Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Mùa Thường Niên, năm A, của Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

CN 18A TN

Chúa Hiển Dung

(Mt 17,1-5)

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Núi Tabo hay Xêdarê Philipphê

Mt 17,1-5aChúa biến hình (Mt 17,1-13; Mc 9,2-3; Lc 9,28-36) Núi Tabo, Hermon, tháng 7 năm 29.

Sau biến cố trọng đại tại Xêdarê Philipphê là biến cố lớn lao trên núi Hiển Linh. Truyền thống cho rằng biến cố xẩy ra trên núi Tabo, nhưng có lẽ không phải, vì trên đỉnh có đồn lũy và một lâu đài lớn. Tabo lại ở xa hơn về phía nam. Trái lại, Hermon chỉ cách miền Xêdarê Philipphê 14 dặm, cao 9.400 bộ, 11.000 bộ trên thung lũng Giođan, cao đến nỗi có thể thấy Biển Chết xa hơn 100 dặm. Trên đỉnh thì quá cao; Canon Tristram cho biết ông lên núi này phải mất 5 giờ; ‘hầu cả ngày, chúng tôi ở trên đỉnh, nhưng rồi phải xuống ngay vì thời tiết khác thường’. Vì thế, có lẽ Hiển Linh xảy ra trên sườn núi Hermon lúc hoàng hôn, chiều tối hay ban đêm. Luca nói môn đệ buồn ngủ (Lc 9,32), và ngày hôm sau, xuống núi, Chúa gặp cha của người kinh phong đang chờ (Lc 9,37). Chúa lên đó để cầu nguyện (Lc 9,29). Chúa đang tới gần thập giá; Người chắc chắn điều này, vì Người nói đi nói lại với các môn đệ như vậy. Tại Xêdarê Philipphê, Phêrô đã trang trọng tuyên xưng Người là Con Thiên Chúa. Nhưng còn một nghi nan nữa ‘có đúng Ý Thiên Chúa không’. Vì thế, giờ đây Người lên núi cầu nguyện, vừa để được ơn soi sáng, vừa để xin nghị lực. Chúa Giêsu luôn luôn thế, khác hẳn ta… [1]

2.Hiện ra có Môsê và Elia

2.1.Môsê lên núi Sinai nhận Mười Giới Răn, khi xuống mặt mũi sáng láng (Xh 34,29; 31,18); Êlia lên núi Horeb gặp Chúa trong gió hiu hiu (1V 19,9-12). Hai ông chết cách lạ. Môsê chết một mình trên núi Nebo; chính Thiên Chúa mai táng ông tại thung lũng Moab, đối diện với Beth-peor, đến nay, không ai biết chắc chỗ nào (Xh 34,5-6).

2.2.Còn Êlia thì biến mất trên xe lửa trước mặt Elisha (2V 2,11). Giờ đây hai ông hiện ra với Chúa. Do Thái tin Êlia là tiền hô của Đấng Thiên Sai, và Môsê sẽ theo Đấng Thiên Sai khi Người đến. Luca (9,31) thuật lại hai ông đến nói về việc Chúa đi lên Giêrusalem. ‘Đi lên’ ở đây gợi lại việc dân Do Thái xuất hành khỏi Ai Cập về Đất Hứa. Xuất hành là cuộc hành trình lớn nhất của con người, vì tin vào Thiên Chúa mà đi tới nơi không biết. Chúa xuất hành đi lên Giêrusalem như vậy, cuộc xuất hành với bao nguy hiểm cùng với thập giá, nhưng cũng phát sinh vinh quang. Môsê lớn nhất, ban luật, Êlia lớn nhất các tiên tri, hiện ra với Chúa. Với hai ông, toàn lịch sử Do Thái đều nhận biết Chúa là Đấng họ hằng mơ ước, là Đấng đã được báo trước, là cánh chung của mình. Nhưng còn hơn nữa: tiếng Chúa Cha phán ra. Lại có mây bao phủ, đó là mây vinh quang của Thiên Chúa. Hai ông hiện ra cộng thêm tiếng Chúa Cha có khác gì dấu chấp nhận, dấu hãy ra đi tiến lên. Trong cuộc Xuất Hành xưa cũng có mây sáng (Xh 13,21-22; 40,34; 34,5; 1V 8,10-11; 2 Sb 5,13-14; 7,2). Hermon có đặc điểm là thời tiết thay đổi bất thần. Edersheim viết ‘Hermon rất đặc biệt.[2] 3.Bỗng đầy mây, mù mịt khắp đỉnh; bỗng lại tan loãng biến mất; bỗng lại sáng vàng rất nhiệm mầu’

3.1.Yên ủi cho các tông đồ, vì vừa mới nghe về thương khó…

3.2.Phêrô phản ứng ngay; nhưng đúng phải là thời thinh lặng, chiêm ngưỡng, suy niệm, tôn thờ, kính lạy (Tv 46,10).

3.3.Hiển Linh trên núi làm các ông hân hoan, không muốn xuống… McNeile nói ‘Núi Hiển Linh vui hơn công vịêc mục vụ hằng ngày, vui hơn đường Thập Giá’. Nhưng phải xuống. Susanna Wesley cầu nguyện ‘lạy Chúa, xin giúp con nhớ rằng đạo không phải chỉ hạn hẹp trong nhà thờ hay tủ kín, chỉ trong khi cầu nguyện, suy gẫm, mà là khắp nơi trước nhan Chúa’.

4.‘Đấng Thiên Sai phải đến, nhưng đến trong đau khổ và hy sinh

– Do Thái cho rằng trước khi Đấng Thiên Sai đến, Êlia, tiền hô, sẽ đến (Mal 4,5-6) để chuẩn bị, tiêu diệt mọi gian ác, làm thế giới xứng đáng cho Đấng Thiên Sai. Đấng Thiên Sai và vị Tiền hô đều là những nhà cải cách lớn lao, đáng sợ, quyền năng… Chúa chỉnh đốn quan niệm trên. ‘Đấng Thiên Sai phải đến, nhưng đến trong đau khổ và hy sinh; Thiên Chúa đến không phải để phá hủy, tiêu diệt mà là để quyến rũ con người bằng yêu thương’. Và đó là điều các môn đệ phải học hiểu trong thinh lặng. Vì không hiểu biết nên trước khi Chúa chịu đóng đanh, hơn 200.000 người Do Thái đã thí mạng uổng công. Đây không phải là tư tưởng của ta mà là thông điệp của Chúa Kitô, các môn đệ và chúng ta phải rao giảng.

– Lc 9,28-36. Chúa vừa được Phêrô tuyên xưng và đang đi Giêrusalem, nhưng sẽ không bao giờ tiến bước nếu không biết trước sự chấp thuận của Cha. Ta không biết điều gì đã xẩy ra trên núi ngoại trừ là những lạ lùng… Môsê, Êlia và tiếng Cha..[3].

5.Khi tỉnh giấc, họ thấy Người sáng láng

5.1.Trong đời, ta quên lãng nhiều lạ lùng vì ngủ mê, vì: a. thiên kiến. Platô nói ‘cuộc đời không xem xét là cuộc đời không đáng sống’. b. lười biếng. c. ưa dễ dãi.

5.2.Nhưng nhiều điều thức tỉnh ta:

5.2.1.khổ sở, bệnh tật… Elgar nói về một ca sĩ trẻ, về kỹ thuật, cô thật hoàn hảo, nhưng không sức sống, không ấn tượng; ‘cô sẽ tuyệt vời nếu có gì đập vỡ lòng cô’.

5.2.2.tình yêu. Browning nói về hai người yêu nhau. Nàng nhìn chàng; chàng nhìn nàng, và ‘bỗng cuộc đời như sống lại’.

5.2.3.cần thiếu. Bình thường con người ưa sống nửa đời; nhưng khi gặp gian nan, tai nạn… không thể giải quyết, không vượt thắng được cám dỗ, lời mời gọi vượt qua sức mình. Những khi đó mới có thể được thức tỉnh nhìn lên, kêu cứu đến Chúa. Máccô nói 6 ngày sau khi Phêrô tuyên xưng, Luca lại nói 8 ngày. [4]

  1. Núi Tabo

Tabo, có lẽ dựa vào Tv 89,12; nhưng có thể không đúng.

Tabo ở xa mãi phía nam, cao chừng 1.000 feet, lại có đồn lũy. Đúng hơn là tại Hermon, cao chừng 9200 feet, nhiều mây, gần Xeda Philipphê. Áo Chúa sáng chói như đồng hay vàng, thép, đánh bóng trước ánh mặt trời. Trong ánh mây, Môsê gặp Chúa; trong mây Chúa hiện ra trong Lều; mây phủ Đền thờ khi Solomon khánh thành. Với Đấng Thiên Sai cũng thế, Do Thái nghĩ vậy (Ex. 16,10; 19,9; 33,9; 1V 8,10; 2Mcb 2,8).[5]

7.Với Chúa và với môn đệ

– Tiên tri và vị ban luật lớn nhất hiện ra khích lệ, coi Chúa như một chung kết.

– Chúa Cha hài lòng.

+  Với môn đệ thì

– đã nghe về chết chóc, giờ đây sung sướng.

– Chứng kiến tận mắt. Êlia sẽ đến (Ml 4,5-6). Do Thái tin Êlia sẽ đến ba ngày trước Đấng Thiên Sai. Ngày thứ nhất, trên đồi, Êlia sẽ khóc than… sau đó có tiếng vang từ đông sang tây: “bằng an cho trái đất, bằng an cho trái đất”. Ngày thứ hai có tiếng kêu “tốt lành sẽ đến, tốt lành sẽ đến”. Ngày thứ ba có tiếng “phần rỗi sẽ đến, phần rỗi sẽ đến”. Người sẽ sửa chữa mọi sự… Chúa trả lời là Êlia đã đến, ám chỉ Gioan.[6]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

 

Người ta nói rằng trong số các loài chim thì chim ưng có tuổi thọ dài nhất. Nó có thể sống đến 70 năm, nhưng nếu muốn sống thọ như vậy, chúng buộc phải có một chọn lựa quan trọng và rất khó khăn ở tuổi 40.

Khi sống đến 40 tuổi, móng vuốt của chim ưng bắt đầu lão hóa, không thể túm chặt được con mồi nữa. Mỏ của nó trở nên vừa dài vừa cong, gần như đụng đến ngực. Ngoài ra, cánh của nó cũng trở nên vô cùng nặng nề, khiến nó mất rất nhiều sức khi bay lượn.

Lúc này, nó chỉ có hai lựa chọn: một là đợi chết, hai là trải qua quá trình lột xác và tái sinh vô cùng đau đớn.

Quá trình này diễn ra trong một thời gian dài, khoảng một trăm năm mươi ngày. Nó phải cố sức bay lên đỉnh núi và dựng tổ nơi vách núi cheo leo. Việc đầu tiên mà nó cần làm ở đó là mổ liên tục vào vách đá cho đến khi cái mỏ cũ của nó hoàn toàn tróc đi. Sau đó, nó phải nằm chờ đến khi cái mỏ mới được mọc lại. Tiếp theo, nó phải trải qua một quá trình đau đớn hơn – dùng cái mỏ mới nhổ từng cái móng cũ ra và chờ móng mới mọc lại. Cuối cùng, nó phải nhổ đi từng chiếc lông vũ và tiếp tục chờ đợi để đám lông vũ mới mọc ra. Đến lúc này, chim ưng mới có thể bay lượn lại và sống thêm ba mươi năm nữa.[7]

Hôm nay ngày lễ Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Chúng ta sẽ chẳng hiểu được dụng ý của Chúa Giêsu khi hiển dung trên núi Tabo, nếu chúng ta không đặt trong bối cảnh của sự kiện.

Sau khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: vậy các con bảo Thầy là ai?

Simon Phêrô trả lời: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.

Tiếp đó, Chúa Giêsu nói về cái chết sắp đến của Người: Thầy phải lên Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ từ phía các trưởng lão, các thượng tế và các kinh sư, bị xử tử, và ngày thứ ba sống lại (Mt 16,21). Nghe thế Phêrô đã can ngăn Chúa.

Cho tới lúc này các môn đệ vẫn chưa hiểu sứ vụ Messia của Chúa Giêsu. Các ông theo Chúa và các ông vẫn thầm mong rằng khi Nước Chúa hiển trị, các ông cũng sẽ được chia chác quyền lợi cũng như địa vị trong vương quốc của Chúa. Chính vì vậy sáu ngày sau, Chúa Giêsu đem Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao. Chúa đã tỏ vinh quang của Người trước mặt các ông.

Và Phêrô đã thốt lên: lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, nếu Thầy cho phép, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môisê và một cho Elia. Chính ở đây Phêrô hiểu ra rằng để được tham dự vào vinh quang của Chúa Phêrô phải chấp nhận con đường khổ giá mà Chúa Giêsu nói đến cách đây sáu ngày.

Để được tham dự vào sự sáng láng của Chúa trên núi Tabo, chắc chắn chúng ta cũng phải qua con đường thập của Chúa Giêsu. Chính con đường thập gía, chúng ta sẽ được biến đổi, biến đổi để được tham dự vào sự sáng láng của Chúa trên núi Tabor.

Nhưng phải biến đổi như thế nào?

Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô nói với tín hữu Êphêsô: ”hãy lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới.

Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân đến tận tâm linh của anh em” (Ep 4,22.24). 

Phải  lột bỏ con người cũ như thế nào?

Hình dung lại những giai đoạn lột xác của chú chim ưng chúng ta sẽ thấy:

– Trước hết nó mổ liên tục vào vách đá để cho lớp mỏ già cũ tróc đi. Quả là một hy sinh đau đớn và tốn nhiều công sức.

– Sau đó lại phải dùng chính cái mỏ mới này để rút những móng vuốt già cũ của đôi chân, một tác động phải can đảm lắm.

– Sau cùng phải rút tỉa những chiếc lông già cũ. Công việc này chắc chắn sẽ làm chú chim ưng ê ẩm đau nhức một thời gian khá dài.

Chú chim ưng chỉ muốn kéo dài kiếp sống thêm 30 năm mà còn phải chấp nhận 150 ngày thử thách đau thương, phương chi là con người chúng ta, từ một con người yếu đuối, tội lỗi để đi vào sự chia sẻ thiên tính vinh quang của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải trải qua những giai đoạn lột xác như con chim ưng. Lột bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới  và để Thánh Thần Thiên Chúa canh tân đến tận tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa, chúng con muốn theo Chúa lúc Chúa biến hình trên núi Tabor, nhưng chúng con lại muốn dừng lại bên ngòai vườn Cây Dầu, và không muốn trèo lên núi Canvê. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mạnh dạn theo Chúa trên con đường Chúa đã đi, con đường thập giá, con đường dẫn lên Núi Sọ. Amen.

Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.524-525

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.525

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.526

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.527

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.527

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.527

[7] First News, Điều bình dị thông thái trg..57-58

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …