng đoàn của mình. Trong các giáo xứ và trường học, trong các chương trình xã hội và các tổ chức khác của Giáo Hội, người Singalais và Tamil có những cơ hội sống, học hành, làm việc và thờ phượng chung”.

Đức Thánh Cha cũng khích lệ các hoạt động từ thiện bác ái của Giáo Hội như một đóng góp quan trọng cho sự tái phát triển… Giáo Hội tại Sri Lanka cũng quảng đại phục vụ trong các lãnh vực giáo dục, săn sóc sức khỏe, nâng đỡ người nghèo.. Sứ vụ của anh em và các hoạt động nâng đỡ người nghèo phải bao gồm mọi thành phần trong xã hội, vì “không thể loại trừ bạo lực, bao lâu còn có tình trạng loại trừ và bất bình đẳng trong xã hội và giữa con người với nhau” (Evangelii Gaudium 59).

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha cổ võ việc đối thoại liên tôn và đại kết, thăng tiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa tín đồ các tôn giáo và giữa các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái khác nhau, và làm cho nhau được phong phú. Đức Thánh Cha viết “Giáo Hội tại Sri Lanka phải kiên trì trong việc tìm kiếm những người đối tác phục vụ hòa bình và đối thoại. Những hành vi dọa nạt, cũng xảy ra đối với Cộng đồng Công Giáo càng thúc đẩy anh em phải củng cố dân chúng trong niềm tin của họ”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các Giám Mục Sri Lanka tích cực nâng đỡ hàng giáo sĩ và tu sĩ, cũng như đẩy mạnh việc săn sóc mục vụ cho các gia đình. Ngài viết: “Khi nâng đỡ tình yêu và lòng chung thủy của vợ chồng với nhau, chúng ta giúp các tín hữu sống ơn gọi của họ trong tự do và vui tươi và chúng ta mở ra cho các thế hệ mới sự sống của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Những cố gắng của anh em trong việc nâng đỡ gia đình không những trợ giúp Giáo Hội, nhưng còn giúp đỡ xã hội Sri Lanka nói chung, đặc biệt là những cố gắng hòa giải và hiệp nhất”.

Sri Lanka hiện có hơn 20 triệu dân cư, trong đó 70% là tín hữu Phật giáo; 9% là Kitô hữu trong đó có 1 triệu 500 ngàn tín hữu Công Giáo.

19. Tai nạn giao thông tại Hán Thành làm lo ngại cho Đại Hội Giới Trẻ Á Châu 

Lúc 3:30 chiều thứ Sáu ngày 2 tháng Năm, hai chiếc tầu điện ngầm đã tông vào nhau tại nhà ga Sangwangsimni ở phía Đông thủ đô Hán Thành làm khoảng 200 người bị thương. Hàng ngàn người đã được di tản khỏi hai chiếc tầu điện ngầm này. 

Các phương tiện truyền thông địa phương cho biết chính quyền đã chậm chạp trong việc thông báo cho những người sống sót phải làm gì, như trong vụ chìm phà.

Tuần qua, Tổng thống Hàn Quốc đã xin lỗi về phản ứng chậm chạp trong vụ chìm phà xảy ra hôm 16 tháng Tư làm 226 người chết và 76 người mất tích. Chiếc phà chở 476 người trong đó có 325 học sinh trung học trên đường từ Incheon đến khu nghỉ mát ở đảo Jeju đã bị lật ngang trước khi chìm. Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy chiếc tầu đã chở đến 3608 tấn trong khi trọng tải tối đa chỉ là 987 tấn.

Hôm thứ Sáu 2 tháng 5, chính quyền cho biết thợ lặn đang bị mệt mỏi và một số đã bị bệnh nặng vì ngâm trong nước lâu giờ.

Những người thợ lặn nói rằng dòng nước rất mạnh mẽ nên rất khó bơi mặc dù hiện nay có dây để hướng dẫn họ vào trong con tàu. 

Trong khi đó, một video ghi âm tìm thấy trên điện thoại di động của một cậu bé 17 tuổi đã chết cho thấy em và bạn bè của mình vẫn cười đùa khi con tàu bắt đầu bị lật, không biết nó sẽ chìm. Phi hành đoàn của con tàu đã nhiều lần sử dụng loa phóng thanh để bảo hành khách ở yên trong cabin của mình. Thành ra, đến khi con tàu bị lật ngang, nhiều người đã bị mắc kẹt trong cabin của họ.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm nước này nhân dịp Đại Hội Giới Trẻ Á Châu diễn ra từ 13 đến 18 tháng 8 tại Daejeon.

Nguồn: Vietcatholic

h2

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …