Ở thế giới Địa Trung Hải cổ đại, có một niềm tin phổ biến rằng, ngày xửa ngày xưa, vào thời kỳ đầu của loài người, mọi người đều sống trong một thế giới lý tưởng, trong đó có hòa bình và sung túc, không có tội ác, không có chiến tranh, không có hận thù. Một thời hoàng kim.
Trong cuốn “Metamorphoses” (Biến Hóa – một loại bách khoa toàn thư về thần thoại Hy Lạp được viết thành thơ Latinh), Ovid đã mô tả về Thời Hoàng Kim này. Tuy nhiên, tiếp theo Thời Đại Vàng là thời đại kém hơn một chút, Thời Đại Bạc, tiếp theo là Thời Đại Đồng thậm chí còn kém hơn, và tiếp theo đó là Thời Đại Sắt khá đáng sợ – thời đại mà những con người bất hạnh chúng ta đã sống từ đó.
Niềm tin của người Hy-La về sự suy tàn từ thời hoàng kim cũng giống như niềm tin của Kitô hữu Do Thái về sự sa ngã từ Vườn Địa Đàng, với một vài điểm khác biệt. Thiên Đàng chỉ có hai người sống trong đó, còn Thiên Đàng Hy-La có rất nhiều người. Sau khi phạm tội, ngay lập tức Ađam và Êva từ Thiên Đàng rơi xuống cảnh khốn cùng, những người ngoại giáo đã có một bước trượt dài xuống dốc.
Nhưng câu chuyện cơ bản đều giống nhau: lúc đầu mọi thứ đáng yêu – và sau đó chúng ta đánh mất tất cả. Theo người ngoại giáo, chúng ta đã mất nó mãi mãi, không bao giờ trở lại Thiên Đàng. Nhưng trong phiên bản của Kitô giáo, rất có thể chúng ta – dù sao đi nữa – sẽ trở lại Thiên Đàng.
Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, chết vì tội lỗi của chúng ta, đã mở ra khả năng đó. Nhưng lần này nó sẽ không phải là một Thiên Đàng trần gian, mà là một Thiên Đàng chúng ta sẽ bước vào sau khi chết. Tuy nhiên, thật không may, không phải ai cũng sẽ lên được Thiên Đàng. Mọi người sẽ có cơ hội để làm điều đó. Nhưng một số (có lẽ là đại đa số nhân loại, như nhiều người đã tin) sẽ xuống Địa Ngục.
Trong nhiều thế kỷ, ý tưởng cho rằng tồn tại một Thiên Đàng ở thế giới khác mà mỗi chúng ta có thể (hoặc không thể) bước vào sau khi chết, đó là một yếu tố quan trọng của thế giới quan (Kitô giáo) thống trị thế giới Tây phương, thế giới từng được gọi là thế giới Kitô giáo.
Nhưng trong vài thế kỷ nay, Kitô giáo đã dần dần mất sự kiểm soát đối với tâm trí người Tây phương, và vì điều này đã xảy ra, nhiều người trong thời đại vô tín ngưỡng của chúng ta vẫn nghĩ mình là Kitô hữu, ngày càng cảm thấy khó tin rằng chúng ta thực sự sống sau khi chết.
Nhưng tin rằng phải có một Thiên Đàng vẫn chưa chấm dứt. Trớ trêu thay, những người ít tin tưởng nhất vào Kitô giáo lại có niềm tin lớn nhất vào khả năng tồn tại một Thiên Đàng trên trái đất. Khi nói điều này, tôi đặc biệt nghĩ đến những người cộng sản cũ đã làm nên một cuộc cách mạng ở Nga, những người như Lenin, Trotsky và Stalin. Họ cho rằng cuộc cách mạng của họ, khi được phát triển phù hợp trong vài thập niên, hoặc có lẽ là vài thế kỷ, sẽ dẫn đến một xã hội dân chủ toàn cầu tràn ngập tự do, bình đẳng và thịnh vượng.
Kết quả cuối cùng này quá vinh quang, quá xuất sắc không thể diễn tả bằng lời, nó sẽ biện minh cho bất kỳ phương tiện nào cần thiết để đạt được nó. Do đó, nó sẽ biện minh cho, sự bạo ngược và giết người hàng loạt trong số nhiều điều khủng khiếp khác. Khi Stalin (một cựu chủng sinh) đi ngủ vào ban đêm, có thể ông đã tự nhủ: “Khốn cho tôi, tôi là kẻ độc ác, nhưng sự độc ác của tôi là cần thiết cho hạnh phúc tương lai của loài người.”
Nhưng chủ nghĩa cộng sản đã thất bại – mặc dù thực tế vẫn tồn tại các đảng cầm quyền độc tài trên thế giới tự gọi mình là cộng sản, ví dụ như ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Việt Nam và Cuba. Nhưng xung lực cách mạng không tưởng thể hiện trong chủ nghĩa cộng sản 100 năm trước vẫn còn sống và khỏe mạnh.
Đó là một loại virus có khả năng giết người có thể được tìm thấy trong trái tim và khối óc của nhiều thanh niên vô thần, những người tưởng mình thông minh hơn, khôn ngoan hơn và có khả năng tiên tri hơn nhiều so với người bình thường. Họ coi mình là “bộ não” của cuộc cách mạng vẻ vang này.
Nhưng nếu “bộ não” muốn thành công, chúng sẽ cần “sức lực.” Vì bản thân bộ não không đủ sức lực, nên chúng sẽ cần những đồng minh thực sự có sức lực (và không quá thông minh). Ngày xưa, những bộ óc cách mạng nghĩ rằng tầng lớp lao động thành thị sẽ cung cấp sức lực cần thiết.
Than ôi, đối với những nhà cách mạng, hóa ra giai cấp công nhân không thực sự muốn một cuộc cách mạng. Các nhà cai trị tư bản của xã hội đã mua chuộc giới lao động bằng cách hứa cho họ mức sống tốt, cho người lao động mỗi tuần làm việc 40 giờ, có lương hưu cho người già, bảo hiểm y tế và cơ hội thăng tiến cho con cái của họ, và rồi mọi thứ như khí helium xì hết ra khỏi trái bóng.
Vì từ bỏ hy vọng cũ rằng giai cấp công nhân sẽ cung cấp sức lực cách mạng cần thiết, bộ não cách mạng ngày nay tìm kiếm một đồng minh sức lực mới, một giai cấp vô sản cách mạng mới và tốt hơn. Nhiều người tin rằng họ đã tìm thấy đồng minh này, hoặc ít nhất là đồng minh tiềm năng này, ở những người “da màu” trên thế giới.
Sự chia rẽ lớn ngày nay trên trái đất, như những nhà cách mạng thông minh nhìn nhận, là giữa một thiểu số người da trắng giàu có và áp bức, hầu hết sống ở Châu Âu và Bắc Mỹ, và những người bị áp bức trên thế giới, hầu hết tất cả đều là người da màu.
Nếu bạn định nghĩa “người da màu” (P.O.C. – persons of color) một cách rộng rãi để bao gồm không chỉ người da đen, da nâu, da vàng, mà còn cả người Đông Á, người Ả Rập, người Hồi giáo và hầu hết bất kỳ ai có họ Tây Ban Nha (có lẽ ngoại trừ Penelope Cruz và vua Tây Ban Nha), thì hóa ra người da màu trên thế giới đông hơn rất nhiều so với người da trắng, điều đó có nghĩa là người da màu – tất nhiên là được hướng dẫn bởi những người thông minh, cuối cùng sẽ lật đổ người da trắng và xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và tạo ra một Thiên Đàng trên trái đất.
Hoặc các nhà cách mạng của chúng ta nghĩ như vậy. Nhưng để đánh giá mức độ háo hức của những người da màu khi vào Mỹ châu, Âu châu, v.v… có thể, chỉ có thể thôi, họ đang đặt cược vào một huyền thoại hão huyền khác, trong khi người da màu tỏ ra ưa thích chủ nghĩa tư bản và niềm tin của tổ tiên.
DAVID CARLIN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)