Khi rước lễ, chúng ta chạm và nếm được Chúa và Thiên Chúa của chúng ta. Một câu rất quan trọng của Thánh Augustinô, trong đó ngài ghi lại lời của Chúa Kitô nói với ngài, xác định tác dụng chính của việc ăn Bánh Thiên Thần: “Ngươi không được biến Ta thành thực chất của chính ngươi, như ngươi thay đổi thức ăn bằng thịt của ngươi, nhưng ngươi sẽ được đổi thành Thịt của Ta.” Không có và không bao giờ có sự kết hợp nào mật thiết hơn.
Thực tế về sự hiện diện của Chúa Kitô là một sự kiện dựa trên lời không thể sai lầm và quyền phép toàn năng của Ngài. Nhưng chúng ta bối rối khi cố gắng xác định cách thức ngự trị trong Thánh Thể của Ngài. Ngài càng đến gần chúng ta bao nhiêu thì Ngài càng trở nên khó hiểu bấy nhiêu; nỗ lực hiểu biết của chúng ta càng lớn bao nhiêu thì sự mù mờ của chúng ta càng sâu thẳm bấy nhiêu. Khi tâm trí chúng ta cố gắng tiến bộ vượt quá giới hạn được đánh dấu bởi đức tin, tâm trí sẽ bối rối và lầm lẫn. Ánh sáng rực rỡ thần thánh bao quanh vị khách của chúng ta làm suy yếu tầm nhìn của linh hồn.
Là Đấng Tạo Hóa, Thiên Chúa ngự trong các thụ tạo. Con người không thể độc lập với Thiên Chúa. Để thụ tạo đạt được cả hai mục đích tự nhiên và siêu nhiên, Đấng Tạo Hóa phải ở trong nó. Ngay cả những sinh vật phi lý cũng phải tuân theo quy luật sáng tạo thiết yếu này. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: bởi hữu thể hay bản thể của Ngài, vì Ngài là nguyên nhân của mọi hữu thể, mọi sự tồn tại; và bởi sự hiểu biết của Ngài, vì “mọi sự đều trần trụi và mở ra trước mắt Ngài;” bởi quyền năng Ngài, vì muôn vật đều tùy thuộc Ngài. Chúng ta sống, cử động và hiện hữu trong Ngài.
Nhưng Mầu Nhiệm Nhập Thể khai mở một phương thức hoàn toàn mới của Sự Hiện Diện của Thiên Chúa. Qua mầu nhiệm này, con người trở nên một thân thể với Chúa Kitô trong sự mật thiết của bản chất chung. Kinh Thánh mở ra một cách tuyệt vời về tầm quan trọng vĩnh cửu của tình yêu thần linh kỳ diệu này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” (Ga 3:16-21) Đây là sự sống vĩnh cửu: để họ có thể nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Chúa Giêsu Kitô mà Cha đã sai đến.
Trong cách thức hoàn toàn mới này của Sự Hiện Diện của Thiên Chúa, Chúa Kitô đã xuống thấp để nâng cao thụ tạo. Những lời của Thánh Phaolô nói với tín hữu Philipphê về chủ đề này thật cao cả vì sự đơn giản của họ: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2:6-7)
Với tư cách như là vua trần thế và nhận ra mình đại diện Thiên Chúa, và quan tâm lợi ích cao quý nhất của mọi người – đặc biệt là của những thần dân nghèo khổ nhất, người đó che giấu trang phục hoàng gia của mình bên dưới trang phục tồi tàn như của họ, để được dễ dàng tiếp cận hơn khi phân phát quà tặng cho họ, vì thế Vua các vua ẩn giấu thần tính vinh quang vĩnh hằng của Ngài trong nhân tính để nâng đỡ con người trong những mối dây tình yêu mới hướng tới cuộc sống cao cả hơn, để ban cho họ món quà lớn lao hơn những gì Thiên Chúa không thể ban cho họ.
Vì vậy, Chúa Kitô nói: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14:23) Lời đó đưa linh hồn vào mối quan hệ với Thiên Chúa gần gũi hơn nhiều so với điều mà Đấng Tạo Hóa có mặt ở mọi nơi trong sự sáng tạo của Ngài. Thật vậy, Thiên Chúa ngự trong con người một cách đặc biệt, bởi vì con người có lý trí là thụ tạo duy nhất có thể nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Hóa. Nhưng Sự Hiện Diện của Thiên Chúa được bao hàm bởi Sự Nhập Thể về cơ bản khác với kết quả của nó. Trong trường hợp này, Chúa Kitô là Đấng ban phát sự hào phóng của Thiên Đàng, mặc khải chính Ngài trong những điều kiện hoàn toàn mới và theo cách mà cho đến lúc thời gian viên mãn đã không thể thực hiện được.
Nhờ mầu nhiệm này, tội lỗi của con người được tha thứ, đời sống siêu nhiên của linh hồn được phục hồi, bản chất của con người được công chính hóa và nâng lên thành tình bạn đồng hành yêu thương với Thiên Chúa. Thụ tạo được ban cho khả năng phát triển giống như Đấng Cứu Độ của mình, để khi có được các nhân đức của Ngài, tâm trí ở trong Đức Kitô cũng phải là tâm trí ở trong Ngài.
Nhưng thậm chí ngoài việc khôi phục bản chất con người trở lại sự công chính siêu nhiên nguyên thủy và khả năng tái tạo các nhân đức của Chúa Kitô trong linh hồn, qua Sự Nhập Thể, còn có ý thức sống động về sự kết hiệp giữa Thiên Chúa và con người, và niềm vui đến với thụ tạo từ tình yêu riêng của Chúa Kitô, sống trong sự mật thiết mật thiết với Ngài. Đó là đỉnh cao của mầu nhiệm ưu việt này – cũng giống như sự pha trộn hài hòa của màu sắc, tạo ra những sắc thái tinh tế nhất và đẹp nhất, hoàn thiện trên những đường nét thô ráp, kiệt tác của họa sĩ.
Tất cả các điều kỳ diệu này kết hợp lại trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích này được thiết lập để ban cho chúng ta, không chỉ các ân sủng đặc biệt, mà còn tất cả các tặng phẩm sự sống của Thiên Chúa Nhập Thể. Chưa bao giờ Thiên Chúa mặc khải chính Ngài một cách tràn đầy sinh lực như vậy. Tuy nhiên, sự mặc khải như vậy không trái ngược với việc ban ân sủng nhất định để đáp ứng một yêu cầu đặc biệt. Chúa Kitô có thể biểu lộ chính Ngài cho chúng ta theo cách phù hợp nhất với sự phát triển tâm linh của chúng ta bởi vì Ngài là nguyên mẫu vô tận của mọi hình thức thánh thiện, nguồn gốc của sự thánh thiện trong mọi cách biểu lộ đa dạng về tính thống nhất toàn diện.
Suy ngẫm về những sự thật gây xúc động này sẽ thúc đẩy chúng ta đón nhận Ngài bằng một tình yêu làm thỏa mãn niềm khao khát của Ngài là nên một với chúng ta. Ngài phải là một với chúng ta để chia sẻ đời sống Thánh Thể của Ngài và tận dụng kho tàng đó, bản chất yếu đuối hay thay đổi của chúng ta có thể được biến đổi và các khả năng của chúng ta được siêu nhiên hóa, và chúng ta có thể được trở nên giống Ngài.
Những gì Chúa Kitô thực hiện trong chúng ta qua sự hiện diện bí tích của Ngài thì chúng ta cũng nên làm như vậy trong thế giới xung quanh. Khi Ngài biến đổi chúng ta bằng ân sủng của Ngài, chúng ta cũng phải nâng cao và tôn vinh tất cả những người thuộc phạm vi ảnh hưởng của chúng ta. Chúng ta sẽ không đạt được mục đích thiêng liêng trong việc thiết lập Bí tích Thánh Thể nếu chúng ta không đem lại những tác dụng tốt đẹp của Sự Sống của mọi sự sống. Ý thức được sự mở rộng quyền năng kỳ diệu đó, chúng ta sẽ làm mọi điều có thể để đáp lại tình yêu của Đức Kitô dành cho chúng ta bằng cách luôn là người đại diện của Ngài trong hoang địa tội lỗi của thế giới này.
Việc nghĩ rằng chúng ta phải là những Kitô khác sẽ truyền cảm hứng cho lời nói và hành động của chúng ta. Tóm lại, chúng ta phải tôn vinh Chúa Kitô bằng cách trút bỏ chính mình vì người khác, như Ngài tôn vinh Chúa Cha bằng cách trút bỏ chính mình Ngài vì chúng ta. Sứ mệnh của tình yêu thuần khiết nhất sẽ thuộc về chúng ta nếu hằng ngày chúng ta nỗ lực thắp lên trong tâm hồn anh em ngọn lửa tình yêu mà Đấng Cứu Thế đã đến để ném xuống trần gian và tha thiết mong mỏi được thấy lửa đó cháy bùng lên.
Bằng cách nào khác chúng ta có thể biến đời sống Thánh Thể của Chúa và Thầy chúng ta thành hiện thực trong tâm hồn chúng ta? Chúa Kitô đến để phục hồi linh hồn của tội nhân cho Chúa Cha. Chỉ bằng cách tiếp tục công việc này, chỉ bằng tình yêu thương người lân cận, chúng ta mới được cứu, vì những hy sinh của chúng ta và lòng bác ái hữu ích của chúng ta dành cho người khác sẽ quyết định số phận vĩnh cửu của chúng ta.
Ngày Phán Xét, Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25:34-40) Số phận của những người không có đức tin sẽ là của chúng ta nếu đời sống Thánh Thể chỉ kết thúc trong sự chiếm hữu ích kỷ.
Việc chúng ta thể hiện tình yêu đáp lại và lòng biết ơn sau mỗi lần rước lễ là tôn vinh Đấng Cứu Độ bằng bí tích bởi sự mặc khải trong mọi cách chúng ta đối xử với người khác về hiệu quả của sự kết hiệp với Ngài.
JOHN A. KANE
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Thần Lương – https://youtu.be/a5dL73xe7gU