Home / Chia Sẻ / CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐEM CHÚNG TA ĐẾN GẦN CHÚA

CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐEM CHÚNG TA ĐẾN GẦN CHÚA

ChonglaicamdodemchungtadenganChuaMột người dễ bị cám dỗ nhưng vẫn khao khát được cứu độ gắn bó với Thiên Chúa hơn và hăng hái cảnh giác hơn với chính mình. Đó là hai phương tiện tuyệt vời để thăng tiến nhanh chóng trên con đường nên thánh.

Người ấy thấy trong lòng có một số kẻ thù, biết điểm yếu của mình, và mặc dù họ cảm thấy rằng với ân sủng thông thường, họ có đủ quyết tâm để vượt qua một số kẻ thù, nhưng chống lại những kẻ thù khác mà họ bị lôi cuốn dữ dội hơn và trong một số trường hợp nguy hiểm hơn, họ bị thuyết phục từ sự yếu đuối của chính mình, từ một kinh nghiệm đau buồn, và từ một kiến thức về các nguyên tắc tôn giáo, rằng nếu không có ân sủng đặc biệt, họ sẽ không đủ can đảm để chống lại một cách thành công.

Biết được những điều đó và hoang mang trước cuộc chiến không cân sức, người ấy phải làm gì? Họ phải tìm kiếm sự giúp đỡ đủ mạnh để chống lại kẻ thù và đặc biệt là chống lại những kẻ thù mà họ sợ hãi nhất. Đức tin dạy họ rằng sự trợ giúp này chỉ có thể tìm thấy ở Thiên Chúa. Muốn vậy thì họ phải cầu xin nhiệt thành và kiên trì. Khi đó họ sẽ hướng về Ngài với tất cả niềm tin tưởng.

Ở chuyển động đầu tiên của sự cám dỗ, họ cùng với Thánh Vịnh gia nói: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121:1) Họ cầu xin điều đó bằng những lời cầu nguyện của mình, họ thu hút nó bằng những ham muốn của mình, tất cả những khát vọng của trái tim họ đều mạnh mẽ để có được nó. Càng bị cám dỗ, họ càng gắn bó với Chúa. Họ giống như một đứa trẻ đi dọc theo bờ vực của những vách đá nguy hiểm hoặc bị bao quanh bởi những con thú hung dữ săn mồi. Họ bám lấy Ngài để được bảo vệ bất cứ khi nào con đường trơn trượt và nguy hiểm, khi tiếng gầm gừ dữ dội hoặc con mắt rực lửa cảnh báo họ về mối nguy hiểm chết người.

Dưới sự bảo vệ của Thiên Chúa, giống như nhà tiên tri, họ không còn sợ hãi những kẻ thù vì nó phải bất lực trước đức tin mạnh mẽ hướng đến hạnh phúc vĩnh cửu và niềm hy vọng vững chắc để đạt được những ân sủng đặc biệt hứa hẹn sự tin tưởng tiềm ẩn. Họ không còn coi kẻ thù mà họ từng nghĩ là không thể chiến thắng nữa; họ coi thường nó hoặc tự tin tấn công nó, và trong những khuynh hướng như vậy, họ đã giành được chiến thắng dễ dàng. Ân sủng này, thường xuyên được đổi mới, càng dạy cho họ biết mức độ tốt lành và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ, và đáp lại, tình yêu của họ trở nên nồng nhiệt và mạnh mẽ.

Khi đó, những cám dỗ được hiểu đúng và đáp ứng theo tinh thần tôn giáo, gắn bó chúng ta gần gũi hơn với Thiên Chúa nhờ các đức tính cao cả của đức tin, đức cậy và đức mến, buộc chúng ta phải thực hành thường xuyên.

Mặt khác, việc xác tín về sự yếu đuối của mình chắc chắn sẽ kích thích chúng ta cảnh giác cao độ hơn. Một người yếu đuối là một người nhút nhát – rụt rè tỷ lệ thuận với sự yếu đuối của họ. Điểm yếu đó khiến họ phải hết sức cẩn thận với kẻ thù và tránh chọc giận những kẻ mà họ đã gặp rồi. Họ chú ý đến hành vi của chính mình và cân nhắc từng lời nói. Nghi ngờ về sức mạnh của chính mình, họ không tìm cách tấn công bất cứ kẻ thù nào.

Cách cư xử này chỉ là một hình thức đề phòng mà một Kitô hữu nên thực hiện. Họ cẩn thận tránh bất cứ điều gì có thể kích động những cám dỗ mà họ phải chịu, bất cứ điều gì có thể làm phát sinh những mối nguy hiểm mới và chưa trải qua. Kinh Thánh nói: “Kẻ lòng chai dạ đá sẽ bị ngàn nỗi ưu phiền đè nặng, người tội lỗi cứ chồng chất tội này lên tội kia.” (Hc 3:27) Vì sợ bị bỏ mặc cho sự yếu đuối của chính mình bằng cách tự cho rằng mình không xứng đáng với sự giúp đỡ của Thiên Đàng, họ luôn chú ý đến những gì diễn ra trong tâm trí mình, kẻo có kẻ thù mới nào đó lẻn vào, hoặc kẻ thù đã ở đó rồi mà che giấu, lợi dụng sự sơ suất của họ, nên khiến họ bất ngờ, chiếm lấy họ bằng vị ngọt độc hại của nỗi đam mê, và đẩy họ đến vực thẳm.

Cảnh giác là điều cần thiết hơn, bởi vì sự cám dỗ thường được ngụy trang. Nó dùng các chiến lược, nó duy trì những cái cớ sai lầm, nó khoác lên mình vẻ bề ngoài đức hạnh để lặng lẽ lôi kéo linh hồn vào cái bẫy chết người. Nỗi đam mê thường che giấu chính nó để không bị phát hiện. Nó sẽ len lỏi vào trái tim một cách vô cảm và ngụy trang để đi vào mà không ai biết. Người không chú ý đến cách tiếp cận của nó sẽ cho nó thời gian để nó tự củng cố hoặc không dựng được một hàng rào đủ mạnh để chống lại sự tấn công của nó.

Ngược lại, ai đang tập luyện trong cuộc chiến tâm linh và ý thức được sự nguy hiểm của những cám dỗ mới hoặc của việc nhượng bộ những cám dỗ nhỏ nhất, thì luôn cảnh giác để phát hiện ra những chuyển động nhỏ nhất của lòng mình. Họ xem xét bản chất của cảm xúc của mình, và ngay khi nhận ra kẻ thù thì họ thách thức nó và tự bảo vệ mình.

Sự cảnh giác này là bức tường thành bảo đảm chống lại những cám dỗ, dù từ bên ngoài hay từ bên trong. Với điều đó, không thể có bất ngờ, và kẻ thù thấy quân đồn trú đã được chuẩn bị sẵn ở mọi điểm.

Trong thời gian an bình và yên tĩnh, sự đề phòng được coi là không cần thiết. Nhưng trong thời gian chiến tranh hay giữa cơn bão tố, chúng ta phải cảnh giác để khỏi đắm tàu hoặc thất bại. Do đó, tần suất cám dỗ sinh ra sự cảnh giác, sự cảnh giác tạo nên sự kết hợp chặt chẽ hơn với Chúa, từ sự kết hợp này nảy sinh sự ngoan ngoãn trước những linh hứng của Chúa Thánh Thần, và sự ngoan ngoãn dẫn chúng ta đến con đường hoàn thiện.

PJ MICHEL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

  

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …