Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXVIII Thường niên, năm B, của Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XXVIII Thường niên, năm B, của Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ

CN 28B TN

Không Làm Nô LTiền Của

(Mc 10,17-30)

 Mc 10,17-30B

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Ngữ cảnh

Trong chuỗi các sự cố xảy ra liên can đến dân chúng và giáo huấn ban cho các môn đệ, phân đoạn này phù hợp với Mc 10,1-12. Cũng như trong trường hợp ấy, ở đây, phần giáo huấn cho các môn đệ đã được thêm vào sau, bởi vì ta thấy truyện người giàu có (câu 17-22) tự nó đã kết thúc và được khoanh vùng rõ ràng.

2.Bố cục

Bản văn này có thể chia thành ba phần:

2.1.Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người giàu có (Mc 10,17-22);

2.2.Giáo huấn các môn đệ về sự khó khăn của việc từ bỏ (Mc 10,23-27);

2.3.Giáo huấn về phần thưởng dành cho người môn đệ (Mc 10,28-30).

3.Ý nghĩa của bản văn

3.1.Cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với người giàu có (câu 17-22)

Điều gì thật sự có giá trị? Điều gì thật sự có ý nghĩa? Cuộc sống hiện tại kết thúc với cái chết. Người giàu đến gặp Đức Giêsu xác tín rằng, có một sự sống đời đời. Anh có nhiều của cải, anh biết cách lo liệu cho cuộc sống trần thế, nhưng cảm thấy có trách nhiệm đối với cuộc sống tương lai. Anh muốn sống cuộc sống trần gian thế nào để không mất chỗ trong cuộc sống vĩnh cửu. Anh rất tin tưởng đến gặp Đức Giêsu, và chờ đợi nhận được những lời khuyên tốt. Đức Giêsu chỉ cho anh các điều răn: ai muốn tôn trọng ý muốn của Thiên Chúa, thì đang ở trên đường dẫn tới sự sống đời đời. Người đến gặp Đức Giêsu đây đang đi đúng đường: anh đã giữ các điều răn từ thủa nhỏ.

Lạ lùng là Đức Giêsu không cổ võ cách sống của anh mà bảo anh về, Người lại bảo anh tự giải thoát khỏi mọi của cải và đến đi theo Người. Người chỉ cho anh thấy một nội dung và một lối sống hoàn toàn mới: anh phải đi theo Người mãi mãi, lắng nghe lời Người nói, nhìn xem các công việc Người làm, có đầy Thần Khí của Người, ở lại mãi mãi với Người, chia sẻ lối sống của Người. Sự hiệp thông liên tục với Người đưa anh đến chỗ hiểu thế giới và đời sống của Đức Giêsu và chuẩn bị cho anh đi vào trong cuộc sống đời đời, nghĩa là cuộc sống trong Nước Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Ở đây, Đức Giêsu khẳng định rằng, con đường mà Người đang theo được hướng dẫn bởi thánh ý Thiên Chúa, cũng một cách trực tiếp và đảm bảo như các điều răn. Và Người cũng khẳng định rằng, chính Người có khả năng dẫn đưa tuyệt đối chắc chắn đến sự sống đời đời. Và Đức Giêsu mời gọi anh làm cử chỉ như các môn đệ đầu tiên. Nhưng người giàu đã không hiểu lời mời gọi của Đức Giêsu là Tin Mừng; anh muốn vừa bám vào của cải vừa đi theo Đức Giêsu. Sự kiện phải chọn lựa làm cho anh buồn rầu.

3.2.Giáo huấn các môn đệ về sự khó khăn của việc từ bỏ (câu 23-27)

Đức Giêsu không nói ỡm ờ về sự khó khăn trong việc từ bỏ của cải. Thái độ sửng sốt của các môn đệ là dịp để Người nhắc lại giáo huấn: đến được Nước Thiên Chúa là chuyện khó khăn. Sự kiện các môn đệ được gọi là “con” cho hiểu rằng, lời khẳng định được nhắm trực tiếp đến các ông. Nhưng Đức Giêsu cất đi cho họ nỗi lo âu về tương lai khi qui hướng họ về Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, có những câu với nội dung như thế:

3.3.Giáo huấn về phần thưởng dành cho người môn đệ (câu 28-30)

Trong câu trả lời cho Phêrô, Đức Giêsu cho thấy là người ta có thể đạt được sự sống này nếu liên kết với bản thân Người. Người nào siêu thoát với những liên hệ với của cải và với gia đình mình, mà gắn bó với Đức Giêsu, thì sẽ thấy mở ra trước mắt một chân trời các quan hệ bao la hơn. Một người đi vào trong gia đình những người đã liên kết với Đức Giêsu, thì gặp lại những của cải và các người thân thuộc của mình, nhờ đó đạt được một cuộc sống mới mẻ và phong phú hơn; đồng thời người ấy lại đang ở trên con đường chắc chắn đưa tới sự sống đời đời. Câu trả lời của Đức Giêsu hàm chứa Tin Mừng. Người cho thấy rằng nhờ trung gian là bản thân Người, người ta có thể đạt được sự sống hoàn toàn mới mẻ, một sự sống có giá trị không thể triệt tiêu.

3.4.Kết luận

Khuôn khổ trong đó bản văn hôm nay được đặt vào khiến chúng ta phải lưu ý: đây là những điều xảy ra trong cuộc hành trình Đức Giêsu tiến về Giêrusalem để ở đó, Người cảm nhận sự từ bỏ đau đớn nhất, tức là cái chết. Giữa lần loan báo Thương Khó lần hai và lần ba, chủ đề “Con đường” thúc bách chúng ta xem xét những điều kiện để theo Đức Giêsu và để được vào Nước Thiên Chúa: đó là sẵn sàng mở lòng ra đón tiếp, đồng thời sẵn lòng siêu thoát mọi sự để đi theo Chúa.

4.Gợi ý suy niệm

  1. Nhiều Kitô hữu không muốn nghe đến “quà tặng”; họ nghĩ rằng họ có thể đạt được nước thiên đàng bằng nỗ lực riêng, vì nghĩ rằng nếu họ không đạt được ơn cứu độ nhờ các việc lành riêng, thì họ đáng bị phạt. Thật ra bất cứ ai nghĩ như thế hẳn là đã không đọc Tin Mừng cho kỹ, bởi vì Tin Mừng nói rằng Thiên Chúa không hỏi ý kiến của chúng ta để biết ai xứng đáng với điều gì.[]Ta chỉ có thể đạt tới sự sống đời đời nhờ đức tin, nhờ liên kết vô điều kiện và đầy tin tưởng vào Ngài. Nhờ hiệp thông với Đức Giêsu và với gia đình Người, ta nhận được sự sống đời đời như một ân huệ.
  2. Có những tín hữu coi các điều răn như là một thứ trắc nghiệm, một bài thi Thiên Chúa ban cho dân chúng để xem họ có vâng phục chăng. Một người bạn bảo chúng ta rằng trong vườn của anh có mọi thư trái cây, nếu đi theo anh, ta tha hồ hưởng dùng. Ta tin anh, ta đi theo anh và làm đúng như anh bảo. Thế thì khi ta được ăn các loại trái cây, phải chăng ta lại yêu cầu anh ban thưởng cho ta, vì ta đã đi theo anh? Các điều răn của Chúa chỉ cho ta con đường ta phải theo. Người giữ các điều răn chẳng xứng đáng được một phần thưởng đâu, mà còn phải biết cám ơn Chúa vì Người đã chỉ cho mình con đường đưa tới sự sống chân thật.
  3. Mọi người được yêu cầu đặt việc bước theo Đức Giêsu, vì Người và vì Tin Mừng, trước tất cả mọi sự, thậm chí trước chính bản thân mình và sự trọng kính của người đương thời.Tính mới mẻ triệt để của lời Đức Giêsu kêu gọi đi theo Người không hệ tại lời mời từ bỏ, nhưng hệ tại khả năng kết dệt một liên hệ mới, có được một nội dung mới cho cuộc sống. Lời kêu gọi của Đức Giêsu là Tin Mừng và thật ra là một đặc quyền cao cả: bởi vì, chẳng hạn, đặc quyền này đã không được ban cho người ở Ghêrasa sau khi đã được giải thoát khỏi ma quỷ. Đức Giêsu mời gọi chúng ta tách mình khỏi của cải không phải để rồi chỉ còn hai bàn tay trắng, nhưng để chúng ta trở nên tự do và có khả năng liên kết với Người.
  4. Vấn đề không phải chỉ là bố thí, mà lại phải cho đi mọi sự. Đức Giêsu không kết án của cải, nhưng chỉ kết án sự tích lũy của cải cách ích kỷ. Lý tưởng Kitô giáo không phải là nghèo khó, đói khát, trần truồng, rách nát,… nhưng là chia sẻ tất cả những gì Thiên Chúa đã ban cho mình. Giàu có không phải là một tội; tội nằm ở chỗ giàu có một mình.[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Khi người thanh niên hỏi Chúa: phải làm gì để được sống đời đời. Chúa đã kể ra những việc phải làm: đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cướp, đừng làm chứng gian, đừng lừa dối ai, hãy thảo kính cha mẹ. Nhưng những việc luật đòi giữ đây mới là phần tiêu cực. Chúa đòi ta chia sẻ với anh chị em những gì mà ta quý trọng nhất, những gì tha thiết nhất với chúng ta. Chúa bảo ta yêu thương nhau như Chúa đã yêu, và chúng ta biết Chúa yêu thương cho tới cùng, cho tới hiến cả mạng sống mình. Chúng ta phải sẵn sàng chia sẻ những gì thiết thực nhất, trong đó có tiền của và có thể coi tiền của là một thước đo mức độ bác ái của ta với anh em.

Qua sự thoái thác rút lui của ‘người thanh niên giàu có’, Chúa không lên án của cải vật chất nhưng Chúa cảnh giác về của cải vật chất dễ khiến cho con người thành nô lệ tiền bạc. Trong cuộc sống của mình, Chúa cho thấy Người không có mặc cảm khi sử dụng của cải vật chất. Của cải là tốt vì do Chúa Cha tạo nên, nhưng Chúa Giêsu không lụy thuộc vào của cải. Là người lao động, Chúa làm việc để hằng ngày được dùng đủ. Rồi khi đi rao giảng, nay đây mai đó, Chúa đã chấp nhận để cho người khác lo cho Chúa. Trong cả hai trường hợp, Chúa không chịu một ràng buộc nào do của cải thế gian. Cho nên Chúa cảnh giác đừng để cho của cải vật chất nô lệ hóa, hoặc là của cải đang sở hữu, hoặc là thứ của cải người ta mong ước được sở hữu. Sự giàu có trở thành xấu từ lúc, hoặc trong thực tế, hoặc trong mơ ước, nó vật chất hóa tâm trí, lý tưởng, ước vọng, nghĩa là từ lúc sự giàu có lấy mất đi tự do của trái tim.

Khi Phanxicô Assisi nghe bài giảng trong Thánh Lễ với câu: ”anh chỉ còn thiếu một điều: hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta”, thánh nhân lập tức bán hết những gì mình có, bố thí cho người nghèo và bắt đầu một đời sống theo Chúa: ăn mặc rách rưới, rảo quanh các đường phố vừa rung chuông vừa rao giảng Tin Mừng tình thương của Chúa.
Chúa không đòi chúng ta phải sống nghèo khó tuyệt đối như thánh Phanxicô. Ngài chỉ đòi chúng ta phải có tinh thần siêu thoát đối với tiền của, không để cho của cải vật chất chi phối làm cản bước đường tiến tới sự trọn lành mà chỉ dùng của cải như bàn đạp để tiến lên, tiến tới đỉnh trọn lành và đạt tới hạnh phúc Nước Trời.
Có một người giầu có kia thường xuyên đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Ông có nhiều tiền của, có thiện chí, nhưng ông vẫn cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa. Thấy ông đã lâu không đến xưng tội, thánh nhân tìm đến nhà ông để gặp ông. Sau một hồi trò truyện, ngài nhìn lên cây Thánh Giá trên tường, ngài cân nhắc độ cao của Thánh Giá rồi đề nghị với người đàn ông giầu có: ”ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh Giá không”. Ông đứng dậy giơ cánh tay lên cố với nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Bấy giờ thánh Philipphê dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giầu đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với lên cây Thánh Giá. Ông làm theo ý thánh nhân và tay chạm được vào Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Sau đó ngài nói với ông: “để có thể nắm được Chúa, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng lên trên tiền bạc của cải”.

“Hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta”. Chúa Giêsu bảo chúng ta: hãy dùng tiền của và cư xử cách nào để đem lại ích lợi cho cuộc sống hôm nay và đồng thời cũng đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau nữa. Một phương thế Chúa dạy chúng ta là: hãy chia sẻ, hãy chia sẻ, hãy chia sẻ. Nói thì dễ, nhưng thực hiện điều này, không phải dễ.

Một bác nông dân người Anh có dịp nghe John Wesley giảng. John Wesley là một nhà giảng thuyết nổi tiếng. Hôm đó ông giảng về việc sử dụng tiền của. John Wesley bắt đầu bài giảng bằng tư tưởng, phải ra công tích lũy tối đa, phải dùng hết khả năng tìm cách làm giàu. Bác nông dân gật gù bảo người bạn ngồi bên cạnh: hay lắm. Rồi John Wesley khai triển điểm thứ hai: phải tiết kiệm tối đa. Ông lên án thói phung phí xa xỉ, tiêu xài quá đáng. Bác nông dân suýt xoa: bài giảng tuyệt vời. Cám ơn Chúa, mình vẫn sống tiết kiệm. Cuối cùng nhà giảng thuyết đi tới điểm thứ ba: hãy chia sẻ tối đa. Phải quan niệm sự thiếu thốn của người chung quanh là thuộc trách nhiệm của mình. Nghe thế, bác nông dân lắc đầu bỏ nhà thờ đi ra. 

Lm Giuse Đỗ văn Thuỵ 

[1]  Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

https://catechesis.net/mc-1017-30-duc-giesu-giao-huan-ve-cua-cai/

 

Xem thêm

5 BÀI HỌC QUAN TRỌNG TỪ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA

5 BÀI HỌC QUAN TRỌNG TỪ THÁNH NỮ TÊRÊSA AVILA

  Sự thông thái vượt thời gian của vị nữ Tiến sĩ Hội Thánh đầu tiên. Chúng ta đang …