Home / Chia Sẻ / LIÊN KẾT

LIÊN KẾT

LienKetMọi thứ đều có mối liên quan lẫn nhau, huống chi con người, đặc biệt là về tâm linh. Có câu chuyện kể rằng tại nguyện đường của tu viện St. Ann & St. Joseph ở Cordoba, Tây Ban Nha, có một Thánh Giá cổ được giáo hữu rất tôn sùng: Thánh Giá tha tội. Trên Thánh Giá có tượng Chúa Giêsu rất đặc biệt là cánh tay phải rời khỏi Thánh Giá và hạ thấp xuống.

Nguyên nhân bắt đầu từ một ngày nọ. Hôm đó, một tội nhân đến xưng tội với linh mục ngay bên Thánh Giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một hối nhân mắc nhiều tội trọng, linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc, ra việc đền tội nặng và ngăm đe nhiều điều.

Nhưng rồi người đó lại sa ngã và đến xưng tội. Linh mục đe dọa rằng đó là LẦN CUỐI CÙNG giải tội cho họ. Sau một thời gian, người đó lại đến xưng tội với linh mục kia cũng ngay bên Thánh Giá này, nhưng linh mục kia dứt khoát nói: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa.” Linh mục vừa khước từ hối nhân thì Chúa Giêsu liền rút tay phải ra khỏi Thánh Giá, rồi ban phép lành và tha tội cho hối nhân. Lúc đó, Chúa Giêsu nói với linh mục: “CHÍNH TA LÀ NGƯỜI ĐÃ ĐỔ MÁU RA CHO NGƯỜI NÀY, CHỨ KHÔNG PHẢI NGƯƠI!”

Và kể từ đó, tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ… Người ta đã hiểu sai và lạm dụng quyền “cầm buộc” và “tháo cởi” mà Chúa Giêsu đã ban quyền, (Mt 18:18) nghĩa là không thương xót, thích “buộc” hơn “cởi.” Lạm quyền thật là nguy hiểm. Chúa Giêsu căn dặn phải tha “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:21-22) và dụ ngôn “tên mắc nợ không thương xót” (Mt 18:23-25) vẫn còn đó. Ngài còn nói: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.” (Mt 18:15-17) Đó là tính liên đới yêu thương giữa người với người.

Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội cho các môn đệ qua thiên chức linh mục chỉ vì thương xót và muốn cứu tội nhân: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy.” (Mt 18:18) Chúa Giêsu nói “cầm buộc” hoặc “tháo cởi” ở đây không có nghĩa là ai ưa thì “cởi,” ai ghét thì “buộc,” mà là phải luôn cố gắng tìm cách “tháo cởi” cho người khác – dù họ là ai. Ngài thiết lập chức linh mục là để thay Ngài yêu thương và tha thứ, để phục vụ chứ không để “chảnh.” (Mt 20:28) Thật buồn khi vẫn có những người “thích” làm ngược lại điều Chúa dạy, chỉ phục vụ ít, đòi hưởng thụ nhiều. Đừng tự tôn mà làm đau lòng Đức Kitô nữa!

Cầu nguyện là hơi thở của tín nhân, chung hay riêng đều cần, đặc biệt là hiệp nguyện. Chúa Giêsu nói: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18:19-20) Việc cầu nguyện chung được Chúa Giêsu đề cao vì cần thiết, cụ thể là “giờ kinh gia đình,” nhất là vào buổi tối, nhưng việc làm tốt lành này bị “xói mòn” vì người ta đưa ra nhiều lý do để biện hộ cho sự “quên lãng” của mình.

Cầu nguyện không chỉ cần thiết mà còn phải làm như vậy. Nhưng có điều cần lưu ý: Có lẽ chúng ta CẦU XIN nhiều hơn CẦU NGUYỆN, và cũng thường “quên” nhân danh Đức Giêsu Kitô, đúng như Ngài đã trách các môn đệ: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy.” (Ga 16:24) Nhẹ nhàng lời trách mà đau nhói cõi lòng!

Không ai thấy Thiên Chúa nhưng Ngài vẫn hiện hữu. Làm sao chứng minh? Đơn giản thôi: Không ai thấy ôxy nhưng ai cũng cần ôxy – dưỡng khí. Thiếu ôxy thì con người chết ngay, và chắc chắn chúng ta cũng không thể sống nếu thiếu Thiên Chúa.

Trong các mối quan hệ đã mặc nhiên có sự liên đới lẫn nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ, dạng ràng buộc mặc nhiên. Ràng buộc là phải làm theo khuôn khổ, theo nội quy hoặc luật lệ, không thể làm khác – có thể gọi là “bắt buộc.” Sự ràng buộc trái ngược với sự tự do, và cũng có hai động thái “buộc” (cột, thắt) và “cởi” (tháo, gỡ). Sự ràng buộc mang tính liên đới – điều đúng hoặc sai. Thật vậy, ngay cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Khi một chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô phạm tội, tất cả chúng ta đều gián tiếp chịu đau khổ, một số người có thể ảnh hưởng trực tiếp. Tội của mình cũng ảnh hưởng tới người khác, tội của người khác có thể “dính líu” tới mình.

Tất cả phàm nhân đều yếu đuối, luôn cần được nâng đỡ. Khi muốn hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải giải hòa với Giáo Hội, không chỉ với người này hay người nọ mà có thể chúng ta đã làm tổn thương. Vì thế, “cấu trúc tội lỗi” cũng có “chiều kích xã hội.” Bởi vì nó nằm trong cách mà chúng ta có thể phạm tội – không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn là động thái gián tiếp liên can tội lỗi do người khác phạm trực tiếp. Nói chung, dù là điều tốt hay xấu cũng đều có tính liên đới với nhau theo một cách nào đó.

Giáo huấn Xã hội Công giáo – GHXHCG, Compendium of the Social Doctrine of the Church) đề cập 7 Nguyên Tắc: [1] Tôn trọng con người, [2] Cổ vũ gia đình, [3] Bảo vệ quyền tư hữu, [4] Lao động vì công ích, [5] Tuân giữ nguyên tắc bổ trợ, [6] Tôn trọng lao động và người lao động, [7] Theo đuổi hòa bình và chăm nom người nghèo. Và được “rút gọn” thành bốn nguyên tắc chính: [1] Nhân phẩm, [2] Công ích, [3] Bổ trợ, [4] Liên đới. Trong đó, sự liên đới được coi là một nguyên tắc “cốt lõi” của GHXHCG: “Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá, các quyền và con đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày càng gắn bó hơn… Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương tác giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu.” (Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, năm 2005, số 192) Thánh Gioan Phaolô II viết: “Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện của xã hội quốc gia và quốc tế.” (Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40)

Thiên Chúa ân cần nhắn nhủ con người từ xưa: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết.” (Ed 33:7) Đó là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta, không riêng giới nào, giai cấp hoặc tổ chức nào. Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn nghiêm túc cảnh báo: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết,’ mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ed 33:8-9)

Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm và bổn phận đối với nhau. Điều đó vừa là TÍNH liên đới vừa là TÌNH liên đới. Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng (bằng cách này hay cách nọ, trực tiếp hoặc gián tiếp). Ai thấy điều sai trái mà im lặng, đó là đồng lõa hoặc hèn nhát. Ai muốn lên Thiên Đàng một mình thì đó là người ích kỷ. Chúa Giêsu xác định: “Sự thật sẽ giải phóng anh em.” (Ga 8:32) Thật hạnh phúc khi chúng ta tôn thờ Thiên Chúa duy nhất này. Hạnh phúc đó phải thể hiện cho người khác biết: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.” (Tv 95:1-2)

Là thụ tạo, tín nhân phải tôn thờ Ngài, tuân theo Thánh Ý Ngài, và chúc tụng Ngài: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.” (Tv 95:6-7a) Là tội nhân, phàm nhân mang tính yếu đuối, thế mà lại luôn tỏ ra bướng bỉnh. Ai cũng biết rằng xơ gan là chứng bệnh quái ác – gọi là ung thư gan. Không riêng gì gan, xơ cứng bất cứ cơ phận nào cũng nguy hiểm, nhưng đáng sợ nhất là “xơ cứng đức tin.” Cứng lòng là cố chấp, cố chấp là phạm tới Chúa Thánh Thần – loại tội không đời nào được tha. (x. Mc 3:28-29; Mt 12:31-32)

Thiên Chúa thực sự không muốn ai cố chấp mà phải hư mất đời đời nên Ngài vẫn không ngừng nhắn nhủ: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:7b-9) Và trong mối tương quan của tình liên đới huynh đệ thuộc Nhiệm Thể Đức Kitô, Thánh Phaolô ân cần khuyên nhủ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13:8)

Thánh Phaolô giải thích: “Các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.” (Rm 13:9-10) Cụm từ “không làm hại” cũng ẩn chứa biết bao điều liên quan cả thể lý và tinh thần, liên quan đức ái.

Lạy Thiên Chúa, xin biến đổi chúng con để chúng con biết chân thành yêu thương và tha thứ vô điều kiện, xin giúp chúng con chuyên cần cầu nguyện không ngừng với lòng yêu mến và khiêm nhường thực sự. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

  

Xem thêm

MARY & ELISABETH

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM MINH ANH

TẶNG TRAO “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi?”. Trong “Bước Tới …