Home / Chia Sẻ / LỜI HỨA TRUNG THÀNH

LỜI HỨA TRUNG THÀNH

LỜI HỨA TRUNG THÀNHTrong những Chúa nhật vừa qua, chúng ta đều được nghe Tin Mừng trích từ Phúc âm thánh Gio-an, chương 6.  Nội dung của chương này, trước hết là phép lạ nhân bánh cho năm ngàn người ăn no.  Sau đó là cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và người Do Thái xung quanh đề tài Bánh Hằng Sống.  Những vấn nạn của người Do Thái được ghi trong Tin Mừng, thực ra cũng là những vấn nạn của con người ở mọi thời đại về những mầu nhiệm Ki-tô giáo, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể.  Quả vậy, xung quanh chúng ta hôm nay, có biết bao người đang đặt ra những câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa; về cuộc đời, sự chết và sống lại của Chúa Giê-su; về Giáo hội; về các Bí tích, về thiên đàng và hỏa ngục.  Điều này không có gì lạ, bởi vì những việc làm của Thiên Chúa không thuộc cùng một phạm trù với hoạt động của loài người, và những gì Ngài thực hiện là bởi quyền năng của Ngài.  Tin vào Thiên Chúa là tin vào Đấng có thể làm mọi sự, là Đấng làm cho cái không thể trở thành điều có thể.

Trước những lời giáo huấn của Chúa Giê-su về Bánh Hằng Sống, nhiều người Do Thái coi là chói tai và họ bỏ, không muốn theo Người nữa.  Trong số này, có cả những môn đệ, tức là những người đã được Chúa chọn và đã theo Chúa một thời gian dài.  Trước tâm trạng hoang mang của những người còn lại, Chúa Giê-su hỏi nhóm Mười hai, tức là các tông đồ: “Anh em có muốn bỏ đi không?”  Thánh Phê-rô là người lên tiếng trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”  Chúa Giê-su chắc chắn được an ủi rất nhiều qua câu trả lời của thánh Phê-rô.  Đây vừa là một lời tuyên xưng đức tin, vừa là lời đoan hứa trung thành.  Lòng trung thành với Chúa không chỉ được thể hiện lúc Người được tôn vinh, nhưng còn trong những thời điểm bi đát của Người.  Vào lúc nhiều người muốn bỏ đi, Phê-rô và Mười hai tông đồ vẫn ở lại, dẫu rằng các ông chưa thể hiểu hết ý nghĩa của giáo huấn về Thánh Thể.

Giữa những vấn nạn hóc búa của con người thời đại hôm nay, người tín hữu cần được huấn luyện để trưởng thành trong đức tin và có thể trình bày đức tin của mình, như thánh Phê-rô viết: “Anh em hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.  Nhưng phải trả lời với sự hiền hòa và lòng kính trọng” (1 Pr 3,15-16).  Tuy vậy, để có thể trình bày đức tin của mình, trước hết, Ki-tô hữu phải xác tín vào sự hiện hữu của Thiên Chúa trong cuộc đời, cũng như vào tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người nói riêng.  Trong mọi hoàn cảnh, Chúa luôn chờ đợi nơi chúng ta lòng trung thành.  Trước hết là trung thành với những lời tuyên thệ trước khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, sau đó là trung thành với giáo huấn của Chúa.  Giáo huấn này được chuyển tải đến với chúng ta qua các thừa tác viên của Giáo hội.

Suốt bề dày lịch sử, Thiên Chúa luôn trung thành với con người, kể các khi con người thất tín.  Thánh Phao-lô đã viết cho ông Ti-mô-thê: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.  Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.  Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,12-13).  Nếu Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành, thì lòng dạ con người lại hay thay đổi.  Lịch sử cứu độ đã chứng minh điều đó.  Bài đọc I kể lại Đại hội toàn dân do ông Giô-suê tổ chức, vào thời điểm vừa tiến qua sông Gio-đan, chuẩn bị vào Đất hứa.  Đây là dịp để dân riêng của Chúa nhìn lại những bất trung trong quá khứ của hành trình sa mạc.  Trước lời hiệu triệu của ông Giô-suê, dân chúng đã đồng thanh tuyên thệ một lòng trung thành với Chúa.  Mỗi chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại lịch sử cuộc đời cá nhân cũng như tập thể, để điều chỉnh lối sống đức tin của mình, đoan hứa trung thành với Chúa và đi theo đường lối của Người.

Trung thành với Chúa, chúng ta cũng phải trung thành với nhau trong mối tương quan hằng ngày.  Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, lòng trung thành bị coi nhẹ.  Người ta dễ dàng chối bỏ những gì đã cam kết, và sẵn sàng phản bội nhau vì lợi lộc trước mắt.  Thánh Phao-lô khuyên giáo dân Ê-phê-sô trung thành với Chúa.  Ngài dùng hình ảnh đời sống hôn nhân gia đình để diễn tả sự kết hợp gắn bó giữa Đức Ki-tô và Giáo hội của Người.  Khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, chúng ta hứa trung thành với Chúa, từ bỏ ma quỷ và tội lỗi.  Trong hành trình cuộc đời, đã nhiều lần chúng ta đã “lỗi hẹn” với Chúa.  Nhìn lại bản thân và xét mình trước mặt Chúa sẽ giúp chúng ta luôn trung thành với Người.

Trong đời sống chúng ta, nhất là vào những thời khắc bi thương của cuộc đời, Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta: “Con có muốn bỏ Thầy mà đi không?”  Xin cho chúng ta có đủ can đảm để thưa như thánh Phê-rô: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”  Được như vậy thì thật hạnh phúc cho chúng ta.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …