Là con người, ai cũng có lương tâm – giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về nội dung, tức là khác nhau về chất lượng tốt hay xấu. Con người có quyền hành động theo lương tâm và có bổn phận phải tuân phục tiếng nói của lương tâm ngay thẳng.
Lương tâm là năng lực tự giác của con người, tự giám sát bản thân, tự đề ra cho mình nghĩa vụ đạo đức phải hoàn thành, tự đánh giá hành vi của mình. Theo nghĩa rộng, lương tâm là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân.
Theo Khổng Tử, lương tâm là đạo đức. Ông nhận định: “Lập đạo của trời nói âm và dương, lập đạo của đất nói nhu và cương, lập đạo của người nói nhân và nghĩa.” Tất cả các tính khác của con người đều do nhân và nghĩa mà nên, cũng như vạn vật, sự việc trên trời tạo nên dưới đất do âm – dương, nhu – cương, con người bất nhân là ác, bất nghĩa là bạc, vì vậy mà con người muốn được coi là “nhân” phải có lòng nhân, muốn được coi là “nghĩa” phải có lương tâm.
Lương tâm là kết quả của quá trình sống chứ không phải bẩm sinh. Lương tâm luôn đi với con người trước khi hành động. Lương tâm vốn dĩ tốt lành nhưng theo thời gian vẫn có thể bị biến hóa theo hướng xấu.
Theo Công giáo, lương tâm là sự phán đoán của lý trí mà Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi đáy lòng con người để thúc giục họ làm lành, lánh dữ. Tuy nhiên, nên biết rằng lương tâm con người có thể ĐÚNG ĐẮN (ngay thẳng, tốt lành) hoặc LỆCH LẠC (sai lầm, xấu xa), vì con người được Thiên Chúa ban cho sự tự do, vì thế con người cũng có toàn quyền tự do để quyết định theo lương tâm. Do đó, con người phải không ngừng rèn luyện lương tâm của mình để có thể theo đúng Thánh Ý Thiên Chúa.
- LƯƠNG TÂM NGAY THẲNG giúp phân biệt tốt – xấu. Đó là tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối tốt lành và thánh thiện, tất nhiên Ngài chỉ muốn con người làm những điều tốt lành.
- LƯƠNG TÂM LỆCH LẠC là lương tâm bị sai lạc do hoàn cảnh tác động, hoặc do lười biếng trau dồi, đặc biệt là do THÓI QUEN PHẠM TỘI khiến cho lương tâm trở nên CHAI LÌ, mất khả năng phân định điều nào tốt lành hoặc xấu xa. Phải chấn chỉnh loại lương tâm này càng sớm càng tốt!
Để rèn luyện lương tâm, người ta phải thường xuyên tập làm điều tốt lành và xa tránh tội lỗi. Muốn vậy, phải cầu xin Chúa Thánh Thần soi chiếu ánh sáng chân lý qua việc học hỏi từ người khác, gia đình, học đường, xã hội,… nhất là từ tôn giáo – đặc biệt là Công giáo.
Là Kitô hữu, chúng ta phải hoàn thiện để nên thánh như Chúa muốn. Ước gì mỗi chúng ta hãnh diện nói được như Thánh Phaolô đã xác định:
- “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và LƯƠNG TÂM tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi.” (Rm 9:1)
- “Điều khiến chúng tôi tự hào là LƯƠNG TÂM chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa.” (2 Cr 1:12)
Thánh Phaolô cũng có đề cập 3 điều cần lưu ý: [1] TÂM HỒN trong sạch, [2] LƯƠNG TÂM ngay thẳng, và [3] ĐỨC TIN không giả hình. (1 Tm 1:5) Các “tính từ” theo sau 3 điều đó cho thấy chúng cũng có những loại đối lập. Hãy cẩn trọng!
Có một anh bạn lớn hơn tôi 10 tuổi. Hằng tuần chúng tôi gặp nhau uống cà-phê và phiếm đàm nhiều chuyện – từ tôn giáo đến xã hội, từ giáo dục tới kinh tế, từ giao tế xã hội tới đạo hiếu gia đình,… Thậm chí chúng tôi trao đổi cả về cuộc đời và… sự chết.
Người bạn đó là ai? Hơn 20 năm trước, xe tôi hư, muốn sửa xe mà không quen ai, sợ gặp thợ “vô tâm” làm ẩu và “chém đẹp.” Đứa cháu nói có ông già sửa xe trên khúc đường gần tới nhà thờ, và nó “láy” một câu: “Ông ấy khó tính lắm.” Tôi đến “ông già” để sửa xe. Một lần, hai lần, rồi nhiều lần. Cứ thế thành quen, rồi thân. Tôi nói với đứa cháu: “Có thấy ông ấy khó tính gì đâu.” Cứ khoảng hai hoặc ba tuần tôi không ghé là ông lại nhắc: “Lâu quá không thấy ghé, tưởng đi đâu xa rồi chứ. Nói thật lòng, không thấy bạn ghé tôi cũng thấy nhớ.”
Tôi ghé tiệm sửa xe của anh có khi không sửa xe mà chỉ để phiếm đàm sự đời, tâm sự với nhau cho quên “khổ ải trần gian” vậy thôi. Có lần anh nói: “Có những người giàu, buôn bán lấy lời thẳng tay. Có khi lời gấp đôi, gấp ba lận. Mà không phải người bình thường đâu, họ là con cha cháu ông đó. Mình nghèo thật, nhưng sửa xe cho khách mà lấy mắc hơn một vài ngàn, đêm nằm suy nghĩ thấy áy náy lắm. Áy náy thật chứ không giỡn nha.” Tôi cười: “Vậy chứ sao. Có lẽ vậy nên họ giàu. Mình nghèo có khi còn bị cho là chảnh.”
Đó là vấn đề lương tâm. Có người áy náy vì chuyện rất nhỏ, nhưng có người không hề áy náy vì chuyện lớn. Lương tâm mỗi người đều có những mức độ khác nhau: Đúng đắn hay lệch lạc? Trong sáng hay chai lì? Còn tỉnh thức hay đã ngủ mê? Người ta thường “chua cay” nói: “Lương tâm không bằng lương tháng.” Vâng, lương tâm có răng đâu mà cắn rứt!
Trên đường đi, xe máy va quẹt chưa xảy ra nguy hiểm nào, nhưng chỉ vì một lời nói không lọt tai mà người ta hung hãn đâm chết nhau như một trò chơi vậy. Hoặc trên xe buýt, một đạo tặc “hai ngón” bị bà già ngăn cản mà hắn liền đâm dao vào mặt bà. Có người thấy vậy nên ra tay nghĩa hiệp và cũng bị hắn đâm.
Không thể tưởng tượng nổi khi các “cô chiêu, cậu ấm” của các đại gia còn xài sang hơn “công tử Bạc Liêu” xưa: Họ điểm tâm sáng vài trăm triệu đồng VN, buổi tối họ vào các bar chi khoảng vài ngàn USD. Với họ, như vậy là… “chuyện nhỏ,” và như vậy mới chứng tỏ “đẳng cấp” chăng?
Chuyện xưa chưa cũ, vẫn mới nguyên: Tháng 8-2010, anh lái tàu hỏa tên Thức – với 20 năm kinh nghiệm – đã nhanh chóng quyết định dùng cách khác để thắng đoàn tàu khi gặp sự cố, dù anh biết nguy hiểm cho tính mạng mình. Anh bị trọng thương, dập nát hai chân và dập lá lách, nhưng anh đã cứu sống hơn 300 hành khách. Lái tàu có cách thắng khác không nguy hiểm cho mình, nhưng có thể nguy hiểm cho cả đoàn tàu. Anh đã chọn phần nguy hiểm về phần mình. Anh có vợ và con gái. Nhà nghèo, chiếc xe máy cũng chưa mua được, nhưng anh Thức vẫn hoàn toàn là con người vĩ đại với một lương tâm trong sáng.
Giữa đêm tối bao phủ dày đặc, một que diêm lóe sáng cũng đủ để người ta nhìn thấy. Cũng vậy, một động thái dù rất nhỏ cũng đủ người khác nhận ra. Muốn giỏi một ngoại ngữ, người ta cần đan quyện cả 4 kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc (hiểu), Viết. Cuộc sống cũng cần các kỹ năng tương tự vậy. Hymans nói: “Giá trị mỗi con người tùy thuộc lý tưởng CAO hay THẤP mà mình theo đuổi.”
- Blanchecotte nói: “Hãy tưởng như mình sắp chết và hãy hành động như mình bất tử.”Quả thật, trong con người luôn có sự giằng co mãnh liệt, như Lachausser nói: “Nghĩ đúng, nói đúng, vậy cũng chưa đúng, mà còn phải làm đúng.”Cuộc sống phải tích cực và dứt khoát, không được tiêu cực hoặc lừng khừng, vì Thiên Chúa cảnh báo: “Ngươi hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, Ta sẽ mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:16)
Nói đến lương tâm là hiểu ngầm có sự giằng co trong mỗi con người. Điều quan trọng là chúng ta chứng tỏ bằng chính hành động cụ thể, chứ đừng nghĩ rằng “vắng mợ thì chợ vẫn đông.” Mẹ Thánh Teresa Calcutta đã chia sẻ: “Chúng ta cảm thấy những gì chúng ta làm chỉ là một giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương sẽ ít đi vì thiếu giọt nước đó.”
Ác nhân sống bất chính vì lương tâm đã sai lạc, họ không cố gắng chấn chỉnh nên thành thói quen, rồi hóa chai lì: “Kẻ gian ác tự đưa ra bằng chứng để lên án chính mình là hèn hạ: bị lương tâm dày vò nó luôn cảm thấy mình khổ sở.” (Kn 17:11) Vì thế, có một lương tâm chân chính là một mối phúc: “Phúc thay ai không bị lương tâm cắn rứt, và kẻ không rơi vào thất vọng.” (Hc 14:2)
Lạy Thiên Chúa chính trực, xin tạo cho con một trái tim trong sạch, một lương tâm trong sáng, và một lòng can đảm để hành động theo Thánh Ý Ngài. Xin cho mọi người sống đúng với trách nhiệm và bổn phận của mình, mọi nơi và mọi lúc. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU