Home / Chia Sẻ / ĐẠI HỶ TÍN

ĐẠI HỶ TÍN

ĐẠI HỶ TÍNVinh Danh Thiên Chúa Trên Trời Cao Thẳm

Hạnh Phúc Thiện Nhân Dưới Đất Thái An

Đó là lời ca đoàn hợp xướng hoan ca trong đêm Con Thiên Chúa giáng trần. (Lc 2:14) Niềm vui trào dâng tràn ngập đất trời, chan hòa lòng người. Không ai có thể bất động mà không hân hoan như Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người.” (Tv 96:1-3)

Không chỉ mời gọi mọi người, Thánh Vịnh gia còn kêu gọi cả muôn loài cùng thể hiện niềm vui sướng đó: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người.” (Tv 96:11-13) Niềm vui mừng rộn rã thật chính đáng, bởi vì Đấng Cứu Thế giáng sinh cho chúng ta, Ngài chính là Đức Kitô – Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta.

Từ thuở xưa, ngôn sứ Isaia đã cho biết: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban cho chúng ta, hài nhi sẽ tiếp nhận quyền bính trên vai và thiên hạ sẽ gọi tên Người là Cố Vấn kỳ diệu.” (Is 9:6) Một sự thật minh nhiên, một chân lý tỏ tường. Đã là sự thật thì không thể chối cãi, vì sự thật mãi mãi là sự thật, và chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta. (x. Ga 8:32) Ngôn sứ Isaia vừa thông báo vừa mời gọi: “Đây là lời Đức Chúa loan truyền cho khắp cùng cõi đất: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới. Kìa phần thưởng của Người theo sát một bên, và thành tích đi ngay trước mặt.” (Is 62:11)

Tại sao chỉ nói với thiếu nữ Sion mà không nói với nam giới Sion? Thiết tưởng, nữ giới là phái yếu, thường bị áp bức, bị khinh miệt,… Và họ có thể đại diện cho những người hèn mọn, thấp cổ bé miệng, bị chà đạp nhân phẩm, bị tước đoạt nhân quyền, bị miệt thị nhân vị,… Họ cũng chính là chúng ta, những người bị tội lỗi đè đầu, bị thói hư tật xấu kiểm soát, bị xã hội ruồng bỏ, bị ác nhân áp bức, bị ghen ghét, bị bách hại,…

Thực sự Thiên Chúa đã đến hơn hai ngàn năm qua rồi. Lễ Giáng Sinh chỉ là kỷ niệm đại sự kiện Con Chúa làm người mà thôi. Vấn đề là chúng ta có để Chúa đến trong linh hồn chúng ta hằng ngày, mọi nơi và mọi lúc, hay không. Nếu chúng ta “cho phép” Chúa vĩnh cư nơi hang-đá-tâm-hồn thì chúng ta sẽ được gọi là “dân thánh,” là “những người được Đức Chúa cứu chuộc,” được gọi là “cô gái đắt chồng,” là “thành không bị bỏ.” (Is 62:12) Thật đại phúc nếu ai được như vậy!

Chúa Giêsu là Ánh Sáng đến phá tan bóng tối, Ngài là Hòa Bình đến dập tắt chiến tranh, Ngài là Công Lý đến triệt tiêu áp bức, Ngài là Tình Yêu đến phá bỏ hận thù. Ngài tự hạ để nâng chúng ta lên cao, Ngài chấp nhận nghèo khó để chúng ta giàu có, Ngài chịu bơ vơ để chúng ta sum họp,… phàm ngôn không thể diễn tả hết. Muôn đời tạ ơn Chúa Hài Đồng!

Lời hứa từ ngàn xưa được thực hiện, mọi lời tiên tri đã ứng nghiệm, tất cả đã được nên trọn: “Ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính  đạo đức ở thế gian này.” (Tt 2:11-12) Tại sao phải như vậy? Thánh Phaolô giải thích: “Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.” (Tt 2:13-14)

Vâng, không còn hạnh phúc nào lớn hơn nữa rồi. Nguyện xin tất cả vì vinh danh Chúa mà thôi. Thánh Luca cho biết: “Thời ấy, hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít – tức là Belem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh Con Trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Lc 2:1-7)

Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Hãi hùng là cái chắc, vì các mục đồng là những con nhà nghèo, học hành không nhiều nên họ rất chân chất, mộc mạc. Đang đêm ngon giấc mà họ thấy ánh sáng chiếu sáng chói cả mắt, lại đang ngái ngủ, tất nhiên họ thấy sợ lắm. Nhưng sứ thần trấn an: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa.” (Lc 2:10-11)

Họ nghe nhưng hẳn là không hiểu gì, và rất ngạc nhiên. Lúc đó, nhìn họ chắc là thấy “tội nghiệp” lắm! Sứ thần nói với họ: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:12) Ôi, dấu hiệu “lạ” vậy mà họ không hề thắc mắc, rồi họ mau mắn kéo nhau đến gặp “trẻ sơ sinh bọc trong tã” ấy. Và họ đã thấy y chang như sứ thần đã mách bảo. Thật diễm phúc cho họ vì họ là những người đầu tiên được thấy Đấng Cứu Thế. Xin hợp lời với muôn vàn thiên binh hợp và sứ thần để cùng cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14)

Đêm Giáng Sinh là là Đêm Thánh, đêm lịch sử, đêm ánh sáng, đêm muôn ánh sao, đêm giao hòa tình người, đêm nối kết đất trời, đêm khởi đầu niềm hy vọng mới, nhân loại vui mừng được thoát khỏi vùng-bóng-tối để bước vào Miền-Ánh-Sáng, vì chính Con Thiên Chúa là Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, (Ga 1:14) Ngài là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. (Is 7:14 và Mt 1:23)

Đối với phàm nhân – và tội nhân, đó là niềm hạnh phúc quá lớn, vì từ giây phút Ngôi Hai giáng trần, chúng ta không còn bị réo là “Đồ Bị Ruồng Bỏ,” là “Phận Bạc Duyên Đơn,” mà được gọi trìu mến là “Ái Khanh” và được ca tụng là “Duyên Thắm Chỉ Hồng.” (Is 62:4) Thật tuyệt vời, và không còn niềm vui nào lớn hơn nữa.

Trong đêm kính mừng Con Chúa giáng sinh, có thể trên bầu trời Việt Nam không nhiều ánh sao, nhưng trong bầu trời tâm hồn của mỗi tín nhân – nhất là nơi những người thiện tâm, vẫn có rất nhiều ánh sao lung linh chiếu tỏa ân sủng của Chúa Hài Đồng. Mỗi tín nhân có trách nhiệm phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng Giáng Sinh tới tha nhân – đặc biệt là với những người nghèo khổ, hèn mọn, những người chịu đựng bất công, áp bức,…

Hang đá vật chất chỉ cho vui mắt, đôi khi làm mờ nhạt sự thánh thiện, chính Hang Đá Tâm Hồn Tĩnh Lặng và Thánh Thiện mới thực sự là nơi Chúa Hài Đồng muốn ngự vào mãi mãi… Thật vậy, chính Đức Mẹ đã dặn Thánh Faustina rằng khi đón Chúa giáng sinh, hãy giữ thinh lặng để cho Ngài nghỉ ngơi.

Lạy Thiên Chúa, chúng con cảm tạ và tôn thờ Ngài, xin chiếu Ánh Đức Tin dẫn đường chúng con đến với Chúa Giêsu nơi các “hang đá” cuộc đời này, xin giúp chúng con nhận biết Ngài qua tha nhân – nhất là nơi những con người hèn mọn, xin biến đổi chúng con nên những chứng nhân tình yêu, biết xây dựng Văn Minh Tình Thương và Văn Minh Sự Sống giữa thế gian này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Giáng Sinh Ca – https://youtu.be/JXobA4z7tIk

 

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …