Home / Chia Sẻ / GẠN ĐỤC KHƠI TRONG

GẠN ĐỤC KHƠI TRONG

GẠN ĐỤC KHƠI TRONGTôi đã được hỏi những câu hỏi sau đây khi gia nhập dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ: “Tại sao muốn trở thành tu sĩ? Tại sao muốn trở thành linh mục dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ?” Lúc đó tôi tự hỏi tại sao lại bị hỏi những câu đó. Có phải nhà dòng không hài lòng với mong muốn từ bỏ mọi thứ của tôi để tham gia cùng họ?

Bây giờ nhìn lại, tôi quý trọng những câu hỏi đó hơn bao giờ hết. Những câu hỏi đó đã giúp tôi bắt đầu hành trình ơn gọi của mình để làm sáng tỏ động lực của tôi khi tìm cách trở thành một linh mục dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ. Nói rằng tôi muốn gia nhập một cộng đoàn tu trì thì chưa đủ. Tôi cũng phải hiểu rõ động lực thực sự của mình và nói rõ ràng nhất. Tôi đã phải tự hỏi mình những câu hỏi tương tự nhiều lần và làm rõ chúng nhiều hơn trong nhiều năm. Tôi đã học được rằng nếu không ta xem xét động lực của mình rõ ràng và trung thực, chúng ta không thể phục vụ Chúa và người khác một cách trung thành và hiệu quả.

Chúa Giêsu đã nói rất thẳng thắn về các luật sĩ và người Pharisêu đã nhận được quyền giảng dạy nhưng lại thi hành quyền này với những động lực rất xấu. Họ tìm kiếm tư lợi và lợi thế hơn những người khác. Vì động lực xấu, họ mù quáng không thấy được nhiều khác biệt giữa lời nói và hành động của mình: “Họ nói mà không làm.” (Mt 23:3) Họ trở thành những kẻ lừa đảo với mục đích duy nhất là được quý trọng và tôn trọng như những người công chính: “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘Rabbi’.” (Mt 23:6-7)

Rõ ràng là họ quan tâm nhiều hình thức bề ngoài mà người khác có thể nhìn thấy trong khi không quan tâm những gì Chúa nhìn thấy trong lòng họ. Trong khi tranh giành những chiếc ghế cao nhất trong các cuộc tụ họp dân sự và tôn giáo, họ không làm gì để giúp đỡ những người cần gương tốt và sự khích lệ: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.” (Mt 23:4-5) Bởi vì họ cứ cố chấp với những động lực xấu xa, nên họ trở nên không đáng để người khác noi gương: “Đừng có làm theo.” (Mt 23:3) Đàn chiên của Chúa quá quý giá nên Ngài không thể để họ bị dẫn dắt bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người đã gây tai tiếng cho các tín hữu vì những động lực sai trái của họ.

Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh hai động lực phải được đặt lên hàng đầu trong tâm trí khi chúng ta tìm cách làm bất cứ điều gì vì tình yêu và sự phục vụ Thiên Chúa. Động lực đầu tiên của chúng ta phải lấy Đức Kitô làm trung tâm vì “chúng ta chỉ có một thầy duy nhất là Đức Kitô.” (Mt 23:8-10) Chúng ta làm việc để đặt mọi sự và mọi người dưới sự thống trị của Đức Kitô bởi vì chúng ta yêu mến Đấng đã yêu thương chúng ta trước.

Động lực thứ hai của chúng ta phải là tông đồ. Chúng ta muốn phục vụ anh chị em của chúng ta vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta không lợi dụng người khác theo bất kỳ cách nào, làm ngơ họ hoặc cố gắng thống trị họ bởi vì “chúng ta chỉ có một người thầy và tất cả chúng ta đều là anh em.” (Mt 23:8-10) Chúng ta phục vụ họ và giúp đỡ họ vâng phục chủ quyền của Chúa Giêsu Kitô, và nhờ đó chia sẻ cuộc sống vinh quang mà Ngài ban cho chúng ta. Hãy lắng nghe động lực tông đồ của Thánh Phaolô qua những lời này: “Chúng tôi đã quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.” (1 Tx 2:8)

Hãy tưởng tượng cuộc sống có kết quả về mặt tinh thần mà chúng ta sẽ sống khi có hai động lực này trong mọi việc chúng ta làm. Chúng ta sẽ không sợ hãi bất cứ điều gì vì chúng ta không lệ thuộc vào chính mình, mà lệ thuộc vào Chúa Giêsu, Chúa duy nhất của chúng ta, trong mọi sự. Chúng ta có thể làm và chịu đựng những điều khó khăn và khó chịu trong cuộc sống này bởi vì chúng ta đang làm những điều đó để làm vui lòng Chúa Giêsu chứ không phải cho chính mình. Chúng ta có thể phục vụ Chúa Giêsu trong mọi điều kiện và tình huống của cuộc sống vì chúng ta không phục vụ Ngài vì những gì chúng ta có thể nhận được hoặc được lợi ích. Chúng ta không từ bỏ những cam kết theo ơn gọi của mình, nhưng chúng ta kiên trì thực hiện vì chúng ta thực hiện vì Chúa chứ không phải vì chính mình.

Chúng ta có thể hy sinh tất cả vì Ngài vì biết chắc chắn Ngài sẽ ban thưởng dồi dào cho chúng ta ở đời này và đời sau. Chúng ta sẽ không nản lòng vì tội lỗi hay những giới hạn của mình vì chúng ta không tự ý thức hay bận tâm đến sự thánh thiện hoặc niềm an ủi của mình. Chúng ta không quẫn trí khi người khác không đánh giá cao chúng ta hoặc nỗ lực của chúng ta, bởi vì chúng ta biết mình đang làm điều đó chủ yếu vì Chúa Giêsu. Cuối cùng, chúng ta có thể thực hành những gì chúng ta rao giảng vì chúng ta vừa rao giảng vừa hành động vì tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô. Đó là cách chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực chứ không phải những môn đệ gây tai tiếng.

Khi suy ngẫm về nhiều hành vi gây tai tiếng trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta nhận thấy động lực của nhiều người thiếu minh bạch và không trong sạch. Nhiều người cho rằng chỉ cần làm điều tốt là đủ. Họ không biết gì về động lực thực sự bên trong của mình. Họ làm ngơ những động lực ích kỷ và tư lợi của mình. Họ giả vờ rằng họ có ý tốt. Họ quá tập trung vào những hành động mà người khác có thể nhìn thấy, rồi bỏ qua những gì Chúa nhìn thấy trong lòng họ. Không có gì ngạc nhiên khi họ không thể cưỡng lại những cám dỗ, chịu đựng đau khổ hoặc kiên trì thực hiện những cam kết của mình cho đến cùng.

Là con cái của Đức Mẹ, chúng ta có thể hướng về Mẹ trong những lúc mà động lực của chúng ta quá ích kỷ hoặc thậm chí là mơ hồ. Đức Mẹ có một động lực trong sáng trong mọi việc: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38) Đức Mẹ cũng đổi mới và đào sâu động lực này cho đến lúc Mẹ đứng bên Chúa Giêsu trên Thập Giá. Đức Mẹ hoàn toàn chấp nhận động lực hoàn hảo của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chắc chắn Đức Mẹ có thể giúp chúng ta làm điều tương tự khi chúng ta tìm cách phục vụ Chúa Giêsu như Mẹ đã làm.

Với Đức Mẹ là mẫu gương và sự trợ giúp, chúng ta hãy thường xuyên xem xét động lực của mình trong mọi việc chúng ta làm trong cuộc sống này. Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta nhiều cơ hội để suy ngẫm về động lực phục vụ Ngài và người khác. Hầu hết sẽ là những khoảnh khắc đau đớn, thất bại, bị từ chối hoặc thất vọng. Một số khoảnh khắc đó sẽ là những khoảnh khắc thân mật với Chúa khi chúng ta cảm thấy Ngài mời gọi chúng ta làm theo ý Ngài vì lợi ích của người khác.

Chúng ta có thể sử dụng những khoảnh khắc quý giá đó để xem xét, làm rõ, đổi mới, thanh lọc và đào sâu động lực của mình. Khi động lực của chúng ta tập trung vào Chúa Kitô và việc tông đồ, chúng ta sẽ phục vụ Thiên Chúa và người khác một cách hiệu quả và trung thành, giống như Đức Mẹ đã làm.

NNAMDI MONEME, OMV

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Lễ Đức Mẹ Dâng Mình – 2023

Xem thêm

31-12-2024 5-26-46 PM

Lời Chúa – Thứ Tư Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Năm C | 01/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN