LỄ THĂNG THIÊN
(Mc 16,15-20)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Giã từ và lên trời (Lc 24:44-53; Mc 16:19-20; Cv 1:9-11) Giêrusalem, thứ năm.
(Lc 24:50-53) Lên trời luôn luôn là một mầu nhiệm vì không thể nói về điều mà không ngôn ngữ nào diễn tả được. Tuy vậy có những điều cốt yếu. Không thể tưởng rằng hình ảnh của Chúa Giêsu cứ mờ dần mờ dần cho đến khi lên mây. Điều đó thực sự có thể làm mất đức tin. Phải có ngày phân chia khi Chúa Giêsu từ dưới đất trên trời.
1.Đối với các môn đệ, lên trời rõ ràng gồm ba điều
1.1.Phải có lúc tận
Những ngày tin vào một Đấng có xác thịt, tùy thuộc vào sự hiện diện máu thịt của Chúa sẽ hết. Giờ đây họ phải liên kết với Đấng khỏi thời gian và không gian.
1.2.Cũng phải có lúc khởi đầu
Các môn đệ không chia tay một cách ngã lòng, nhưng với đầy niềm vui khôn tả vì biết rằng từ giờ họ luôn luôn có Thầy bên cạnh không gì có thể chia ly. “Tôi không biết những đảo của người đầy lá xanh tươi; Tôi chỉ biết tôi không thể trôi nổi ngoài tình yêu và sự săn sóc của Người”. Phaolô nói “Tôi chắc không gì có thể phân rẽ tôi khỏi tình yêu Chúa…” (Rm 8:38-39).
1.3.Lên trời làm các môn đệ chắc chắn rằng mình có người bạn không những dưới đất mà còn ở trên trời
Chắc chắn quí báu nhất là biết rằng trên trời cũng Chúa Giêsu xưa, đang chờ đợi họ. Chết không phải là đi vào tăm tối mà là đi về với Người. Chết không phải là đi vào tăm tối vô định mà là đi về gặp Chúa Giêsu. Họ trở về Giêrusalem, ngợi khen Thiên Chúa. Cũng không phải nghiễm nhiên mà Tin mừng Luca khởi đầu trong nhà Chúa và cũng kết thúc trong nhà Chúa.[1]
(Cv 1:9-11): 6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?” 7 Người đáp: “anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. 9 Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa”. 10Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì kìa hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh 11và nói: “hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”.
2.Trong đoạn vắn này, chúng ta đối diện với hai quan niệm khó nhất trong Tân Ước
2.1.Nói về việc Chúa Giêsu lên trời
Lên trời chỉ được ghi lại trong Công Vụ và Tin Mừng của Luca (24:50-53). Hai lý do nói lên việc Chúa lên trời là cần thiết.
2.1.1.Chúa Giêsu phải trở lại nơi vinh quang Người đã bỏ trước
Bốn mươi ngày sau khi Chúa sống lại và hiện ra nhiều lần đã qua. Đây là thời gian duy nhất và phải chấm dứt, không thể cứ kéo dài mãi mãi. Và không đúng, nếu những lần hiện ra cứ dần dần tan đi.
2.1.2.Hãy đặt mình vào lúc sự kiện xảy ra. Ngày nay ta không coi thiên đàng là một nơi trên trời mà là một thực tại hạnh phúc là được ở với Thiên Chúa đời đời. Nhưng thời xưa, mọi người, cả những người thông thái nhất, đều nghĩ trái đất là một mặt bằng và trời là một nơi ở trên. Vì thế, nếu Chúa Giêsu phải cho các môn đệ một chứng cớ chắc chắn rằng Người đã trở về nơi vinh quang của Người, thì việc lên trời nhất định là cần thiết. Nhưng nên ghi chú điều này: Luca nói “các ông trở về Giêrusalem hết sức vui mừng” (Lc 24:52). Bất kể vì sự kiện lên trời, hay là bởi vì việc lên trời, các môn đệ chắc chắn Chúa Giêsu không lìa xa họ mà vẫn ở với họ mãi mãi.
2.2.Đoạn này cũng đem ta đối diện với việc Giáng Lâm của Chúa
Về việc Giáng Lâm của Chúa, phải nhớ hai điều:
2.2.1.Tính toán khi nào xảy ra, xảy ra thế nào là hoàn toàn ngu muội và vô ích. Chúa Giêsu đã nói: cả đến chính Người cũng không biết khi nào xảy ra và xảy ra thế nào (Mc 13:32). Hầu như là nói phạm nếu tính toán về những gì giấu kín cả cho chính Chúa Giêsu.
2.2.2.Giáo Lý Kitô giáo dạy Thiên Chúa có một chương trình cho loài người và thế giới. Lịch sử không phải chỉ bao gồm những biến cố ngẫu nhiên không đi tới đâu, nhưng có một chương trình thần thiêng, theo đó, toàn thể tạo vật phải tuân hành và khi đến thời thì Chúa Giêsu Kitô sẽ đến làm quan án và hiển trị tất cả. Không thể tiên đoán về Quang Lâm, cũng không vì tò mò tìm hiểu được; nhưng dầu sao Quang Lâm cũng kêu gọi chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng. [2]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Một người đàn ông khi còn sống chuyên môn làm nghề quảng cáo, đến lúc chết ông ta xuống gặp Diêm Vương. Diêm Vương ân cần hỏi: “muốn ở thiên đàng hay hỏa ngục”.
Người đàn ông ngập ngừng đáp: “chưa thấy thiên đàng hay hỏa ngục như thế nào thì làm sao mà chọn”.
Diêm Vương bèn dẫn ông ta đến một nơi và chỉ cho thấy cảnh thiên đàng: đó là một nơi mát mẻ, yên lặng, người người đi đi lại lại, nói chuyện nhẹ nhàng, chơi cờ thanh thản…
đoạn dẫn đến một nơi gọi là hỏa ngục thì thấy vui nhộn hơn, có những đám ăn nhậu với đủ thứ thức ăn và rượu ngon, có cả văn nghệ với điệu nhạc xập xình, có các cô đào trẻ đẹp múa hát… sau khi đã nhìn thấy hai nơi rồi, ông ta mau mắn trả lời: “ở thiên đàng buồn quá, tôi thích chọn hỏa ngục vui hơn”.
Thế là Diêm Vương sai hai thằng quỉ ném ông ta vào hỏa ngục. Vừa đến nơi ông ta la hoảng lên vì nóng quá, chẳng có văn nghệ, chẳng có ăn nhậu gì cả, mà chỉ thấy toàn lũ quỉ đen, nham nhở đang hành hạ các tội nhân. Ông ta sững sờ quay lại hỏi Diêm Vương:
“thế hỏa ngục lúc nãy Ngài cho tôi thấy nó ở đâu?”
Diêm Vương khoái chí cười ha hả đáp: “ngu ơi là ngu, quảng cáo mà con!”
Đời là thế đấy! đúng là “sinh ư tử nghiệp” “sống sao thác vậy”. Nói một cách rõ ràng hơn thì người đàn ông trong câu chuyện đã bị “gậy ông đập lưng ông”, vì khi còn sống ông ta đã dùng mánh khóe, xảo thuật để quảng cáo đánh lừa người khác. Đến khi chết đi, ông ta vẫn mang dòng máu tham lam, ham lợi nên đã bị Diêm Vương cao tay hơn dùng chính lối quảng cáo đánh lừa ông.
Kính thưa ông bà anh chị em, có lẽ đây cũng là lối sống của nhiều người trong chúng ta hôm nay. Hơn bao giờ hết, người thời nay với lối sống xô bồ, đua tốc độ, lấy vật chất làm động lực sống, coi hưởng thụ khoái lạc làm mục tiêu nên đã sử dụng quảng cáo như là một tuyệt chiêu để tranh sống và sinh tồn ở đời. Do đó, người ta đua nhau tổ chức cuộc sống mình, đặt trên cơ sở lấy ngắn hạn thay cho dài hạn, lấy lợi trước mắt quên tác hại lâu dài, lấy bên ngoài quan trọng hơn bên trong, lấy xác hơn hồn. Tất cả những sai lầm nguy hiểm trên đương nhiên ai cũng biết, nhưng người ta vẫn cứ sống, vẫn cứ coi thường.
Hôm nay cũng như bao lần khác, chúng ta cùng nhau mừng lễ Chúa lên trời và mỗi lần như thế chắc chắn Chúa vẫn kêu mời mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ và đặt lại hướng đi cho đời mình. Hay nói cách khác Chúa muốn chúng ta, nhân cơ hội kỷ niệm biến cố Ngài về trời, sáng suốt nhận ra được đâu là mục đích chính của đời sống tại dương thế. Thế mà không hiểu tại sao nhiều người trong chúng ta hình như cứ mải mê cố tình coi nhẹ cuộc sống đời sau.[3]
Sở dĩ có tình trạng mê lầm mất phương hướng như thế một phần do những ngụy biện trong cuộc sống:
– nào là “có thực mới vực được đạo”,
– nào là sống đạo cốt tại tâm,
– nào là phải lo đủ thứ bổn phận trách nhiệm trong gia đình ngoài xã hội,
– nào là phải liên tục đương đầu để giải quyết biết bao công việc khó khăn.
Tất cả những thứ đó đã mê hoặc đã ru ngủ chúng ta đến nỗi chúng ta cho việc lơ là phần thiêng đạo đức, bỏ bê việc lành, dễ dãi với những yếu đuối, khô khan nguội lạnh, không có gì phải ân hận, nuối tiếc cả.
Ngoài ra còn do ảnh hưởng bên ngoài đầu độc. Hầu như ai cũng lấy lợi nhuận, hưởng thụ làm mục tiêu của cuộc sống, trong khi kẻ nào chủ trương ăn ngay ở lành người ta cho là khờ dại. Thêm vào đó, nhiều chủ thuyết cổ võ lối sống tự do phóng khoáng, phi đạo đức,
đả kích tôn giáo khiến đức tin của một số người lung lay và hoài nghi những chân lý trong đạo. Đặc biệt ma quỉ đâu chịu ngồi yên, chúng dùng mưu mô xảo quyệt, lợi dụng tối đa mọi hoàn cảnh để ra sức dụ dỗ con người nghi ngờ Chúa, quên đời sau.
Cuộc sống hiện tại của chúng ta là như thế đó, nên ngày lễ hôm nay, Chúa muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta: cuộc sống trên trần thế này không làm thỏa mãn chúng ta
và trần gian này chỉ là nơi tạm bợ, chưa phải là nơi ở vĩnh viễn của con người. Quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời. Hiểu như thế chúng ta mới thấy được cuộc sống trần gian này chỉ là một giai đọan, một sự chuyển tiếp dẫn chúng ta về quê trời,
nơi Chúa Giêsu đã về trước để chuẩn bị cho chúng ta.Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.503
[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.505
[3] Sưu tầm