Con Đường Thập Giá
(Mc 14,1-15.47)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Hôm nay chúng ta bước vào Tuần Thánh, kỷ niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Đây là những ngày cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu. Tất cả những việc làm của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh đều diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu đối với chúng ta: Ngài lập bí tích Thánh Thể là bí tích yêu thương, Ngài hiến trọn thân xác mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta. Ngài còn dùng cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu chuộc chúng ta, một hành động diễn tả tình yêu đến tột cùng. Nhưng sau cái chết nhục nhã trên Thập Giá, Ngài sẽ sống lại vinh quang để đem lại cho chúng ta sự sống mới và bảo đảm phúc trường sinh.
Tuần Thánh được khai mạc bằng nghi thức làm phép lá và rước lá.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chắc hẳn có người ngạc nhiên trước những lời căn dặn của Ðức Giêsu với hai môn đệ: “các anh vào làng trước mặt kia. Tới nơi sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. Nếu có ai bảo tại sao các anh làm như vậy thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại ngay”. Mọi việc đã diễn ra đúng lời Chúa dặn. Tưởng như một phép lạ. Thực ra không phải là phép lạ gì cả, mà là chính Ðức Giêsu đã kín đáo thu xếp trước với người thân của Ngài trong làng: đến ngày đó, tại địa điểm đó, họ hãy để sẵn hai con lừa, sẽ có hai môn đệ của Ngài đến dắt đi, mật khẩu để nhận ra nhau là một câu hỏi và một câu trả lời đã quy ước sẵn.
Chúa Giêsu muốn dùng con lừa để vào thành Giêrusalem, vì Ngài không muốn người ta hiểu lầm Ngài là một nhà giải phóng quân sự hay chính trị. Ngài muốn người ta hiểu rằng Ngài là một vị vua hòa bình, hiền từ và khiêm tốn. Vua chinh chiến thì cỡi ngựa, còn vua hòa bình thì cỡi lừa. Chúa đã chuẩn bị như thế nhưng xem ra nhiều người đã không hiểu ý của Ngài: ngay các môn đệ cũng “lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó”, dân chúng thì cũng “chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước kẻ theo sau reo hò vang dậy”.
Sự hồ hởi của họ có lẽ xuất phát từ ý tưởng giải phóng: hôm nay ngày giải phóng đã đến rồi, vị Anh Hùng đã xuất hiện! Quả thật, đây không phải là một vị vua có tính cách chính trị, nhưng là một vị vua hòa bình. Chính vì vậy, Giáo Hội cho chúng ta đọc bài Thương Khó trong ngày lễ lá hôm nay. Một vị vua đến không bằng vũ lực, nhưng bằng cây Thánh Giá. Cây Thánh Giá là hình ảnh của con đường Thánh Giá. Con đường Thánh Giá là con đường đau khổ. Con đường đau khổ giúp chúng ta chế ngự nết xấu và nâng cao tâm hồn. Đau khổ diệt trừ những độc ác tột độ của con người tội lỗi và tình dục. Đau khổ dứt chúng ta khỏi những xúi giục của thế gian.
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Mỗi lần đọc bài thương khó là nhắc lại vụ án Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã bị tố cáo như sau:
1.Lỗi luật ngày Sabat
2.Không giữ những tục lệ của tổ tiên
3.Công khai tuyên bố phá đền thờ Giêrusalem
4.Tự xưng mình là Con Thiên Chúa.
Và chính vì điểm này mà Caipha nói: “hắn đã lộng ngôn, nói phạm đến Thiên Chúa, chúng ta cần gì nhân chứng nữa. Vì theo luật Do Thái: ”hễ ai nói phạm thượng thì người đó phải chết”. Thế là số phận của Chúa Giêsu đến đây coi như đã được quyết định: Người bị tử hình, bị kết án treo trên thập giá.
“Thật là một cực hình nhục nhã. Chúa đã bị rơi vào thẳm sâu tủi nhục và đau đớn.
Là Thiên Chúa mà phải chịu một hình phạt của một tên nô lệ.
Là Đấng tuyệt vời thánh thiện, mà bị xếp vào hàng những kẻ gian ác!
Còn đâu nữa sau những lời giảng của Chúa?
Còn đâu nữa sau những các phép lạ Chúa làm?
Còn đâu nữa uy tín của Chúa với quần chúng?
Còn đâu nữa vương quốc Chúa mới thiết lập?
Còn đâu nữa các môn đệ của Ngài?
Trước con mắt người đời, thật là một sự thất bại hoàn toàn, thật là một sự nhục nhã tột độ! Và một điều còn chua xót hơn nữa là đang khi Chúa trở nên mục tiêu cho những người qua lại khinh bỉ, nguyền rủa và chế giễu thì Chúa phải chứng kiến, coi như bất lực, một sự thắng thế tàn bạo của kẻ thù, chúng đang vui mừng hỗn xược và nhạo báng Chúa.
Nhưng thái độ của Chúa nơi Canvê thật tuyệt vời: không nguyền rủa, không than vãn kêu la, không phẫn nộ, không đóng kịch giả vờ, không căng thẳng, cuồng tín, không bạc nhược hay vô cảm.
Trong mọi sự Chúa đã giữ được mức độ hoàn hảo, và Chúa chẳng để ý đến những đau khổ của mình mà chỉ nghĩ đến người khác. Quả thật Chúa đã chết một cách thê thảm, nhưng cái chết thê thảm này lại là một cái chết của một vị Thiên Chúa. Đó chính là ý nghĩa và giá trị về cái chết của Chúa Giêsu. Người là Con Thiên Chúa, nên cái chết của Người có ý nghĩa vô cùng lớn. Cái chết của người có giá trị cứu chuộc muôn người, trong đó có chúng ta đang hiện diện nơi đây.
Một trong những bức tranh nổi tiếng của danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “ba thập giá”. Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị cuốn hút vào ngay trung tâm điểm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét… tác giả như muốn nói rằng: không một ai mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút trong bóng tối, nhưng một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chuẩn đoán rằng đó chính là khuôn mặt của Rembrandt, tác giả của bức tranh.
Tại sao giữa đám đông của những kẻ đằng đằng sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn mặt của mình?
Đó chính là ý thức về tội lỗi của mình. Rembrandt muốn thú nhận rằng: chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giêsu lên Thập Giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói rằng, mọi người đều dự phần vào việc đóng đinh Chúa Giêsu trên Thập Giá. Chỉ khi nào chúng ta xác tín rằng chính chúng ta đã dự phần vào việc đóng đinh Chúa vào Thập Giá, khi đó chúng ta mới cảm nhận được tình yêu của Chúa đối với chúng ta và khi đó chúng ta mới khám phá ra rằng Ngài chết là để cứu độ chúng ta. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy