Home / Chia Sẻ / CHUYỆN SINH SỐNG

CHUYỆN SINH SỐNG

ChuyensinhsongThánh Cả Chuyên Cần Trong Lao Động

Chính Nhân Nhiệt Huyết Với Thánh Gia

Một ngày mùa Hạ, trên cánh đồng nọ có con Châu Chấu vừa nhảy nhót vừa ca hát. Đi ngang qua là con Kiến mệt nhọc kéo lê một mẩu bắp về tổ. Thấy vậy, Châu Chấu nói với Kiến: “Lại đây nói chuyện cho vui. Sao mà cứ phải lao động cật lực vất vả như vậy?” Kiến trả lời: “Tôi đang cố gắng tìm và tích trữ lương thực cho mùa Đông sắp đến. Tôi nghĩ anh cũng nên làm như vậy.” Châu Chấu cười khẩy: “Sao lại phải bận tâm đến mùa Đông làm gì? Bây giờ chúng ta đang có thức ăn thừa mứa kia mà!” Nghe vậy nhưng Kiến vẫn tiếp tục làm việc.

Theo quy luật thiên nhiên, rồi mùa Đông cũng đến. Châu Chấu chẳng còn gì để ăn và cảm thấy sắp chết vì đói. Nó thấy Kiến đang đứng bán bắp và ngũ cốc đã thu gom được trong những ngày mùa Hạ. Bấy giờ Châu Chấu mới nhận ra điều cần thiết: Phải chuẩn bị sẵn sàng cho những ngày mình cần dùng. Cái gì cũng phải chuẩn bị.

Ngụ ngôn “Châu Chấu và Con Kiến” là bài học quý giá không chỉ về lao động mà còn về sự chuẩn bị. Người ta cũng có câu nói mang tính thực tế: “Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ.” Thánh Phaolô đã nói thẳng, không úp mở, không tránh né: “Ai không chịu làm việc thì cũng đừng có ăn.” (2 Tx 3:10) Chúa Giêsu xác định: “Cha tôi vẫn làm việc thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5:17) Ngài muốn đề cao sự lao động, đồng thời cũng xác nhận giá trị của công việc. Lao động là điều cần thiết, dù là lao động chân tay hay trí óc.

Trước tiên, lao động là để sinh sống, để sống còn. Đức Thánh Giuse là Dưỡng Phụ của Đấng Cứu Thế và Phu Quân của Đức Maria – một Gia Trưởng mẫu mực, nhưng Ngài mưu sinh bằng công việc bình thường là làm thợ mộc. Nghề mộc bình thường nhưng không tầm thường, rất cao quý. Thật vậy, không ai lại không sử dụng các sản phẩm của thợ mộc. Người Việt gọi những ai làm nghề mộc là “bác thợ mộc” với lòng tôn trọng.

Thật chí lý khi Việt ngữ nói là nghề nghiệp – cái “nghề” là cái “nghiệp” mà. Có khi người ta chọn được cái nghề mình yêu thích, có khi người ta không chọn nghề nhưng vẫn làm công việc đó – gọi là cái “nghiệp.” Cái “nghiệp” là cái “chướng” – gọi là “nghiệp chướng.” Dù là Nghề, Nghiệp hay Chướng, người ta vẫn phải có niềm đam mê, nhờ đó mới có thể thành công. Theo quan niệm Công giáo, đam mê đó là lòng yêu mến – một trong ba nhân đức đối thần cao quý nhất, tồn tại cả đời này và đời sau. (x. 1 Cr 13:13) Thánh Phaolô nói: “Trên hết mọi đức tính, anh em PHẢI có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3:14-15) Làm việc bác ái là lao động tâm linh, và là “nghiệp chung” của mọi người.

Phải làm thế nào và vì ai? Thánh Phaolô cho biết: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm, hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (Cl 3:17) Cần cảnh giác làm từ thiện có ý “quảng cáo” hoặc đề cao mình, sáng danh mình hơn sáng danh Chúa. Hãy noi gương Thánh Vịnh gia mà cầu nguyện: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ.” (Tv 113B:1) Thật không dễ chút nào để có thể thực sự ước muốn như vậy, nhưng chắc chắn đó là cách hoạt động phù hợp với ý Chúa muốn!

Phải được chấn chỉnh ngay cách hoạt động bác ái lệch lạc, càng sớm càng tốt, kẻo trước là nguy hiểm cho mình, sau là có liên đới người khác. Đây là tâm tình chúng ta cần lồng vào cách lao động hằng ngày: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người.” (Cl 3:23-24) Lao động có giá trị cao, càng cao hơn nữa nếu làm thực sự vì yêu mến Thiên Chúa, cho danh Ngài cả sáng. Công việc dù lớn hay nhỏ, cái “ý chỉ” vẫn quan trọng hơn, như Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng chia sẻ: “Nhặt một cây kim vì yêu mến Chúa thì cũng có thể cứu được một linh hồn.”

Giá trị lao động không lệ thuộc bởi công to hay việc nhỏ, mà bởi cách làm: Công việc bình thường nhưng được làm một cách phi thường. Trong cuộc sống, ai cũng phải làm việc – với cách thức và mức độ khác nhau. Thiên Chúa còn làm việc không ngừng thì phàm nhân không thể lười biếng, thụ động. Từ lúc tạo thiên lập địa cho tới tận thế, Thiên Chúa vẫn lao động không ngừng. Thụ tạo không thể không lao động – dù bằng cách nào. Thời gian là của Thiên Chúa, nhưng chúng ta được Ngài trao quyền quản lý thời gian riêng của mình.

Thánh Vịnh gia cho biết: “Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành, Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Chúa bắt phàm nhân trở về cát bụi, Ngài phán bảo: ‘Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!’ Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90:2-4) Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thời gian vừa dài vừa ngắn, trẻ thấy dài, già thấy ngắn. Dài như thế kỷ cũng chỉ như bóng câu qua cửa sổ. Đời người chẳng là bao, chỉ khoảng “60 năm cuộc đời” (NS Y Vân, 1933-1992) mà thôi.

Như chúng ta biết, cứ 20 năm là một thế hệ, là một “khoảng” đời, ba khoảng ấy trôi qua mau lắm – và rồi vẫn thấy mình chẳng làm nên trò trống gì ở đời này. Thánh Vịnh gia cảm nghiệm rất sâu sắc nên đã thành tâm và thiết tha cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan. Lạy Chúa, xin trở lại! Ngài đợi đến bao giờ? Xin chạnh lòng thương xót những tôi tớ Ngài đây. Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” (Tv 90:12-14)

Cuộc đời dài hay ngắn thì con người vẫn phải miệt mài làm việc, khi thời gian cho phép – dù ngày hay đêm. Cực lắm, nhưng có điều chắc chắn: lao động là bổn phận của chúng ta, kết quả do Thiên Chúa quyết định: “Ước gì chúng con là tôi tớ Chúa được thấy công trình Ngài thực hiện, và con cháu chúng con được thấy vinh hiển Ngài. Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:16-17)

Dù làm việc gì thì ai cũng muốn thành công, nhưng thành công hay thất bại thì chúng ta vẫn phải tâm niệm theo phận người tôi trung của Thiên Chúa: “Chúc tụng Chúa trong mọi ngày, Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ chúng ta, Người vác lấy gánh nặng của chúng ta.” (Tv 68:20) Điều cần nhớ: Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa. (Hc 11:14) Mình muốn mà Chúa không muốn thì cũng không thể thay đổi được gì. Cách nghĩ cũng quan trọng, vì cách nghĩ có thể cho thấy một người nhạy bén hoặc ngớ ngẩn, thông minh hoặc chậm hiểu,…

Trình thuật Mt 13:54-58 nói về định kiến và óc hẹp hòi của những người cùng quê. Thánh Mátthêu cho biết: Một hôm, Chúa Giêsu về quê và giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, cách nói của Ngài khiến họ sửng sốt, nhưng họ không muốn tin đó là sự thật mặc dù mắt thấy và tai nghe, rồi họ xầm xì với nhau: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Đúng là đầu óc thiển cận, đầu to như trái dừa mà óc nhỏ như trái nho!

Kinh nghiệm sống cho thấy rằng chỉ có người giỏi mới khả dĩ chân nhận cái giỏi của người khác. Ở đâu cũng có nhân tài, người giỏi vẫn có thể xuất xứ từ một gia đình bình thường nhất hoặc từ một miền quê hẻo lánh. Vấn đề giỏi hay dở là cái đầu của họ. Nhưng cuộc sống có một thực tế phũ phàng: dốt nát thì bị khinh, thông minh thì bị ghét. Mà ai có làm được gì hơn họ một chút thì họ cũng không muốn tin là thật. Tình trạng này càng thấy rõ ở những người cùng quê hương, cùng xứ sở, cùng dòng họ, cùng xóm làng. Ngày nay mà người ta vẫn chưa thoát khỏi “nếp nghĩ” đó.

Dân làng Nadarét vấp ngã vì Chúa Giêsu, người cùng quê với họ. Tại sao? Chỉ vì đầu óc hẹp hòi và lối suy nghĩ thiển cận. Chúa Giêsu phải nói thẳng với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Xót xa và phũ phàng quá! Chính Chúa Giêsu cũng không làm nhiều phép lạ tại đó, chỉ vì họ không tin. Ngài bị chê vì cho rằng Ngài chỉ là con Bác thợ mộc Giuse thì không thể là nhân tài, là người xuất chúng. Do đó, nếu bạn làm được điều gì khác người và hơn người mà người ta không muốn công nhận thì cũng đừng buồn. Chúa Giêsu còn bị từ chối thì chúng ta chẳng là gì đâu. Cứ là chính mình và cứ vui sống.

Đức Thánh Giuse là Bác Thợ Mộc vĩ đại, ngài không chỉ tận tụy sửa chữa các dụng cụ mà còn tận tình sửa chữa tâm hồn của những ai khiêm nhường nhờ ngài sửa chữa. Ngài nêu gương lao động, vì lao động là thể hiện bản lĩnh, là trưởng thành, là tự lập, không chỉ tự giúp mình mà còn giúp người khác. Cái gì SAI là SAI, không thể ĐÚNG, mặc dù nhiều người vẫn làm điều sai đó; cái gì ĐÚNG là ĐÚNG, không thể SAI, mặc dù nhiều người không làm điều đúng đó. Sự thật mãi mãi là sự thật.

Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài quan phòng mọi điều, dù có những lúc chúng con cảm thấy không như ý. Xin biến đổi, giúp quên mình, dấn thân, sống tích cực, mau mắn tuân phục Ý Ngài như Đức Giuse. Lạy Thánh Giuse, xin nâng đỡ những ai trong cơn nguy tử, và xin nguyện giúp cầu thay cho mọi người. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU


Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …