Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 32A TN

Mười Người Trinh Nữ

(Mt 25, 1-13)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Mt 25, 1-13cDụ ngôn mười trinh nữ (Mt 25:1-13) Giêrusalem, thứ ba, tháng 4 năm 30

1 ”Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể. 2 Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. 3 Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. 4 Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. 5 Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. 6 Nửa đêm, có tiếng la lên: “kìa chú rể, ra đón đi!” 7 Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. 8 Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” 9 Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn”. 10Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. 11Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” 12Nhưng Người đáp: “tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!” 13Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.

1.Với con mắt người Tây Phương, thì đây là một truyện giả tạo, không tự nhiên (1-13)

1.1.Cưới là dịp trọng đại

Nhưng thực tế lại là truyện rất thường tại Palestin xưa cũng như nay. Cưới là dịp trọng đại; người ta nói, cả làng, từ 6 đến 60 tuổi, ra chúc mừng, đi theo cô dâu chú rể về nhà mới; đi càng dài càng tốt để uyên ương có dịp được chúc mừng. Pháp Sư cho rằng người ta có thể nghỉ học luật để đến chia sẻ niềm vui với đám cưới. Sau đám cưới, vợ chồng mới ở tại nhà, mở cổng suốt tuần, để người người tới chung vui. Vợ chồng mới được xưng hô đối xử như hoàng tử và công chúa. Thực sự đó là tuần hạnh phúc nhất đời họ. Vào những lễ lạy trong tuần đó bạn bè thân thiết được nhận vào. Vì thế những trinh nữ điên rồ không chuẩn bị, đã đánh mất không những chính lễ hôn nhân mà cả một tuần hân hoan. Họ đánh mất ra sao là truyện hoàn toàn có thật.[1]

1.2.Chàng rể đến bất thình lình

Dr.J.Alexander Findley kể chính ông đã gặp ‘khi tới gần cổng thành, chúng tôi thấy 10 cô gái, y phục sặc sỡ, vừa ca hát vừa nhẩy múa trên đường ngay trước xe chúng tôi. Hỏi ra thì biết họ đang tháp tùng cô dâu chờ đến khi chú rể đến. Tôi hỏi có dịp thấy đám cưới không, người dẫn đầu lắc đầu nói ‘có thể tối nay hay tối mai hay hai tuần nữa, không ai biết chắc… vì thế chú rể đến bất thình lình, đôi khi còn đến lúc nửa đêm. Nên cần phải sai người đi trước loan báo ‘chú rể đến, chú rể đến’. Và điều đó cũng đến bất ngờ.

1.3.Ban đêm không ai ra đường mà không có đèn

Một điểm nữa là ban đêm không ai ra đường mà không có đèn, và khi chú rể đã tới, cổng nhà cưới đã đóng, thì không ai được nhận vào…’. thảm kịch trong dụ ngôn Chúa nói lại tái diễn trong thế kỷ hai mươi. Cũng như nhiều dụ ngôn khác, dụ ngôn này có hai ý nghĩa, địa phương và phổ quát. Ý nghĩa địa phương trực tiếp ám chỉ người Do Thái. Là dân được chọn, họ phải chuẩn bị đón Con Thiên Chúa, vậy mà khi Người đến, họ lại không sẵn sàng!… [2]

2.Dụ ngôn cho biết hai cảnh cáo thông thường

2.1.Phải có sẵn năng khiếu hay tư cách cho một công việc khi được trao phó

Có những điều không thể làm trong phút chót, như thí sinh không thể đến phút chót mới chuẩn bị thi; phải có sẵn năng khiếu hay tư cách cho một công việc khi được trao phó… cũng thế, khi Thiên Chúa đến mà công việc lại không làm xong. Lúc Mary of Orange sắp chết, cha tuyên úy tới thăm, úy lạo về phần rỗi, bà cho biết bà không để công việc đó đến lúc này! Quá trễ luôn luôn là một thảm kịch.

2.2.Nhiều điều không thể mượn

Những trinh nữ khờ dại không thể mượn dầu. Không thể mượn mối thân tình với Thiên Chúa; đức tính, làm sao mượn được. Không thể sống nhờ vốn liếng thiêng liêng người khác đã thâu lượm. Có những điều ta phải tự mình sắm lấy hay chiếm hữu vì không thể mượn từ người khác… Tennyson dùng dụ ngôn này để nói về hoàng hậu Guinevere khi thấy cái giá của tội quá trễ: “trễ, trễ, quá trễ! Màn đêm đen, giá lạnh đã ập xuống rồi! Trễ, trễ, quá trễ! Song ta có thể vào. Trễ, trễ, quá trễ! Song người không thể vào. Vì không còn ánh sáng để ăn năn; Nếu biết thế, thì chú rể sẽ mềm lòng. Nhưng trễ, trễ, quá trễ! Ngươi không thể vào. Không đèn vì quá trễ! Và đêm đen giá lạnh khắp nơi! Nào, xin cho vào, để có thể tìm thấy ánh sáng! Nhưng trễ, trễ, quá trễ: ngươi không thể vào. Nào đã chẳng nghe nói chú rể duyên dáng ngọt ngào? Hãy cho tôi vào, hầu tôi được hôn chân Người! Không, không, vì đã quá trễ! Ngươi không thể vào”.[3]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Khi đọc dụ ngôn này, chúng ta thắc mắc nhiều điều vì phong tục cưới hỏi của người Palestine thời Chúa Giêsu khác với phong tục của chúng ta ngày hôm nay.

Muốn hiểu dụ ngôn 10 cô trinh nữ đón chàng rể, Chúng ta nên biết qua phong tục của người Do Thái. Trong chuyến du lịch Palestine, tiến sĩ Alexander Findlay kể lại như sau: ”khi chúng tôi đến gần cổng một thị xã Galilê, tôi thấy 10 cô gái vẫy tay và đánh đàn vui vẻ, nhảy múa dọc theo con đường phía trước xe chúng tôi.

Tôi hỏi họ đang làm gì vậy? Người hướng dẫn trả lời là họ ra nhập bọn với cô dâu chờ chàng rể đến.

Tôi hỏi anh ta liệu tôi có dịp thấy đám cưới này không, anh lắc đầu đáp: ”có thể tối nay, tối mai hay có khi cả hai tuần lễ nữa, không ai biết chắc lúc nào đám cưới cử hành”.
Đoạn anh tiếp tục giải thích rằng: một trong những niềm vui lớn nhất trong một đám cưới trung lưu ở Palestine là làm sao bắt gặp nhà gái đang ngủ, vì vậy, chàng rể thường đến bất ngờ, đôi khi vào lúc nửa đêm.

Nghĩa là việc đó có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nên nhà gái phải luôn luôn sẵn sàng đi ra đường để đón chàng rể khi chàng đến. Và một điều cần phải lưu ý nữa là không ai được phép ở ngoài đường sau khi trời tối nếu không có đèn.

Khi chàng rể đến và cửa đóng lại thì những người đến trễ không được phép vào. Đó là toàn thể quang cảnh dụ ngôn mà Chúa Giêsu nêu ra hôm nay. Dụ ngôn có nhiều chi tiết nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn dựa vào phong tục rước dâu để nói lên sự tỉnh thức và sẵn sàng.

– Sẵn sàng có nghĩa là chuẩn bị đầy đủ. Như trong dụ ngôn, người ta không trách các cô đã ngủ, nhưng trách các cô đã không dự trù đủ số dầu. Các cô đã không chuẩn bị kỹ để ứng phó với tình thế có thể xảy ra.

– Sẵn sàng có nghĩa là biết lãnh trách nhiệm chứ không phải là cậy dựa vào người khác.

Các cô khờ dại chắc có lẽ đã nghĩ rằng: nếu thiếu dầu sẽ nhờ các bạn giúp, nhưng không thể được, vì dầu đèn ở đây là đức tin, lòng mến và các việc lành. Mỗi người chúng ta đã được nhận lãnh ánh sáng đức tin. Đức tin cần được trau dồi, hun đúc và chăm nom bảo vệ như cô phù dâu lo lắng cho đèn dầu đầy đủ. Có đèn mà không dầu thì đèn trở thành vô ích. Cuộc sống đạo mà không có đức tin soi đường dẫn lối, thì chúng ta sẽ đi trong tối tăm và lạc hướng.

Chúa ban cho mỗi người một khả năng để tự lo liệu. Chúng ta không thể dựa vào việc lành của người khác khi ra trình diện trước mặt Chúa, như các cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan: ‘các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả’ (Mt 25,8). Không được. Đức tin, lòng mến và việc lành không thể cho vay mượn được. Mỗi người phải sống và thực hành đức tin và lòng mến của mình. Khi chúng ta ra trước mặt Chúa với chính đức tin, lòng mến và việc lành của chính chúng ta chớ không phải của ai khác. Đó là lý do chính đáng mà các cô khôn ngoan nói với các cô khờ dại: “e không đủ cho chúng em và các chị, các chị hãy ra hàng mà mua thì hơn”

Thế rồi chàng rể đến “rồi người ta khoá cửa lại.” Không phải chỉ khép mà khoá lại (locked). Những cánh cửa mở rộng đón khách, nay được khoá lại. Những thực khách bên trong đang hưởng sự vui mừng hớn hở của bữa tiệc. Họ chấm dứt những giây phút mong đợi dài dằng dặc. Những ai ở ngoài là vĩnh viễn ở ngoài. Họ đã hoang phí thời giơ, sức lực vào những công việc vô ích, không dự trữ dầu đèn đầy đủ nên họ đã để lỡ một cơ hội ngàn vàng. Chính vì vậy Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn bằng lời khuyên: “vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (Mt 25,13).

Vậy tỉnh thức như thế nào?

Chúng ta hãy nghe câu chuyện xảy ra cách đây hơn 1900 năm, núi lửa Vésuve đã phun ở Italia.

Khi núi lửa ngưng phun lửa, thành phố Pompéi đã bị chôn dưới lớp phún thạch tới 18 bộ (gần 6 mét). Thành phố vẫn giữ nguyên dạng như thế mãi đến thời gian gần đây, khi các nhà khảo cổ khai quật lên.
Mọi người cũng phải ngạc nhiên về những điều khám phá được… phún thạch đã làm chết cứng mọi người ngay trong tư thế họ đang có khi cơn đại họa đổ xuống. Các thân xác người ta đều bị hư hoại. Trong khi hư hoại, chúng để lại những lỗ trống trong lớp tro cứng. Bằng cách đổ dung dịch thạch cao vào những lỗ trống, các nhà khảo cổ học có thể khôi phục lại hình hài các nạn nhân. Chính những nạn nhân này đã gây xúc động. Chẳng hạn có một thiếu phụ đang ôm chặt đứa con vào lòng, hoặc một anh lính gác Rôma đang đứng thẳng người nơi trạm gác, trên người còn trang bị vũ khí. Anh ta vẫn thầm lặng trung tín với phận sự tới lúc cuối cùng… nhưng cũng có người chết đang lúc nhậu nhẹt, có người đang đánh nhau để tranh dành một số tiền.[4]
Sự kiện này nói lên điều Chúa muốn nhắc nhở chúng ta: ”vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào” (Mt 25,13). Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.321

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.321

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.321-322

[4] Cf M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 322-323

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …