Home / Chia Sẻ / TÌM MỘT LỐI ĐI

TÌM MỘT LỐI ĐI

TimmotloidiPhụng vụ của mỗi Chúa nhật Phục sinh diễn tả một khía cạnh về sứ mạng của Chúa Giêsu: Chúa nhật thứ nhất, chúng ta cùng với Giáo Hội khẳng định: Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết.  Chúa nhật thứ hai, Chúa phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta, mặc dù chúng ta không thấy Người.  Chúa nhật thứ ba, Đấng Phục sinh đang đồng hành để khơi lên niềm hy vọng nơi những người bi quan, chán chường, cụ thể là hai môn đệ trên đường Emmaus.  Chúa nhật thứ bốn, Đấng Phục sinh đang hướng dẫn chúng ta như một mục tử, để đưa chúng ta đến bến bờ của hạnh phúc.  Chúa nhật hôm nay, tức là Chúa nhật thứ năm, Đức Giêsu là Đường, là Sự thật và là Sự sống.

Đường, Sự thật, Sự sống.  Đó là ba yếu tố quan trọng làm nên căn bản của cuộc sống con người.  Ai trong chúng ta cũng phải tìm cho mình một lối đi.  Đó là định hướng cho một đời người.  Ai trong chúng ta cũng phải sống theo sự thật, vì sự thật giải phóng con người và làm cho con người trở nên quang minh chính đại.  Đi ngược lại với sự thật là sự dối trá mưu mô.  Ai trong chúng ta cũng cần đến sự sống.  Không chỉ sự sống phần xác mà còn sự sống thiêng liêng.  Nhờ sự sống thiêng liêng mà chúng ta có tình yêu, hạnh phúc trong cuộc đời.  Như thế, Đường, Sự thật và Sự sống làm nên vẻ đẹp của cuộc sống chúng ta và làm cho cuộc đời này có ý nghĩa.

“Thầy là Đường.”  Trong lịch sử cũng như trong hiện tại, chưa có ai tuyên bố tự tin như thế.  Hình ảnh con đường mang rất nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống chúng ta.

Mỗi người, khi bắt đầu biết suy nghĩ, thì đã lo chọn cho mình một con đường, tức là một định hướng cho tương lai.  Đó là định hướng về nghề nghiệp, về tình yêu, về phong cách sống, về nơi ăn chốn ở, về các mối quan hệ.  Khi xác định được một con đường, họ cứ thế mà bước theo.  Những chuyên viên tâm lý kết luận rằng, ở độ tuổi từ 25 đến 30 là lúc một người trẻ phải xác định được hướng đi cho tương lai cuộc đời.  Nếu ở tuổi 30, tức tuổi “tam thập nhi lập” mà không trả lời được hỏi: đâu là định hướng tương lai của đời bạn thì người đó khó mà có một tương lai tốt đẹp.  Người ở tuổi 30 mà không chủ động chọn cho mình một định hướng, thì sẽ rơi vào lối mòn, bỏ mặc cho cuộc sống đưa đẩy về một tương lai vô định.

Con đường nào cũng có một đích điểm.  Con đường Giêsu dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.  “Lòng anh em đừng xao xuyến.  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thày…. thày đi để dọn chỗ cho anh em.”  Chúa Giêsu đã “đến đích” của con đường, tức là đến với Chúa Cha.  Người đi trước để dọn chỗ cho chúng ta trong nhà Cha trên trời.  Đích điểm của con đường này, cũng là đích điểm của cuộc đời người tín hữu, đó là hạnh phúc viên mãn nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.

Con đường nào cũng nhiều thử thách gian nan.  Người đi trên con đường có tên Giêsu phải chấp nhận qua cửa hẹp.  Quả vậy, cửa rộng thênh thang thì dẫn tới hư hỏng.  Chẳng có chiến thắng nào mà lại không trải qua đau khổ.  Chẳng có vành nguyệt quế nào mà không qua tập luyện dày công.  Con đường Giêsu cũng là con đường thập giá.  Tuy vậy, thập giá không phải là chặng cuối của con đường.  Chặng cuối của con đường là Phục sinh.  Đi trên con đường Giêsu là chấp nhận những đề nghị của Người với xác tín “qua thập giá tới phục sinh, qua đau khổ tới hạnh phúc.”  Trong hành trình theo Chúa, có những khó khăn, hạn chế và ràng buộc.  Tuy vậy, như “lửa thử vàng, gian nan thử đức,” những ràng buộc ấy giúp con người trưởng thành và tôi luyện để kiên trung vững vàng hơn.

Trong một cuộc hành trình, người bi quan chỉ nhận ra những vất vả gian nan; người lạc quan lại cảm nhận hạnh phúc dâng trào, vì mỗi bước đi là đang thu ngắn khoảng cách và gần tới đích.  Hành trình theo Chúa cũng là hành trình Đức tin và hành trình cuộc đời.  Chúa Phục sinh đang đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình này.  Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus đã minh chứng cho chúng ta: vào lúc bi quan chán nản và đau thương nhất, Chúa đến để cùng đi và nâng đỡ chúng ta.  Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy nhận ra Đức Giêsu là lý tưởng của chúng ta.  Như viên đá bị thợ xây loại bỏ, Chúa Giêsu đã trở nên đá góc tường, là phiến đá đã chịu lực, đỡ nâng tòa nhà và bảo đảm cho sự vững chắc của tòa nhà ấy.  Vì thế, hãy nhận ra vinh dự tuyệt vời mà Chúa ban cho chúng ta qua Bí tích Thanh tẩy.  Bởi lẽ nhờ Bí tích này mà chúng ta được gọi là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa.  Những khái niệm này thật lớn lao vĩ đại, làm cho chúng ta – những con người trần mắt thịt – trở nên như những thần linh (Bài đọc II).

Nhờ sự hiện diện của Đấng Phục sinh, số người tin Chúa không ngừng tăng trưởng.  Giáo Hội từ thời sơ khai ấy cho đến hôm nay, vẫn đang cố gắng thể hiện hình ảnh của Đấng Phục sinh giữa đời (Bài đọc I).  Không chỉ bảy người được trao sứ vụ phục vụ bàn (sau này được gọi là Phó tế), nhưng mỗi tín hữu đều được trao vinh dự loan báo Đức Giêsu.

“Lòng anh em đừng xao xuyến.”  Chúa nói với chúng ta như thế, trong lúc chúng ta đang hoang mang hoảng sợ vì đại dịch COVID-19.  Quả thật, nếu vững tin vào Chúa thì còn có gì làm chúng ta lo sợ.  Hãy vững tin vào Chúa.  Hãy tìm một lối đi dẫn đưa tới bến bờ hạnh phúc.  Lối đi ấy có tên là Giêsu.  Người là  Đấng Cứu độ chúng ta.

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …