Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 25A.TN

Người Thợ Giờ Thứ Mười Một

Mt 20,1-16b(Mt 20,1-16)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Thợ làm vườn nho (Mt 20:1-16) Vùng Bêtania, bên kia sông Giôđan, tháng 2 năm 30

1 ”Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: “cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”. 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” 7 Họ đáp: “vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”. 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: 12”Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. 13Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? 14Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” 16Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. (“Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”).

1.Dụ ngôn này coi như tưởng tượng, nhưng hoàn toàn không đúng

Ngoài cách trả công, dụ ngôn diễn tả điều hay xẩy ra tại Palestin vào thời điểm nào đó. Nho thường chín vào cuối tháng Chín, sau đó là mùa mưa. Nếu nho không thâu lượm trước thì thật là tai hại. Vì vậy đâu đâu người ta cũng phải lo, nhân công rất cấp thiết, bất cứ ai cũng có thể được thuê, cho dầu chỉ có một giờ. Công xá cũng bình thường; quan tiền là lương một ngày.

Những người chờ tại chợ không phải là những người lười biếng, lãng phí thời giờ.

Chợ là nơi trao đổi lao công. Có người tới đó buổi sáng với dụng cụ. Họ chờ để có ai đến thuê. Sự kiện có người chờ tới tăm giờ chiều, nói lên họ cần việc làm thế nào. Đó là những người làm thuê, là lớp người lao động thấp nhất trong số những người làm thuê. Đời sống của họ thật bấp bênh. Những người nô lệ và đầy tớ thì khác. Phần nào, ít nhất những người này được coi là thuộc về gia đình. Số phận của họ tùy thuộc gia đình; họ không sợ nạn đói bất thần. Ngược lại những thợ thuê tại chợ búa, không thuộc gia đình chủ nào, hoàn toàn lệ thuộc vào công việc. Công là 4 xu, nếu không có 4 xu, con cái sẽ bị đói, vì ngày nào ngày đó chỉ có 4 xu thì làm gì có của để dành. Thời gian cũng bình thường.[1]

2.Ngày của người Do Thái bắt đầu lúc mặt trời mọc

– 6 giờ sáng rồi tính tiếp cho đến 6 chiều là lúc bắt đầu ngày hôm sau.

– Giờ ba tức là 9 giờ sáng,

– giờ sáu tức 12 giờ trưa,

– giờ mười một tức là 5 giờ chiều.

Dụ ngôn cho ta hình ảnh sống động về sinh hoạt chợ búa trong làng người Do Thái lúc mùa nho chín. C.G.Montefiore cho đây là dụ ngôn lớn nhất và thú vị nhất trong các dụ ngôn. Ứng dụng của dụ ngôn tương đối có thể bị hạn hẹp, nhưng trong đó có một chân lý cốt lõi của Kitô giáo.[2]

3.Hãy bắt đầu với ý nghĩa hạn chế nguyên thủy

3.1.Cảnh cáo các môn đệ

Dường như Chúa Giêsu nói với họ ‘các con được đặc ân lớn lao là vào Giáo hội Kitô giáo rất sớm, ngay từ đầu. Sau này, những người khác cũng sẽ vào, các con không được quyền đòi hỏi những đặc ân và địa vị riêng. Mọi người, bất kể khi nào vào đạo, đều quí hóa như nhau trước mặt Thiên Chúa. Có người nghĩ mình là những người sống lâu trong cộng đoàn, giáo xứ; cộng đoàn, giáo xứ là của họ, họ có quyền ra chính sách… những người này không bằng lòng khi có người mới vào đạo hay có lớp trẻ tham gia với những chính sách mới. Trong giáo hội, giới bô lão không nhất thiết phải được danh dự.

3.2.Cảnh cáo người Do Thái

Người Do Thái biết họ là dân được chọn và cũng không bao giờ quên điều đó. Vì thế họ coi thường dân ngoại. Thường thường họ ghét và khinh miệt dân ngoại, không muốn gì khác ngoài mong muốn người ngoại bị tiêu diệt. Cho dầu dân ngoại có vào Giáo hội, họ phải đứng vào hàng thứ yếu. Như có người nói ‘Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không có dân nào là dân được chọn’. Kitô giáo không có ý niệm về herrenvolk, giống loại người làm thầy. Tốt hơn, những Kitô hữu lâu đời còn phải học từ những giáo hội trẻ hơn về tình nghĩa trong đức tin.[3]

4.Ngoài ra còn những điều khác

Đó là những bài học nguyên thủy trong dụ ngôn, ngoài ra còn những điều khác: tự do của Thiên Chúa. Gia nhập Nước Chúa bất cứ lúc nào, sớm, muộn, lúc trẻ hay già, cả lúc xế chiều, không quan trọng. Trước mặt Chúa, tất cả đều được quí mến như nhau. Pháp Sư nói ‘có người vào Nước Chúa trong một giờ, có người phải suốt cả đời’. Khải Huyền nói Nước có 12 cửa; cửa đông là sớm, cửa tây là muộn. Có người kết thúc cuộc đời đầy công lao, danh dự, có người qua đi khi còn trẻ chưa một công lênh gì. Cả hai đều có thể đẹp lòng Thiên Chúa; cả hai đều được Chúa Giêsu đợi chờ; trong ý thức thần thiêng, chẳng có ai quá sớm chẳng có ai quá muộn.[4]

5.Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa

5.1.Trong dụ ngôn, còn có sự nhân ái nhân bản

Trên đời không gì buồn nản cho bằng thất nghiệp, vì tài năng sẽ mai một vì không có người thuê. Hugh Martin nhắc ta về những lời buồn thảm nhất trong kịch Shakespeare của một giáo sư thời danh ‘Othello đã mất việc’. Trong chợ đời mênh mông, bao người không việc, đang đứng đợi, ông chủ thương, kiếm việc cho tất cả, lại còn trả mọi người công xá đầy đủ. Ông không thể thấy họ thất nghiệp. Hơn nữa, theo công bằng, thì làm ít giờ thì được trả công ít. Nhưng ông chủ biết 4 xu một ngày không phải là tiền công lớn. Ông rất biết nếu người thợ về nhà, không được 4 xu, vợ con ở nhà sẽ đói. Vì thế ông chủ xử, ngoài công bằng, cho họ hơn họ đáng. Như đã nói, dụ ngôn ngậm chứa hai sự thật như hiến chương cho người lao công, đó là mọi người có quyền làm việc và mọi người có quyền được tiền công để sống.

5.2.Lòng đại lượng của Thiên Chúa

Những người thợ không làm cùng một việc nhưng nhận được cùng một đồng lương. Hai bài học lớn ở đây. Thứ nhất, như người ta nói ‘Mọi phục vụ đều như nhau trước mặt Thiên Chúa’. Giá trị của phục vụ không đo bằng lượng mà bằng phẩm, nghĩa là lòng mến. Người giầu, có thể cho ta cả 100, tất nhiên, ta biết ơn; con trẻ, làm quà cho ta đáng giá vài xu, có thể lại làm ta biết ơn hơn. Thiên Chúa không nhìn đến lượng mà nhìn đến phẩm. Thứ hai, còn lớn lao hơn, là mọi sự Thiên Chúa ban là ơn sủng, ta không có quyền đòi hỏi gì… những gì Thiên Chúa ban là do lòng tốt của Người. Đó không phải là lương mà là quà, không phải là phần thưởng mà là ơn sủng.[5]

6.Ý hướng khi làm việc mới quan trọng

6.1.Những thợ gồm hai loại

Những người có giao kèo, những người không giao kèo. Người giao kèo nói ‘chúng tôi làm nếu ông trả lương’. Như thái độ cho biết, họ quan tâm đến tiền lương, chỉ nghĩ đến công… người đến sau không có giao kèo. Họ chỉ nghĩ đến có việc mà làm và để việc trả công cho chủ. Người chỉ nghĩ đến công xá, tiền nong, không phải là Kitô hữu đích thực.

6.2.Phêrô đã hỏi Chúa ‘đi theo Người thì được gì’

Người Kitô hữu làm việc vì niềm vui được phục vụ Thiên Chúa và đồng loại. Vì thế người đến trước sẽ thành người chót và người chót sẽ nên thứ nhất. Nhiều người, đời này, nhận được phần thưởng lớn, sẽ nhận được chỗ rất thấp trong Nước trời vì họ chỉ nghĩ đến phần thưởng. Nhiều người, đời này bị coi là nghèo khó, sẽ nên giầu có trong Nước trời vì họ không hề nghĩ đến phần thưởng, mà chỉ nghĩ đến làm việc và niềm vui phục vụ. Mâu thuẫn trong cuộc đời người Kitô hữu là ai nhằm tới phần thưởng, sẽ mất, còn ai quên phần thưởng, thì lại được.[6]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Vào thời Đức Giêsu, người ta mướn thợ buổi sáng và trả công cho thợ buổi chiều (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15). Lương công nhật là một quan tiền (denarius), tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.

Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước. Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều) chỉ làm có một tiếng, được trả một quan tiền. Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã đi làm từ sáng sớm, nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.

Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ để xem họ tức giận và cằn nhằn ra sao. Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy. Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công. Bất công nằm ở chỗ làm nhiều, làm ít, nhận lương như nhau. Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,vì ông đã trả cho những người thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.

Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất, những câu nói lên tấm lòng  quảng đại của Thiên Chúa. “Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14). Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh: đó là ý muốn của tôi.

Tình thương của Thiên Chúa phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối, người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít. “Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn với tài sản của tôi sao?” (c. 15). Thiên Chúa không phải là một nhà kinh doanh, nhưng là người cha tốt lành. Ông chủ vườn nho thương cả những người đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn. Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?

Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ? Chắc chẳng được bao nhiêu, nhưng anh ấy đã phải đứng chờ suốt cả ngày.

Thế giới hôm nay lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một, “những người không được ai mướn” (c.7), những người cứ đứng chờ, đứng chờ suốt ngày, đứng chờ  suốt đời. Họ chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.

Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hĩ. Nhưng chắc là đã có những tiếng reo. Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế, những tiếng reo kinh ngạc, những tiếng reo ngỡ ngàng, những tiếng reo tri ân…chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ, quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng. Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.

Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho. Người còn thấy cả thời gian chờ đợi. Nhiều khi chờ đợi còn mệt mỏi hơn cả làm việc nữa. Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa, Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ, vì lòng tốt của Ngài không sao hiểu nổi. Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.

Flor McCarthy đã chứng kiến một cảnh tượng tương tự với dụ ngôn này và cho biết ông đã thay đổi cách suy nghĩ sau khi chứng kiến: có lần ông đến Cape Town nước Nam Phi. Đó là một buổi sáng mùa hè. Ông thấy một đám đông đứng ngoài đường không làm gì cả. Ban đầu ông nghĩ rằng đó là những kẻ lười biếng, đang khi những người khác lo làm ăn thì những người này đứng đó chẳng làm gì hết. Đến trưa ông vẫn còn thấy đám người ấy vẫn đứng đó, mồ hôi nhễ nhại ướt đẫm cả áo. Hỏi kỹ thì mới biết họ là những người thất nghiệp. Họ đứng chờ ngoài nắng, hy vọng có ai đến thuê họ đi làm. Mãi tới chiều ông vẫn thấy đám người đó. Và khi hết ngày, họ lủi thủi ra về, trông rất tội nghiệp.

Hôm đó MaCarthy rất hối hận vì đã kết án những người thất nghiệp vô tội này. Và ông đã có một lời cầu nguyện như sau: “tư tưởng của Ta không giống tư tưởng các ngươi và đường lối Ta không giống đường lối các ngươi”. “Như trời xanh cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu” 

Lạy Chúa,Tư tưởng chúng con rất nông cạn, đường lối chúng con rất hẹp hòi và con tim chúng con chai cứng. Xin Chúa mở rộng lòng trí chúng con để chúng con suy nghĩ giống Chúa, và hành động giống Chúa hơn. Xin gúp chúng con đừng bao giờ bực bội vì lòng tốt của Chúa đối với người khác. Xin giúp chúng con đừng cho rằng chúng con đáng được Chúa thưởng công. Xin giúp chúng con ý thức rằng chúng con cần đến lòng thương xót hơn là đức công bình của Chúa. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.201

[2] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.202

[3] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.202

[4] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.203

[5] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.203

[6] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.203-204

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …