Theo gợi ý của một linh mục, tôi ở trong hoang địa với Chúa những ngày Mùa Chay này. Theo cách mà những người nhập cư đã khao khát quê hương mình, hoặc những người hành hương có thể ghi nhớ những ngày đặc biệt ở Rôma hoặc Giêrusalem: Mùa Chay này, chúng ta có thể đừng sống quá nhiều giữa những xao lãng của thế gian, mà đúng hơn là được hồi tưởng với Ngài trong hoang địa? Linh mục này cũng nói rằng chúng ta cũng nên tìm kiếm ma quỷ ở đó, vì chắc chắn nó sẽ tấn công chúng ta.
Lời tường thuật của Tin Mừng về những cám dỗ làm tôi kinh ngạc. Chắc chắn ở đây chúng ta đang giải quyết một bí ẩn. Chính câu chuyện này là điều kỳ diệu, vì nó phải đến từ Chúa Giêsu. Không có nhân chứng. Đó là lời Chúa kể về những cơn cám dỗ của Ngài, theo cách Ngài muốn Giáo Hội ghi nhớ. Ba yêu cầu của ma quỷ và những trích dẫn trong Kinh Thánh – câu chuyện chọn lọc của Chúa, ngắn gọn nhưng khó hiểu và phức tạp.
Thứ tự cám dỗ trong Phúc Âm Thánh Luca khác với Thánh Mátthêu. Có phải một trong những nhà truyền giáo đã hiểu sai hay họ đang cố gắng đưa ra quan điểm “với tư cách là người biên tập” chăng? Tuy nhiên, việc không để ý trật tự cũng có thể được truyền đạt bởi người dạy. Giả sử sau khi đọc câu chuyện, Chúa bảo các môn đệ lặp lại câu chuyện đó: người ta làm theo một thứ tự khác, những người khác chỉ ra sai lầm rõ ràng, nhưng Chúa nói: “Không sao đâu, thứ tự không quan trọng.” Khi đó việc không để ý trật tự trong vấn đề đã đi vào Thánh Truyền. Quyền tông tòa mở rộng đến những phán quyết khác nhau.
Tại sao lại có ba cám dỗ? Tôi không thể tin rằng con số đó là một “sự cố” vô nghĩa, hoặc con số đó được điều khiển bởi sự lựa chọn tùy tiện của ma quỷ. Ngoài ra, điều gì ma quỷ đang cố gắng thực hiện: Khám phá xem Chúa Giêsu có phải là Thiên Chúa không? Làm lệch hướng sứ mệnh cứu rỗi trước khi nó bắt đầu? Gây ra sự sụp đổ thứ hai của bản chất con người?
Bản thân tôi tìm thấy manh mối để trả lời những câu hỏi này theo cách mà (trong câu chuyện của chính Chúa) ma quỷ bắt đầu hai cuộc cám dỗ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa.” Đối với tôi, cụm từ “Con Thiên Chúa” này dường như ẩn chứa ba ý tưởng riêng biệt về bất kỳ ai được áp dụng: Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, con người.
Thứ nhất, bất cứ ai là “Con Thiên Chúa” đều là Thiên Chúa. Mạo từ xác định rất quan trọng vì nó truyền tải rằng chúng ta không xử lý sự tương tự hoặc tương đồng. Người Pharisêu hiểu điều này. (Ga 5:18) “Con Thiên Chúa” về bản chất phải giống Cha của Ngài: homoousios – đồng bản thể. Theo tôi, đó là lý do cám dỗ đầu tiên là thử thách làm ra bánh – điều mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm.
Nhưng không có gì đến từ ma quỷ là thẳng thắn, nó luôn ngang ngược, khinh thường và chế nhạo. Nó không nói “làm ra bánh” mà nó nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!”
Khi Thiên Chúa sáng tạo, Ngài tạo ra từ hư vô (ex nihilo). Hoặc nếu Ngài muốn dạy chúng ta điều gì đó về sự hợp tác, Ngài sẽ tạo ra những giỏ bánh từ một vài chiếc bánh nhỏ mà chúng ta đóng góp. Nhưng ma quỷ muốn thấy sức mạnh sáng tạo bị giới hạn bởi hình dạng của hòn đá. Dường như nó không có khả năng phân biệt phép lạ với phép thuật, câu “truyền cho những hòn đá này” giống như phép thuật vậy.
Nó muốn nhại lại sự biến thể, hòn đá trở thành bánh. Nếu Chúa Giêsu làm theo yêu cầu thô thiển (không thể thực hiện), ma quỷ sẽ tỏ ra khinh thường và chế nhạo Ngài.
Thứ hai, bất cứ ai là “con của” thì đều là một người, vốn có quan hệ họ hàng với một người, người cha, “của ai” thì đó là con. Có nghĩa là, ý tưởng thứ hai mà tên gọi này là “Con Thiên Chúa” chính xác với tư cách là Con, có liên quan Chúa Cha. Vì vậy, cơn cám dỗ thứ hai, “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho ông, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho ông khỏi vấp chân vào đá,” có thể được thực hiện theo hướng dẫn về cương vị làm Con của Thiên Chúa.
Ma quỷ không quen với quyền làm con, dường như nó nghĩ rằng con phụ thuộc và nương tựa cha mình. Nó biết rằng đứa con mong đợi được cha ủng hộ. Nếu đứa con ngã, cha sẽ đỡ nó lên như thể “trên đôi cánh đại bàng.”
Trong tâm trí lầm lạc và duy vật, ma quỷ cho rằng trước lực hấp dẫn hướng xuống, người cha chắc chắn sẽ chống lại lực hướng lên, kéo đứa con hướng lên. Điều đó không thể không xảy ra. Như thể tình yêu trong Chúa Ba Ngôi có thể được mô phỏng bằng sự xung đột của các lực lượng cần thiết vậy.
Thứ ba, bất kỳ con người hiển nhiên nào, được áp dụng với cụm từ “Con Thiên Chúa” thì cũng là con người, có bản chất con người, đến mức thần tính của Ngài bị ẩn giấu bằng cách nào đó. Vì vậy, cám dỗ thứ ba này phải tránh xa thần tính và quyền làm con. Phải bắt đầu ngay lập tức, với con người đơn thuần, với sự phô trương vẻ huy hoàng của các vương quốc trên thế giới.
Với tính thần thánh được cho là đã khuất tầm mắt, trên thực tế, ma quỷ có thể gợi ý – nếu mục tiêu của bạn cho rằng các quốc gia là di sản của bạn và các nơi tận cùng trái đất là tài sản của bạn, (Tv 2:8) thì cầu xin tôi vì tôi có quyền.
Theo tôi hiểu, khi kể lại những cơn cám dỗ với sự nhấn mạnh ở cụm từ “Con Thiên Chúa,” Chúa Giêsu đã sử dụng ma quỷ để dạy các tông đồ về chính Ngài. Như thể Kinh Tin Kính Công Đồng Nixê đã được viết ra vào lúc bắt đầu chức vụ của Ngài vậy.
Các giáo phụ nói rằng ma quỷ không bao giờ khám phá được từ những cuộc trao đổi rằng Chúa Giêsu có phải là Thiên Chúa hay không. Nhưng nếu nó tuân phục, sẵn sàng nói vâng, nó có thể đã thấy câu trả lời trong cách Chúa Giêsu trả lời nó, bởi vì trong mỗi câu trả lời, Chúa Giêsu đều cho biết rằng chính Ngài là Thiên Chúa.
Chúa Giêsu xác định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra. Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” (Mt 4:4 & 7) Và Ngài nói: “Satan kia, xéo đi! Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” (Mt 4:10) Ba cơn cám dỗ đã chấm dứt.
MICHAEL PAKALUK
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Mùa Chay – 2024
Cám Dỗ – https://youtu.be/4OQtlDjBA-U