Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXIII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 23ATN

Tế Nhị Sửa Lỗi Người Anh Em

Mt 18,15-20b(Mt 18,15-20)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Sửa lỗi anh em (Mt 18,15-17; Lc 17,3-4)

15”Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. 16Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

1.Đây là một đoạn khó diễn tả nhất trong Matthêu: xem ra không đúng, vì hình như không phải Chúa nói, mà do những tổ chức, luật lệ của hàng tư giáo

1.1.Đi thưa Giáo Hội’ không đúng, vì lúc đó chưa có Giáo Hội.

1.2.Cho người thu thuế, người ngoại là những người bất trị, không hy vọng cải thiện. Nên nhớ Chúa bị cáo là làm bạn với người thu thuế và tội nhân; nhưng không bao giờ Chúa nói họ là những người ngoài, những tội nhân vô vọng, trái lại còn cảm tình khen ngợi nữa (Mt 9,10; 11,19; Lc 18, 10) nhất là Mt 21,31… nói những người thu thuế, gái điếm sẽ vào Thiên đàng trước những người chính thống).

1.3.Lại còn đặt giới hạn cho tha thứ…

2.Dù sao đoạn này cũng đề ra một lịch trình khi đối xử

2.1.Nói lên, đừng giữ kín, đừng để lòng, âm ỉ. Không nói ra là độc hại giết người. Và thường khi nói lên, lại thấy đó là những điều tầm thường.

2.2.Phải gặp mặt, đừng viết, vì viết càng gây hiểu lầm…

2.3.Có thêm người khác ‘một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ một tội một lỗi nào; về bất cứ lỗi nào người ấy phạm, phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét’ (Đnl 19,15).

2.4.Đem ra công chúng. Vì chỉ dựa vào luật, lý luận thiếu tinh thần Kitô giáo không giải quyết được vấn đề, mà còn có thể gây rắc rối hơn. Cần phải giải quyết trong bầu khí cầu nguyện, thông cảm, tình thân cộng đồng.

2.5.Khó nhất là ‘kể như người ngoại hay người thu thuế’, coi họ như đồ bỏ, không hy vọng. Chúa Giêsu không bao giờ có ý đó, trái lại Người mời gọi được Mátthêu, Giakêu… Chúa không bỏ mà thách đố đem tội nhân, người ngoại về.

2.6.Sau cùng là cầm buộc và tháo cởi. Không thể có nghĩa là Giáo Hội có thể cầm buộc hay tha tội để định đoạt số phận đời này hay đời sau cho con người. Đấy có thể là nói về tình liên đới với người khác không chỉ trong thời gian, mà còn kéo dài trường cửu sau này. Vì vậy mà phải thu xếp.[1]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Trong quyển sách nói về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện như sau: ngày kia khi Đức Giám Mục Amolas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ sự bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống.

Từ dạo ấy, vị ẩn tu là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án.

Thấy Giám Mục Amôlas đến, họ xúm lại vây quanh ngài và nói: hôm nay ngài đã đến đây thì ngài phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia. Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, Giám Mục Amôlas quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau.

Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông ta hoảng sợ và bảo người phụ nữ chui ngay vào một cái thùng gỗ.

Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước chân vào.

Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay sự tình. Ung dung, ngài đi thẳng đến chỗ ngồi ngay trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, nơi người phụ nữ ẩn trốn. Rồi ra hiệu cho dân làng vào và bảo:

– Vào đây, các người hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ.

Khi họ không tìm ra người phụ nữ, Đức Giám Mục mới nói:

– Bây giờ các ngươi phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này.

Sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục Amôlas tiến lại gần vị ẩn tu,

nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói: hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy!

Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa dạy chúng ta, khi sửa lỗi người anh chị em, chúng ta phải theo tiến trình ba bước.

– Trước hết hãy sửa lỗi anh em trong chốn riêng tư, kín đáo, để tạo niềm tin nơi họ.

– Nếu người anh em còn cố chấp thì đem theo một hai người có uy tín giúp họ nhận thức rõ về tội của mình, đó là bước hai.

– Nếu họ cũng không nghe thì mới đưa ra cộng đoàn, đó là bước thứ ba.

Qua câu chuyện vị ẩn sĩ trên, dân làng và ngay cả chúng ta, có khuynh hướng dùng chính Lời Chúa hôm nay để sát phạt vị ẩn sĩ sai phạm, bằng cách lướt nhẹ bước một và bước hai để đi ngay vào bước thứ ba. Dân làng cũng như chúng ta hôm nay muốn đề nghị vị Giám Mục với quyền bính của ngài, đưa vị ẩn tu ra xét xử trước mặt cộng đoàn đang hiện diện, nhưng chúng ta tự hỏi liệu cách này có mang đến kết quả không?

Có thể có mà cũng có thể không, nhưng một điều chắc chắn là cách của Đức Giám Mục Amolas đã thắng ngay ở bước một.

Anh chị em thân mến,

Hai thái độ khác nhau giữa dân làng và Giám Mục Amôlas đối với một người lầm lỗi. Ngược lại với phản ứng của dân làng, Đức Giám Mục Amôlas đã cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giêsu:

“nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”.

Trong một tình trạng khó xử, ngài đã tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân để có dịp thuận tiện nói chuyện diện đối diện với vị ẩn tu. Tiếp đến, ngài đã không sửa lỗi ông như một người có quyền. Trái lại, ngài đã dùng thẩm quyền của mình bảo vệ cho vị ẩn tu, để sau đó có thể khuyên nhủ ông như một người anh em. Và sau cùng, ngài đã không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu nhưng chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng: “hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn”.

Qua cách cư xử của Đức Giám Mục Amolas, chúng ta thấy: muốn thành công trong việc sửa lỗi người khác, dù ở bước một, bước hai hay bước ba, chúng ta phải có những tâm tình như sau:

– Trước hết, phải có một tâm tình yêu thương, đừng lên án, chỉ trích, nhưng luôn tế nhị dịu dàng.

– Thứ đến, phải có lòng kính trọng chân tình, luôn giữ thể diện cho ngưới lầm lỗi, đừng chà đạp lên lòng tự ái của họ. Kính trọng vì người anh em tuy có lỡ sai phạm nhưng vẫn có khả năng sửa đổi.

Khinh miệt, lên mặt kẻ cả sẽ chỉ mang đến thất bại.

– Sau cùng muốn sửa lỗi người anh em phải hết sức tế nhị. Tâm hồn người lầm lỗi rất mong manh. Vừa đầy tự ái vừa đầy mặc cảm. Một lời nói không khéo sẽ dẫn đến đổ vỡ. Một thái độ vô tình sẽ càng khơi thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa dạy chúng ta phải rất tế nhị khi sửa lỗi.

Thoạt tiên chỉ gặp riêng một mình. Gặp riêng là một thái độ tế nhị. Sự tế nhị tạo nên cảm giác an toàn, kính trọng và yêu thương. Sự tế nhị tạo ra một bầu khí tín nhiệm thuận lợi cho việc cởi mở tâm tình, khai thông bế tắc. Sự tế nhị, yêu thương chân thành sẽ trở thành chiếc cầu đưa người lầm lỗi trở về cộng đoàn. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Giuse Phạm Văn Tuynh, OP. Theo Chúa Kitô, quyển hai tập hai.7-8

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …