Home / Chia Sẻ / THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG

THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG

ThanhThantacdongNhờ THẦN KHÍ Linh Hồn Nên Đạo Đức

Bởi NGÔI BA Trái Đất Hóa Tinh Khôi

Thánh Elizabeth Chúa Ba Ngôi nói: Dưới tác động nhiệm lực của Chúa Thánh Thần, linh hồn như một chiếc đàn phát ra những giai điệu thần linh. Sợi dây càng đau đớn thì càng phát ra những thanh âm tuyệt vời. Vì thế, linh hồn thích thú nhìn sợi dây đàn của nó được tác động để có thể đạt đến cung lòng Thiên Chúa. Và Thánh Augustinô cho biết: “Ai càng yêu mến Giáo hội Chúa Kitô thì càng hưởng được Thánh Thần.”

Ngay từ khi được làm người, Thiên Chúa nhân lành đã đặt nền tảng tốt lành trong mỗi người, đó là điều mà Thánh Inhaxio Loyola cho biết: “Trong lòng mỗi chúng ta đều có ghi khắc luật đức ái của Chúa Thánh Thần, luật này sẽ là căn nguyên hành sự suốt đời chúng ta.” Người ta nói “nhân chi sơ tính bổn thiện” là vậy.

Trình thuật Ga 20:19-23 cho biết: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Một lời chúc tuyệt vời, vì đó là “hơi ấm” mà ai cũng cần, cả trong cuộc sống đời thường và tâm linh. Sau đó, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Không vui sao được vì Thầy đã sống lại đúng như Thầy đã nói trước. Họ tưởng Thầy chết là “chấm hết,” có người còn bỏ về quê vì cảm thấy “vỡ mộng” thật rồi, thế nhưng đâu ngờ Thầy vẫn “nguyên xi.” Ôi, trên cả tuyệt vời! Và họ vô cùng sung sướng.

Quá đỗi hạnh phúc nên họ không nói nên lời, và cũng chẳng biết thể hiện ra sao nữa. Bối rối quá chừng! Nhưng Ngài trấn an các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.” Một hệ lụy tất yếu. Sướng thì sướng nhưng phải có trách nhiệm, và không được ích kỷ, nghĩa là phải chia sẻ niềm vui đó cho người khác. Được miễn phí thì cũng phải tặng miễn phí. Đó là công bình và bác ái.

Rồi Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.” Một lần nữa, Chúa Giêsu lại tiếp tục thể hiện Lòng Thương Xót cụ thể: Bí tích Hòa giải. Đúng như Ngài đã từng bảo ông Phêrô khi ông hỏi Ngài về mức độ tha thứ: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:22) Ngài là Đấng giàu lòng thương xót, là Thiên Chúa tình yêu, với Thánh Tâm ngùn ngụt Lửa Yêu, nên Ngài dạy chúng ta phải bao dung chứ đừng “bung dao,” phải “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho người ngược đãi mình.” (Mt 5:44) Như thế mới thực sự là sống Lòng Thương Xót và “mới được trở nên con cái của Chúa Cha,” (Mt 5:45) nếu không thì chúng ta chẳng có công cán chi, chẳng hơn người thu thuế và người ngoại đạo. (x. Mt 5:46-48)

Phải thực sự can đảm có thể hành động như Chúa Giêsu mong muốn, muốn can đảm thì phải có ơn Chúa Thánh Thần, muốn có ơn Chúa Thánh Thần thì phải cầu xin Chúa Thánh Thần tác động không ngừng, vì Chúa Giêsu xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta có thể làm được nhiều thứ ngoài khả năng của mình – nếu chúng ta thực sự có Thiên Chúa. Và mỗi người đều được sai đi như chiên vào giữa bầy sói, vì thế chúng ta phải “khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16) – nhất là trong xã hội ngày nay, tức là chúng ta rất cần ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, Thánh Phêrô đã căn dặn: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8) Mưu ma chước quỷ rất tinh vi, luôn phải cảnh giác cao độ.

Như chúng ta biết, chim bồ câu là loài chim hiền lành và thân thiện với mọi người, là biểu tượng hòa bình (an bình hoặc bình an), và đặc biệt là biểu tượng Chúa Thánh Thần. Lửa có tính “nhiệt” (nóng, dương), nước có tính “hàn” (lạnh, âm). Âm dương hòa quyện Đất Trời. Gió làm hạ nhiệt. Lửa, gió và nước là những thứ rất mềm, nhưng lại “cứng” hơn mọi thứ khác, và không ai có thể cắt đứt được. Chúa Thánh Thần cũng vậy, khi Ngài đã hành động thì không một sức mạnh nào có thể cưỡng lại. Ngoài ra, lửa có một đặc điểm khác là càng chia sẻ càng thêm nhiều, chứ không giảm bớt. Vô cùng kỳ diệu!

Kinh Thánh cho biết hiệu quả khi có Chúa Thánh Thần: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2:4) Muốn đầy tràn ơn thánh của Chúa Thánh Thần, người ta phải chân thành cầu xin. Cầu nguyện là động thái cần thiết bởi vì cầu nguyện là hơi thở của Kitô hữu, là sinh khí tâm linh, đặc biệt là việc cầu nguyện liên quan Chúa Thánh Thần. Thánh Ephraem Syria nói: “Các nhân đức thành hình nhờ cầu nguyện. Lời cầu nguyện duy trì sự điều độ, ngăn chặn sự tức giận, ngăn chặn sự kiêu ngạo và đố kỵ. Lời cầu nguyện đưa Chúa Thánh Thần vào linh hồn  nâng con người tới Thiên Đàng.”

Chúa Giêsu biết sắp tới lúc phải chia tay các môn đệ, Ngài đã hứa với họ trước đó: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật.” (Ga 14:16-17a) Ngài hứa gì thì chắc chắn có, nhưng bổn phận của chúng ta vẫn phải cầu xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!” Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba – Đấng nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, và được tôn xưng với nhiều danh hiệu: Thần Khí Sự Thật, Thánh Linh, Thánh Thần, Linh Khí, Đấng An Ủi, Đấng Bảo Trợ, Đấng Thánh Hóa, Đấng Canh Tân,… Ngài xuất hiện qua các hình dạng: chim bồ câu, lửa, nước, và gió.

Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong cuộc đời chúng ta, vì Ngài là Thần Khí Sự Sống, thế nhưng chúng ta thường xuyên “quên” Ngài, nhưng không vì vậy mà Ngài “quên” chúng ta. Ngài quan trọng đến nỗi Chúa Giêsu xác định: “Ai nói phạm đến Thánh Thần thì CHẲNG ĐỜI NÀO ĐƯỢC THA, mà còn MẮC TỘI MUÔN ĐỜI.” (Mc 3:29; Lc 12:10) Mọi tội đều được tha, nhưng tội phạm tới Chúa Thánh Thần thì mãi mãi không được tha, cũng có nghĩa là người phạm tội đó không được vào Nước Trời.

Về ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta quen nhắc tới 7 ơn – khôn ngoan, hiểu biết, lo liệu, sức mạnh, thông minh, đạo đức, và kính sợ Chúa. Cách nói quen thuộc đó do quan niệm của Kinh Thánh cho rằng số 7 là con số kỳ diệu, chứ Chúa Thánh Thần không chỉ “đóng khung” trong 7 ơn đó, mà còn vô số các ơn khác. Chúng ta cũng nói Chúa Thánh Thần có sứ vụ thánh hóa, Ngài luôn tác động trong mỗi người, và chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần. (x. 1 Cr 3:16) Vì chúng ta thường “quên” Chúa Thánh Thần, nên trong các giờ phụng vụ, Giáo Hội luôn cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến và thánh hóa mọi sự ngay từ đầu để có hiệu quả theo Thánh Ý Chúa.

Đức Kitô đã hứa trước khi Ngài về trời, khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, lúc mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như LƯỠI LỬA tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho. (Cv 2:1-4)

Thật vậy, mỗi người đều có khả năng riêng theo 7 tặng phẩm của Thiên Chúa. (Rm 12:6-8; x. 1 Cr 12:4-11) Ai cũng có tặng phẩm riêng, người được ơn này, kẻ được ơn khác, không ai giống ai, và không ai là bất tài vô dụng. Đó là ơn Chúa Thánh Thần, nhưng ơn đó không phải để ích kỷ hoặc kiêu căng, mà là để làm vinh danh Thiên Chúa, và vì công ích: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.” (1 Cr 12:7) Ngày xưa, tại Giêrusalem có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về, nhưng ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt và thán phục lắm. Đó là hiện tượng “nói tiếng lạ,” nhưng ai cũng hiểu như tiếng bản xứ của mình, mặc dù chính họ thực sự nghe người khác nói bằng “ngoại ngữ.” Các tông đồ chỉ là những người ít học, làm đủ các ngành nghề, chẳng học ngoại ngữ bao giờ, thế mà nay thông minh đột xuất, nói ngoại ngữ như gió, họ thấy nhãn tiền chứ chẳng phải nghe ai nói lại hoặc nghe đồn. Lạ lùng lắm!

Các tông đồ “nói tiếng lạ” nhưng không phải để khoe khoang, “nổ” hoặc “chảnh” mà họ “loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2:11) Thấy và nghe vậy, ai cũng sửng sốt, có những người phân vân vì không hiểu như vậy nghĩa là gì, nhưng cũng có những người lại chế nhạo: “Mấy ông này say bứ rồi!” (Cv 2:13) Loại người chê người khác như thế mới là “chảnh,” thấy người khác hơn thì tìm cách “thọc gậy bánh xe.” Đó là động thái của những kẻ vừa đê tiện vừa hèn nhát.

Ngày nay dạng người như vậy vẫn xuất hiện trong xã hội. Khi thấy “sự lạ” hoặc thấy người khác có “cái lạ” (theo nghĩa tích cực về tâm linh), có người khâm phục và tạ ơn Chúa, nhưng cũng có người gièm pha, chê trách, ghen ghét,… Có thể họ không nói ra bằng lời, nhưng động thái của họ đã “bật mí” tà tâm của họ. Đúng là “giàu có bị ghét, đói rét bị khinh, thông minh bị triệt, ngu dốt bị đì.” Đối với loài người thì cỡ nào cũng… chết chắc!

Ơn Chúa luôn chan hòa, cầu nguyện mà không thấy “được như ý” nên chúng ta tưởng Chúa không ban, nhưng thực ra Ngài ban cho chúng ta cái khác có lợi cho chúng ta hơn, vì “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Ngài biết hết mọi sự.” (1 Ga 3:20) Thật vậy, “sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người.” (1 Cr 1:24 -25) Tất cả đều là hồng ân, do đó mà phải biết tạ ơn và thân thưa: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1) Thực sự trí óc phàm nhân chúng ta không thể hiểu thấu sự quan phòng tiền định của Ngài.

Thánh Vịnh gia đã xác nhận: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất.” (Tv 104:24) Quả thật, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được trò trống gì, (Ga 15:5) thậm chí có thể là chết ngay lập tức. Thiên Chúa là sự sống, là Thần Khí, vì “thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” (Ga 6:63) Có Thiên Chúa thì chúng ta nên mới như “sinh vật lạ,” nếu thiếu Thiên Chúa thì chúng ta không thể nào sống nổi: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này. Vinh hiển Chúa, nguyện muôn năm tồn tại, công trình Chúa làm Chúa được hân hoan.” (Tv 104:29-31)

Ước gì mỗi tín nhân đều khả dĩ nhận thức sâu sắc và đúng đắn về Thiên Chúa, đồng thời định hướng sống rạch ròi: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Ngài vui thỏa, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.” (Tv 104:34) Ngày xưa, các tông đồ chỉ là những con người yếu đuối, nhát đảm, sợ sệt, cũng đã từng bị Thầy Giêsu trách là “kém tin,” (Mt 6:30; Mt 14:31; Mt 16:8; Mt 17:20; Lc 12:28) nhưng sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông trở nên can đảm, mạnh dạn, dám ăn dám nói chứ không “bỏ của chạy lấy người” như trước. Đa số các ông đã tử đạo để minh chứng niềm tin vào Thầy Giêsu. Một Saolê hung hăng và tàn bạo bắt đạo Chúa đã trở thành một Phaolô “mềm như bún” và rồi trở nên nhiệt thành rao truyền Đức Kitô sau khi được Chúa Thánh Thần tác động. Rất nhiều các thánh trong lịch sử Kitô giáo đã cho thấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần tác động và biến đổi họ.

Thánh Phaolô bộc bạch tâm sự với giáo đoàn Côrintô: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa. Thế mà điều chúng tôi giảng dạy cho các tín hữu trưởng thành cũng là một lẽ khôn ngoan, nhưng không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này, là những kẻ sớm muộn gì cũng phải diệt vong. Trái lại, chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển.” (1 Cr 12:3-7) Điều đó chứng tỏ sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã tác động: người kém trí thành thông minh, người nhút nhát thành can đảm, người dại thành khôn, người yếu hóa mạnh,…

Lời Thánh Phaolô căn dặn dân Côrintô cũng dành cho người thời nay: “Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí; chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí.” (1 Cr 12:12-13) Đúng vậy, Chúa Thánh Thần vô cùng quan trọng.

Hát bài Ca Tiếp Liên là dịp tốt để chúng ta hiệp ý cầu xin cùng với Giáo hội: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra! Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; Ðấng ban ân huệ, Ðấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến!…” Chắc chắn rằng “nếu không có Chúa trợ phù, trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội,” vì thế mà chúng ta phải không ngừng “xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường, ban cho ơn bảy nguồn, được huân nghiệp nhân đức, được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.”

Được như thế thì thật diễm phúc, vì chúng ta chỉ là phàm nhân cát bụi, tội lỗi ngập đầu. Chúng ta càng diễm phúc vì dù chỉ là những tội nhân khốn kiếp mà được phục hồi cả “bộ ba” là nhân vị, nhân phẩm, và nhân quyền nhờ Máu và Nước cứu độ tuôn trào từ Nguồn Mạch Lòng Thương Xót từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Không chỉ vậy, Thiên Chúa còn ban cho chúng ta được Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta và hứa ban hồng phúc trường sinh với Ngài trên Thiên Quốc, vì chính Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, muốn rằng Ngài ở đâu thì chúng ta cũng ở đó. (x. Ga 14:3) Còn hơn là diễm phúc hoặc đại phúc!

Đúng như lời báo trước, Chúa Giêsu về trời để dọn chỗ cho chúng ta, (Ga 14:2) vì ích lợi của chúng ta, (Ga 16:7) nhưng vì Ngài quá đỗi yêu thương chúng ta nên Ngài không muốn chúng ta sống trong cảnh mồ côi, (Ga 14:18) nên Ngài sai Chúa Thánh Thần đến ở trong mỗi người, (Ga 14:16) và lời hứa đó được thực hiện sau khi Chúa Giêsu về trời 10 ngày – vào đúng ngày Lễ Ngũ Tuần.

Như để nhắc nhở chúng ta “đừng quên” Chúa Thánh Thần, Thánh Phaolô nói: “Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn thì đều là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8:14) Như vậy, tín nhân chúng ta thực sự hạnh phúc lắm. Hãy hiệp thông cầu nguyện với Thánh Mary Magdalene dei Paoãi: “Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý, Ngài là phần thưởng của các thánh, là Đấng an ủi các linh hồn, là ánh sáng trong nơi tăm tối, là sản nghiệp của người nghèo khó, là kho tàng của người yêu mến, là thực phẩm cho người đói khát, là niềm an ủi cho người lạc bước. Nơi Ngài chứa đựng mọi kho báu.”

Lạy Thiên Chúa tốt lành, xin ban Thần Khí để biến đổi chúng con thành khí cụ bình an của Ngài, xin ban Nguồn Ơn Chúa Thánh Thần để chúng con nỗ lực hoàn thiện theo Ý Ngài, nhờ đó chúng con được sống dồi dào, làm chứng nhân cho Ngài. Xin dùng Lửa Thánh Thần “thiêu đốt” và “uốn nắn” chúng con theo Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …