Home / Chia Sẻ / MARIA MAĐALÊNA KHÔNG LÀ GÁI ĐIẾM

MARIA MAĐALÊNA KHÔNG LÀ GÁI ĐIẾM

MARIA MAĐALÊNA KHÔNG LÀ GÁI ĐIẾMCuộc điều tra tại một địa điểm ở thành phố Magdala đã tiết lộ thông tin giúp xây dựng lại hồ sơ của Thánh Maria Mađalêna.

Maria Mađalêna (Mácđala) là “một phụ nữ giàu có, có ảnh hưởng và quan trọng” trong cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Đây là một trong những kết luận của nhà nghiên cứu Jennifer Ristine trong cuốn “Mary Magdalene: Insights From Ancient Magdala” được phát hành ngày 22-7-2018 nhằm tiết lộ những bí ẩn về người phụ nữ mà Giáo hội Công giáo trong nhiều thế kỷ gán cho là kẻ ngoại tình và gái điếm. Việc tích hợp các tài liệu tham khảo về Kinh Thánh và lịch sử với những khám phá khảo cổ gần đây được thực hiện tại TP Magdala (Migdal, Israel ngày nay), nơi người ta tin rằng bà đã sinh ra, giúp Ristine tái tạo lại một phần hồ sơ của bà.

Trong một cuộc phỏng vấn qua email, bà Ristine – giám đốc Viện Magdalene, cho biết: “Vào thời của Maria Mađalêna, Magdala là một làng chài thịnh vượng. Cuộc khai quật đầu tiên được thực hiện vào thập niên 1970, nhưng phải đến năm 2009, Đội Quân Đức Kitô (Legionaries of Christ) mới mua đất trong vùng và “phát hiện phần phía bắc của làng Magdala. Họ đã tìm thấy một giáo đường Do Thái từ thế kỷ I, một tượng đá tượng trưng cho Đền Thờ Giêrusalem [đá Magdala], phòng tắm thanh tẩy theo nghi lễ, nơi ở và một bến cảng.”

Nhưng bà ấy có phải là gái điếm hay không? Bà Ristine tin rằng đã có “nhiều cách hiểu sai về cuộc đời Maria Mađalêna.” Các phát hiện khảo cổ từ TP Magdala trong Kinh Thánh, hiện là địa điểm khảo cổ hơn 2.000 năm tuổi, cho thấy đây là một vùng đất giàu có. Bằng cách tích hợp các tài liệu tham khảo trong Kinh Thánh vào bối cảnh này, có thể suy ra rằng Maria Mađalêna là “một phụ nữ giàu có đến từ một thị trấn khá giả về kinh tế và không nhất thiết phải là gái điếm.” Ý tưởng này được tái khẳng định, chẳng hạn, trong các câu của Luca 8:1-3: “Sau đó, Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Maria gọi là Maria Mácđala, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gioanna, vợ ông Khuda quản lý của vua Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ.”

Giáo hội Công giáo đã tuyên thánh cho bà, với lễ kính vào ngày 22- 7 từ năm 2016, khi ĐGH Phanxicô tôn phong bà là “apostola apostolorum – tông đồ của các tông đồ.” Đó không là ngẫu nhiên, mà theo Kinh Thánh, bà là người đầu tiên thấy Chúa Giêsu phục sinh. Chưa hết, chính Thánh GH Grêgôriô Cả là một trong những người đưa ra tiêu chuẩn “gái điếm” trong bài giảng số 33 năm 591, ngài tuyên bố: “Người mà thánh sử Luca gọi là người đàn bà tội lỗi chính là Đức Maria. Bảy con quỷ đã bị đuổi khỏi ai, và bảy con quỷ này có ý nghĩa gì nếu không phải tất cả những thói xấu?” Với tuyên bố này, ngài đã hợp nhất ba bà Maria: Maria tội nhân“xức dầu chân Chúa, Maria đến từ Magdala được Chúa Giêsu giải thoát khỏi bảy quỷ, một trong các phụ nữ giúp đỡ Chúa, và Maria ở Bêtania là em gái của Mácta và Ladarô. Bà Jennifer Ristine nói: “Giáo hội Đông phương tin rằng họ là ba người phụ nữ khác nhau, trong khi Giáo hội Tây phương tin chắc rằng đó chỉ là một phụ nữ tên Maria Mađalêna.”

Nhưng Thánh GH Grêgôriô Cả không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm. Theo nhà nghiên cứu Ristine, một số tác giả đã liên kết bà với một người phụ nữ được nhắc đến trong Talmud thế kỷ II, tên là Miriam Megaddlela, có nghĩa là “Maria với mái tóc được tết lại.” Bà Ristine cho biết: “Trong cộng đồng Do Thái, danh hiệu này được trao cho người phụ nữ xấu xa, ngoại tình hoặc gái điếm.”

Dù bà có phải là gái điếm hay không, một sự kỳ thị mà các phong trào nữ quyền cố gắng giải thoát cho bà. Ristine nói: “Maria Mađalêna là một phụ nữ có ảnh hưởng cả về kinh tế và xã hội. Về kinh tế, vì bà là một phụ nữ khá giả, và về xã hội vì bà quyết định phá vỡ các quy tắc và đi theo Chúa Giêsu, mặc dù bà sinh trưởng trong một xã hội tôn giáo nghiêm ngặt. Người phụ nữ đến từ Magdala là mẫu gương lãnh đạo dành cho phụ nữ.”

Vẫn còn nhiều điều để khám phá về bà. Chỉ 15% TP Magdala cổ đại đã được khai quật, vì vậy theo Jennifer Ristine, những phát hiện khảo cổ trong tương lai có thể giúp tiết lộ thêm chi tiết về quá khứ tôn giáo tại quê hương của Maria Mađalêna để làm sáng tỏ sự thật về một trong những nhân vật bí ẩn nhất trong Phúc Âm.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ brasil.elpais.com)

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …