Home / Chia Sẻ / VẺ ĐẸP SẼ CỨU THẾ GIỚI

VẺ ĐẸP SẼ CỨU THẾ GIỚI

VeDepsecuuTheGioiÍt nhất những điều trên đã được đề xuất bởi một số Kitô hữu rất vĩ đại – Dostoyevsky (hoặc ít nhất là hoàng tử Myshkin của ông trong The Idiot), Solzhenitsyn, Thánh Gioan Phaolô II, ĐGH Bênêđíctô XVI, và (theo nhiều cách khác nhau) vô số người khác. Tất nhiên, là các Kitô hữu, họ biết rằng Chúa đã cứu thế giới theo nghĩa mạnh. Và chỉ có Ngài mới có thể. Vậy chúng có thể có ý nghĩa gì?

Nó có thể liên quan nhiều đến một số đặc thù của thời hiện đại. Khi phát biểu nhận giải Nobel, Solzhenitsyn đã nêu lên câu hỏi cụ thể đó trên cơ sở “ba điều siêu việt”:

Có lẽ bộ ba Chân Thiện Mỹ cổ xưa không chỉ đơn giản là một công thức sáo rỗng, mờ nhạt như chúng ta vẫn nghĩ trong thời tuổi trẻ tự tin, ham vật chất? Nếu ngọn của ba cây này hội tụ, như các học giả xác định, nhưng những điều quá trắng trợn, quá trực tiếp của Chân và Thiện bị đè bẹp, bị chặt, không được phép xuyên qua – có lẽ những điều kỳ ảo, khó đoán, bất ngờ của Vẻ Đẹp sẽ vượt qua và bay lên ĐẾN CÙNG NƠI ĐÓ, làm như vậy sẽ hoàn thành công việc của cả ba?

Đó là một cách rất đầy hy vọng để nhìn vào mọi thứ ngày nay. Chúng ta biết rằng Sự Thật và Sự Thiện bây giờ vẫn đang bị lẫn lộn như xưa. Trong khi quá trình lý trí chậm chạp phục hồi cả hai, phải tìm ra cách nào đó để giải quyết tình trạng bế tắc lúc này. Chưa hết, vẻ đẹp (không viết hoa) cũng thường lừa dối và dường như có nhiều khả năng phá hủy thế giới, thiếu vắng niềm tin và lý trí.

Liệu Vẻ Đẹp thuộc một loại khác, Vẻ Đẹp siêu việt trong số những vẻ đẹp siêu việt khác, có thể thực sự cứu được cho chúng ta ít nhất một chút gì đó đã tạo nên, tiếp tục gắn kết chúng ta và toàn bộ nền văn minh của chúng ta lại với nhau?

Thánh Augustinô đã viết một câu nổi tiếng trong quyển X của cuốn Tự Thuật: “Con yêu Ngài muộn màng, Vẻ Đẹp quá cổ xưa và quá mới mẻ, con yêu Ngài muộn màng.” Tất nhiên, ý của thánh nhân là vẻ đẹp thần thánh, và trong cùng đoạn văn thậm chí còn chê sự gắn bó với những kiểu vẻ đẹp bình thường trên thế giới: “Những vẻ đẹp này đã khiến con đủ xa cách Ngài: ngay cả những thứ đó sẽ không hề có, trừ khi chúng ở trong Ngài.”

Tuy nhiên, Vẻ Đẹp vĩ đại hơn đó vẫn tồn tại và tỏa sáng trong những vẻ đẹp nhỏ hơn để những người có mắt có thể nhìn thấy. Hầu hết chúng ta cần tiếp xúc sâu hơn với ý nghĩa của điều đó – và không cần có chút hướng dẫn nào để phân biệt loại này với loại khác. Mặc dù những nỗ lực này phần lớn vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng có một số sáng kiến đang được tiến hành mà chúng ta có thể hy vọng sẽ đem lại kết quả tốt đẹp.

TGM Salvatore Cordileone, TGP San Francisco, đã có mặt tại thủ đô để quảng bá một chương trình vốn đã khá thành công: Viện Thánh Nhạc và Phụng Tự của Đức Bênêđíctô XVI. Hầu hết người Công Giáo đã nghe nói về vị tổng giám mục nhân lành này vì sự kiên quyết mục vụ của ngài trong việc từ chối cho bà Nancy Pelosi rước lễ và đấu tranh với các trường Công Giáo địa phương với nỗ lực giữ cho họ là người Công Giáo đích thực. Việc mục vụ công khai đó vẫn là một nhu cầu thiết yếu mà ngài và vài chục giám mục Mỹ khác đã chứng tỏ có đủ khả năng thực hiện.

Nhưng TGM Cordileone còn để mắt đến trò chơi lớn hơn nữa. Trong cuộc họp mặt tối Chúa Nhật, ngài nói về Thánh Lễ Công Giáo như nền tảng của nền văn minh của chúng ta và ba ngôn ngữ – Do Thái, Hy Lạp, Latinh – kết nối chúng ta với ba nền văn hóa vĩ đại đã sinh ra và vẫn là nền tảng duy nhất cho toàn bộ nền văn minh của chúng ta.

Vì điều đó (cũng như vì lý do hiển nhiên rằng phụng vụ tốt đẹp và vững chắc cũng giúp chúng ta hướng tới mục tiêu vô cùng quan trọng hơn là cứu rỗi linh hồn chúng ta) mà ngài đã thành lập và hỗ trợ Viện Bênêđíctô XVI – cố giáo hoàng là người đam mê âm nhạc đẹp của nhà thờ.

Tôi đã viết về “Thánh Lễ Mỹ Châu” (Mass of the Americas) của Viện Biển Đức XVI, một sáng tác tuyệt vời của Frank LaRocca dành riêng cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Đức Mẹ Guadalupe.

Ngày nay mọi người thản nhiên nói về chủ nghĩa đa văn hóa, theo đó họ thường có ý hạ thấp nền văn hóa Mỹ và Kitô giáo chính thống của chúng ta, đồng thời nâng các yếu tố “từ vùng ngoại vi” lên vị trí trung tâm. Kết quả thường ít ấn tượng hơn.

Ngược lại, “Thánh Lễ Mỹ Châu” dựa trên truyền thống âm nhạc cổ điển Tây phương, các tác phẩm dân gian Tây Ban Nha và dân bản xứ – thậm chí còn sử dụng Ave Maria ở Nahuatl có hiệu quả tốt, chính ngôn ngữ mà Đức Mẹ Guadalupe đã nói với Thánh Juan Diego.

Nó hiện có sẵn ở nhiều định dạng khác nhau và sẽ được phát tại các nhà thờ trên cả nước và sắp có ở Mexico. Các thánh lễ tương tự cũng được thực hiện dành cho người bệnh, người vô gia cư và lễ kỷ niệm Thánh Junipero Serra.

Một dự án thú vị khác hiện đang được tiến hành là một loại Oratorio dành cho Ukraine, với lời bài hát được viết bởi cộng tác viên TCT James Matthew Wilson, một trong những người lãnh đạo thế hệ mới các thi sĩ Công Giáo Mỹ. Bộ sưu tập mới nhất của ông là “St. Thomas and the Forbidden Birds” (Thánh Tôma và Chim Cấm) được xuất bản vào cuối năm 2023.

James đang bận rộn với một dự án khác nhằm thúc đẩy nền văn hóa Công Giáo đích thực. Ông và Joshua Hren của Wiseblood Books đã tạo ra chương trình Thạc Sĩ Mỹ Thuật về Viết Sáng Tạo, chương trình duy nhất thuộc loại này, tại Đại học St. Thomas ở Houston, nơi vừa mới tốt nghiệp khóa đầu tiên.

Có thể chúng ta không có Dantes hay Flannery O’Connors, Vivaldis hay Poulencs từ những nỗ lực này – trong thời gian ngắn. Nhưng chúng ta có những người này và những người lao động khác trong vườn nho đang khám phá rất nhiều con đường dẫn đến vẻ đẹp đích thực mà thế giới xung quanh chúng ta ngày nay không có nhiều bằng chứng.

Vì vậy, nếu bạn thấy mình sa lầy trong đau khổ vì Thượng Hội Đồng bỏ trốn, tiếp tục có những tiết lộ về việc lạm dụng trong Giáo Hội, âm nhạc tồi tệ, phụng vụ tồi tệ, bài giảng tồi tệ, trường học và đại học tồi tệ, hãy vui lên. Điều này cũng sẽ qua. Trong khi đó, Vẻ Đẹp – Vẻ Đẹp Công Giáo mà ngay cả Thánh Augustinô vĩ đại cũng yêu mến – vẫn tồn tại và đang đến với tất cả chúng ta.

ROBERT ROYAL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …