Bộ Giáo lý Đức tin đã chấp thuận và khuyến khích việc sùng kính Đức Mẹ Thương Xót tại đền thờ Pellevoisin, Pháp. Chính tại đó, vào năm 1876, một phụ nữ trẻ nghèo tên Estelle Faguette đã báo cáo một loạt các thị kiến về Đức Mẹ, dẫn đến việc bà được chữa lành bệnh lao.
Estelle sinh ngày 12 tháng 9 năm 1843 trong một gia đình nghèo, bà dành phần lớn thời thơ ấu của mình để làm nghề giặt ủi và sau đó là người giúp việc để giúp đỡ gia đình. Đến tuổi 30, sau nhiều năm làm việc, sức khỏe của bà suy yếu do bệnh lao, nhưng thay vì than thở về bệnh, bà đã tập hợp đức tin trẻ thơ của mình và viết một lá thư cho Đức Mẹ xin ơn chữa lành.
ĐHY Victor Manuel Fernández, người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin, giải thích với Vatican News rằng bức thư kể lại đau khổ do căn bệnh gây ra, nhưng thay vì truyền tải “tinh thần cam chịu của người Kitô hữu” trước cái chết sắp xảy ra, thay vào đó, bà bày tỏ “sự kháng cự bên trong” đối với căn bệnh, vì nó “phá vỡ kế hoạch cuộc đời bà.” Ngài nói rằng bà luôn đầu hàng ý Chúa, nhưng bà cầu xin sức mạnh để tiếp tục giúp đỡ cha mẹ mình.
Đức hồng y khen ngợi: “Sự cống hiến hào phóng này cho người khác, cuộc sống này được dùng để chăm sóc người khác là điều chạm đến trái tim Mẹ nhiều nhất: Mẹ biết cách nhận ra mọi điều tốt lành ẩn sau lời nói của chúng ta.” Thật tốt đẹp và ngọt ngào!
Khi Estelle 32 tuổi, các lần hiện ra bắt đầu và đến lần hiện ra thứ năm, bà đã được chữa khỏi bệnh lao. Trong thông điệp, ĐHY Fernández nói: “Mọi thứ đều được quy cho Chúa Kitô. Ngay cả việc chữa lành Estelle cũng không được quy trực tiếp cho Đức Maria, mà là cho Chúa Kitô, Đấng đã lắng nghe lời cầu bầu của Mẹ Ngài.”
Trong hồ sơ của Estelle, Đức Mẹ đã giao tiếp với bà bằng những lời động viên: “Đừng sợ, con là con gái của Mẹ Nếu con muốn phục vụ Mẹ thì hãy giản dị.”
Tuy nhiên, Estelle thậm chí còn ấn tượng hơn bởi “sự hiện diện im lặng” của sự hiện ra. Trong các bài viết bằng tiếng Pháp, bà nhớ lại mình đã xúc động như thế nào trước những khoảnh khắc này: “Chúa ơi, Đức Mẹ đẹp làm sao! Đức Mẹ đứng im một lúc lâu mà không nói gì… Sau sự im lặng này, Đức Mẹ nhìn tôi, tôi không biết mình cảm thấy thế nào, nhưng tôi hạnh phúc lắm!… Đức Mẹ không nói gì. Sau đó, Đức Mẹ nhìn tôi với ánh mắt rất tử tế và rời đi,… Đức Mẹ vẫn nhìn tôi,… Thật xinh đẹp và ngọt ngào làm sao!… Thật tử tế trong ánh mắt của Đức Mẹ và thật thương xót làm sao!”
ĐHY Fernández tiếp tục thảo luận về bản chất “Kitô học” của các lần hiện ra, lưu ý rằng Đức Mẹ đã yêu cầu Estelle truyền bá việc sử dụng Áo Đức Bà có hình Thánh Tâm Chúa Kitô, cùng với “lời mời gọi hướng về Trái Tim yêu thương của Chúa.”
ĐHY Fernández giải thích: “Khi cho Estelle xem Áo Đức Bà Thánh Tâm Chúa Kitô, Đức Mẹ nói: ‘Trong một thời gian dài, kho tàng của Con Mẹ đã được mở ra […] Mẹ yêu thích lòng sùng kính này’.”
Estelle tiếp tục sống phục vụ và khiêm nhường sau khi được chữa lành một cách kỳ diệu. Năm 1925, bà gia nhập Dòng Ba Đa Minh và sống đời tu cho đến khi qua đời ở tuổi gần 86.
Trong khi lòng sùng kính đối với các cuộc hiện ra của Đức Mẹ Thương Xót chỉ mới được chính thức chấp thuận, một số giáo hoàng đã công nhận tầm quan trọng của nó đối với các tín hữu. Năm 1892, ĐGH Leo XIII đã ban ơn toàn xá cho những người hành hương đến đền Pellevoisin, và năm 1900, ngài đã công nhận Áo Đức Bà Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Năm 1915, ĐGH Benedict XV đã được tặng một áo Đức Bà và tuyên bố rằng “Pellevoisin đã được Đức Trinh Nữ Maria chọn làm nơi đặc biệt để ban phát ân sủng của Người.”
J-P MAURO
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)