Home / Chia Sẻ / TIỆC CƯỚI

TIỆC CƯỚI

TIỆC CƯỚIThiên Chúa Mời Chung Vui Tiệc Cưới

Tín Nhân Đến Tận Hưởng Thiên Đàng

Tiệc cưới là tiệc mừng, nhưng chủ tiệc chỉ mời người thân quen và có thế giá. Người ta vui khi được mời dự tiệc này. Nhưng Tiệc Cưới Nước Trời khoản đãi mọi người, bất cứ ai cũng được mời, không phân biệt gì. Lời mời gọi chân thành của Thiên Chúa dành cho mọi người là dụ ngôn Tiệc Cưới vì Ngài không muốn ai phải hư mất, (Mt 18:14) Ngài rất muốn tất cả chúng ta trở nên hoàn thiện để xứng đáng được phúc trường sinh.

Dụ ngôn là đặc điểm Chúa Giêsu dùng khi giáo huấn hoặc loan báo Nước Trời. Một hôm, qua trình thuật Mt 22:1-14, Ngài nói rằng Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Ông sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Ông lại sai gia nhân đi mời quan khách đã được mời, nói rõ rằng cỗ bàn đã dọn xong, cao lương mỹ vị đã sẵn sàng. Nhưng rồi họ cũng không đến – kẻ đi thăm trại, người đi buôn bán, kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và sát hại.

Nghe gia nhân tâu lại, nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới, vì những kẻ đã ĐƯỢC MỜI lại KHÔNG XỨNG ĐÁNG. Tuân lệnh vua, các đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp bất kỳ ai cũng mời cả vào phòng tiệc cưới, không phân biệt họ là người xấu hay người tốt.

Đến thời điểm quan trọng: cử hành hôn lễ. Khi nhà vua tiến vào và quan sát các thực khách trong phòng tiệc, ông chợt thấy ở đó có người KHÔNG mặc y phục lễ cưới nên hỏi tại sao không có y phục lễ cưới. Người ấy nín thinh. Nhà vua bảo những người phục vụ: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được GỌI thì nhiều, mà người được CHỌN thì ít.” Thật đáng buồn và sợ hãi!

Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Gọi nhiều, chọn ít.” Phải chăng có ít người được vào Nước Trời? Rất có thể. Bởi vì người ta chỉ “giật mình” khi nghe lời Chúa “chạm” đến mình, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Con người vốn yếu đuối, dễ “lờn thuốc,” không cố gắng thì lại “ngựa quen đường cũ,” lại sa đà ngay. Có phải chúng ta đã được “cài đặt” mặc định với cái tên “Nguyễn Y Vân” (vẫn y nguyên) hoặc “Vũ Như Cẩn” (vẫn như cũ) chăng? Người ta cũng thường nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.” Thực sự rất khó để “cởi bỏ” con-người-cũ để có thể “mặc lấy” con-người-mới. Vì thế, phải tỉnh thức, phải nỗ lực rất nhiều, nỗ lực không ngừng, nỗ lực triền miên. Ước gì chúng ta được là người có tên trong danh sách “số ít” được bước vào Thiên Quốc!

Hằng ngày chúng ta được mời gọi tham dự hai bàn tiệc: Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Thật vậy, trong mỗi Thánh Lễ, linh mục đại diện Chúa Giêsu vẫn tha thiết mời gọi: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.” Thật là diễm phúc nếu chúng ta đón nhận chính Đức Giêsu Kitô vào lòng để được hòa tan vào Ngài, tâm sự với Ngài. Sau khi rước lễ, hãy dành những giây phút ngắn ngủi vô giá đó để “hòa tan” vào Đức Giêsu Kitô – hòa tan cả linh hồn và thể lý.

Chúa Giêsu luôn muốn ở trong chúng ta, Ngài không muốn chúng ta xa rời Ngài dù chỉ thoáng chốc, nên Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để được ở trong chúng ta, đúng như lời hứa của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:20) Tình yêu của Chúa Giêsu quá lớn, chúng ta không thể hiểu thấu. Kinh Thánh nói: “Người no, tảng mật cũng coi thường, kẻ đói thấy đắng cay cũng ngọt.” (Cn 27:7) Người ta phải nhận biết mình “đói khát” thì mới mau mắn chấp nhận lời mời dự tiệc của Lòng Chúa Thương Xót, Tiệc Cưới Nước Trời vĩnh hằng, nếu không thì không muốn đi dự tiệc mặc dù đã được mời rất sớm.

Lòng thương xót của Thiên Chúa vô hạn, Chúa Giêsu xác định: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, KHÔNG MUỐN cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18:14) Thật vậy, qua ngôn sứ Êdêkien, Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa: “Ta lấy mạng sống Ta mà thề, Ta CHẲNG VUI gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng VUI khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Ed 33:11) Đến thời chúng ta, Chúa Giêsu lại xác định qua Thánh Faustina: “Ta KHÔNG MUỐN PHẠT nhân loại, mà chỉ MUỐN CHỮA LÀNH, muốn đưa nhân loại vào TRÁI TIM THƯƠNG XÓT của Ta.” (Nhật Ký, 1588) Đó là cách Chúa động viên đừng thất vọng, nhưng phải tín thác và tu thân. Thất vọng về mình cũng là một dạng kiêu ngạo!

Ánh sáng Thiên Chúa chiếu soi để chúng ta biết đi theo con đường nào và phương hướng nào: “Đức Chúa sẽ là ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi ngươi, ánh quang huy của ngươi là Thiên Chúa ngươi thờ.” (Is 60:19) Tất cả chúng ta đều nhận được Thiệp Mời tham dự Thánh Tiệc Thiên Quốc, nhưng đi hay không tùy mỗi chúng ta, Ngài không ép buộc. Người Việt chúng ta thường nói: “Ăn có mời, làm có khiến.” Ở đây không có ý tiêu cực hoặc thụ động, nhưng có ý nói phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp. Người ta cũng so sánh: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Chắc hẳn ai cũng đã hơn một lần đi dự tiệc: Cưới hỏi, tân gia, đầy tháng, thôi nôi, khai trương,… Không mặn nhiều cũng mặn ít, đơn giản nhất là tiệc trà. Trẻ em ngày nay cũng “luân phiên” mời nhau dự tiệc sinh nhật. Phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng đôi khi cha mẹ đã lợi dụng dịp vui của con cái vì “mục đích” riêng của mình!

Cổ nhân có câu: “Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên.” – Nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu. Thật thấm thía ý tứ sâu sắc của tiền nhân. Câu này có nguồn gốc trong Hán Thư: “Vương giả dĩ dân vi thiên, nhi dân dĩ thực vi thiên” – Vua chúa lấy dân làm trời, nhân dân lấy (cái) ăn làm trời.” Quả thật, ăn là vấn đề cần thiết, vì liên quan vấn đề sinh tồn: “Có thực mới vực được đạo.” Chuyện ăn uống bình thường mà khác thường, cần có văn hóa, và là bài học thứ nhất trong bốn thứ phải học đầu tiên trong đời người: Học ĂN, học NÓI, học GÓI, học MỞ. Có thể nói rằng thực phẩm cần như khí trời để hít thở, như điều kiện “ắt có và đủ” vậy. Nhưng phải lưu ý, bởi vì miếng ăn có thể là vinh dự hay nhục nhã.

Từ ngàn xưa, ngôn sứ Isaia thông báo: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ ĐÃI muôn dân MỘT BỮA TIỆC: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.” (Is 25:6) Toàn là cao lương mỹ vị, rất ngon lành, đáng mơ ước lắm. Không chỉ vậy mà còn hơn thế nữa, niềm vui tăng gấp bội: “Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước. Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người.” (Is 25:7-8) Vì thế, thiên hạ sẽ cùng nhau râm ran vào ngày trọng đại ấy: “Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ. Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.” (Is 25:9) Rạch ròi hai năm rõ mười: “Bàn tay Đức Chúa sẽ đặt trên núi này mà nghỉ. Còn Môáp sẽ bị giày đạp ngay tại chỗ, như rơm bị nghiền nát trong hố phân.” (Is 25:10) Điều Chúa hứa chắc chắn xảy ra vào thời điểm thích hợp.

Luôn cần có Đức Tin, vì đó không chỉ là một nhân đức mà còn là một hồng ân. Tin có Chúa thì có Chúa trong lòng, có Chúa rồi thì chẳng gì khiến người ta xao xuyến: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (Tv 23:1-3) Sự thật minh nhiên, đúng như Thánh Vịnh gia đã từng xác định: “Hãy KÝ THÁC đường đời cho Chúa, TIN TƯỞNG vào Người, Người sẽ RA TAY.” (Tv 37:5) Đó là hành động của Đức Tin, hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa, Đấng quan phòng và tiền định. Những người thực sự tín thác vào Chúa thì chẳng gì làm họ sợ hãi, họ luôn hướng về Chúa mọi nơi và mọi lúc: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.” (Tv 23:4) Vả lại, chúng ta có lo cũng chẳng được, sợ cũng chẳng thoát. Tín thác là tốt nhất.

Kinh nghiệm cho thấy rằng cuộc sống luôn biến động. Nếu cuộc đời bình lặng sẽ gây nhàm chán. Chính gian khổ khiến người ta nên khôn, và là tiêu chí để biết mức độ hơn – kém. Sau gian truân, thử thách, đau khổ,… ai trung tín sẽ được Thiên Chúa tuyên dương công trạng: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa.” (Tv 23:5) Thật hạnh phúc, chắc hẳn người ta không thể trì hoãn niềm vui đó, phải chia sẻ với người khác: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên.” (Tv 23:6)

Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải.” (Pl 4:12-14) Tín nhân khả dĩ chấp nhận mọi thứ mà không than thân trách phận khi họ có Chúa trong lòng, với đức tin sâu sắc và mạnh mẽ, chắc chắn không gì có thể tách rời họ khỏi tình yêu của Đức Kitô, (x. Rm 8:35) vì họ luôn tâm niệm lời Ngài nhắn nhủ và động viên: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33)

Ai cũng sợ đau khổ, nhưng được Thiên Chúa báo trước và quyết tâm theo Ngài, người ta sẽ có thêm can đảm. Đã trải nghiệm với niềm tín thác kiên vững, Thánh Phaolô xác định để động viên các tín nhân: “Thiên Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu. Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời. Amen.” (Pl 4:19-20) Mọi lời Chúa hứa đều được hoàn tất, vì Ngài là Đấng tín thành.

Với kinh nghiệm tâm linh, Thánh Vịnh gia khuyến khích bằng lời mời gọi: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34:9) Ai đã cảm nghiệm sự ngọt ngào của Thiên Chúa thì hoàn toàn thay đổi lối sống, khác hẳn trước đó. Nhiều vị thánh đã chứng tỏ điều đó, chẳng hạn CP Bartolo Longo (1841-1926, lễ ngày 5-10) đã từng theo giáo phái Satanist (tôn thờ ma quỷ) và tự phong mình là linh mục của Satan, nhưng ngài đã trở lại nhờ cảm nghiệm sự ngọt ngào của Thiên Chúa, hoặc như Thánh Augustinô đã nuối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng.”

Thiên Chúa luôn mời gọi và chờ đợi mọi người đến với Ngài – bất cứ lúc nào, càng sớm càng tốt. Lòng Thương Xót của Ngài bất biến, nhưng chúng ta có được thương xót hay không là tùy thuộc chính mình. Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina: “Con hãy chuẩn bị thế giới cho cuộc giáng lâm chung tận của Ta. Con hãy nói cho thế giới biết về lòng thương xót của ta. Đó là dấu hiệu cho thời kỳ chung tận, sau đó sẽ phải đến ngày của công lý. Hãy nói cho các linh hồn về lòng thương xót lớn lao của Ta, bởi vì ngày kinh hoàng, ngày công lý của Ta đã gần kề.” (Nhật Ký 429, 848, 965)

Điều đó đang dần dần ứng nghiệm, càng lúc càng gần hơn: “Cuộc trở lại của Đức Kitô không còn xa.” (Đức Piô XII, triều đại 1939-1958), “Cuộc trở lại của Đức Kitô đã gần.” (Đức Gioan XXIII, triều đại 1958-1963) “Cuộc trở lại của Đức Kitô đã kề cận.” (Đức Phaolô VI (triều đại 1963-1978) “Hãy mở cửa đón Chúa Kitô.” (Đức Gioan Phaolô II, triều đại 1978-2005) Một “quy trình” tiệm tiến nhưng rất đáng lưu tâm!

Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin giúp chúng con có “áo cưới” xứng đáng khi tham dự Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thánh Thể. Xin đốt lửa mến để chúng con say yêu Thánh Thể và được hưởng Nguồn Sống dồi dào. Xin tạ ơn Ngài luôn cho chúng con tham dự Yến Tiệc Lòng Thương Xót, và xin cho chúng con được dự phần Thánh Tiệc Thiên Quốc mai sau. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

St. THOMAS

Suy niệm Tin Mừng KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ,Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – 03/7, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

TRỞ LẠI VỚI CỘNG ĐOÀN “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong …