Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy Niệm Lời Chúa CN IV P/S (A) CỦA P.Trần Đình Phan Tiến

Suy Niệm Lời Chúa CN IV P/S (A) CỦA P.Trần Đình Phan Tiến

          

                                           

TÔI LÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN

Kính thưa quý vị, thưa các bạn! Lời Chúa Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay cho chúng ta hình ảnh về Đấng Cứu Thế là một Vị Mục Tử Nhân Lành, và ngoài Người ra không có ơn Cứu Độ nào khác. Để hiểu rõ Lời Chúa hôm nay, chúng ta cần biết về cách thức chăn nuôi Chiên. Chiên là con vật hiền lành, nhưng khôn ngoan, hình ảnh nầy cũng tương trưng cho những ai bước theo Chúa Kitô. Và chính Đức Kitô cũng là hình ảnh Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Nghề nuôi chiên là một công việc chính, quen thuộc hằng ngày bên Do-thai, vì vậy công việc nuôi chiên không xa lạ với người Israel. Chuồng chiên không phải là một nơi cố định như chuồng trâu, bò bên Việt Nam. Nghề chăn chiên là một nghề du mục, vì vậy, rày đây, mai đó, nên chuồng chiên, chỉ là một vòng tròn do người chăn chiên vẽ và chiên của họ sẽ đi vào vòng tròn đó mà nghĩ ngơi. Vì vậy, dụng cụ cần thiết của người chăn chiên là một chiếc gậy, chiếc gậy vừa là vũ khí chống lại sói rừng, khi cướp chiên, vừa là dụng cụ cho người chăn chiên chống đỡ khi mỏi mệt, và nhất là dụng cụ vẽ vòng tròn cho chiên ra vào. Như vậy, chúng ta sẽ hình dung ra Lời nói của Chúa Giêsu: “Tôi là cửa chuồng chiên” (c 9), và để hiểu “CỬA CHUỒNG CHIÊN” quan trọng như thế nào đối với đàn chiên. Theo đó, cửa chuồng chiên sẽ được đóng mở bằng cậy gậy của người chăn chiên, và như vậy, cửa chuồng chiên chính là người chăn chiên. Đến đây, chúng ta hiểu được “cửa chuồng chiên” mà Chúa Giêsu đã nói.

 Tâm tình  của người chăn chiên và đàn chiên là một tâm tình thật thân thiết. Chủ chăn và vật được chăn là sự gắn bó mật thiết với nhau như cùng một mái ấm. Như vậy, sự chăn dắt mới thật sự là một công việc mang lại hiệu quả, lợi ích cao. Công việc chăn chiên là một công việc rất quen thuộc đối với đất nước Do-thai, vì vậy mà Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử tốt lành là người  “biết chiên và chiên biết người chăn”: “Tôi biết chiên Tôi và chiên Tôi biết Tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10, 14). Vì vậy, người mục tử tốt lành không phải là kẻ chăn thuê, người đó gọi tên từng con chiên một. Chúng ta thấy, tình yêu thắm thiết giữa chủ chăn và đàn chiên thật là thân thiết.

Và như lời Đức Giáo Hoàng Phanxico đã nói: “ Chủ chăn chiên phải có mùi của chiên”, chắc chắn ngài đã cảm nhận sâu sắc câu Lời Chúa trên.

Trở lại Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói gì với chúng ta theo ý nghĩa siêu nhiên, mà chúng ta vừa chia sẻ ý nghĩa đen của đoạn Tin Mừng hôm nay. Đó là:

–         Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người mục tử nhân lành để chỉ về Người

–         Ngoài Người ra không có ơn Cứu Độ

–         Những ai được trao nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên tâm linh, cũng phải trở nên vị mục tử nhân lành. Có nghĩa là, người ấy phải đi qua “CỬA GIÊSU ” mà vào.

Thế nào là một vị mục tử nhân lành.? Thưa, vị mục tử nhân lành là: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi…” ( Ga 10, 14). Không còn định nghĩa nào hay hơn.

Từ “biết” có nhiều ý nghĩa rộng hơn theo tiếng Do-thai, chứ không phải theo từ “biết” của Việt Nam.” Biết “có nghĩa là thông cảm, chia sẻ,  đến độ hy sinh mạng sống để cứu đàn chiên. Nhìn chung, đoạn Tin Mừng hôm nay, có vẻ như đơn giản, không có gì sâu sắc và liên quan với người Việt Nam theo nghĩa đen. Nhưng theo ý nghĩa tâm linh, thì đây là đoạn Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã mặc khải về Tình Yêu và ơn Cứu Độ của Người. Như Chúa Giêsu đã xác định: “Ai đi qua “CỬA “mà vào, thì người đó là mục tử” (Ga 10, 2).

Cửa chuồng chiên “GIÊSU” vừa là tiêu chuẩn vừa là thước đo, vừa là điều kiện, để những ai được kêu gọi để chăn dắt đàn chiên của Người. Mục Tử Giêsu là mẫu gương Mục Tử muôn đời mà những ai là mục tử phải noi theo.

Qua đoạn Lời Chúa hôm nay, về ý nghĩa tâm linh rất sâu sắc, để nói về sứ mạng mục tử, có thể nói đoạn Tin Mừng hôm nay dành riêng cho những ai đã, đang , sẽ là ”MỤC TỬ” của Chúa Giêsu. Nên được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Vì vậy được gọi là ngày “cầu cho ơn Thiên Triệu”. Từ đó, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành có thể gọi là ngày “Bổn mạng các Linh mục”, mong thay!

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, có thể nói các vị thánh linh mục đều thấm nhuần đoạn Lời Chúa trên (Ga 10, 1-10), và ước mong thực hiện, như thánh Gioan Maria Vianney, vị linh mục của xứ Ars , nước Pháp, mà đã được Gíao Hội chọn làm bổn mạng các linh mục. Và hai vị Tân Hiển thánh Giáo Hoàng Gioan 23 và Gioan Phao-lô II.

Lạy Chúa Giêsu là Vị Mục Tử Nhân Lành, chính Chúa đã tỏ ra điều ấy cho chúng con, xin thương xót chúng con là kẻ tội lỗi. Và gìn giữ chúng con trong những điều mà Chúa dạy, Vì như lời thánh Phê-rô nói : Người là Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em”. Vì thế, chúng con sẽ không còn sợ hãi nữa , vì Chúa là Đấng chăm sóc linh hồn chúng con./. Amen

11/05/2014

P.Trần Đình Phan Tiến

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN