Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên, Năm B, của Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 15B TN

Sai Đi Loan Báo Tin Mừng

Mc 6, 7 – 13(Mc 6,7-13)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Sứ vụ lần này rộng hơn lần sai Mười Hai.

1.Bảy Mươi Hai là số tượng trưng đối với Do Thái

1.1.Đó là số người giúp Môsê (Ds 11,16.17.24.25);

1.2.Số thành viên Thượng Hội Đồng;

1.3.Số tượng trưng các nước trên thế giới.

2.Đoạn này cho biết về người giảng cũng như người nghe

2.1.Đừng cồng kềnh mà phải nhẹ nhàng. Dr. Johnson sau khi quan sát một lâu đài, đã thốt lên ‘đó là những cái làm người ta khó chết’. Trần thế không bao giờ xóa bỏ được trời cao.

2.2.Chú trọng vào công việc. Không cần chào dọc đường. Elisa xưa đã dạy Gehazi như vậy (2V 4,29). Chúa không dạy bất lịch sự với người khác mà chỉ lưu ý rằng đừng ghé chỗ này chỗ kia, đừng lân la đây đó, vì những gì tầm thường trong khi nhiều việc trọng đang đón chờ.

2.3.Không vì tư lợi. Hãy dùng những gì người ta dọn cho, đừng đi nhà này nhà nọ, mong tìm tiện nghi. Không lâu trước khi Giáo Hội có những người yểu điệu, đã có quyển Giáo Lý của 12 tông đồ, viết chừng 100 năm trước Chúa, dạy: vì có những ngôn sứ lân la làng nọ tới làng kia, nên chỉ định: ‘ngôn sứ nào ở lại hơn ba ngày mà không làm việc, thì đó là ngôn sứ giả; nếu ngôn sứ đòi xin tiền, hay ăn uống, cũng là ngôn sứ giả’. Người làm thì được công, nhưng người đầy tớ Chúa Giêsu chịu đóng đinh, không thể đòi được sống sung sướng.

2.4.Lắng nghe lời Chúa là một bổn phận lớn. Người ta sẽ bị phán xét vì những gì mình biết. Ta không kết án con trẻ, sẵn sàng tha thứ cho chúng, nhưng chúng ta không bỏ qua những gì nơi người lớn. Trách nhiệm là mặt khác của đặc ân.

2.5.Từ chối lời mời của Chúa, là điều đáng sợ. Mỗi lời Chúa hứa là một cớ cho ta được thưởng hay bị phạt. Mỗi lần từ chối, là mỗi lần nó sẽ quay lại kết án.[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

         Có câu chuyện kể rằng: sau khi hoàn tất sứ mạng trần gian, Chúa Giêsu về trời và được thiên thần Gabriel ra tiếp đón. Gặp Chúa, thiên thần lên tiếng hỏi ngay: lạy Chúa, xin Chúa cho biết công trình của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở dưới trần gian? Chúa Giêsu đáp: Ta đã chọn 12 tông đồ và Ta đã trao phó cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Nghe Chúa trả lời, thiên thần Gabriel hình như chưa thoả mãn nên hỏi tiếp: nếu chẳng may họ thất bại thì Chúa có dự tính chương trình nào nữa không? Chúa Giêsu mỉm cười đáp: Ta không dự tính một chương trình nào khác, Ta tin tưởng ở họ.
       Đúng thế, Chúa Giêsu hoàn toàn tin tưởng vào các tông đồ, mặc dầu xét về nhiều phương diện, Người đã để lại một nhóm tông đồ xem ra không đủ khả năng để chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Thế nhưng, chính nơi các ngư phủ quê mùa này mà Chúa Giêsu đã trao phó trọn vẹn sứ mạng hoàn tất chương trình của Chúa, đó là đem Nước Thiên Chúa vào trần gian.
            Quả thế, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu  sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì hết, ngọai trừ cây gậy và đôi dép.  

– Đôi dép (sandal) là những miếng da bằng phẳng có xoi lỗ, có khi bằng gỗ hoặc bện bằng rơm. Người ta xỏ dây và cột nó vào chân để đi. Sandal được sử dụng rất thông thường trong xã hội Do Thái thời đó, và rất cần thiết cho những chặng đường dài. Cũng nên nhớ rằng, ở Israel có những miền đất sa mạc khô cằn, nóng cháy, vì thế sandal thật là cần thiết. Còn khi đi chân không, thì đó là dấu hiệu của sự tang tóc và chay tịnh. Vâng, người rao giảng tin vui đâu có ăn chay, đâu có mang tang tóc, vì thế cần phải đi sandal, và như vậy thì mới khỏe khoắn nhanh nhẹn rảo bước, sẵn sàng lên đường đi bất cứ nơi đâu, đến với bất cứ ai đang cần đến Tin Mừng. 
Cây gậy ở đây cũng là vật dụng cần thiết cho người lữ hành, cho người giảng thuyết phải đi khắp mọi nơi mọi chốn để loan báo tin vui. Với cây gậy trên tay chứ không vũ khí nào khác, người giảng thuyết xuất hiện rất đơn sơ và giản dị trước mặt mọi người. 
– Không được mang hai áo
Trong xã hội Đông Phương thời đó, quần áo là dấu hiệu của sự giàu sang phú quý. Người giàu sang là người có nhiều quần áo, trong khi người nghèo khổ chỉ có mỗi một chiếc áo che thân. Để khoe khoang và muốn mọi người tiếp đón, người giàu có thường thay đổi áo và mang trên mình nhiều áo khác nhau. Người loan báo Tin Mừng của Giêsu không cần phải khoe khoang, không cần phải sửa soạn nhiều, không cần phải mang áo sang trọng trên mình. 

– Không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng
Dây thắt lưng để buộc phía ngoài chiếc áo. Khi cần làm việc hay chạy, người ta vén các vạt áo trong lên và giữ lại bằng dây thắt lưng. Dây thắt lưng thường được may hai lớp khoảng 4 tấc rưỡi từ mỗi đầu. Phần may hai lớp thường dùng làm túi đựng tiền.

Túi tiền có thể là hai vật sau đây: nó có thể là chiếc túi đi đường bình thường. Túi này được may bằng da dê con. Thường thì bộ da con vật được lột nguyên miếng nên vẫn giữ được hình dáng con vật, đủ cả chân, đuôi và đầu. Hai túi có dây để đeo trên vai. Trong đó người chăn chiên, khách hành hương, hoặc kẻ đi đường đựng bánh mì, nho, trái ôliu và bánh sữa đủ ăn một hai ngày. Khi ra chỉ thị này Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các môn đệ đừng mang theo túi tiền, mang theo thức ăn khi đi đường, nhưng phải tin cậy phó thác vào Chúa.
– Rồi Chúa còn bảo: khi anh em vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi
Ở với họ, chung sống với họ, họ cho ăn cái gì thì ăn cái đó. Nói thì đơn giản, nhưng đi vào thực tế thì không đơn giản chút nào vì mỗi địa phương đều có văn hóa ẩm thực khác nhau. Không cần phải nói thời Chúa Giêsu, cách đây cả hơn hai ngàn năm, nói ngay tại đất nước chúng ta, ở ngay vùng Kontum, cách đây hơn một trăm năm thôi, các nhà thừa sai ngoại quốc đã gặp khó khăn như thế nào trong việc thích nghi với người dân tộc Làng Hồ về cách ăn uống. Các ngài phải ăn cả những thịt thối rữa như một vị thừa sai kể rằng:

“… một hôm tôi yêu cầu một người dân tộc kể cho tôi nghe các loại động vật mà chính anh ta và những người dân tộc khác có thể ăn. Anh ta cười và nói với tôi: “đúng hơn, tôi nên kể cho ông nghe tên những loài vật mà chúng tôi không được ăn”. Và anh kể ra bốn loại. Rồi anh nói thêm: “ngoài bốn loài vật này, chúng tôi ăn tất cả những gì động đậy, nhúc nhích trong không khí, trên đất và cả dưới nước nữa”. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là những con vật còn sống khi người ta giết chết làm thịt, bởi vì dù con vật đã chết vì bệnh hoặc vì bị con vật khác giết, thậm chí đã thối rữa thì người dân tộc vẫn cứ ăn như thường. Một ngày kia, tôi đi ngang qua khu rừng. Một người dân làng Dak Rô Ting quen biết tôi, đã gọi tôi từ xa và mời tôi dùng bữa tối. Anh muốn thiết đãi tôi một bữa tiệc. Tôi quay lại và đến gần anh. Anh đang nấu thức ăn trong một ống lồ ô đặt trên đống lửa. Món gì vậy? Anh đã may mắn vớ được một phần còn lại của một con nai đã thối rữa. Anh cẩn thận lượm từng con giòi đang lúc nhúc trong đống thịt thối, bỏ vào đầy một ống lồ ô để làm một bữa tiệc, mà theo anh thì đây phải là một bữa tiệc dành cho bậc quyền quý đấy.
… và tại làng Kơ Long: có cơm ăn là tốt rồi: trong thời gian đầu, nhiều sáng thức dậy, chúng tôi lo lắng không biết liệu còn đủ gạo để ăn nữa không. Nhưng nhờ Chúa Quan Phòng, chưa có ngày nào mà chúng tôi không còn gạo để nấu. Chúa nhân lành đã soi lòng mở trí cho cư dân của một làng tên là Kon Kơ Mo, để họ cung cấp gạo cho chúng tôi ăn suốt thời gian tạm trú trong rừng Kơ Lang.
Sau mấy tuần tôi ở Kơ Lang, Bok Kiêm, bạn của Thầy Sáu Do, đã đến thăm chúng tôi. Đến giờ ăn tối, thấy bên cạnh nồi cơm chỉ có rau rừng, ông đã ứa nước mắt. Hai ngày sau, các gia nhân của ông đã đem đến tặng chúng tôi một phần tư con trâu, một con heo và mấy con gà. Thật đúng như lời Chúa nói: “thợ thì đáng ăn lương của chủ”. Cuộc sống của những nhà thừa sai là như thế đó. Amen

 Lm Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP.Theo Chúa Kitô, Quyển Hai Tập Hai, trg.21

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …