Chuẩn bị lễ phong thánh cho hai vị Giáo Hoàng
1. Buổi triều yết chung Thứ Tư 23 tháng Tư
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lời cảnh báo “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5) giúp chúng ta ra khỏi các không gian đau buồn và mở ra cho chúng ta các chân trời của niềm vui và niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy chuyển dời các hòn đá lấp mộ và khích lệ loan báo Tin Mừng, có khả năng sinh ra cuộc sống mới cho tha nhân.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 90.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần 23-4-2014 tại quảng trường Thánh Phêrô. Trong những ngày này nhiều tín hữu đã tuốn về Roma để chờ tham dự lễ phong Hiển Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II vào ngày Chúa Nhật 27-4-2014. Thứ tư 23-4-2014 cũng là lễ thánh Giorgio bổn mạng của Đức Thánh Cha. Các Đức Ông thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh giới thiệu các nhóm hành hương đã nhân danh mọi người chúc mừng lễ Bổn Mạng Đức Thánh Cha.
Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Anh chị em thân mến trong các ngày này chúng ta cử hành mầu nhiệm vĩ đại sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trong niềm vui vượt qua. Đó là một niềm vui đích thật, sâu xa, dựa trên sự chắc chắn Chúa Kitô phục sinh không chết nữa, nhưng sống và hoạt động trong Giáo Hội và trong thế giới. Sự chắc chắn ấy ngự trị trong con tim của các tín hữu từ buổi sáng Phục Sinh đó, khi các phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu và các thiên thần nói với họ: ”Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” (Lc 24,5)
Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa các lời này như sau:
Các lời này giống như một hòn đá mốc lịch sử; nhưng chúng cũng là một “hòn đá làm vấp ngã”, nếu chúng ta không rộng mở cho Tin Mừng, nếu chúng ta nghĩ rằng một Giêsu chết ít gây khó chịu hơn một Giêsu sống! Trái lại, biết bao nhiêu lần trên con đường thường ngày chúng ta cần nghe nói với chúng ta: “Sao bạn lại tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Biết bao nhiêu lần chúng ta cần nghe các lời này để được cứu thoát khỏi các tình trạng khó khăn hay tuyệt vọng.
Chúng ta cần các lời đó, khi chúng ta khép kín trong bất cứ hình thức ích kỷ hay tự mãn nào; khi chúng ta để cho mình bị quyến rũ bởi các quyền lực trần gian và các sự vật của trần gian này mà quên Thiên Chúa và tha nhân; khi chúng ta đặt các niềm hy vọng nơi các phù du trần tục, nơi tiền bạc, nơi thành công. Khi đó lời Chúa nói với chúng ta: “Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Tại sao con tìm ở đó cái không thể cho con sự sống? Phải! Có lẽ nó sẽ cho con sự vui vẻ trong một phút, một ngày, một tuần, một tháng… Rồi sau đó? “Tại sao các con tìm Người Sống ở giữa các kẻ chết?” Câu này phải vào trong tim của chúng ta và chúng ta phải lập lại nó.
2. Vatican bị sẵn sàng để chào đón các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới!
Các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đang chuẩn bị để tường thuật buổi lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII. Tòa Thánh đã sẵn sàng chào đón tất cả các phóng viên.
Một Trung tâm Truyền thông để loan tải cho thế giới biết về những gì xảy ra trong Thánh Phêrô đã được thiết lập bên trong lãnh thổ Vatican tại Đại Thính Đường Phaolô VI .
Ông Salvatore SCOLOZZI thuộc trung tâm điều phối các phương tiện truyền thông cho biết:
“Chúng tôi có khả năng cung cấp nơi làm việc cho 400 nhà báo cùng một lúc. Chúng ta đang nói về tất cả các phương tiện như báo in, web, đài phát thanh và truyền hình.”
Trung tâm Truyền thông được thiết kế công phu hơn một hội trường rất nhiều. Để làm cho không gian làm việc sáng lên, các tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc của hai vị Giáo Hoàng là các vị thánh tương lai, đã được thiết kế.
Ông Salvatore cho biết thêm:
“Chúng tôi muốn các phương tiện truyền thông trình bày cuộc sống và chứng tá của các thánh. Chúng tôi không muốn thiết kế một căn phòng truyền thông lạnh lùng và xa xôi, vì vậy chúng tôi đã thực hiện mọi nỗ lực để giao tiếp sự thánh thiện của hai vị thánh mới với thế giới, thông qua các hoạt động của các nhà báo. “
Để theo dõi thời gian, cái chuông khổng lồ này sẽ vang lên để báo hiệu bắt đầu hay kết thúc một ngày làm việc.
3. Hơn 4,000 sinh viên cử hành Tuần Thánh với Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Mỗi năm, hàng ngàn người trẻ đến Rome để cử hành Tuần Thánh gần gũi với Đức Giáo Hoàng. Năm nay, một số đông sinh viên Tây Ban Nha đã đến trên các xe buýt sau hơn 30 giờ di chuyển.
“Chúng tôi đến để tham gia vào diễn đàn UNIV. Đây là một hội nghị quốc tế cho sinh viên đại học mà chúng tôi trình bày một số công việc của chúng tôi, như sản xuất video và chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra còn có cuộc tranh luận … Thực sự, mỗi thứ một chút. Chủ đề năm nay là ‘Sinh thái học của con người và môi trường của họ.’”
Hội nghị đầu tiên loại này đã bắt đầu vào năm 1968. Giờ đây sinh viên từ hơn 200 trường đại học tham dự mỗi năm. Họ đến với thành phố Vĩnh Cửu để khám phá lịch sử , văn hóa và tâm linh của nó .
Năm nay, hơn 4.000 sinh viên tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trong buổi triều yết chung, vì vậy Đức Giáo Hoàng Francis đã không thể chào đón tất cả cá nhân. Tuy nhiên, một số sinh viên may mắn đã được gặp ngài.
“Tôi chào Đức Giáo Hoàng, và xin ngài cầu nguyện cho tôi và gia đình tôi. Ngài cũng yêu cầu tôi làm như vậy … Trong một khoảnh khắc tôi không biết phải nói gì, nhưng nó chắc chắn rất thú vị! “
Trước khi nói lời tạm biệt, Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón họ và khuyến khích họ thực hiện Tuần Thánh nghiêm túc .
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
“Tôi vui mừng chào đón các đại biểu tham dự hội nghị UNIV, cho sinh viên đại học … về sinh thái của con người và môi trường, bảo trợ bởi tu hội Opus Dei. “
4. Thánh Lễ Dầu Sáng Thứ Năm 17 tháng Tư
Lúc 9h30 sáng thứ Năm 5 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Một số đông đảo các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục thuộc giáo triều Rôma và khoảng 1,600 linh mục thuộc giáo phận Rôma đã tham dự tham dự.
Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đặc biệt đến 3 ý nghĩa trong niềm vui linh mục: đó là một niềm vui xức dầu cho các vị mục tử, đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui thừa sai, chiếu tỏa cho và thu hút tất cả mọi người, bắt đầu từ những người xa xăm nhất.
Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở các linh mục rằng niềm vui của linh mục không những được bảo vệ bởi dân thánh Chúa mà còn bởi 3 người em quây quần, bảo vệ và bênh đỡ: người em khó nghèo, người em trung thành và người em vâng phục.
5. Thánh Lễ Tiệc Ly Chiều Thứ Năm 17 tháng Tư
Lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ 5 tuần thánh, 17 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ với nghi thức rửa chân cho những người khuyết tật thuộc hội chân phước Gnocchi ở Roma.
Đây là một trung tâm phục hồi có tên là “Đức Mẹ Chúa Quan Phòng” do hội Chân Phước linh mục Gnocchi thủ đắc và bắt đầu hoạt động từ 10 năm nay. Trung tâm có tổng cộng 150 giường chuyên săn sóc và giúp phục hồi những người khuyết tật.
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ tại Nhà thờ của Trung tâm với sự tham dự của khoảng 500 tín hữu, gồm những người khuyết tật, cùng với thân nhân và các nhân viên của Trung Tâm, đặc biệt là Đức Ông Angelo Bazzari, chủ tịch của Hội Chân phước linh mục Gnocchi và cha tuyên úy của Trung Tâm, là cha Pasquale Schiavulli.
Trong thánh lễ, ngài đã rửa chân cho 12 người khuyết tật tuổi từ 16 đến 86 tuổi, trong đó có 3 người ngoại quốc, đặc biệt là một người Hồi giáo Libia 75 tuổi, bị bệnh xáo trộn nặng về thần kinh. Họ được chọn đại diện cho 29 trung tâm của Hội thiện nguyện này ở Italia.
Trong bài giảng ứng khẩu, Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Chúa Giêsu đã trở nên người tôi tớ và gia sản Chúa để lại cho chúng ta là “hãy trở thành những người phục vụ lẫn nhau” trong tình yêu thương.
Ngài nói:
“Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ giã từ, và để lại cho chúng ta một gia sản: Người là Thiên Chúa và đã trở nên người tôi tớ, người phục vụ chúng ta. Và gia sản của Người là: cả các con cũng phải trở thành những người phục vụ nhau. Chúa đã đi con đường đó vì tình yêu: cả anh chị em cũng phải yêu thương và phục vụ nhau trong tình yêu thương. Đó là gia sản Chúa Giêsu để lại cho chúng ta”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng việc rửa chân là một cử chị tượng trưng: “Những người nô lệ vẫn làm điều ấy, những người phục vụ rửa chân cho các thực khách, cho người đến dùng bữa, vì thời ấy đường đi là đường đất bụi và khi vào nhà người ta cần phải rửa chân.. Vì thế, ngày hôm nay, Giáo Hội, khi tưởng niệm bữa tiệc ly, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, cũng làm cử chỉ rửa chân, nhắc nhớ cho chúng ta cũng phải phục vụ nhau”.
Đức Thánh Cha nhắn nhủ mọi người, trong thâm tâm, hãy nghĩ đến người khác và đến tình yêu thương mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có đối với nhau, và chúng ta cũng hãy nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể phục vụ tha nhân một cách tốt đẹp hơn, vì đó là điều Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện”.
Sau bài giảng, Đức Thánh Cha đã cởi áo lễ, rửa và hôn chân 12 người khuyết tật như Chúa Giêsu đã làm cho các môn đệ. Bầu không khí thật cảm động, trong lúc đó ca đoàn gồm những người khách và những người thiện nguyện của Trung Tâm hát các bài thánh ca về tình bác ái.
Trong số những người được rửa chân, có Osvaldinho, 16 tuổi, người Capo Verde, ngồi trên ghế lăn vì bị thương khi nhào xuống biển mùa hè năm qua; hai cụ già Pietro và Angelica 86 tuổi; anh Walter bị hội chứng down; bà Giordana bị tứ chi bất toại, v.v.
Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha còn bắt tay chào thăm nhiều người ở trung tâm và khích lệ họ. Ngài cám ơn mọi người vì sự tiếp đón, vì thiện chí, kiên nhẫn, tin tưởng, vì chứng tá và niềm hy vọng: ”Xin Chúa Phục Sinh viếng thăm, an ủi và ở cùng anh chị em”.
Thánh lễ chiều thứ 5 tuần thánh năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành tại một Nhà tù thiếu niên ở Roma và rửa chân cho 12 tù nhân nam nữ kể cả những người không Công Giáo
6. Đức Thánh Cha cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn Chúa Giêsu
Lúc 5 giờ chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 18 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự nghi thức trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, trước sự hiện diện của hơn 8 ngàn tín hữu, hàng chục Hồng Y và nhiều Giám Mục tại Tòa Thánh.
Các sách Tin Mừng đều đồng thanh nói về một động lực rất trần tục khiến Giuđa phản bội: đó là tiền bạc. Đề nghị của ông với các trưởng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các trưởng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15).
Tuy nhiên, cha phân tích các nguyên do sâu xa hơn khiến Giuđa phản bội bán Thầy, mặc dù ông đã được chọn từ đầu trong số 12 Tông Đồ.
Trong câu chuyện lịch sử giữa Thiên Chúa và con người, có nhiều câu chuyện nhỏ về những người nam nữ tham gia vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu như những tia sáng hay như những bóng đen. Một trong những nhân vật bi thảm nhất là Giuđa Iscariot. Câu chuyện phản bộ của Giuđa là một trong số ít các sự kiện được đồng thanh nhấn mạnh bởi tất cả bốn sách Phúc Âm và phần còn lại của Tân Ước. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cũng suy tư rất nhiều về sự kiện này và chúng ta sẽ thiếu sót nếu không làm như thế. Câu chuyện này có nhiều điều để nói với chúng ta.
Giuđa không phải là kẻ phản bội ngay từ lúc lọt lòng mẹ, cũng chẳng phải là kẻ phản bội vào thời điểm Chúa chọn ông. Giuđa đã trở thành kẻ phản bội. Chúng ta đang đứng trước thảm kịch đen tối nhất của sự tự do con người.
Mới gần đây thôi người ta cố trình bày những yếu tố ý thức hệ để biện minh cho hành động phản bội của Giuđa kiểu như Brutus đã giết Julius Caesar để cứu nền Cộng Hòa La Mã. Nhiều phim ảnh và tiểu thuyết đã được tung ra theo chiều hướng này. Chúng có thể có một giá trị văn học hay nghệ thuật nào đó nhưng tuyệt nhiên chẳng có một chứng cứ lịch sử nào.
Nhắc lại lời Chúa Giêsu đã nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ: các con không thể vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phụng sự tiền bạc” (Mt 6,24), cha Cantalamessa nói tiền bạc chính là “vị thần hữu hình”, khác với Thiên Chúa chân thực là Đấng vô hình. Kinh thánh dạy rằng “Tất cả đều có thể đối với những ai tin” (Mc 9,23), nhưng thế gian nói rằng “Tất cả đều có thể đối với những ai có tiền”. Kinh Thánh cũng dạy rằng “Sự gắn bó với tiền bạc là căn cội gây ra mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Đằng sau mỗi tai ương của xã hội chúng ta ít nhiều đều có dính đến chữ tiền. Điều gì ở đàng sau việc buôn bán ma túy đang hủy hoại bao nhiêu sinh mạng, nạn khai thác mại dâm, hiện tượng các tổ chức bất lương mafia khác nhau, nạn tham ô chính trị, sự sản xuất và buôn bán vũ khí, và thậm chí cả điều kinh khủng là bán các cơ phận lấy từ các trẻ em? Và phải chăng cuộc khủng hoảng tài chánh mà thế giới đã trải qua và đất nước này còn đang phải gánh chịu, phần lớn cũng vì sự ham hố tiền bạc của một số người?
Cha Cantalamessa nhắc nhớ rằng chính Giuđa cũng đã bắt đầu tiến trình phản bội bằng cách rút lén một số tiền từ quĩ chung. Cha nhắc lại lời Chúa Giêsu cảnh giác trong dụ ngôn về người giàu có chỉ lo tích trữ của cải và cảm thấy nhờ đó ông ta được bảo đảm trong phần còn lại của cuộc sống: “Hỡi kẻ ngu dại, chính đêm hôm nay, linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại, và những gì ngươi đã chuẩn bị sẽ thuộc về ai?” (Lc 12,20).
Vị giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng cay đắng nhận xét: “Sự phản bội của Giuđa vẫn còn tiếp tục trong lịch sử và người bị phản bội vẫn luôn là Chúa Giêsu. Giuđa đã bán Đầu, và các đồ đệ của hắn thì bán thân mình, vì những người nghèo là chi thể của Chúa Kitô.
Ngài cảnh cáo thêm: Người ta cũng có thể phản bội Chúa Giêsu vì những bù đắp không phải là 30 đồng bạc: vợ chồng phản bội nhau, thừa tác viên của Chúa bất trung với bậc của mình, hoặc chăn dắt đoàn chiên để mưu lợi cho mình. Kẻ nào phản bội lương tâm thì cũng phản bội Chúa Giêsu..
Trong phần kết luận, bàn về một thắc mắc được nhiều người tranh cãi, đó là số phần của Giuđa đi về đâu, cha Cantalamessa cảnh giác mọi người đừng quyết đoán về số phận một người nào: “Giáo Hội cam kết với chúng ta rằng một người được phong thánh đang ở trong hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng Giáo Hội không biết chắc chắn một người cụ thể nào có phải sa hỏa ngục hay không?”.
Cha nhắc nhở các tín hữu “hãy gieo mình vào vòng tay rộng mở của Đấng Chịu Đóng Đinh” trong niềm tín thác. Phêrô và Giuđa đều phản bội Chúa, nhưng có một sự khác biệt: Phêrô đã tín thác nơi lượng từ bi của Chúa Kitô, còn Giuđa thì không! Tội lớn nhất của Giuđa không phải là đã phản bội Chúa Giêsu, nhưng vì đã nghi ngờ lòng từ bi của Chúa”. Nếu chúng ta đã bắt chước Giuđa, người hơn người kém, trong sự phản bội, thì chúng ta đừng bắt chước ông ta trong sự thiếu tín thác nơi sự tha thứ. Có một bí tích trong đó chắc chắn chúng ta có thể cảm nghiệm được lòng từ bi của Chúa Kitô, đó chính là bí tích hòa giải”.
Lễ nghi được tiếp nối với 10 lời nguyện cho các nhu cầu của Công Giáo và mọi thành phần trong nhân loại. Kế đến là nghi thức tôn thờ Thánh Giá và phần hiệp lễ.
Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là một Thánh Lễ, do đó Thánh Thể không được thánh hiến. Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa đã được trao cho các tín hữu bởi hàng chục linh mục. Sau khi Đức Giáo Hoàng đọc lời chúc bình an, phụng vụ đã kết thúc trong im lặng theo như là truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong ngày thứ Năm và thứ Sáu Tuần Thánh.
7. Buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo
Lúc 9 giờ 15 phút tối thứ sáu tuần thánh, 18 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hý trường Colosseo ở Roma với sự tham dự của hơn 40 ngàn người.
Nghi thức này được hơn 50 đài truyền hình trên thế giới truyền đi trên hệ thống Mondovisione. Chính quyền thành Roma đã bố trí một số màn hình khổng lồ tại khu vực Colosseo và trên đường Fori Imperiali để các tín hữu ở xa có thể theo dõi buổi lễ.
Đức Hồng Y Agostino Vallini, Giám quản Roma đã vác Thánh Giá chặng đầu tiên và chặng thứ 14 của Đàng Thánh Giá. Những người vác thập giá tại các chặng còn lại lần lượt các tín hữu khác, bắt đầu là một chủ xí nghiệp và một công nhân, 2 người ngoại quốc, hai người thuộc cộng đoàn cai nghiện, hai người vô gia cư, một gia đình, hai phụ nữ, hai bệnh nhân, ba trẻ em, hai người già, hai tu sĩ dòng Phanxicô từ Thánh Địa, hai nữ tu.
Các bài suy niệm trong Đàng thánh giá năm nay do Đức Cha Giancarlo Bregantini, Tổng Giám Mục giáo phận Campobasso ở miền nam Italia biên soạn. Năm nay ngài 66 tuổi (1948), thuộc dòng các dấu thánh Chúa Giêsu (CSS) và nổi tiếng về lập trường quyết liệt chống các tổ chức bất lương mafia. Ngài nguyên là một công nhân trước đi đi tu và thụ phong linh mục năm 1978, rồi làm tuyên úy nhà tù lâu năm.
Qua 14 chặng đàng thánh giá, Đức Tổng Giám Mục Brigantini đề nghị một suy tư về những đề tài khác nhau liên quan đến thực tại ngày nay, chính trị bế tắc, khủng hoảng kinh tế, nạn nghiện ngập ma túy và rượu, nạn tra tấn, lòng ích kỷ, sợ hãi và thất vọng vì những thất bại, nạn cho vay lãi quá cao. Đức Tổng Giám Mục cũng nhắc đến thảm trạng những người tị nạn, và di dân và bao nhiêu người bị ung thư bì các chất độc phế thải chôn trong lòng đất; tình trạng các nhà tù đông nghẹt, nạn bàn giấy và nền tư pháp chậm như rùa, nạn tra tấn ở nhiều nơi trên thế giới, nạn bạo hành chống phụ nữ.
Tuy nhiên, các bài suy niệm của Đức Tổng Giám Mục Brigantini cũng nhấn mạnh rằng Thiên Chúa đứng về phía những người bị tổn thương và bị lạm dụng, Chúa Kitô chịu treo trên thập giá để cứu chuộc mọi tội nhân.
Trong lời kết thúc buổi đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha khẳng định rằng: “Sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng là tình thương, lòng từ bi và tha thứ.. Thiên Chúa đã đặt trên thập giá của Chúa Giêsu tất cả gánh nặng của tội lỗi chúng ta, tất cả những bất công do mỗi Cain gây ra chống lại em mình, tất cả sự cay đắng do sự phản bội của Giuđa và Phêrô, tất cả sự kiêu kỳ của những kẻ cường quyền, tất cả sự kiêu hãnh của những bạn bè giả dối. Đó là một thập giá nặng nề, như đêm khuya của những người bị bỏ rơi, nặng nề như cái chết của những người thân yêu, thập giá ấy nặng nề vì gồm tóm trọn vẹn sự xấu xa của điều ác”.
“Nhưng đó cũng là một Thánh Giá vinh hiển như bình minh sau một đêm dài, vì tượng trưng tất cả tình yêu của Thiên Chúa lớn hơn những gian ác và phản bội của chúng ta. Trong Thánh Giá, chúng ta thấy sự quái đản của con người, khi họ để cho sự ác hướng dẫn; nhưng chúng ta cũng thấy lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa, Đấng không đối xử với chúng ta theo tội lỗi của ta, nhưng theo lượng từ bi của Ngài. Đứng trước Thánh Giá Chúa Giêsu, chúng ta nhìn thấy, hầu như chạm thấy sự kiện chúng ta được yêu thương dường nào; đứng trước Thánh Giá, chúng ta cảm thấy mình là “con cái” chứ không phải là những “đồ vật” hoặc đối tượng, như thánh Grerogio Nazianzeno đã quả quyết khi thân thưa với Chúa Kitô qua lời kinh này: “Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chúa, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tàn lụi rồi. Con sinh ra và cảm thấy tiêu tán. Con ăn, ngủ, nghỉ và bước đi, con ngã bệnh và khỏi bệnh. Bao nhiêu ham hố và hành hạ vậy bủa tấn công con, con chết và thân xác trở thành tro bụi như xác thú vật, chúng không có tội. Nhưng con có gì hơn chúng? Chẳng có gì hơn, nếu không có Chúa. Lạy Chúa Kitô của con, giả sử không có Chía, thì con sẽ cảm thấy mình là thụ tạo tiêu đời rồi”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Lạy Chúa Giêsu của chúng con, xin hướng dẫn chúng con từ Thánh Giá đến phục sinh, xin dạy chúng con rằng sự ác không có tiếng nói cuối cùng, nhưng chính là tình thương, lòng từ bi và tha thứ. Lạy Chúa Kitô, xin giúp chúng con tái thốt lên: ‘Hôm qua tôi đã bị đóng đinh cùng với Chúa Kitô; hôm nay tôi được vinh hiển với Ngài. Hôm qua tôi đã chết với Ngài, hôm nay tôi sống với Ngài. Hôm qua tôi đã bị chôn táng với Ngài, hôm nay tôi sống lại với Ngài.’ Sau cùng, tất cả chúng ta cùng nhớ đến các bệnh nhân, nhớ đến tất cả những người bị bỏ rơi dưới gánh nặng của thập giá, để họ tìm được trong thử thách của thập giá sức mạnh của hy vọng, niềm hy vọng phục sinh và tình thương của Thiên Chúa”.
Nguồn: Vietcatholic