Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

Mù Mà Sáng

Mc 10, 46-52b(Mc 10,46-52)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý        

1.Câu truyện người mù

Đây là truyện người được phép lạ. Truyện thật ý nghĩa vì cho ta hình ảnh về một tinh thần và một thái độ đối với quà tặng quí báu của Thiên Chúa.

1.1.Người mù ngồi chờ đợi và khi có dịp họ bắt lấy ngay

Chắc anh đã nghe về quyền năng lạ lùng của Chúa Giêsu, và không nghi ngờ gì về quyền năng của Người. Chúa Giêsu đi qua. Nếu không bắt lấy, Người sẽ đi mất, có thể không bao giờ trở lại. Nên Người đến, họ lợi dụng ngay. Nhiều việc lớn phải làm ngay nếu không sẽ không bao giờ làm. Nhiều quyết định phải thực hiện nếu không sẽ không bao giờ còn dịp. Lúc phải làm mà không làm, nhuệ khí sẽ phai nhạt. Sau khi Phaolô giảng ở Mars Hill, có những người nói ‘chúng tôi sẽ nghe ông về vấn đề này’ (Cv 17:32). Họ hoãn lại cho đến khi thuận tiện hơn, nhưng chẳng bao giờ còn thuận tiện hơn sẽ đến nữa.

1.2.Người mù không thất đảm

Lũ đông bảo họ im đi vì làm rầy rà. Tại Palestin, Pháp sư quen dạy dỗ khi đi đường, và những người quanh Chúa không thể nghe những gì Chúa nói vì những kêu réo của hai người mù. Nhưng không gì có thể làm hai người mù ngừng kêu. Vì với họ, đây là vấn đề sống chết, sáng hay mù. Người ta thường ngã lòng tìm sự hiện diện của Thiên Chúa, nhưng ai kiên nhẫn sẽ thấy Người.

1.3.Đức tin của người mù còn bất toàn nhưng họ đã quyết chí thực hành

Họ thưa Chúa là Con vua Đavít. Họ đã tin Chúa là Đấng Mêsia, nhưng cũng có thể họ tin Chúa là vua với ý nghĩa trần gian. Đó là đức tin bất toàn, nhưng họ thực thi, và Chúa Giêsu chấp nhận. Cho dầu đức tin bất toàn, Chúa cũng chấp nhận.

1.4.Người mù không sợ cầu xin một ơn lớn lao

Anh là những người ăn xin, nhưng không xin tiền mà xin được xem thấy. Không lời cầu xin nào là quá lớn đối với Chúa.

1.5.Người mù biết ơn

Khi đã được ơn, anh không bỏ đi, mà đi theo Chúa. Rất nhiều người được bao ơn vật chất, tinh thần nhưng đã quên không cảm tạ. Vô ơn là tội xấu nhất trong các tội. Người mù được Chúa ban ơn và họ trung thành biết ơn Người. Không bao giờ có thể trả ơn Thiên Chúa cho đủ vì những gì Người ban cho ta, vì thế ta phải luôn luôn biết ơn Người.

2.Chúa Giêsu lên Giêrusalem dự lễ Vượt Qua (Mc 10:46-52)

Giêricô cách Giêrusalem 15 dặm. Đó là con đường chính Chúa sắp qua, lên dự lễ Vượt Qua. Khi một Pháp Sư hay thầy dạy nổi tiếng đi đường như vậy, dân chúng, môn sinh, thường đi theo, hầu nghe những gì Pháp Sư nói. Đó là cách dạy dỗ thông thường nhất. Và theo luật, thì nam giới trên 12 tuổi sinh sống trong vòng 15 dặm cách Giêrusalem, phải tham dự lễ Vượt Qua. Rõ ràng luật đó không thể bắt buộc mọi người phải giữ. Nên những ai không thể dự, đều ra đường chào đón, cầu chúc các đoàn hành hương. Vì thế mà đường Giêricô đầy người, đông hơn thường lệ. Nhiều người háo hức, tò mò muốn xem người Galilê trẻ dám chống lại quyền lực của phái chính thống. Giêricô có đặc tính là thành gắn liền với Đền Thờ, với 20.000 Tư Tế và nhiều Lêvi. Tất nhiên họ không thể phục vụ Đền Thờ một trật. Vì thế, họ chia ra 26 tốp thay nhau. Rất nhiều vị sống tại Giêrikhô, khi không thi hành nhiệm vụ. Nên hôm đó giữa đám đông nhiều vị cũng có mặt. Vào dịp lễ Vượt Qua, tất cả đều có bổn phận vì tất cả đều cần. Đó là một trong những dịp hiếm có để mọi người phục vụ. Nhưng nhiều vị chưa đến lượt, nên càng háo hức để xem người nổi loạn sắp vào Giêrusalem. Giữa đám đông, nhiều con mắt lạnh lùng ảm đạm vì nếu Chúa Giêsu đúng, thì toàn thể lễ nghi phụng vụ trong Đền Thờ đều vô nghĩa. Tại cổng Bắc của Giêricô, Bactimê đang chờ đợi. Anh nghe thấy những tiếng chân. Anh hỏi xem gì đó và ai đi qua. Người ta bảo đó là Chúa Giêsu. Lúc đó anh càng kêu gào để kéo sự chú ý của Chúa Giêsu. Những người đang đi theo nghe Chúa không thể chịu được tiếng la ó của Batimê. Họ bảo Bactimê hãy im đi, nhưng càng bảo anh càng la lớn đến nỗi đám đông phải ngưng lại, và họ đem anh ta đến với Chúa Giêsu.

3.Đây là câu truyện soi sáng cho ta biết những điều kiện của phép lạ

3.1.Lòng bền bỉ của Bactimê

Không ai có thể làm Bactimê im. Anh nhất quyết gặp được Đấng anh mong có thể chữa được mình. Bactimê không ước mong mơ hồ, hời hợt nông cạn mà là ước mong tuyệt vọng. Và chính ước mong tuyệt vọng đó giúp anh đã thành công.

3.2.Mau mắn và sốt sáng đáp lời ngay

Anh sốt sáng đến nỗi bỏ áo rách rưới để chạy mau đến với Chúa Giêsu. Nhiều người nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi, nhưng đáp lại trì hoãn ‘xin đợi đến khi con làm xong việc này’, ‘xin chờ đến khi con làm xong việc đó’. Bactimê chạy như bay đến với Chúa. Nhiều dịp may chỉ đến một lần. Báctimê biết thế. Đôi khi ta thấy sự thúc đẩy phải từ bỏ thói quen này, bỏ điều sai trái kia, tận hiến hoàn toàn cho Chúa Giêsu. Rất nhiều khi vì không đáp lời ngay, dịp may đã qua đi không bao giờ trở lại. Nhiều lần, nhiều người nghe tiếng Chúa, đã chần chừ, không mau mắn, không đáp lại. Như xin kiếu vì mới cưới vợ, mới tậu trâu bò, mới mua đất. Như ‘vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe…’ (Cv 17:32).

3.3.Bactimê biết rõ điều anh muốn đó là được xem thấy

Nhiều khi ta đến với Chúa mà không biết mình cần gì… khi đến với bác sĩ ta muốn được chữa khỏi bệnh này bệnh nọ. Đến với bác sĩ răng, ta không xin nhổ bất cứ răng nào, mà là cái răng đau. Đến với Chúa Giêsu ta phải biết điều mình cần như vậy. Và điều đó liên hệ tới một điều ít người muốn trực diện, đó là xét mình. Đến với Chúa Giêsu, với lòng ao ước tuyệt mức như Bactimê, ta sẽ thành công.

3.4.Bactimê nghĩ về Chúa không tương xứng

Anh xưng Chúa là Con Vua Đavít. Đó là danh hiệu thuộc Đấng Mêsia. Và Mêsia là Đấng chiến thắng, là vua thuộc dòng Đavít, dẫn đưa Ítraen đến một nước cường thịnh trần thế. Đó là ý tưởng rất thiếu xót về Chúa Giêsu. Ngoài điều đó, Bactimê còn có đức tin, và đức tin có giá trị gấp trăm sự bất tương xứng của thần học. Không cần phải hiểu Chúa Giêsu cách đầy đủ, điều ta không bao giờ đạt được. Điều đòi hỏi là đức tin. Một tác giả khôn ngoan đã nói ‘ta phải đòi người khác suy nghĩ, nhưng đừng trông họ thành những nhà thần học trước khi họ thành người Kitô hữu’. Kitô giáo khởi đầu bằng sự đáp trả cá nhân với Chúa Giêsu, đáp lại từ tình yêu, thấy đây là Đấng có thể đáp lại nhu cầu của mình. Dầu ta không bao giờ có thể suy nghĩ sâu xa như nhà thần học, nhưng ta có thể và chỉ cần đáp lại theo con tim của con người. Chỉ cần cảm thấy cần thiếu, cảm thấy Chúa Giêsu là Đấng có thể cứu giúp mình.

3.5.Lòng biết ơn

Sau cùng là cái đụng chạm tuyệt vời. Bactimê là hành khất bên đường nhưng là người biết ơn. Được chữa khỏi, anh biết ơn, đi theo Chúa. Anh không vô tình ra đi sau khi được ơn. Anh bắt đầu bằng sự cần thiếu, tiếp đến bằng lòng biết ơn và kết thúc bằng lòng trung tín, và đó là tóm tắt đầy đủ về những giai đoạn của người môn sinh.[1]

                    

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

            Giêricô là một trong những thành phố nổi tiếng nhưng cũng là một thành phố “thấp nhất” thế giới, vì thấp hơn mặt biển 250 mét. Nó nằm gần Biển Chết, nên cảnh vật hoang vắng, lúc nào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng thần chết. Bất cứ ai đi từ bên kia sông Giođan vào Israen đều phải đi ngang qua Giêricô. Chúa Giêsu trên đường đi lên Giêrusalem, nơi sẽ diễn ra cuộc khổ nạn cũng đi qua thành này.

            Thật là trùng hợp một cách vô cùng ý nghĩa, vì chữ Giêricô trong tiếng Do Thái có nghĩa là “thành phố mặt trăng”. Đây là một thành phố được dâng kính cho vị thần của ban đêm. Nó lại càng mang một ý nghĩa hơn nữa khi Chúa Giêsu làm một “dấu lạ” cuối cùng: Người đã tháo cởi tăm tối cho một người mù thành Giêricô và Người cũng mang lại ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của mỗi người chúng ta.

            Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, thánh Marcô đã kể lại một cách chi tiết: “khi Chúa Giêsu cùng với các môn đệ ra khỏi thành Giêricô, thì có một người hành khất mù, tên là Bactimê, con ông Timê, đang ngồi bên vệ đường”.

            Trong những xứ nghèo ở Đông Phương, thường có nhiều người mù. Họ chẳng biết làm gì để kiếm sống ngoại trừ việc ngồi ăn xin trên các vệ đường. Nhưng thật ngược đời, ở giữa đám đông những người sáng mắt rầm rộ theo Chúa Giêsu, anh mù lại là người sáng mắt nhất. Tại sao vậy?

Bartimê không thấy Chúa Giêsu bằng con mắt, nhưng anh đã thấy Chúa bằng con tim như anh lính mù trong Đệ Nhị Thế Chiến: vào một buổi chiều năm 1945, tại nhà ga Verona nước Italia, một đám đông dân chúng đang tập trung tại sân ga và náo nức chờ đón một số binh lính là người thân của họ trở về từ các trại tập trung của Đức Quốc Xã, thì một người lính trẻ bị mù hai mắt cũng đang lần mò từng bước trên sân ga. Khi tiến gần đến chỗ một phụ nữ lớn tuổi đang đứng chung với mấy người thân trong gia đình, đột nhiên anh lính mù dừng lại rồi kêu lên: “mẹ!”, và rồi hai mẹ con đã ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.

Một lúc sau, khi phát hiện ra cặp mắt của con trai đã bị mù, bà mẹ liền hỏi: “con ơi, mắt con bị mù làm sao con thấy mẹ giữa bao nhiêu người tấp nập như thế này?

Anh lính trẻ liền đáp: “thưa mẹ, tuy mắt con không thể nhìn thấy mẹ như trước đây, nhưng chính trái tim đã mách bảo cho con là mẹ cũng đang có mặt tại đây và đang chờ đón con. Khi từ trên xe lửa bước xuống sân ga, con cứ đi theo sự mách bảo của trái tim và đến lúc con linh cảm chắc chắn mẹ đang ở rất gần bên con, thì tự nhiên con buột miệng la lên “mẹ!” và quả thật con đã gặp được mẹ như mẹ thấy đó”.

Quả thật như Helen Keler, một người mù, câm và điếc, đã phát biểu nhân ngày ra trường tốt nghiệp đại học: “thà bị mù và nhìn bằng con tim còn hơn là có hai con mắt và chẳng nhìn thấy gì cả.”

Giữa một đám đông sáng mắt mà chỉ có anh mù nhận ra Đấng đang đi qua là “con vua Đavit”, là Đấng Messia mọi người trông đợi. Anh đã kêu lên: “lạy con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10,47). Người ta nạt nộ bảo anh im đi, nhưng anh càng kêu lớn hơn: “lạy con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”, cho đến khi Đức Giêsu dừng lại bảo người ta: “gọi anh ta lại đây”.

Thật lạ lùng, tiếng gọi của Chúa có kết quả ngay tức khắc: “người mù liền vứt bỏ áo choàng, đứng phắt dậy mà đến với Đức Giêsu”. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “áo ngoài” là biểu tượng cho quyền lực con người (1Sm 18,4; 24,6; 2V 2,14; R 3,9). Việc người mù vứt bỏ áo choàng của mình muốn nói lên sự đoạn tuyệt với quá khứ. Anh được khỏi mù và đã đi theo Người trên đường Người đi, con đường lên Giêrusalem, con đường dẫn đến Thập Giá. J.Hervieux đã chia sẻ như sau: “ở đây nghệ thuật kể của thánh Maccô đạt đến đỉnh toàn thiện. Hai hình ảnh thật trái ngược nhau: hoàn cảnh bắt đầu của Bactimê (ngồi ở vệ đường, mù lòa, ăn xin) và hoàn cảnh kết thúc (đứng dậy, đi trên đường, nhìn thấy và đem Tin Mừng). Không còn nghi ngờ gì nữa, tác giả đặt trình thuật này vào lúc Chúa Giêsu lên Giêrusalem, dẫn theo bạn bè và đám đông dân chúng tiến về “ánh sáng” để thấy rõ hơn thân thế và sứ mạng của Người. Câu chuyện này là một minh họa cho thấy nhờ đâu, người mù trở nên “người môn đệ đích thực”. Người môn đệ cần phải để Thầy mình dẫn đến sự giác ngộ đức tin.

Phép lạ chữa người mù ở Bétsaiđa đã thúc đẩy các môn đệ Chúa Giêsu khám phá ra Người là Đấng Messia. Giờ đây, Chúa Giêsu lại mời gọi họ – những kẻ muốn đi theo Người – hãy mở rộng đôi mắt tâm hồn để đón nhận Đấng Messia đau khổ và khải hoàn trong đức tin.

            Maccô không thể đặt trình thuật này vào lúc nào tốt hơn là lúc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem: người ta nhận ra thân thế của Người, và những gì Người đã làm không ? Đấng đến cứu loài người theo đuổi hai mục đích: vừa trả lại cho họ quyền lợi trong xã hội họ đang sống, vừa giúp họ hội nhập vào cộng đoàn yêu thương mà Người sáng lập”.

            Thánh Marcô đã có một câu kết thật tuyệt vời cho bài Tin Mừng hôm nay: “tức thì anh ta thấy được và đi theo Người”. Chúng ta cũng hãy tha thiết nài xin Chúa cho chúng ta được sáng mắt, để chúng ta thấy được tình thương của Chúa, biết can đảm vứt bỏ chiếc “áo choàng”, tức là biết mạnh dạn đoạn tuyệt với quá khứ, một quá khứ mù lòa, một quá khứ tội lỗi, để đi theo Chúa trên con đường Người đi, con đường lên Giêrusalem, con đường dẫn đến Thập Gía. Amen

Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

 

[1]  Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Hai, trg.234

 

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN