Có lẽ Mùa Vọng là Mùa Phụng Vụ bị bỏ qua nhiều nhất. Tất cả những người Công giáo đều có thể thừa nhận, với các mức độ khác nhau, rằng hiện tại họ đặc biệt bận rộn vô số công việc trần tục. Tôi nhận thấy một xu hướng khác trong những người Công giáo có thiện chí giống như thế này: “Với tình hình tồi tệ ngày nay, chúng ta cần một chút niềm vui Giáng Sinh ngay bây giờ. Vì vậy, chúng ta gian lận và phá bỏ việc trang trí Giáng Sinh trong nhà mình, bởi vì chúng tôi quá mệt mỏi và suy sụp.”
Tôi hiểu. Nhưng đối với những người chỉ muốn tua nhanh qua Mùa Vọng, họ không biết mình đang bỏ lỡ điều gì. Được quan sát đúng cách trong 4 tuần, Mùa Vọng thực sự là điều mà tận đáy lòng bạn đang khao khát.
Người Công giáo chúng ta không phải là những kẻ háu ăn để bị trừng phạt, những người thích nhịn ăn sau Mùa Giáng Sinh trần tục quá phong phú chỉ vì chúng ta khó tính. Đúng hơn, Mùa Vọng chay tịnh, chịu đựng, cái “chưa” này đem lại tiếng nói và hình dạng cho những niềm khao khát sâu xa nhất của chúng ta về hòa bình, về sự sửa chữa, về sự cứu rỗi trong một thế giới tan vỡ.
Phong cảnh Tháng Mười Hai ảm đạm tạo tông màu. Tháng Mười Hai là tháng đầu tiên chúng ta thực sự im lặng bên ngoài. Những chiếc lá rơi xuống, hầu hết các động vật đã ngủ đông, đa số chim chóc đã di cư. Những cơn gió mạnh thổi qua những thân cây trơ trụi như băng giá. Đêm mùa đông dài làm ngày ngắn lại. Nếu chúng ta chú ý, đó là sự im lặng và bóng tối cần được lấp đầy.
Đúng vậy, Mùa Vọng là mùa sám hối, nhưng Mùa Vọng ngày càng tươi sáng hơn và hy vọng hơn khi Lễ Giáng Sinh đến gần. Các bài đọc trong Thánh Lễ hằng ngày bắt đầu với những lời tiên tri khủng khiếp về Bốn Điều Cuối Cùng, sau đó đưa chúng ta đến lời kêu gọi sám hối đầy khích lệ của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, cuối cùng là sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Đó là mùa của sự khao khát, hy vọng được thực hiện, hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ giữ lời hứa của Ngài.
Chúng ta có vấn đề nghiêm trọng nào phải lo lắng hôm nay? Có. Luôn là thế. Truyền thống Mùa Vọng của các bài đọc về Gốc Giessê đưa chúng ta qua lịch sử cứu độ, nơi chúng ta thấy những câu chuyện sống động về sự trụy lạc, phản bội gia đình, huynh đệ tương tàn, loạn luân, chiến tranh, bao vây khủng khiếp, áp bức, ngẫu tượng, lừa dối. Không có gì mới dưới ánh mặt trời này.
Nếu chúng ta thắc mắc Chúa đang ở đâu trong bi kịch cá nhân hay hỗn loạn xã hội, chúng ta sẽ thấy rằng người Do Thái có thể hỏi điều tương tự sau khi họ bị trục xuất và tản mác khắp thế giới. Ngay cả sau khi trở về Giêrusalem, họ vẫn bị chinh phục và bị đè bẹp dưới sự chiếm đóng của La Mã. Các Thánh Vịnh và các tiên tri trong các bài đọc Thánh Lễ hằng ngày vang đi vọng lại niềm khao khát ơn cứu độ, với xác tín rằng các vấn đề của con người đã bị phá vỡ không thể hàn gắn được và chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta.
Những lời cầu nguyện và thánh ca Mùa Vọng cho chúng ta một tiếng nói, một lời cầu nguyện can đảm, nơi chúng ta có thể vật lộn với Thiên Chúa như Giacóp, kêu cầu Thiên Chúa như Giêrêmia. Đáp ca “O Antiphons” đem đến cho chúng ta nơi tĩnh tâm ám ảnh nhưng tốt đẹp trong tám ngày cuối cùng của mùa lễ, kêu cầu Thiên Chúa giống như lính gác chờ rạng đông. Các bài đọc ngày 20 tháng 12 có câu chuyện xuất sắc về Lễ Truyền Tin của Thánh Bernard – giống như sứ thần Gabriel, chúng ta chăm chú hướng về phía trước với toàn thể thụ tạo đang chờ đợi câu trả lời của Đức Maria; không giống sứ thần Gabriel, chúng ta âm thầm cầu xin lời “xin vâng” của Đức Maria bởi vì chúng ta vẫn rên siết trong tội lỗi và “bản án đè nặng lên chúng ta.”
Dù chúng ta có muốn thừa nhận hay không, Mùa Vọng – sự suy niệm sâu sắc về lịch sử cứu độ và nhấn mạnh đến sự tái lâm trong tương lai của Thiên Chúa – cho phép chúng ta thực sự thừa nhận và gọi tên khoảng trống có kích thước Thiên Chúa trong trái tim chúng ta và bi kịch xung quanh chúng ta. Chúng ta không thể bỏ qua nó bằng cách làm tê liệt bản thân bằng ẩm thực và âm nhạc.
Bước quan trọng đầu tiên để đối phó với nỗi buồn là thừa nhận sự tồn tại của nó. Chúng ta không thể làm điều đó bằng cách ăn mừng, cho dù chúng ta có cố gắng thế nào đi chăng nữa. Mùa Vọng mời gọi chúng ta tạm dừng, im lặng, suy ngẫm về sự kết thúc của cuộc sống và suy ngẫm về nguyên nhân của bệnh tật, cái chết và hận thù đang lan tràn khắp thế giới.
Nếu chúng ta dành thời gian để cầu nguyện và suy ngẫm, chúng ta sẽ thấy rõ hơn rằng tội lỗi của chúng ta là nguyên nhân – và Chúa Kitô là phương thuốc chữa lành. Không có nhạc Giáng Sinh trần tục, không có sự an ủi về tình cảm, không có bữa tiệc nào trước ngày lễ sẽ tiết lộ điều đó cho chúng ta. Chỉ có những người chăn chiên thận trọng mới gặp được Đức Kitô khi Ngài đến, chứ không phải những người vui chơi, chè chén,…
Lễ Giáng Sinh sẽ đến. Chúng ta sẽ có 12 ngày và cả một mùa tiệc tùng. Tùy sở thích truyền thống, bạn có thể tổ chức bữa tiệc trong 40 ngày cho đến Lễ Nến. Tuy nhiên, giống như Ebenezer Scrooge trong ca khúc “A Christmas Carol” của Dickens, người lần đầu tiên phải gặp những bóng ma giáng sinh như một phần của cuộc thanh tẩy cần thiết cho ngày thánh, trước tiên chúng ta phải vật lộn với các kỳ lão và tiên tri đã báo trước về sự diệt vong của thế giới – và sự xuất hiện của Chúa Kitô.
MATT HADRO
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Mùa Vọng – 2023