1. Nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn sùngThánh Tâm Chúa Giêsu
Nền tảng Kinh Thánh cho việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đó là đoạn Tin Mừng Gioan 19,31-37, về việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu chết trên cây Thánh Giá, “một người lính đã lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức có máu cùng nước chảy ra.”
Hôm ấy trên đồi Golgotha bỗng náo nhiệt rồi im dần. Hai người trộm cướp còn đang ngắc ngỏai trên thập giá liền bị đánh giập ống chân cho chết, còn Chúa Giêsu lúc ấy đã từ trần.
Ông Longinô – tên người lính ấy – cầm đòng đâm vào cạnh sườn Chúa, tức thì máu và nước chảy ra (Ga 19,34). Đó là sự kiện cách đây hơn hai ngàn năm.
Còn cách đây 300 năm, vào thế kỷ XVII, khi mặc khải Thánh Tâm cho thánh nữ Margaritta Maria Alacoque, Chúa Giêsu đã cho thánh nữ thấy Thánh Tâm Ngài có lửa cháy, bị vòng gai quấn quanh, và bị lưỡi gươm đâm thâu. Chúa mở ngực ra và chỉ vào trái tim Người như một tòa lửa sáng rực như mặt trời, trong suốt như thủy tinh, chung quanh có vòng gai và trên cùng là Thánh Giá. Thánh nhân kể rằng: Chúa đã cho tôi biết lòng Chúa nóng nẩy khát khao được nhân lọai mến yêu, và Người muốn giải thóat nhân lọai khỏi vòng trụy lạc.
Vì thế, Chúa có ý tỏ trái tim Người cho nhân lọai, một trái tim chan chứa tình yêu, đầy tràn ân sủng và cứu rỗi. Một lần khác, đang sốt sáng chầu Mình Thánh Chúa, Margarita lại được xem thấy Chúa, tòan thân Người sang láng vinh quang với năm vết thương chói lòa như vầng đông, và nhất là trái tim của Chúa tựa như lò than hồng.
Rồi lần hiện ra trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu năm 1675, Chúa Giêsu nói: “hãy ngắm nhìn Thánh Tâm Ta yêu thương nhân loại biết bao… nhưng thay vì được biết ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn…” Chính vì vậy, Chúa Giêsu yêu cầu thánh nữ vận động thành lập lễ kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh. Và ngày 11/6/1899, theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, cả thế giới đã được tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
2.Thánh Tâm và Lòng Thương Xót không thể tách rời
Người ta thường lấy trái tim để làm biểu tượng tình yêu. Tôi không biết nguồn gốc có từ bao giờ? Vì sao người ta lại lấy trái tim làm biểu hiện tình yêu? Có lẽ trái tim là trung tâm của cơ thể con người. Trái tim có nhiệm vụ cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể. Trái tim không còn bơm máu, cơ thể sẽ khó thở. Trái tim ngừng đập, con người coi như đã chết.
Vì vậy, trái tim có một tầm quan trọng đối với cơ thể con người. Từ đó, người ta thường dùng từ ngữ “Trái Tim” để diễn tả tình yêu. Có lẽ cũng vì lý do đó mà khi tỏ mình ta cho Thánh Margarita Maria Alacốc, Chúa Giêsu đã cho thánh nữ được xem thấy Trái Tim của Ngài. Và để diễn tả tình yêu, Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ rằng: “đây là Trái Tim đã thương yêu loài người vô cùng, không tiếc gì với họ”. Thật vậy, Trái Tim Chúa Giêsu đã thương yêu chúng ta vô cùng. Đó là Trái Tim nhân hậu, yêu thương, cảm thông, tha thứ và hy sinh tất cả không tiếc gì với chúng ta. Thật vậy, Trái tim Chúa Giêsu đã thương yêu chúng ta vô cùng. Đó là Trái tim nhân hậu, khiêm nhường, cảm thông, tha thứ và hy sinh tất cả không tiếc gì với chúng ta.
2.1.Trái Tim nhân hậu
Ngài quan tâm hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Ngài quan tâm đám đông vì họ bơ vơ không có gì ăn nên đã hoá bánh ra nhiều nuôi họ(x. Mc 8,1-10). Ngài “chạnh lòng thương” trước đám tang người con trai duy nhất của bà goá thành Naim nên đã làm cho chàng sống lại(x. Lc 7,11-17). Ngài đã thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy Maria khóc thương Lazarô nên Ngài đã cho Lazarô sống lại (x Ga 11,1-45). Ngài đã chữa lành nhiều bệnh tật, xua trừ ma quỷ: “đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế”(x. Cv 10,38).
2.2.Trái Tim khiêm nhường
Chính Ngài đã tuyên bố: “hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Khi các tông đồ tranh luận xem ai là người lớn nhất.Chúa Giêsu biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và dạy cho các ông bài học khiêm nhường: “ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”(x. Lc 9,47-48). Nơi khác, trong một bữa tiệc, Chúa Giêsu thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, Ngài đã lên tiếng dạy họ rằng “vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(Lc 14,11).
Sự khiêm nhường được thể hiện rõ ràng nhất khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong giờ tiệc ly (x. Ga 13,1-20).
2.3.Trái Tim biết cảm thông và tha thứ
Ngài cảm thông sâu sắc với những người tội lỗi. Ngài đã đến cùng ăn cùng uống với họ để có thể cảm hoá họ trở về nẻo chính đường ngay. Với Maria Mađalêna. Cuộc sống quá khứ đầy tội lỗi. Con một gia đình phú quý sang trọng. Sau khi Cha mẹ qua đời, cô được hưởng một gia tài kếch xù. Với gia tài lớn lao này, cô đã sống sa đoạ, truỵ lạc đến nỗi trở nên nô lệ cho ma quỷ. Mađalêna đã được Chúa cảm thông. Chúa chữa cô khỏi bảy quỷ. Chúa tha thứ tội lỗi cho cô. Sau khi sống lại, Chúa còn hiện ra với cô để trao sứ mệnh loan báo tin mừng phục sinh. Với người phụ nữ ngoại tình. Chị bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Luật Môisê qui định tội này là tội chết. May mắn thay, chị gặp được Đức Giêsu. Ngài đã cứu chị một bàn thua trông thấy. Ngài tha thứ cho chị. Ngài không kết án: “Ta không kết án chị đâu” (Ga 8,11). Ngài muốn cho chị có cơ hội làm lại cuộc đời “chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.[1]
3.Dâng lên Chúa những quả tim
Thánh Benoit Joseph Labre là đấng thánh đi ăn xin và đã qua đời tại Rôma năm 1783,
đã kể lại câu chuyện như sau: ngày kia, khi đi thăm một người đau nặng, ngài dạy cho ông ta biết dâng của lễ gì cho đẹp lòng Chúa.
Ngài nói: Phải dâng cho Chúa ba quả tim:
– Quả thứ nhất bằng lửa, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với Chúa.
– Quả tim thứ hai bằng thịt, nghĩa là một quả tim đầy tình yêu đối với tha nhân.
– Quả tim thứ ba bằng đồng, nghĩa là một quả tim mạnh mẽ để chống lại các đam mê, nhất là tình tư dục và lo hãm mình ép xác.
Hàng ngày hãy nhắc lại sự phó dâng ấy để luôn lúc nào cũng hướng về Chúa và cầu xin: “Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin ban cho con kính mến Trái Tim Chúa một ngày một hơn. Amen.”
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
[1] Rabbouni, Lời Kinh đẹp nhất Thiên Niên Kỷ, trg.94