Home / Chia Sẻ / VƯỢT XA THUYẾT NHỊ NGUYÊN

VƯỢT XA THUYẾT NHỊ NGUYÊN

VƯỢT XA THUYẾT NHỊ NGUYÊNTrong khi “xác thịt” (sarx) là hữu hạn và phục vụ cho bản thân thì “cơ thể” (soma) được coi là một phần cơ bản của một kế hoạch thiêng liêng lớn hơn.

Trải nghiệm hằng ngày của con người thách thức sự phân đôi đơn giản giữa cơ thể và linh hồn. Nhân tính của chúng ta không được hiểu đúng khi nghĩ theo hướng “một tâm trí trong một cơ thể” hoặc “một cơ thể có một linh hồn.”

Thay vào đó, chúng ta trải nghiệm cuộc sống như một tổng thể tâm lý phức tạp, thường lộn xộn. Chúng ta có “tinh thần hăng say và thể xác yếu hèn.” (Mt 26:41) Sự hiểu biết tinh tế về trải nghiệm hoàn toàn mang tính con người này là về một linh hồn hiện thân – hoặc một thể xác “có linh hồn.” Quan điểm này bắt nguồn sâu sắc từ tư tưởng Kitô giáo, dựa trên sự khác biệt giữa “sarx” và “soma” như được dùng trong Tân Ước.

Theo tiếng Hy Lạp trong Kinh Thánh, “sarx” thường được dịch là xác thịt. Tuy nhiên, bản dịch này cần thêm một chút sắc thái. Sarx nên được hiểu rõ hơn là xác thịt phàm trần – ám chỉ cụ thể đến tình trạng con người sa ngã của chúng ta. Sarx không nhất thiết ám chỉ đến những nhu cầu và ham muốn vật chất của cơ thể, mà ám chỉ đến loại hành vi ích kỷ mà chúng có thể dẫn đến – nếu không được kiểm soát. Điều này trái ngược với “soma” chỉ đơn giản có nghĩa là cơ thể, thân xác. Trong khi “soma” hầu như ám chỉ đến cơ thể vật chất thì việc dùng từ này không chỉ giới hạn ở sự hiểu biết về xác thịt phàm trần: Khi phục sinh, các tín hữu sẽ nhận được “thân thể phục sinh” (Thánh Phaolô dùng chữ “egeiro” – nghĩa là khả năng vật lý thực sự để đứng lên) vượt qua những hạn chế của xác thịt phàm trần (sarx).

Do đó, sự khác biệt giữa “sarx” và “soma” rất quan trọng. Một lần nữa, “sarx” hầu như chỉ được dùng để chỉ khía cạnh vật lý của cuộc sống có thể bị phân hủy (ví dụ, trong chiếc quách hoặc quan tài) và thường gắn liền với những ham muốn ích kỷ – ít nhất là trong bối cảnh Kinh Thánh. Theo nhiều cách, đó là yếu tố chính được tìm thấy trong sự tồn tại hiện tại của chúng ta, trái ngược với trạng thái tồn tại lý tưởng – trạng thái mà chúng ta có thể hiểu được hành động của chính mình và không làm điều chúng ta ghét, mà là điều chúng ta thực sự muốn làm: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15)

Mặt khác, “soma” có thể ám chỉ cả thân xác phàm trần hiện tại của chúng ta và thân xác mà chúng ta sẽ có sau khi sống lại. Rõ ràng thân xác (soma) không có khiếm khuyết cố hữu, chỉ có những khía cạnh liên quan sarx mới có thể được coi là thực sự có vấn đề.

Theo tư tưởng Kinh Thánh, nhân loại được tạo ra với một cơ thể (soma) không bị ô uế bởi xác thịt (sarx). Sau khi sa ngã, cấu tạo tự nhiên ban đầu này đã thay đổi. Sau khi phục sinh, nhân loại sẽ lại sở hữu cơ thể (soma) thoát khỏi ảnh hưởng làm hư hỏng của xác thịt phàm tục (sarx). Những ý tưởng thần học này làm nổi bật sự khác biệt giữa trạng thái hiện tại của chúng ta và trạng thái lý tưởng được dự đoán trong thuyết cánh chung của Kitô giáo.

Vì vậy, trong khi “xác thịt” (sarx) là hữu hạn và ích kỷ thì “cơ thể” (soma) được coi là một phần cơ bản của một kế hoạch thiêng liêng lớn hơn.

Các Kitô hữu được kêu gọi thách thức những ham muốn xác thịt và sống theo Thần Khí, điều đó dẫn họ đến sự phục sinh và lời hứa về sự sống vĩnh cửu với thân xác phục sinh – như đã nói trong Kinh Tin Kính. Khung này chuyển trọng tâm từ thuyết nhị nguyên đơn thuần (tâm trí & thân thể) sang quan điểm chính thể luận về sự tồn tại của con người như sự sáng tạo thiêng liêng thống nhất, trong đó linh hồn vốn có thể hiện thân và xác thịt được định sẵn để bảo tồn – và biến đổi.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Xem thêm

24-8-2024 5-30-14 PM

Lời Chúa – Chúa Nhật Tuần XXI Mùa Thường Niên 25/08/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN