Home / Chia Sẻ / THÁNH GIOAN TẨY GIẢ 

THÁNH GIOAN TẨY GIẢ 

ThanhGioanTaygiaTrong Giáo hội, ngày lễ kính một vị thánh là ngày từ trần của vị ấy, quen gọi là “ngày sinh nhật trên trời” của người, ngày người sinh ra trên trời.  Duy chỉ có thánh Gioan Tẩy Giả là được kính mừng cả trong ngày Người sinh ra lẫn trong ngày Người tạ thế.  Tưởng không có gì lạ.  Tất cả cuộc đời của thánh nhân từ lúc sinh ra, và ngay cả trước lúc sinh ra, chỉ là một lời chứng duy nhất cho Chúa Giêsu.

Con người của một sứ mạng

Có những người cho rằng người ta sinh ra ở đời là “bị vất vào đó,” một cách tình cờ, vu vơ, vô nghĩa.  Thông thường hơn, người ta nói mỗi người có một định mệnh.  Trước định mệnh ấy con người đành bó tay chịu đựng, không cách nào thoát ra được.  Người Công giáo thì tin rằng mỗi người sinh ra là do ý muốn đầy yêu thương của Thiên Chúa, rằng không phải một sức mạnh mù quáng hay khắc nghiệt nào đó đã ném họ vào đời, nhưng chính Tình Yêu của Chúa “gọi” họ vào cuộc sống, và khi cho một con người sinh ra, Thiên Chúa có một ý định, một dự tính về người ấy, không phải như một kế hoạch áp đặt nhưng như một sứ mạng để hoàn thành trong tự do và trách nhiệm, hầu cho con người được hạnh phúc và cuộc đời họ được thành tựu đích thực.  Ta gọi sứ mạng đó là một “ơn gọi.”  Về mặt này, trường hợp của ông Gioan Tẩy Giả là tiêu biểu và rõ ràng.

Qua tường thuật của Kinh Thánh, chúng ta thấy ý định của Thiên Chúa về Gioan đã được biểu lộ hiển nhiên ngay từ giây phút ông được thụ thai, rồi trong việc ông sinh ra, việc đặt tên cho ông, việc mẹ ông và mẹ Chúa Cứu Thế gặp nhau v.v…  Trong các biến cố đó, ta thấy có sự can thiệp lạ lùng của Chúa vào trong cuộc đời của Gioan để định hướng cho nó.  Điều đáng nói hơn là về phần ông, một khi đã khôn lớn và nhận ra sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó, Gioan Tẩy Giả không còn biết gì khác hơn là sống trọn vẹn cho sứ mạng đó một cách lô-gic, kiên quyết, trọn vẹn, cho tới cùng.  Ông rút lui sớm vào hoang địa, sống khắc khổ xa lánh mọi mời mọc, níu kéo của trần gian là để được sống trọn vẹn hướng về Đấng Cứu thế mà ông phải làm kẻ “dọn đường.”  Ông rao giảng bằng những lời lẽ thật nghiêm khắc, mạnh mẽ để lôi kéo người ta sám hối đổi đời vì thời gian không còn nhiều, Nước Thiên Chúa sắp tới.  Sau khi thiên hạ đã rời ông để quay sang Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế, ông âm thầm rút lui vào bóng tối vì đã hoàn thành nhiệm vụ “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi,” ông tuyên bố như thế (Ga 3,30).  Rồi cả cái chết của ông cũng là một phần không thể tách lìa sứ mạng của một kẻ “dọn đường” và “làm chứng cho ánh sáng và sự thật.”

Gioan và Hêrôdê

Tôi thấy thánh Gioan Tẩy Giả Và vua Hêrôđê, kẻ đã ra lệnh chém đầu Người, là hai khuôn mặt hoàn toàn tương phản.  Gioan là người mạnh mẽ, chí khí, còn Hêrôđê là người yếu đuối, do dự.  Một đàng thì sống khắc khổ, giản dị, còn đàng kia lại thích xa hoa, hưởng thụ.  Hêrôđê đã bắt giam ông Gioan vì ông mạnh mẽ tố cáo nhà vua đã lấy vợ của anh mình.  Thật ra vua cũng tỏ ra kính phục nhà tiên tri, biết ông là người công chính và thánh thiện, nhiều khi ông đã bênh vực Gioan.  Nhưng ông là người thiếu ý chí, bị bao vây bởi đam mê, dục vọng.  Và tuy là người cai trị khôn khéo nhưng ông lại bị các khuynh hướng xấu xa làm chủ mình.  Thế nên ông đã bắt Gioan tống ngục, chắc hẳn là dưới sức ép của bà Hêrôđiađê, người chị dâu mà ông ta đoạt làm vợ.  Rồi trong một bữa tiệc, ông đã hài lòng về điệu múa của cô con gái của bà đến độ đã hứa ban cho cô ta bất cứ điều gì cô xin.  Một lời hứa bốc đồng.  Đó không phải là tiếng nói của lý trí, của lương tâm mà là của cảm tính, của bản năng.  Và thế là ông đã mắc mưu bà Hêrôđiađê rồi.  Bà bảo con gái hãy xin cái đầu của Gioan.  Đã lỡ hứa trước mặt các thực khách, nhà vua đành phải giữ lời, mặc dù trong thâm tâm ông không muốn giết con người công chính này.

Vua Hêrôđê tiêu biểu cho những con người để cho phần thú tính nơi mình lấn lướt; mặc dù đôi khi lý trí và lương tâm vẫn còn lóe lên nơi họ, kêu gọi họ hãy vươn cao lên, nhưng không đủ sức kéo họ ra khỏi vũng bùn lầy bởi họ đã quen sống trong những sự thấp hèn.  Đối diện với Hêrôđê, ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện như một con người có lý tưởng, sống nhất quán vì lý tưởng đời mình; một con người của bổn phận; con người biết chiến đấu cương quyết chống lại những lôi cuốn của bản năng thấp hèn; con người của những đỉnh cao.

Thánh Gioan Tẩy Giả và chúng ta

Như Gioan, mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng, một ý định của Thiên Chúa về chúng ta.  Nhưng làm sao biết được?  Kinh Thánh và giáo lý của Hội Thánh cho ta biết rằng con người được dựng nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa,” “có khả năng hiểu biết là yêu mến Tạo Hóa” và “chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa.”  Đó chính là mục đích của việc tạo dựng con người.  Con người phát xuất từ Thiên Chúa, sẽ được trở về với Thiên Chúa.  Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (năm 1992) trích dẫn lời thánh nữ Catarina thành Sienna như sau: “Vì sao Ngài đã dựng nên con người với phẩm giá cao trọng như vậy?  Với tình thương vô biên, Ngài đã nhìn ngắm thụ tạo nơi chính mình và say mê nó.  Vì thương yêu, Ngài đã tạo ra nó; vì yêu thương, Ngài cho nó khả năng hưởng phúc vĩnh cữu, (sđd, số 6).

Đó là ý định chung của Thiên Chúa là ơn gọi chung của chúng ta.  Mỗi người sẽ phải thể hiện ơn gọi đó cho nên mình tùy theo diễn tiến cụ thể đời mình, theo những điều kiện và hoàn cảnh sống thực tế, khi ra sức tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong lề luật của Người và lời dạy của Giáo hội, trong việc bổn phận của bậc sống mình, trong lương tâm ngay thẳng, trong luật lệ chính đáng của xã hội, trong các biến cố…

Không phải tự nhiên và dễ dàng mà chúng ta có thể thực hiện ý định của Chúa đối với chúng ta.  Trong mỗi người đều có hai khuynh hướng: một nâng ta lên cao, một kéo ta đi xuống.  Chúng ta thường xuyên kinh nghiệm rằng hai khuynh hướng thiện ác đó đấu tranh kịch liệt với nhau ngay trong ta.  Muốn chiến thắng, phải tỉnh thức và cầu nguyện, phải tập nghe theo tiếng nói của lý trí, của lẽ phải và lương tâm, trong việc lớn cũng như việc nhỏ; đồng thời cũng phải tập sống khổ chế, nghĩa là sống có kỷ luật, biết hy sinh và từ bỏ.  Làm sao có thể có một đời sống tinh thần phong phú nếu lúc nào cũng tìm kiếm và chiều theo những sự dễ dãi, thoái mái, nếu lúc nào cũng chạy theo vui thú vật chất và xác thịt?

Ít năm sau chiến tranh, tôi có dịp đi thăm một anh em tu sĩ chúng tôi ở Xuyên Mộc.  Ngài phụ trách một giáo xứ khoảng 4.000 giáo dân và ba địa điểm cách giáo xứ từ 7 đến 20 cây số với số giáo dân khoảng 6.000 người nữa.  Tôi đã đi thăm hai địa điểm lớn ở xa.  Đó là hai làng kinh tế mới.  Tôi thấy giáo dân thật sốt sắng, đầy can đảm trong công việc làm ăn cũng như trong việc đạo.  Đặc biệt tôi gặp một gia đình Dòng Ba Phanxicô gốc ở Phú Nhuận.  Khi tôi đến, ông đang dạy giáo lý hôn nhân cho một chị độ 25 tuổi.  Ông bà cho biết: họ có mấy người con trai, trong đó có đứa nghiện xì ke đã làm cho họ rất khổ tâm.  Để tránh cho mấy đứa khác khỏi bị lôi kéo vào con đường hư hỏng đó, hai ông bà đã quyết định đưa cả gia đình tới đây sinh sống từ 1980.  Bây giờ họ sống nghèo nhưng vui và bình an.  Tinh thần đơn sơ, nghèo khó, vui tươi và phó thác của Dòng Ba đã giúp họ can đảm sống cuộc đời thiếu thốn vì lợi ích của con cái.  Họ nói tuy họ không giàu có nhưng con cái họ không hư hỏng.

Theo “ơn gọi” và hoàn cảnh riêng của mình, hai người công giáo này đáng cho ta khâm phục không kém Gioan Tẩy Giả, và chắc chắn là gần gũi và dễ noi gương hơn noi gương vị Tiền Hô.

Lm Nguyễn Hồng Giáo

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …