Home / Chia Sẻ / PHẦN RIÊNG

PHẦN RIÊNG

PHẦN RIÊNGNén Đời Chúa Trao Ai Cũng Một

Trách Nhiệm Con Nhận Là Phần Riêng

Dụ ngôn “những yến bạc” được Chúa Giêsu kể trong Mt 25:14-30 (≈ Lc 19:12-27) là “chuyện đời” rất cụ thể: Khi chủ nhân sắp đi xa, ông gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải. Ông trao cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi xa, và ông không hẹn ngày trở về.

Mỗi người đều nhận phần riêng là “yến bạc” cuộc đời – chỉ một mà thôi. Vấn đề là trách nhiệm – nhận ít thì trách nhiệm ít và bị đòi ít, nhận nhiều thì trách nhiệm nhiều và bị đòi nhiều. (Lc 12:48) Được giao nhiều hay ít không phải để phân bì, mà phải ý thức và chu toàn. Tác giả sách Giảng Viên xác định: “Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn; càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau.” (Gv 1:18) Nhận nhiều nén thì sướng hay khổ?

Theo lời kể của Thánh Mátthêu, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ về tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Giờ G đã điểm. Chủ nhân về tính sổ. Trước tiên, người đã lãnh năm yến tiến lại gần, và đưa năm yến khác. Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại và đưa hai yến khác. Chủ nhân nói với hai người này: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”

Và người đã lãnh một yến cũng tiến lại và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!” Chủ nhân thẳng thắn và nghiêm nghị nói: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Chủ nhân nói chí lý nên anh ta câm miệng. Nơi tối tăm mà anh ta phải vào chẳng phải là hang động âm u hoang vắng, thiếu ánh sáng, cũng chẳng phải là chốn Luyện Hình, mà chính là Hỏa Ngục – vương quốc ma quỷ. Thật đáng sợ vì phải ở đó đời đời!

Là đầy tớ của Chủ nhân Thiên Chúa, mỗi chúng ta đều được Ngài trao cho đồng đều: Nhân vị, nhân phẩm, nhân quyền, quyền tự do – và có thể thêm một vài năng khiếu nào đó. Mỗi người được Ngài trao cho số nén, loại nén, và kiểu nén khác nhau, vấn đề quan trọng là chúng ta có sinh lời hay không, tức là thể hiện vì công ích – lợi ích cho chính mình và tha nhân. Chỉ làm lợi cho mình là ích kỷ. Muốn lên Thiên Đàng một mình cũng là ích kỷ.

Chúng ta như bức tượng được điêu khắc gia tạo ra, bức tượng không có quyền than phiền bất cứ điều gì đối với tác giả. Chắc chắn không ai là kẻ bất tài, người này có tài này, người khác có tài khác; người này giỏi trong lĩnh vực này, người khác giỏi trong lĩnh vực khác. Không có nông dân thì chúng ta lấy gì mà ăn? Không có thợ xây thì chúng ta lấy gì mà ở? Có bất cứ tài gì (dù là tài vặt) cũng là để cộng tác với Thiên Chúa chứ không phải là để vinh danh mình. Hơn người khác về lĩnh vực nào đó thì đừng ảo tưởng mình được Thiên Chúa “ưu tiên” hơn hoặc “cưng” hơn.

Mặc dù là một vĩ nhân nhưng Pythagore (570-495 trước công nguyên) vẫn khiêm nhường. Và ông cảnh báo: “Đừng thấy bóng mình to lớn mà tưởng mình vĩ đại.” Ông là một thiên tài vĩ đại (triết gia, nhạc sĩ, chính trị gia, nhà đạo đức học, nhà toán học, nhà siêu hình học,…), nhưng ông rất sợ thói kiêu ngạo. Chúng ta chẳng là gì mà dám tự tôn hoặc khinh người khác, vì ai chỉ có một thứ duy nhất: Tội lỗi. Và rất nhiều thứ này!

Ông Gioan đã minh định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Bất kỳ cái gì chúng ta lãnh nhận không phải để sở hữu riêng mà phải thực hiện vì công ích. Đức khiêm nhường là bài học phải học suốt đời, và chỉ có thể học được ở Trường Học Thầy Giêsu, đúng như lời Ngài khuyên: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11:29) Người khiêm nhường dễ dàng sinh lời “nén trách nhiệm” mà Thiên Chúa đã giao. Trách nhiệm là phần việc riêng phải làm xong, bổn phận làm không tốt thì phải chịu hậu quả.

Mức độ trưởng thành của một con người dựa vào tinh thần trách nhiệm của họ đối với người khác và với chính mình. Nữ chính khách Anna Eleanor Roosevelt (1884-1962) nói: “Về lâu về dài, chính chúng ta sẽ định hình bản thân con người chúng ta và cuộc sống của chúng ta. Quá trình đó không bao giờ kết thúc cho tới khi ta chết. Rốt cuộc thì chúng ta luôn phải gánh chịu mọi trách nhiệm về chính sự lựa chọn của mình.” Thật chí lý với nhận định của triết gia Elbert Hubbard (1856-1915, Hoa Kỳ): “Responsibility is the price of freedom.” (Trách nhiệm là cái giá của sự tự do.)

Thiên Chúa toàn năng và thấu suốt mọi sự, Ngài trao cho mỗi người phần việc riêng theo ơn gọi của mình, đó là “yến bạc” mà ai cũng phải cố gắng hoàn thành một cách xuất sắc nhất. Trách nhiệm có liên quan các vấn đề khác: [1] Nhân phẩm, [2] Công ích, [3] Bổ trợ, [4] Liên đới. Đó là bốn nguyên tắc chính trong Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo. Công ích là ích lợi chung, đồng thời cũng là trách nhiệm chung của mọi người – bất kể ai, dù có niềm tin tôn giáo hay vô tín ngưỡng.

Giáo huấn Xã hội Công giáo cho biết: “Công ích được hiểu như là những điều kiện xã hội cho phép mọi người đạt đến trọn vẹn tiềm năng con người và nhận ra nhân phẩm của mình.” Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nguyên tắc công ích cho thấy nhu cầu về các cơ cấu quốc tế để có thể thúc đẩy sự phát triển cá nhân và gia đình vượt ra khỏi ranh giới quốc gia và khu vực. Sự thiếu vắng cảm thức về công ích là dấu chỉ chắc chắn về sự xuống cấp của xã hội. Cảm thức cộng đồng bị xói mòn sẽ dẫn đến các dạng suy thoái về công ích, từ đó có thể dẫn tới các hệ lụy khác.

Thánh Phaolô cũng đề cập công ích: “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào. Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Thật thế, việc phục vụ cho công ích này không những đáp ứng nhu cầu của của các người trong dân thánh, mà hơn thế nữa, còn là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa. Việc phục vụ này là một bằng cớ cho họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Kitô, và vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ với họ và với mọi người.” (2 Cr 9:10-13) Thực hiện công ích cũng là thực thi Đức Ái – nhân đức cần thiết.

Nền tảng của xã hội là gia đình – nơi công ích được thể hiện rõ nét. Kinh Thánh nói: “Tìm đâu ra một người vợ đảm đang? Nàng quý giá vượt xa châu ngọc. Chồng nàng hết dạ tin tưởng nàng, chàng sẽ chẳng thiếu chi lợi lộc. Suốt đời, nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai hoạ cho chồng. Nàng tìm kiếm len và vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc.” (Cn 31:10-13) Hậu phương là sức mạnh của tiền tuyến. Người vợ âm thầm làm việc, với biết bao việc “không tên,” nhưng các “việc nhỏ” đó lại rất cần thiết để duy trì hạnh phúc gia đình, tạo nên Tổ Ấm thực sự.

Thiên Chúa quan phòng và tiền định, Ngài phú cho nữ giới có tính cách đặc biệt: “Nàng tra tay vào guồng kéo sợi, và cầm chắc suốt chỉ trong tay. Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ và đưa tay cứu kẻ khốn cùng.” (Cn 31:19-20) Tính cách đã đặc biệt rồi, mà cái tâm cũng khác lạ: Hy sinh, nhịn nhục, chịu đựng,… Nàng dịu hiền vì nàng là phụ nữ. Quả thật, nét dịu dàng rất cần ở phụ nữ, ca dao đã đặt vấn đề như lời nhắc nhở nữ giới: “Có ai bán cái dịu dàng, tôi mua một gánh tặng nàng làm duyên.”

Nữ giới cần dịu dàng, nam giới cần cứng rắn. Trái ngược nhau nhưng không đối lập, mà để bổ túc lẫn nhau. Nét duyên dáng rất cần, nhưng đừng yểu điệu quá hóa kiểu cách, phản tác dụng. Kinh Thánh nói: “Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân. Người phụ nữ kính sợ Đức Chúa mới đáng cho người đời ca tụng. Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra. Ước chi nơi cổng thành nàng luôn được tán dương ca tụng do những việc nàng làm.” (Cn 31:30-31) Nét duyên dáng tâm linh mới thực sự cần thiết, nhất là đối với các phụ nữ là Kitô hữu – cả giáo dân và nữ tu. Loại nào cũng có dạng “chảnh” của loại đó, đừng tưởng bở!

Thiên Chúa ban cho người ta những thứ cần thiết để sống. Ai cũng có nhân vị, nhân phẩm, và nhân quyền. Ngày nay, cả đời và đạo không còn nhìn nữ giới bằng “nửa con mắt” như trước, theo kiểu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô,” nhưng đã có tầm nhìn sâu rộng hơn về vị trí của họ. Kinh Thánh nói: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái, và bầy con tựa những cây ôliu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.” (Tv 128:1-3)

Hình ảnh gia đình hạnh phúc được mô tả rõ nét, phụ nữ có vị trí nhất định, khó có thể thay thế. Thánh Vịnh 128 rất quen thuộc vì thường được dùng làm đáp ca trong các lễ cưới, đặc biệt là lễ Thánh Gia. Gia đình là hình ảnh của Giáo Hội luôn đầy tràn hồng ân của Thiên Chúa. Thánh Vịnh gia xác định và cầu chúc: “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.” (Tv 128:4-6)

Đó là niềm hạnh phúc đáng mơ ước, vì hạnh phúc đó chính là nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Có một câu nhắc nhở người ta thường nói: “Đừng ngủ quên trên chiến thắng!” Lời cảnh báo rất cần thiết, bởi vì con người dễ ảo tưởng mà tự mãn. Khi nghèo, người ta biết thương nhau, nhưng khi giàu, người ta dễ xa nhau. Ma quỷ rất mưu mô và xảo quyệt, nó tìm cách giành lấy linh hồn của chúng ta nên nó dùng chính sự kiêu ngạo để gài bẫy chúng ta. Được người ta khen ngợi khi chúng ta làm được điều gì đó “hay ho” một chút, chúng ta rất dễ “lên mặt,” cứ tưởng mình là “cái rốn” của vũ trụ, cứ tưởng mình có cả một bụng chữ, rồi coi thường người khác. Cụ thi hào Nguyễn Du đã khuyến cáo: “Có tài mà cậy chi tài, chữ TÀI liền với chữ TAI một vần.” (Truyện Kiều, câu 3247-3248) Và cụ nhắn nhủ: “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI.” (Truyện Kiều, câu 3252) Những mẫu tự T mang ý nghĩa khác nhau, T tốt và T tồi. Cái Tôi luôn đáng ghét!

Về ngoại hình đối với nữ giới (kể cả nam giới), khi thấy mình có ngoại hình chỉ “coi được” một chút là đã “chảnh” lắm rồi, cộng thêm “giỏi” một chút nào đó nữa thì mức độ càng tăng thêm. Thậm chí ngay cả khi làm công việc đạo đức, từ thiện, công ích,… người ta cũng “dám” lấy ngoại hình của mình mà “đè bẹp” người khác. Chính mình “chảnh” mà lại không nghĩ là mình “chảnh,” và họ quên rằng “sắc đẹp là những cánh hoa hồng sẽ bị thời gian tỉa dần.” Vì nông cạn mà ảo tưởng, thật là nguy hiểm vô cùng! Hãy đọc lại và ghi nhớ câu Kinh Thánh này: “Duyên dáng là giả trá, sắc đẹp là phù vân.” (Cn 31:30) Nam giới cũng vậy thôi!

Người ta nói: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền.” Thật vậy, TẬT NHỎ có thể dẫn tới TỘI TO. Những cái đơn giản dẫn tới những cái phức tạp, những cái nhỏ dẫn đến những cái lớn, những cái xa dẫn tới những cái gần, hoặc ngược lại, tiệm tiến và lung khởi. Thánh Phaolô căn dặn: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói: ‘Bình an biết bao, yên ổn biết bao!’ thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống, tựa cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai, và sẽ chẳng có ai trốn thoát được.” (1 Tx 5:1-3)

Ý tưởng tỉnh thức thường xuyên xuất hiện trong Phúc Âm bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt vào thời điểm cuối năm Phụng Vụ, Mùa Vọng và Mùa Chay. Người khôn ngoan là người sống tỉnh thức, sống vì công ích, và công ích có liên quan đức ái – một trong ba nhân đức đối thần quan trọng trong đời sống Kitô hữu. Thánh Phaolô giải thích: “Thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy TỈNH THỨC và SỐNG TIẾT ĐỘ.” (1 Tx 5:4-6)

Có lần Chúa Giêsu vừa so sánh vừa xác định: “Con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng.” (Lc 16:8) Cái “khôn ngoan” ở đây không phải là một lời khen, mà là một lời cảnh báo và chê trách. Khôn ngoan ở đây là khôn ranh, ranh ma, ranh mãnh, mưu mô, xảo quyệt. Ngôn ngữ bình dân ngày nay gọi là “đểu,” họ không “đểu giả” mà “đểu thật” đấy. Cẩn tắc vô áy náy!

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin gia ân tăng lực để chúng con ý thức sống tích cực và sinh lời phần Ngài đã giao phó cho chúng con, xin cho chúng con biết Ngài và biết mình để có thể đè bẹp “cái tôi” của chúng con, xin biến sự vô dụng của chúng con thành hữu ích cho chúng con và tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Tỉnh Thức Chờ Chúa – https://youtu.be/PjKN0qKCBCk

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …