Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

CN 24B TN

Satan, Hãy Lui Lại Đàng Sau Ta

(Mc 8,27-35)

Mc 8,27-35

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Xêdarê Philipphê

Một lần nữa Chúa lánh ra ngoài, lên miền Xêdarê Philipphê cách hồ Galilê 25 dặm. Xêdarê Philipphê là lãnh thổ thuộc Philipphê, không thuộc quyền Hêrôđê Antipa, là nơi yên tĩnh. Phần lớn dân chúng không phải là Do Thái. Và ‘giờ của Người’ đang sắp tới, nên Chúa muốn xem có ai hiểu Người. Xêdarê Philippê là vùng

1.1.Phảng phất bầu khí tôn giáo khắp nơi với hơn 14 đền thờ dâng kính thần Baal Syrian cổ xưa.

1.2.Không chỉ có những thần Syri mà gần đó còn có một đồi lớn, bên trong có một hang động lớn, thẳm sâu mà người ta nói là nơi thần Pad, thần Thiên Nhiên đã sinh ra; vì thế Xêdarê Philipphê từ đầu có tên là Panias, ngày nay gọi là Banias. Thần thoại về các thần Hy Lạp cũng tập trung chung quanh Xêdarê Philipphê.

1.3. Hơn nữa, hang động trên cũng là nguồn ngọn của sông Giođan. Giosép nói ‘đây là động tuyệt đẹp, dưới có hốc sâu, dốc kinh khủng, đầy nước lặng. Bao trùm bên trên là núi rộng, dưới là hang cùng những nguồn nước chảy ra sông Giôđan’.

1.4. Ngoài ra, Hêrôđê Cả còn xây một đền thờ lớn bằng đá cẩm thạch trắng xóa thờ thần Xêda. Giosép viết ‘tại nơi đã đặc biệt, Hêrôđê còn trang hoàng thêm đền thờ khác thường dâng kính Xêda’… sau, Philipphê, con Hêrôđê, còn trang hoàng, làm đẹp hơn nữa và đổi tên Panias thành Xêdarê và thêm tên mình là Philipphê. Sau cùng Hêrôđê Agrippa gọi nơi đó là Nêrônêa ghi nhớ hoàng đế Nêrô. Nhìn từ xa, đền thờ nguy nga, sáng chói cũng cho ta liên tưởng đến quyền lực của Lamã. Chính tại đây, giữa các đền thờ thần Syri, thần Hy Lạp, lịch sử Do Thái, chốn sang trọng của đền Xêdarê, thì người thợ mộc không nhà không cửa, dõng dạc hỏi người ta nghĩ mình là ai, (là Con Thiên Chúa). Không nơi nào trang trọng để Chúa ý thức và tỏ thần tính của mình hơn nơi này.[1]

2.Dân chúng nghĩ Chúa là Gioan Tiền Hô, Êlia và Giêrêmia

Dân chúng nghĩ Chúa là Gioan Tiền Hô. Không phải chỉ có Hêrôđê nghĩ thế mà nhiều người khác cũng nghĩ thế.

– Là Êlia. Nghĩ Chúa là Êlia, họ ám chỉ về Chúa hai điều: một, Người là một trong những tiên tri lớn nhất; hai, Người là Đấng Tiền Hô cho Đấng Thiên Sai (Ml 4,5). Ngày nay người Do Thái vẫn còn chờ Êlia trở lại trước khi Đấng Thiên Sai đến; vì thế, họ vẫn để một ghế trống cho Êlia khi mừng lễ Vượt Qua!

– Là Giêrêmia. Vì dân chúng tin rằng trước khi đi đầy, Giêrêmia đã lấy ‘hòm bia’ và ‘bàn dâng hương’ trong Đền Thờ đem dấu trên núi Nebo. Trước khi Đấng Thiên Sai đến, ông sẽ trở lại, đem ‘hòm bia, bàn dâng hương’ cùng với vinh quang Thiên Chúa đến cho dân. (2Mcb 2,1-12). Étra (2Er 2,18?) cũng nói ‘để giúp các ngươi, Ta sẽ sai các tôi tớ ta là Isaia và Giêremia đến’. Truyền thuyết kể vào thời Macabê, ‘trước khi đánh nhau với Nicano, đại tướng Do Thái là Onia, nguyên thượng tế, được thị kiến. Ông đang cầu xin để chiến thắng, thì một người tóc bạc, uy nghiêm sáng láng, hiện ra, một ông già tóc bạc rất uy nghi sáng láng hiện đến. Onia lên tiếng nói ‘đây là người yêu mến anh em, hằng cầu nguyện nhiều cho dân chúng và Thành Thánh, nghĩa là Giêrêmia, tiên tri của Thiên Chúa’. Rồi, từ tay phải, Giêrêmia trao cho Giuđa một thanh gươm bằng vàng. Khi trao gươm, ông nói: ‘hãy nhận lấy thanh gươm thánh này. Đó là món quà Thiên Chúa ban. Nhờ nó, ngươi sẽ đánh tan quân địch’ (2Mcb 15,1-14). Giêrêmia cũng được gọi là vị tiền hô cho Đấng Thiên Sai và là đấng trợ lực cho dân trong thời khốn khó. Khi dân chúng đồng hóa Chúa Giêsu với Elia và Giêrêmia, thì theo ánh sáng họ nhận được, họ đã tôn vinh Chúa lên địa vị cao, vì hai đấng không là ai khác ngoài vị tiền hô và Đấng Xức Dầu của Thiên Chúa. Khi hai đấng đến là dấu Nước Chúa đã đến gần.[2]

3.Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai

Sau khi nghe dân chúng trả lời, Chúa mới hỏi các môn đệ: ‘còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?’ Một phút yên lặng, các môn đệ bối rối, không biết dùng lời gì. Phêrô, đại diện các môn đệ, mới thưa. Nên biết ba thánh ký thuật lại lời Phêrô hơi khác: ‘Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống’ (Mt 16,16). ‘Thầy là Đấng Kitô’ (Mc 8,29), vắn nhất. ‘Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa’ (Lc 9,20), rõ nhất. Đấng Thiên Sai (Do Thái) hay Đấng Kitô (Hy Lạp) là một, cũng như Đấng được xức dầu. Đoạn này cho ta hai sự thật lớn:

  1. Cốt cán, lời tôn xưng của Phêrô là lời mà con người dù thượng trí đến đâu cũng không phát biểu được. Napoleon quả quyết về Chúa ‘tôi biết về con người, nhưng Chúa Giêsu Kitô thì hơn một con người’.
  2. Khám phá ra Chúa Giêsu phải là việc cá nhân.

‘Con, các con’ bảo Thầy là ai? Chúa đã hỏi Philatô ‘Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?’ (Ga 18,34). Biết Chúa Giêsu không thể là cái biết vay mượn, biết theo người khác, biết về Chúa. Có thể biết về Chúa Kitô về mọi mặt, có thể tóm tắt giáo lý của Chúa, vẫn chưa hẳn là Kitô hữu. Biết Chúa thì khác với biết về Chúa.[3]

4.Cửa hỏa ngục’là hình ảnh không dễ hiểu

4.1.Có thể là một pháo đài; vì trên đỉnh Hebron nhìn xuống Xêdarê, ngày nay còn vết tích một lâu đài đồ sộ đổ nát, thời xưa rất kiên cố hùng vĩ. Có thể Chúa nghĩ Giáo Hội Người như là một pháo đài như thế.

4.2.Richard Glover nói, xưa người Phương Đông thường coi ‘cổng’ là một nơi, nhất là tại các thị trấn, làng mạc nhỏ, những kỳ mục, lãnh đạo hội họp bàn luận để xét xử (Đnl 21,19; 25,7), nghĩa là nơi công quyền, cửa quyền.

4.3.Nếu trở lại với ý nghĩa là ‘đá, trên đó Giáo Hội được xây lên, là niềm xác tín Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống’, thì ta thấy rằng Hỏa Ngục (hades) không phải là nơi để phạt mà là nơi người Do Thái cho là để giam giữ mọi người chết, là tù ngục. Cổng là giam giữ, là đóng, là điều khiển. Nhưng có một Đấng mà cửa đó không thể giam giữ, đó là Chúa Giêsu Kitô. Người đã phá cửa đó. “Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi… cái chết” (Cv 2,24); “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát” (Cv 2,27). Rõ ràng là chỉ về sự Sống lại vinh thắng. Không khác Chúa nói ‘con đã khám phá ra Ta là Con Thiên Chúa hằng sống, thì sẽ tới lúc Ta bị đóng đinh, nhưng cửa Hỏa ngục sẽ bất lực không giam giữ Ta được. Cửa hỏa ngục không phá Ta được’. Muốn theo nghĩa nào tùy ý, nhưng đều ám chỉ Giáo Hội vững bền, không thể phá được.[4]

5.Phêrô là:

5.1.‘Chìa khóa’ nước trời

5.1.1.Trước hết đây là một thứ quyền riêng đặc biệt. Như Pháp sư nói ‘chìa khóa sinh nở, chìa khóa mưa móc, chìa khóa sống lại là thuộc quyền Thiên Chúa’.

5.1.2.Trong Tin Mừng, câu này thường gắn liền với Chúa Giêsu. Sách Khải Huyền nói về Chúa Kitô Phục Sinh ‘Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa của Tử Thần và Âm Phủ’ (Kh 1,18); ‘Đấng giữ chìa khóa vua Đavít, Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được’ (Kh 3,7).

5.1.3.Tất cả hình ảnh và cách dùng trên đều dựa vào Isaia (Is 22,22). Phêrô sẽ là quản lý nhà Chúa như Eliakim xưa. Vào ngày Ngũ Tuần, Phêrô đã mở cửa cho 3.000 linh hồn (Cv 2,41), cho Cornelius (Cv 10), chủ tọa Công Đồng Giêrusalem, nhận những người ngoại (Cv 15,14).

5.2.Phêrô có quyền ‘cầm buộc và cởi tháo’

Richard Glover nói điều đó có nghĩa là Phêrô có quyền buộc tội trong lương tâm con người, có quyền cởi tội bằng cách nói với con người về tình yêu, lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa. Đây là tư tưởng hay, nhưng còn gì hơn nữa. ‘Tháo cởi, cầm buộc’ là những câu rất quen thuộc với người Do Thái. Thông thường, người Do Thái nào cũng hiểu là ‘cho phép và cấm đoán’. Cầm buộc là cấm; cởi tháo là cho phép. Phêrô là quản gia nhà Chúa, có trách nhiệm nặng nề, phải làm những quyết định có ảnh hưởng đến sự thịnh suy của Giáo Hội; là người hướng dẫn, cai quản giáo hội sơ khai. Và những quyết định của Phêrô quan trọng đến nỗi ảnh hưởng tới các linh hồn đời này và đời sau. Các chương đầu Công Vụ cho thấy điều đó.[5]

6.Do Thái quan niệm về Đấng Thiên Sai

Xêda Philipphê hoàn toàn ở ngoài Galilê. Đây là miền có bầu khí linh thiêng đặc biệt. Các thần Hy Lạp: Baan là nơi sinh ra thần Baan, chúa của thiên nhiên, từ đây có suối dẫn xuống sông Giođan. Trên đồi xa xa có đền thờ óng ánh sáng ngời Philipphê xây kính thần Xêda. Thiên nhiên với tôn giáo, đời với đạo của Palestin, tất cả quyện nhau, với các thần Hy Lạp cổ điển. Cũng gần hết đoạn đời, Chúa mới thử xem các môn đệ có ai hiểu. Giữa bầu khí ấy, Phêrô tỏ ra hiểu “Thầy là…”

Do Thái quan niệm:

1.Trước khi Đấng Thiên Sai đến thì có thời gian khốn khó. (Xem 4 Étra 9,3)

2.Trong thời hỗn loạn đó thì Êlia đến.

3.Sau Êlia, Đấng Thiên Sai sẽ đến.

4.Các nước liên minh chống lại Đấng Thiên Sai (coi 4 Étra 13,33-35).

5.Tất cả đều chiến bại (4Er 12,32-33; Enoch 52,7-9).

6.Thời trùng tu Giêrusalem (Enoch 90,28-29).

7.Từ các nơi tản mác, Do Thái qui tụ về.

8.Palestin là trung tâm thế giới, tất cả phải quy phục.

9.Thời thái bình, vàng son. [6]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Trước khi Đức Giêsu đặt câu hỏi: anh em bảo Thầy là ai? Ngài đã từng làm nhiều phép lạ:

  • Hóa bánh ra nhiều (Mc 6,30-44;8,1-10)
  • Đi trên mặt biển (Mc 6,45-52)
  • Chữa người câm điếc (Mc 7,31-37)
  • Chữa người mù (Mc 8,22-26)
  • Trừ quỷ cho một bé gái (Mc 7,24-30)

Ngài đã dần dần chuẩn bị mọi người cho câu hỏi của ngài: anh em bảo Thầy là ai ?

Thế mà dân chúng, người thì cho là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì cho là Elia, kẻ khác lại cho là một tiên tri nào đó.(Mc 8,28). Cũng may, Phêrô đại diện cho các môn đệ đã trả lời: Thầy là Đấng Kitô (Mc 8,29). Phêrô đã trả lời đúng, nhưng hình ảnh về một Đức Kitô của Phêrô cũng không khác với quan niệm của đám đông: một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, bách chiến bách thắng, nên khi Đức Giêsu nói về cuộc khổ nạn, đã làm cho Phêrô choáng váng. Không biết ông nói gì với Chúa, nhưng chắc chắn đó là những lời can ngăn đầy tình thương yêu chân thành. Phêrô muốn dẫn đường cho Chúa, nhưng Chúa lại muốn đưa Phêrô về đúng chỗ của ông là một môn đệ theo Chúa.

Cũng như Phêrô, tôi muốn chỉ cho Chúa phương cách cứu thế, chứ làm theo kiểu của Chúa thì e rằng chẳng còn ai tin và Ngài sẽ thất bại ê chề. Cũng như Phêrô, tôi muốn chận Chúa lại, không cho Ngài tiếp tục cuộc hành trình “kỳ quặc” về Giêrusalem. Tôi muốn “dạy” cho Ngài lối đường nên đi. Tôi muốn Ngài rút bớt điều kiện cho mọi người cảm thấy nhẹ nhàng; cung cấp bánh ăn, của cải vật chất dư đầy cho người ta theo đông; làm nhiều phép lạ, ảo thuật giựt gân cho dân chúng thích thú. Nhưng Chúa Giêsu quát lên: “hỡi  Satan, hãy lui ra đàng sau Ta.”

Có hai lần trong đời mình, Chúa Giêsu đã dùng đến chữ “Satan”. Một lần với tên Cám dỗ và lần này với Phêrô. Satan đối nghịch với Thiên Chúa. Satan làm đảo lộn trật tự thế giới. Satan phá hoại chương trình của Thượng Đế nơi con người. Thế nên lời quở mắng “Satan” là lời khiển trách nặng nề nhất. Nhưng để ý sẽ thấy: trong lần quở mắng tên Cám dỗ, Chúa Giêsu bảo nó “hãy cút đi”, Ngài không còn muốn thấy mặt nó nữa; nhưng khi khiển trách Phêrô, Chúa Giêsu lại nói “hãy lui ra sau Ta”. Như thế Ngài vẫn cho người môn đệ cơ hội hoán đổi hướng nhìn và cách đi. Thay vì đi trước và chỉ lối cho Chúa, tôi phải hướng theo và tiếp bước sau Ngài.
Satan không thể bước theo Chúa vì bản chất kiêu ngạo của nó. Nhưng riêng tôi, dù bao vấp phạm lầm lỡ, dù lắm khi sống theo ý mình, hay từng chạp theo tiếng gọi của ma quỉ, tôi vẫn được ban cho cơ hội làm lại hành trình của người môn đệ Đức Kitô, dẫu biết rằng không môn đệ chân chính nào của Ngài lại không phải mang Thập Giá: “ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ mình, hãy vác lấy khổ giá mình và theo Ta” (Mt 16,24).
Quả thật, đây là bài học khó nhất trong các bài học mà Chúa Giêsu muốn hướng dẫn cho các môn đệ. Quả thế, các ông tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng là Đấng Kitô phải chịu trải qua cuộc khổ nạn rồi mới tới vinh quang. Đó là con đường Chúa Giêsu phải đi, là con đường Chúa Cha muốn Chúa đi, nên Người không tránh né.

Quả thật, một bài học không dễ dàng chấp nhận. Chính vì vậy, không phải vô tình, trước khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem, thì Marcô đã đưa sự kiện Chúa chữa người mù thành Giêricô. Có lẽ Marcô muốn nói rằng cho tới lúc này, các môn đệ vẫn mù và muốn cho các môn đệ và cả chúng ta hãy nhìn vào người mù thành Giêricô này.

Quả thế, đứng trước con đường Chúa đi là con đường Thập Giá, có lẽ mỗi người chúng ta cũng mù một cách nào đó. Chúng ta xin Chúa Giêsu mở mắt chúng ta như đã mở mắt cho người mù thành Giêricô. Chúa hỏi người mù: anh muốn tôi làm gì cho anh. Anh mù đáp: thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.(Mc 10,51). Khi anh nhìn thấy thì anh đi theo Người trên con đường Người đi (Mc 10,53). Điều đó nói lên rằng, người mù đã trở nên môn đệ của Chúa vì anh đang theo Chúa trên con đường Chúa đi, tức là con đường lên Giêrusalem, con đường lên núi Sọ, con đường khổ giá. Và thánh Phêrô, sau lời khiển trách của Thầy, đã về lại với chỗ đứng đúng nhất của mình: ông không đòi Chúa theo ý mình, song là vâng theo ý Chúa; ông không dẫn đường cho Chúa nhưng là bước theo dấu chân Ngài. Cao điểm của sự “đi theo” này là việc Phêrô chịu đóng đinh thập giá vì Đức Kitô vào năm 69 AD.

LM GIUSE ĐỖ VĂN THỤY

 

[1] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Một trg.513

[2] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Một trg.514

[3] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Một trg.515

[4] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Một trg.517-518

[5] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Một trg.518-519

[6] Lm Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa Kitô,Quyển Hai Tập Một trg.519

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN