Home / Chia Sẻ / PHÚC THIÊNG

PHÚC THIÊNG

PHÚC THIÊNGPhúc Âm là Tin Mừng về Nước Trời và cuộc đời Chúa Giêsu. Theo đó, cuộc đời mỗi chúng ta cũng được khắc họa đậm nét qua các chặng của cảm xúc: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Kiếp phàm nhân cũng trải dài đủ mùi vị từ Tabor tới Canvê.

Sau khi Chúa Giêsu tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó và phục sinh, (Mt 16:21-23; Mc 8:31-33; Lc 9:22) đồng thời đưa ra điều kiện để theo Ngài, (Mt 16:24-28; Mc 8:34-38; Lc 9:23-27) Ngài cho biết: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.” (Mc 9:1)

Triều Đại Thiên Chúa đã đến và đang ở giữa chúng ta trên thế gian này, nhưng có thể có người vẫn chưa nhận biết bởi vì còn nghĩ mông lung về nơi xa nào đó.

Một hôm, Chúa Giêsu dẫn theo ba môn đệ (Phêrô, Giacôbê và Gioan) lên núi Tabor (tiếng Hebrew: הַר תָּבוֹר, tiếng Hy Lạp: Όρος Θαβώρ). Núi Tabor thuộc vùng Galilê Hạ, ở đầu phía đông thung lũng Jezreel, cách Biển Hồ Galilê 17 km về phía tây. Tại núi đó, bất ngờ Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông: Khuôn mặt sáng chói như mặt trời, y phục rực rỡ, trắng tinh, không thợ giặt nào có thể giặt trắng được như vậy. Họ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Ngài. Trong giây phút vui sướng tột cùng, ông Phêrô nói ngay: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” (Mc 9:5) Ông nói mà chẳng biết mình nói gì, y như “nói sảng” vậy, vì sung sướng khôn tả!

Điều đó được Thánh Máccô nói rõ: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” (Mc 9:6) Cũng phải kinh hoàng thôi, phần thì chưa thấy bao giờ, phần thì quá kỳ lạ. Lạ thì lạ lắm, mà sướng thì sướng vô cùng. Ông Phêrô sướng đến nỗi quên chính mình và hai anh bạn, thế nên chỉ xin làm lều cho Sư Phụ và hai nhân vật quan trọng kia. Quả thật, khi thực sự thấy “phép lạ” thì người ta sẽ quên mọi sự và thay đổi cách sống ngay!

Tuy nhiên, khi ba đệ tử đều đang lâng lâng thì bỗng có một đám mây bao phủ họ. Từ đám mây phát ra tiếng nói: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9:7) Các ông nhìn xung quanh thì không thấy ai, chỉ còn Thầy Giêsu. Ôi, tiếc thật! Và khi xuống núi, Chúa Giêsu dặn họ không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Cái lạ này nối tiếp điều lạ khác, cái gì cũng lạ!

Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhưng công minh chính trực. Ai được nhiều sẽ bị đòi nhiều, ai được ít sẽ bị đòi ít. Vì thế, đừng tưởng được nhiều là “ngon,” là oai, rồi hóa kiêu ngạo, nhưng cũng đừng thấy mình được ít mà buồn hoặc so đo kèn cựa với người được nhiều. Thiên Chúa biết rõ mọi người, ai có khả năng gì thì Ngài trao công việc phù hợp, để làm cho Ngài chứ không phải để lấy tiếng hoặc khoe mẽ. Ba môn đệ được “ưu tiên” thấy Chúa Giêsu biến hình vì Ngài muốn củng cố đức tin cho họ, và tất nhiên được ưu tiên thì cũng phải “trả giá” cân xứng thôi.

Là tín nhân, ai cũng biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, mặc dù chúng ta chỉ là tội nhân hoàn toàn bất xứng với Ngài, nghĩa là chúng ta không có quyền đòi hỏi chi cả. Thế nhưng Ngài đã bắt Con Yêu Dấu Giêsu chịu đau khổ tới tận cùng, như ngôn sứ Isaia mô tả: “Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.” (Is 53:6) Chúa Giêsu đã “cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình, để chúng ta khỏi sờn lòng nản chí” (Dt 12:3) khi phải chịu gian lao và khổ đau trong cuộc đời này.

Thật vậy, chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu đặt vấn đề: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” Gian khổ tôi luyện con người, hơn nhau ở chỗ đó. Đôi khi Thiên Chúa không thay đổi hoàn cảnh theo ý mình muốn vì Ngài đang biến đổi tâm hồn của chúng ta. Sống là chiến đấu, chiến đấu ngay với chính mình. Nếu cuộc đời bình thản thì thật nhàm chán, không có đấu tranh thì không gọi là cuộc đời.

Là phàm nhân, ai cũng phải chiến đấu với mọi thứ. Có cuộc chiến nào mà không cam go? Càng cam go hơn khi cuộc chiến đó là cuộc chiến tâm linh, nhưng chưa quá sức đâu, đúng như Thánh Phaolô nói: “Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu.” (Dt 12:3-4)

Cha mẹ yêu thương con cái, nhưng đâu phải chúng đòi hỏi gì cũng được. Có những thứ không cho hoặc cấm thì mới thực sự là yêu thương chúng. Phàm nhân chỉ là kẻ xấu mà còn phải biết cách cư xử như vậy huống gì Thiên Chúa, Đấng chí thánh, toàn trí và toàn tri. Thật vậy, Thiên Chúa dành cho chúng ta tình yêu thương rất đặc biệt, vì thế Ngài cũng muốn chúng ta phải sống “khác người” – khác theo chiều hướng tích cực chứ không tiêu cực. Cách yêu thương của Thiên Chúa độc nhất vô nhị, kỳ lạ mà rất tuyệt vời! Vì thế, chúng ta phải ghi lòng tạc dạ điều này: Tất cả phải NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài.

Và tất nhiên, cái gì cũng có “cái giá” nhất định của nó. Được cái này thì mất cái kia, và ngược lại. Chắc chắn rằng “lành – dữ, sống – chết, giàu – nghèo, tất cả đều do Đức Chúa.” (Hc 11:14) Ai cũng phải đi hết chặng đường thập giá, dù đang ở Tabor hay Canvê cũng vẫn là Thánh Ý Chúa muốn chúng ta hưởng phúc thiêng ngay trong giây phút hiện tại.

Lạy Thiên Chúa toàn năng nhân hậu, xin giúp chúng con vững niềm tin yêu trong mọi hoàn cảnh, không nao núng khi buồn phiền, không nản chí khi thất vọng, luôn kiên cường vượt lên chính mình để đến với Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Niềm Hạnh Phúc – https://youtu.be/2BeSRADFTts

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …