Home / Chia Sẻ / LÃNH NHẬN THÁNH THỂ

LÃNH NHẬN THÁNH THỂ

LÃNH NHẬN THÁNH THỂThánh Tử Trên Trời Tự Hạ Xuống

Phàm Nhân Dưới Đất Được Đưa Lên

Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trước khi chịu chết để cứu độ nhân loại. (x. Mt 26:26-29; Mc 14:22-25; Lc 22:19-20; 1 Cr 11:23-25) Đó là điều bí nhiệm vượt ngoài tầm hiểu của phàm nhân – những kẻ phàm phu tục tử với trí tuệ thô thiển và nông cạn.

Thứ Năm Tuần Thánh, khi ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, rồi trao cho các môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” (Mt 26:26; Mc 14:22; Lc 22:19) Sau đó, Ngài cầm lấy chén, cũng dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội.” (Mt 26:27-28; Mc 14:24; Lc 22:20) Rồi Ngài nói như lời trăn trối: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.” (Mt 26:29; Mc 14:25)

Rất rõ ràng khi Chúa Giêsu xác định “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy” chứ Ngài KHÔNG nói “Này là biểu tượng của Mình Máu Thầy.” Như vậy, Bánh và Rượu đã được truyền phép chính là Thánh Thể và Bửu Huyết của Chúa Giêsu – Đấng Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa.

Rước lễ là tiếp nhận Thánh Thể để được sống dồi dào nhờ Sự Sống của Đức Kitô. Giáo Hội khuyến khích chúng ta thường xuyên rước lễ (nên rước lễ hằng ngày, nếu có thể). Khi rước lễ, chúng ta được cầm lấy và ăn chính Mình Máu Chúa Giêsu Kitô, nếu không thì chúng ta sẽ “không có sự sống nơi mình.” (Ga 6:53) Thánh André Bessette (1845-1937) đặt vấn đề: “Nếu mỗi tuần ăn một bữa, bạn có sống nổi không? Linh hồn cũng vậy. Hãy nuôi dưỡng linh hồn bằng Thần Lương Thánh Thể.”

Lãnh nhận Thánh Thể để được tiếp thêm sức mạnh thiêng liêng. Tuy nhiên, hãy nhớ lời căn dặn, cũng là lời cảnh báo, của Thánh Phaolô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (1 Cr 11:27-29) Đón nhận Thánh Thể một cách bất xứng là tự chuốc lấy án phạt.

Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, mầu nhiệm thứ năm của Năm Sự Sáng, Giáo Hội dạy chúng ta xin ơn siêng năng lãnh nhận Thánh Thể. Là phàm nhân nhưng được sống sự sống của Thiên Chúa. Thật tuyệt vời biết bao!

Chúa Giêsu đã từng nói với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông KHÔNG ăn thịt và uống máu Con Người, các ông KHÔNG có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6:53-57)

Kinh Thánh cho biết rằng ngày xưa, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. (Cv 2:42) Thánh Thể là Thần Lương cho tín nhân trên đường lữ hành trần gian. Thân xác cần ăn uống để duy trì sự sống, linh hồn cũng vậy. Người Công giáo thực sự hạnh phúc có được loại “siêu ẩm thực” như vậy, để không chỉ sống dồi dào đời này mà còn được sống đời đời.

Thánh Thể là phép lạ vĩ đại nhất, và là mầu nhiệm đức tin, nếu không có đức tin thì không thể nào tin nổi. Đó cũng là giao ước được thực hiện, đúng như Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về cùng Chúa Cha: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể để luôn ở với chúng ta.

Để tỏ lòng kính mến Thánh Thể và đáp lại Tình Ngài, chúng ta cố gắng rước lễ hằng ngày. Khi rước lễ xong, hãy đắm mình trong Ngài để hòa tan với Ngài và chuyện trò với Ngài, đừng rước lễ như thói quen hoặc máy móc. Thường xuyên rước lễ thiêng liêng trong ngày có nhiều lợi ích, như Thánh TS Thomas Aquino nói: “Rước lễ thiêng liêng sinh hiệu quả như rước lễ thật, nhưng còn tùy chúng ta dọn mình kỹ hay không, có tha thiết ao ước ơn Chúa hay không, và có yêu mến Chúa nhiều hay không.”

Thánh TS Thomas Aquino nói về Thánh Thể: “Chúa Giêsu muốn con người được thông phần vào thần tính của Ngài, nên Ngài đã mang lấy bản tính của chúng ta để khi trở thành con người, Ngài có thể biến con người thành thần linh. Hơn nữa, khi mặc xác phàm, Ngài đã hiến dâng tất cả bản chất đó để cứu độ chúng ta. Ngài đã hiến thân mình cho Thiên Chúa Cha trên bàn thờ Thánh Giá làm hy lễ để hòa giải chúng ta. Ngài đã đổ máu để chuộc tội và thanh tẩy chúng ta, để chúng ta được cứu chuộc khỏi tình trạng nô lệ khốn khổ và được tẩy sạch mọi tội lỗi. Nhưng để bảo đảm rằng việc tưởng nhớ tặng phẩm cao cả như vậy sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi, Ngài đã để lại Thánh Thể Ngài làm thức ăn và Bửu Huyết Ngài làm thức uống cho các tín hữu tiêu thụ dưới hình bánh và rượu.” (Opusculum 57, Lễ Mình Máu Thánh Chúa, các bài giảng 1-4) Thật tuyệt vời và diễm phúc cho tội nhân chúng ta biết bao!

Hằng ngày Chúa Giêsu nơi Nhà Tạm vẫn chờ đợi chúng ta tâm sự với Ngài, không phải là chúng ta an ủi Ngài mà chúng ta được Ngài an ủi và nâng đỡ.

Có “sự lệch pha” cần lưu ý: Thường thấy có một số người rước lễ xong rồi đi tới đài Đức Mẹ, đài thánh này hoặc thánh nọ để cầu nguyện. Dĩ nhiên cầu nguyện là điều rất tốt, nhưng cầu nguyện với các vị khác ngay sau khi lãnh nhận Chúa Giêsu Thánh Thể thì lại không đúng. Thiết tưởng nên chấn chỉnh ngay!

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin tẩy rửa chúng con, biến đổi chúng con, giúp chúng con sẵn sàng cầm lấy tấm bánh cuộc đời mình mà tạ ơn, bẻ ra và chia sẻ với tha nhân. Xin giúp chúng con chuẩn bị xứng đáng và siêng năng lãnh nhận Thánh Thể để được sống dồi dào trong Ngài, và được phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Nguồn Sống Mới – https://youtu.be/eUKdr9c8G2g

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …