CN 2B TN
Hãy Đến Mà Xem
(Gn 1,35-42)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
1.Các anh tìm gì thế
Không đoạn nào cho biết nhiều mạc khải cho bằng đoạn này. Lần nữa, Gioan lại chỉ vào Chúa Giêsu chứ không phải vào mình. Giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của mình, có khác gì Gioan bảo họ bỏ mình để đi theo Chúa, lúc uy thế của ông đang ở số một. Gioan không ghen; Gioan đến không để lôi kéo người ta đến với mình, nhưng đến với Chúa Giêsu. Không việc gì khó khăn cho bằng lãnh địa vị thứ yếu đang khi ở vị thế thứ nhất. Thế nhưng, khi Chúa Giêsu vừa xuất hiện, Gioan đã nghĩ đến việc sai người ta đến với Người. Chính vì vậy mà hai môn đệ đã bỏ Gioan đi theo Chúa Giêsu. Có lẽ hai ông còn đang bẽn lẽn theo xa thì Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại… Chúa đã đi bước trước, mở lối cho hai ông. Đây là hình ảnh việc Thiên Chúa đi bước đầu. Khi trí lòng con người bắt đầu mong mỏi, Thiên Chúa đã sẵn sàng gặp họ. Thiên Chúa không để con người vất vả tìm gặp Người đâu. Âutinh nói ‘cả đến bước đầu tiên ta cũng bất lực, nếu Thiên Chúa đã không tìm ta’. Khi ta tìm Thiên chúa ta không tìm Đấng ẩn mình hay đứng đàng xa mà ta đến với Đấng đã sẵn chờ ta, Đấng đi tìm ta trước. Chúa Giêsu bắt đầu hỏi: các anh tìm gì thế? Đó là câu hỏi nền tảng, cũng rất đặc sắc tại Palestin vào thời Chúa Giêsu. Đâu có phải là những câu hỏi của những nhà làm luật, Kinh Sư, Biệt Phái, tìm tòi những câu tỉ mỉ về luật? Hay như phái Sađốc, tìm địa vị, quyền lực? Hay như người Zelots, ái quốc, tìm vị anh quân chính trị có thể tống xuất quân đội Rôma? Hay như những người khiêm tốn cầu xin cùng Thiên Chúa và tìm thánh ý Người như phái Thầm Lặng?[1]
2.Hai môn đệ trả lời: muốn biết nơi ở của Chúa
Hai ông xưng Chúa là Thầy (Rabbi). Tiếng Do Thái Thầy (Rabbi) có nghĩa là Đấng vĩ đại của tôi. Đó là danh hiệu môn sinh gọi tôn sư và những người khôn ngoan. Gioan thánh sử viết cho người Hy Lạp, biết họ không hiểu từ Rabbi, nên dịch sang Hy ngữ là Thầy (didaskalos). Không phải chỉ vì tò mò mà hai môn đệ hỏi như trên. Họ có ý là không muốn nói với Chúa cách thông thường, chào hỏi qua đường… mà muốn ở lâu, nói nhiều hơn, cặn kẽ hơn, những vấn đề của họ. Người môn đệ Chúa Giêsu không bao giờ thỏa mãn với cách hời hợt bằng những lời thông thường, mà như những bạn hữu cùng nhau tâm sự.
3.Chúa đáp ‘hãy đến mà xem’
Đến mà xem. Pháp Sư Do Thái thường dùng cách nói như vậy. Họ nói ‘các bạn muốn biết câu trả lời? Muốn biết lối giải thoát cho vấn đề? Hãy đến, chúng ta cùng nhau suy nghĩ và giải quyết’. Nói ‘đến mà xem’, Chúa Giêsu có ý mời hai ông không những đến mà xem mà còn đến để thấy: chỉ mình Ngài có thể giải quyết được. Kết luận đoạn này, Gioan nói ‘lúc đó khoảng 4 giờ chiều’, cho biết chính ông là một trong hai môn đệ. Có thế, ông mới nói được giờ phút chính xác trong ngày cũng như không nghi ngờ về hòn đá ông đã đứng trên khi ông gặp Chúa Giêsu. Bốn giờ chiều mùa Xuân tại Galilê, cuộc đời thành mới mẻ đối với Gioan.[2]
4.Thật hữu ích nếu thỉnh thoảng ta cũng tự hỏi: mình đang tìm gì?
Mục tiêu và chủ đích của mình là gì?
Có người tìm an toàn. Muốn địa vị được an toàn, tiền của đầy đủ bảo đảm cho nhu cầu, không phải lo lắng. Không có gì sai, nhưng đó chỉ là mục đích thứ yếu, bất cân bằng để hướng dẫn cuộc đời. Vì phân tách sau cùng, không có an toàn trong những thay đổi may rủi của cuộc đời. Có người tìm nghề nghiệp quyền thế, danh vọng… nếu chỉ vì đam mê, tất cả chỉ là mục đích xấu. Nếu để phục vụ người khác, mục đích sẽ cao thượng hơn, tốt hơn, nhưng vẫn chưa đầy đủ, vì chúng vẫn bị hạn chế bởi thời gian và không gian. Có người tìm bình an. Bình an với chính mình, bình an với Thiên Chúa và đồng loại. Đây là sự tìm kiếm Thiên Chúa, mục đích này, nguyện vọng này chỉ Chúa Giêsu mới có thể đáp ứng.
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Để người ta tin vào Đức Giêsu, cần có người giới thiệu. Người giới thiệu hết sức cần thiết.
Trong thương trường, để bán được hàng hóa, người ta phải tìm mọi cách, bằng quảng cáo, tiếp thị, để giới thiệu cho mọi người biết trên thị trường có loại hàng hóa ấy, chất lượng nó ra sao, nó cần thiết cho đời sống thế nào. Thời nay, hàng hóa mà không nhờ quảng cáo và tiếp thị thì dễ có nguy cơ bị ế ẩm.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Đức Giêsu cho hai môn đệ của mình để họ theo Ngài: “đây Chiên Thiên Chúa”. Tước hiệu này nhất định hấp dẫn trong cộng đoàn của Gioan Tẩy Giả, bởi vì nó khích động sự tò mò của hai môn đệ đối với Chúa Giêsu và khiến họ lìa bỏ sư phụ của mình để theo Chúa Giêsu. Một trong hai người là Anrê. Còn người kia không được nêu tên. Nhiều người cho rằng có thể đó là người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến, Gioan, con ông Giêbêđê. Hai môn đệ Gioan và Anrê đã “ở lại” với Chúa Giêsu. Động từ “ở lại” được dùng ba lần ở đây. Đối với Gioan, đó là một từ ngữ thần học đánh dấu đức tin được thực hiện và gắn bó với Chúa Giêsu (xem ví dụ 6,56; 8,31; 10,40; 15,4).
1.Đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người
Họ đã đến và đã xem. Họ thấy Ngài thân thiện, niềm nở, nồng ấm. Họ biết mình đã gặp được một sư phụ tuyệt vời, và thế là một tình nghĩa gắn bó được phát sinh. Khi ở với Ngài, họ cảm thấy hoàn toàn bình an thanh thản. Qua tiếp xúc với Ngài, họ còn khám phá chính bản thân họ. Thấy cung cách của Ngài, họ cảm mến và thấy rằng mình cũng phải cố gắng sống theo cung cách ấy.
2.Đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người
Đó là tiến trình mà mỗi Kitô hữu chúng ta được mời gọi thực hiện trong đời sống tôn giáo của mình. Tin thường thông qua những trung gian loài người, nhưng điều cốt yếu hệ tại ở lời kêu gọi của Chúa cũng như ở sự tự do và bằng lòng gắn bó với Chúa Giêsu.
– Thomas Merton: Thomas Merton mồ côi cha mẹ lúc 16 tuổi, năm 20 tuổi ông trở thành đảng viên cộng sản, ông hoàn toàn không tin gì về những sự siêu nhiên và sống một nếp sống chạy theo vật chất, nhục lạc. Một đêm kia khi đang ở trong một khách sạn, tự dưng ông nhìn lại đời mình, thấy nó quá trống rỗng và cũng quá nhầy nhụa, đến nỗi ông chê chán chính mình. Lúc đó chẳng biết làm gì khác, Thomas Merton quỳ gối xuống và cầu nguyện:
– “Lạy Chúa, từ trước tới nay tôi chẳng hề tin Chúa và ngay bây giờ tôi cũng chẳng biết có Chúa hay không, nhưng nếu thật có Chúa thì xin Ngài hãy giúp kéo tôi ra khỏi vũng bùn nhầy nhụa này”. – Đêm hôm đó lần đầu tiên Thomas Merton cầu nguyện. Ông đã gặp được Chúa và từ đó mãi mãi gắn bó với Chúa. Sau đó ông đi tu dòng Trappe. Mọi sự bắt đầu từ một đêm gặp Chúa.
3.Lời mời gọi “đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người”
Đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người là một lời mời dịu dàng khởi đầu tình bạn mà các môn đệ đang đi tìm. Thời gian và sự tiếp xúc cá nhân với Chúa là cần thiết để các ông vững mạnh trong ơn gọi của mình. Lúc đó khoảng 10 giờ tức là 4 giờ chiều, họ đã ở lại với Người. Đức tin không chỉ là sự tò mò thuần lý, nhưng là một sức mạnh ảnh hưởng trên cuộc sống: không thể hiểu đức tin nếu không sống đức tin. Vì thế, lúc đó Chúa không nói chi tiết về lối sống của Người mà chỉ mời họ ở lại. Thánh Tôma giải thích: Chúa nói giọng nhỏ nhẹ, thần bí vì Thiên Chúa chỉ có thể hiểu bằng cảm nghiệm, lời nói không thể diễn tả. Chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết này bằng chiêm ngắm những gì thuộc về Chúa, bằng lòng khát khao nếm sự ngọt ngào của Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đến với Chúa, xem chỗ Người ở và ở lại với Người và các ông đã khám phá ra con người của Chúa.
4.Đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người
Phải đến, đến gần Đức Giêsu thì mới hiểu Người rồi mới có thể làm môn đệ Ngài. Không thể hiểu nổi kiểu môn đệ lại ở xa Thầy, không thường xuyên đến gần Thầy mình. Rồi phải xem nữa. Môn đệ không chỉ nghe Thầy dạy, mà còn phải xem cách Thầy sống để sống theo. Không thể chấp nhận kiểu môn đệ mà không sống theo gương Thầy.
Đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta là những người đang theo Chúa “hãy đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người”. Amen
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, Quyển Hai, Tập Một, trg.132-133
[2] Lm.Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, Quyển Hai, Tập Một, trg.133-134