Thùng rỗng thì kêu to, thùng đầy không kêu được. Kẻ ngu dốt thích khoác lác, nói phét, người hiểu biết không bao giờ dám khoe khoang. Vậy là kẻ ngu dốt “can đảm” hơn người hiểu biết! Thiên tài khoa học Albert Einstein nói: “Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc về điều đầu tiên. Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Khi người ta càng có nhiều kiến thức và hiểu biết thì cái tôi của họ càng giảm. Ngược lại, khi người ta càng có ít kiến thức thì cái tôi của họ càng tăng.”
Ngày xưa, dân Israel đi qua hoang địa và vượt qua Biển Đỏ để tiến vào Đất Hứa Canaan. Họ không phải làm gì mà vẫn có lương thực để ăn: buổi sáng có manna, buổi chiều có chim cút. Giải khát thì có nước phun ra từ đá. (Xh 17:1-7; Ds 2:1-13) Nhưng họ vẫn ngang ngược, vẫn phản loạn, chỉ muốn thỏa mãn theo ý riêng mình, thế nên họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai Cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.” (Ds 21:5)
Thiên Chúa cho rắn độc ra cắn nhiều người chết, họ sợ hãi và kêu cứu ông Môsê: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi.” (Ds 21:7) Thiên Chúa truyền làm con rắn đồng và treo lên, ai nhìn lên nó sẽ được cứu sống. Họ cứ hối hận rồi lại kiêu căng, phản loạn.
Ông Môsê lên núi 40 ngày để nhận Thập Giới từ Thiên Chúa, dân ở dưới núi dụ ông Aharon gom vòng vàng của mọi người và đúc con bê vàng để họ thờ lạy. Không hiểu sao mà ông Aharon lại nghe lời dân xúi bậy như vậy. Họ tôn con bê vàng là thần: “Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập.” (Xh 32:4) Thật khủng khiếp! Thiên Chúa bảo ông Môsê xuống núi vì dân đã hư hỏng. Ông Môsê đi xuống và thấy tình trạng đó, ông nổi nóng và đập vỡ hai bia đá. (Xh 32:19)
Ngày nay, người ta vẫn cứng đầu cứng cổ, ngang ngược, chẳng khác ngày xưa. Những kẻ vô thần cứ ra rả rằng: “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, có sức người sỏi đá cũng thành cơm.” Nhưng rồi khi lũ lụt hoặc hạn hán thì họ im re, có nói thì đổ lỗi “tại thế này, tại thế nọ” và vẫn thắp nhang vái tứ phương. Cầu gì? Cầu ai?
Trong sách Tập Đọc lớp 4 phổ thông, năm 1977, có bài thơ “Trời Đành Chịu Thua” thế này:
Ngày xưa hạn hán, cầu trời,
Ngày nay hạn hán thì người trị ngay.
Trị đêm rồi lại trị ngày,
Cho tên giặc hạn biết tay của người.
Vừa làm vừa thách cả trời:
Có muốn tắm mát thì mời xuống đây…
Nước kia ở dưới đất này,
Đào sâu, vét kỹ, nước đầy mương ao.
Thách trời cứ hạn nữa vào!
Đồng ta đủ nước, hoa màu vẫn xanh.
Chiều chiều nghe tiếng phát thanh:
Người chăm thủy lợi, trời đành chịu thua!
Và người ta còn có “khẩu hiệu” này: “Thằng Giời đứng sang một bên – Để cho Nông hội đứng lên làm Giời!” Điếc không sợ súng, mù mà đòi dẫn đường. Cái ngu lớn nhất là không biết mình sai, cái ngu thứ hai là biết sai mà vẫn tự ái. Thật khốn kiếp!
Ngu không phải cái tội mà cái tội là không biết mình ngu. Chung quy chỉ tại “cái tôi” quá lớn, quá cồng kềnh. Có cái triết lý thú vị này: “Bạn chê cái tôi thích, tức là bạn thích cái tôi chê.” Kinh Thánh phân tích và lý giải:
“Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa,
tự bản chất là những kẻ ngu si.
Từ những vật hữu hình tốt đẹp,
chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu,
và khi chiêm ngắm bao công trình,
chúng cũng không nhận biết Đấng Hóa Công.
Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua,
hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn,
hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần,
là những bậc quản cai hoàn vũ.”
(Kn 13:1-2)
Cuối cùng, hãy đọc và suy cho thấu đáo lời này: “Vĩ đại thay phán quyết của Ngài, thật khó mà giải thích. Thế nên HẾT NHỮNG AI KHÔNG CÓ NGƯỜI CHỈ BẢO ĐỀU LẦM LẠC mà thôi. Thật vậy, quân vô đạo TƯỞNG thống trị được dân thánh, nhưng chính chúng BỊ bóng tối giam cầm, BỊ đêm dài xiềng xích, BỊ giữ chặt trong nhà, BỊ loại khỏi tình thương vĩnh cửu.” (Kn 17:1-2)
TRẦM THIÊN THU
Miền Tháng Tư Nóng Bức – 2024